Chúa Nhật IV MC – Ngày 14 tháng 3, 2021

Lm. Matthew Monnig, SJ.

Bài đọc: 2Sb 36:14–16, 19–23 • Tv 137:1–2, 3, 4–5, 6 • Ep 2:4–10 • Ga 3:14–21 

bible.usccb.org/bible/readings/031421-YearB.cfm

 

Khi còn dạy Kinh Thánh cho các nam học sinh trung học, tôi luôn đặt cho các em một câu hỏi để lấy điểm thưởng trong một bài kiểm tra đầu tiên, đó là câu hỏi: Câu Kinh thánh nào bạn yêu thích? Tôi nhận ra rằng mình không thể đánh giá về lòng mộ đạo của các học sinh, và vì vậy để lấy điểm, các học sinh chỉ cần đưa cho tôi bất kỳ câu nào trong Kinh thánh, nhưng thực ra tôi chỉ muốn chú ý đến vài lời thôi. Hầu hết các học sinh không nhận được điểm thưởng này. Nhưng vào cuối năm, tôi lập lại câu hỏi và yêu cầu các em viết một bài luận cho biết lý do. Đa số luôn chọn câu Gioan 3:16: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Nhà lãnh đạo Tin Lành Luther đã sai lầm về nhiều điều, nhưng lại đúng khi gọi đây là “Phúc Âm thu nhỏ”. Nó thể hiện dưới dạng trực tiếp Tin Mừng về tình yêu Thiên Chúa yêu thương chúng ta được bày tỏ nơi Chúa Giêsu và lòng thương xót của Người đối với tội lỗi của chúng ta.

Hôm nay được gọi là Chủ nhật “Hãy Vui Lên” (Laetare), một từ ngữ tiếng Latinh mở đầu trong bài ca nhập lễ, có nghĩa là "Hãy vui lên!" Điều đó được phản ánh trong lễ phục màu hồng của chủ tế và trong các bài đọc hôm nay, đặc biệt là “Phúc âm thu nhỏ” này. Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô thực sự là căn nguyên của mọi niềm vui. Một yếu tố quan trọng của Mùa Chay mà chúng ta bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro với lời khuyên được trích từ bài giảng đầu tiên của chính Chúa Giêsu, đó là “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1: 15). Bên cạnh sám hối, việc đào sâu niềm tin vào Tin Mừng là yếu tố cốt lõi để chúng ta tuân giữ Mùa Chay. Trên thực tế, hai yếu tố này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, bởi Tin Mừng chính nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa do Chúa Giêsu Kitô mang lại lòng sám hối và đức tin của chúng ta dẫn chúng ta đến sự sống đời đời.

Tuy nhiên, Tin Mừng về lòng thương xót đòi hỏi chúng ta phải nhận thức tội lỗi mình, và đó là điểm bài đọc thứ nhất muốn chúng ta bắt đầu. Bài đọc thứ nhất nói về sự gian ác của dân Is-ra-en dẫn đến việc họ bị lưu đày ở Ba-by-lon. Đó là một bức tranh tồi tệ: những kẻ ngoại đạo và thù ghét làm ô uế Đền Thờ của Chúa và nhạo báng các sứ giả của Người. Những điều đó dẫn đến việc phá hủy Đền Thờ, Is-ra-en bại trận với nhiều người bị chết và cuối cùng mất luôn Thánh Địa. Nhưng trong khi dân Chúa đã bất trung thì Thiên Chúa vẫn trung tín vẫn giữ trọn lời hứa của Người. Thay vào đó, lòng thương xót của Người được thể hiện qua ông vua ngoại giáo là Ky-rô, kẻ đã phục hồi Thánh Địa cho Is-ra-en và giúp xây dựng lại Đền Thờ.

Kinh nghiệm lưu đày này vừa là hậu quả của tội lỗi vừa là biểu hiện mạnh mẽ bản chất của tội lỗi. Tội lỗi chia cách. Nó chia cách dân Is-ra-en với Thiên Chúa của họ và với miền đất Người đã ban cho họ. Tội lỗi cũng chia cách chúng ta với Chúa, chia cách chúng ta với nơi Người muốn ở lại với chúng ta cũng như với nơi Người muốn đưa chúng ta lên thiên đàng. Việc phục hồi Is-ra-en không chỉ cho quê hương của họ, mà còn cho Thiên Chúa của họ qua việc tái thiết Đền Thờ nơi họ gặp gỡ Người. Sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu thường được nhìn qua hình ảnh Xuất Hành: như xưa Thiên Chúa đã lần giải phóng dân Người khỏi ách nô lệ và đưa họ vào đất hứa thế nào, thì nay Người lại giải thoát con người khỏi tội lỗi đưa họ vào đất hứa là cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng hình ảnh cuộc hồi hương sau thời lưu đày cũng quan trọng và mạnh mẽ không kém: nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa đưa chúng ta trở về từ kiếp lưu đày, tức tội lỗi ngăn cách chúng ta với Thiên Chúa, và đưa chúng ta vào ngôi nhà đích thực của mình để chúng ta được ở với Người.

Chúa Giêsu sẽ hoàn tất cuộc phục hồi này nhờ thập giá của Người, qua việc Người được giương lên cao để làm nguồn ơn chữa lành và sự sống vĩnh cửu. Người muốn chúng ta được sống chứ không phải chết, như đã được diễn tả rất độc đáo trong một điệp ca thông thường của Mùa Chay: “Chúa đã phán:  ‘Ta lấy mạng sống Ta mà thề:  Ta đâu có muốn cho kẻ dữ phải diệt vong, nhưng là muốn nó bỏ đường tà để được sống’” (Điệp ca mở đầu cho phần Ca vịnh trong kinh Giờ Sáu Mùa Chay, Ed 18: 23). Nhưng Chúa Giêsu nói thêm rằng nhiều người thích bóng tối hơn ánh sáng, tức là họ thích chết hơn sống. Mặc dù điều này nghe có vẻ phi lý, nhưng thực tế đáng buồn là thế giới dạy chúng ta tìm kiếm sự sống trong bóng tối, và bảo ta rằng giàu có, vui thú, tiếng tăm, thành công, kinh nghiệm, sức khỏe và rất nhiều thứ khác trên thế giới sẽ mang lại cho chúng ta hạnh phúc và thành công. Những người chỉ biết bóng tối trở nên quen thuộc với bóng tối, và ngay cả khi bất hạnh và thống khổ thì họ cũng chỉ biết cam phận thôi. Trong các hình thức sa đọa nhất của nhóm này, những người nghiện rượu, ma túy, tình dục và các hành vi hủy hoại khác thường, thích đắm mình trong bóng tối hơn là ánh sáng của tự do.

Tuy nhiên Chúa Giêsu là ánh sáng, là người Con Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta và vì chúng ta, Đấng mong muốn giải thoát tội nhân đang bị lưu đày. Người muốn mang lại ánh sáng cho những người đang sống trong bóng tối. Người muốn mang lại sự sống cho những người đang bị hủy diệt. Đây là tin vui, là Phúc Âm thu nhỏ, rằng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Tin vui ấy là lý do để chúng ta vui mừng giữa những cố gắng sống Mùa Chay nhờ sám hối và tin vào Phúc Âm.

 

Nguồn: The Homiletic & Pastoral Review – (hprweb.com)

Chuyển ngữ: JB Đào Ngọc Điệp

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B