Ngày 21 tháng 2, 2021 – Chúa Nhật 1 MC

Lm. Edward Linton, O.S.B.

 

Bài đọc: Kn 9: 8-15 • Tv 25: 4-5, 6-7, 8-9 • 1Pr 3: 18-22 • Mc 1: 12-15 

bible.usccb.org/bible/readings/022121.cfm

 

Cách đây vài năm, trong giáo xứ của tôi có đôi anh chị đã kết hôn dân sự từ nhiều năm, nay đến xin giáo xứ hợp thức hóa hôn nhân và chúc hôn cho họ. Để làm việc này, hai người phải chứng minh cả hai đã được rửa tội. Không lâu sau, người đàn ông đã cung cấp đầy đủ giấy chứng nhận Rửa tội do giáo xứ nơi anh đã được rửa tội khi còn là trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, người phụ nữ thì không dễ dàng xác định được hồ sơ rửa tội ở tại đâu. Cô xin giấy chứng nhận rửa tội tại nhà thờ mà cô tham dự khi còn nhỏ cô nghe nói rằng mình đã được rửa tội ở đy. Tuy nhiên, người ta vẫn không thể tìm thấy hồ sơ. Cô đến các giáo xứ quanh vùng để tìm kiếm. Nhưng chẳng giáo xứ nào tìm thấy được hồ sơ rửa tội của cô nằm ở đâu.

Điều này khiến cô rơi vào tâm trạng chán nản. Tôi quả quyết với cô ấy rằng nếu người trong gia đình biết cô đã chịu chịu phép rửa thì có thể viết một thư chứng nhận cô đã thực sự được rửa tội. Nhưng cô vẫn còn bối rối lo lắng. Cô giải thích với tôi rằng tuổi thơ của cô không hề êm ả. Cha mẹ cô hay gây gổ với nhau. Bản thân cô cũng phải chịu đựng nhiều tình cảm bạc đãi. Cô luôn cảm thấy bí tích rửa tội là món quà duy nhất mà cha mẹ cô đã tặng và đó là điều đẹp nhất họ có thể làm cho cô. Phép rửa luôn là lời nhắc nhở rằng dù cha mẹ cô phạm lỗi lầm, nhưng họ rất yêu thương và muốn cho cô món quà niềm tin vào Thiên Chúa, món quà quý giá nhất mà họ đã ban tặng cho cô. Thực vậy, điều khiến cô vô cùng đau khổ là dường như không có giấy tờ nào ghi chép về món quà tặng này.

 Hôm nay, trong bài đọc trích sách Sáng thế chúng ta vừa nghe, Thiên Chúa đã lập một giao ước với dân Người. Thiên Chúa đặt cầu vồng trên bầu trời để luôn lưu giữ giao ước đó. Qua giao ước này, Thiên Chúa đã hứa sẽ không bao giờ dùng đại lụt để tiêu diệt mọi thụ tạo nữa. Giao ước này không chỉ dành cho Nô-ê và gia đình của ông là những người sống sót trên tàu, mà còn dành cho tất cả các thế hệ con cháu của ông. Giao ước này cũng dành cho tất cả các loài động vật trên tàu và tất cả dòng dõi của chúng. Giao ước này đánh dấu sự khởi đầu mới giữa Thiên Chúa và nhân loại. Thật vậy, nó đánh dấu một sự khởi đầu mới giữa Thiên Chúa và mọi tạo vật của Người. Quả thực, để đánh dấu giao ước này, Thiên Chúa đã đặt một cầu vồng trên bầu trời. Cầu vồng nhằm nhắc nhở Thiên Chúa về giao ước Người đã lập với dân Người. Nó cũng nhằm gợi lên niềm hy vọng cho tất cả mọi người ở mọi thế hệ, khi họ nhìn lên cầu vồng. Nó nhằm nhắc nhở con người rằng chúng ta thực sự là thụ tạo mới của Thiên Chúa.

Phép Rửa nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta thuộc về cuộc tạo dựng mới của Thiên Chúa. Phép Rửa là một dấu chỉ hữu hình cho thấy chúng ta đã mặc lấy Đức Kitô và chúng ta đã trở thành chi thể trong nhiệm thể của Đức Kitô. Phép Rửa là sự kiện làm cho cuộc sống được tràn đầy hy vọng và lời hứa sẽ trở nên thụ tạo mới của Thiên Chúa.

Ngay từ những ngày đầu của Giáo hội, câu chuyện ông Nô-ê đã được hiểu là hình bóng báo trước bí tích Rửa tội. Thật vậy, Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo (1094) dạy rằng mầu nhiệm Chúa Kitô tiềm ẩn trong Cựu ước. Khi chúng ta đọc Cựu Ước với con mắt đức tin, chúng ta thấy Chúa Kitô và các bí tích của Người được mặc khải. Giáo Lý dạy: “Nhờ đã biết Chúa Ki-tô và nhờ Thánh Thần Chân Lý soi sáng, chúng ta hiểu được những điều còn là hình bóng trong Cựu Ước. Do đó, câu chuyện con tàu của Nô-ê trong trận lụt được cho là tiên báo về dòng nước của Phép Rửa đã làm cho ta trở thành một tạo vật mới. Cũng như Thiên Chúa đã cứu Nô-ê và gia đình ông nhờ nước lụt, thì Thiên Chúa cũng cứu độ chúng ta nhờ nước Rửa tội.

Sau nước lụt và nước Rửa tội, Thiên Chúa thiết lập một giao ước đặc biệt với chúng ta. Nhờ giao ước mới của Phép Rửa này, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Chúng ta trở thành chi thể trong thân thể Đức Kitô. Nhờ ân sủng từ Phép rửa, chúng ta tin vào Thiên Chúa; hy vọng vào Thiên Chúa; và yêu mến Thiên Chúa. Bí tích Thánh Tẩy ban cho chúng ta sức mạnh để sống và hành động dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Ân sủng giúp đời sống chúng ta triển nở thánh thiện. Nói tóm lại: chúng ta trở thành một tạo vật mới nhờ Bí tích Thánh Tẩy! Phép Rửa là một biến cố quan trọng trong đời, đến nỗi nhiều người nhớ ngày Rửa Tội như họ nhớ ngày sinh nhật của mình vậy!

Từ khi lãnh nhận Phép Rửa để trở thành thụ tạo mới của Thiên Chúa, không phải lúc nào chúng ta cũng làm được những việc thiện hảo. Nhưng chúng ta phạm sai lầm. Chúng ta có sa ngã. Chúng ta có phạm tội.  Nhưng không vì thế mà Thiên Chúa phá bỏ giao ước mà Ngài đã thiết lập với chúng ta. Chúng ta vẫn là con cái của Người. Chúng ta vẫn là một chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô. Chúng ta vẫn còn ân sủng để tin vào Chúa; hy vọng vào Chúa; và yêu mến Chúa, ngay cả sau khi chúng ta đã phạm tội. Chúa không bao giờ từ bỏ chúng ta. Qua bài đọc thứ hai trích thư thánh Phêrô, chúng ta được biết rằng ngay cả “thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã phục sinh. Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm, những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa” (1 Pr 3:19). Thiên Chúa không bao giờ ngừng và không mệt mỏi kêu gọi chúng ta trở về làm thụ tạo mới của Người. Không có gì lấy đi được niềm hy vọng lớn lao của chúng ta vào Thiên Chúa.

Người phụ nữ tôi đã nhắc tới trước đây đã không thể tìm thấy hồ sơ rửa tội, nhưng rốt cuộc cô cũng tìm được. Sau khi tìm thấy, cô ấy nói với tôi rằng đã nhìn thấy cầu vồng trên bầu trời. Cô nhớ câu chuyện ông Nô-ê và cô nhớ lời Chúa hứa. Món quà đức tin mà cô nhận được từ cha mẹ, những người yêu thương cô hết mình, đã làm thay đổi đời cô.  Điều đó nhắc cô nhớ rằng Thiên Chúa không bao giờ xa rời cô.

Phép Rửa là một biến cố làm cho cuộc sống tràn trề hy vọng và lời hứa được trở nên thụ tạo mới của Thiên Chúa. Phép Rửa nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là một phần trong cuộc tạo dựng mới của Thiên Chúa.

Tin mừng của các bài đọc hôm nay là chúng ta thuộc về cuộc tạo dựng mới của Thiên Chúa. Tin mừng là Thiên Chúa đã hứa và Người trung tín giữ lời. Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta lại gần bên Người.

 

Nguồn: The Homiletic & Pastoral Review - (hprweb.com)

Chuyển ngữ: JB. Đào Ngọc Điệp


Suy Niệm Lời Chúa Năm B