Chúa Nhật IV Mùa Thường Niên – January 31, 2021

Phó tế: Peter Trahan

 

Các bài đọc: Dt 18:15-20 Ps 95:1-2, 6-7, 7-9 1 Cr 7:32-35 Mk 1:21-28

bible.usccb.org/bible/readings/013121.cfm

 

Câu nói của thánh Augustinô thường được trích dẫn: "Tân Ước tiềm ẩn trong Cựu Ước, và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước."  Tìm chủ đề cho các bài đọc chúng ta suy niệm hôm nay, thiết nghĩ đó phải là ý niệm về lời tiên tri. Các bài đọc này làm nổi bật mối liên hệ giữa lời tiên tri và sự ứng nghiệm về Đức Kitô, Đấng Mê-si-a sẽ đến. Khi xem xét những liên hệ này, chúng ta phải suy xét làm sao không ai nhận ra được sự ứng nghiệm về Đức Kitô trong các sách Phúc âm.

Chúng ta hãy bắt đầu với cuộc đối thoại giữa Môi-sen và Thiên Chúa về sứ điệp ông Môi-sen phải truyền lại cho dân Is-ra-en.

Môi-sen: “Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em. Anh em hãy nghe vị ấy". (Đệ nhị luật 18: 15)

Thiên Chúa: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy". (Đnl 18: 18)

Ở đây có ba mối liên hệ (không có trong các bài đọc của ngày hôm nay). Một là lời nhắc lại trong Thánh Vịnh 80; thứ hai, tiếng nói của Chúa Cha lúc Chúa Giêsu Biến Hình [trên núi Taborê]; sau cùng là lúc Chúa Giêsu ban mệnh lệnh trọng đại cho các Tông Đồ ở cuối Phúc âm Mát-thêu.

“Xin giơ tay bênh vực Đấng đang ngồi bên hữu

Là con người được Chúa ban sức mạnh.

Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu,

Cúi xin Ngài ban cho được sống,

Để chúng con xưng tụng danh Ngài”. (Tv 80: 18-19)

Rồi từ trong đám mây có tiếng nói: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người". (Lc 9: 35)

“Thầy được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ… Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”. (Mt 28, 17b, 19a, 20a)

Những liên hệ kể trên là lời tiên tri chính yếu nói về căn tính và sứ mệnh của Đức Kitô. Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn mọi người phải nghe lời Người, đó điều liên hệ trực tiếp với sứ điệp của Môi-sen, và mọi sự Chúa Cha truyền cho Người thì Người truyền lại cho các môn đệ Người.

Nếu hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các ngươi đừng cứng lòng. Trong Thánh Vịnh 95, đây là một lời cảnh báo, rằng khi các bạn thấy ứng nghiệm các lời tiên tri ấy, thì hãy nhận biết chúng bởi chúng chân thực. Đó là lời cảnh báo, đại loại từ các tác giả Thánh Vịnh cho đến các tín hữu, xưa cũng như nay vậy.

Tương tự như thế, lời Thánh Phao-lô khuyên nhủ tín hữu Cô-rin-tô là một lời cảnh tỉnh họ hãy nhận biết những thời điểm họ đang sống, tức là thời cứu độ. Chính vì “lợi ích của chính họ” nên họ không được thờ ơ hoặc không nhận ra được thời cứu độ ấy.

Trong một bối cảnh khác là “Bài ca chúc tụng của Da-ca-ri-a” (Canticle of Zechariah):

“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa của Is-ra-en, đã viếng thăm cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Đa-vít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta”. (Lc 1: 68-69)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, một cách gián tiếp người ta có thể nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.

Khi ấy Đức Giêsu và các môn đệ đến Ca-phác-na-um, rồi ngày sa-bát Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy. [Mc 1:21]

Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. Rồi sau khi Người trừ quỷ, dân chúng hỏi: "Thế nghĩa là gì ? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền." (Mc 1: 27) Ở đây, Chúa Giêsu đang thi hành hai loại quyền bính, dù cùng do một nguồn gốc: quyền giảng dạy tức là quyền của chân lý lãnh nhận từ Chúa Cha, và quyền năng tức là quyền làm nảy sinh hiệu quả. Quyền năng xua trừ ma quỷ là một trong nhiều “dấu lạ và điềm kỳ”, tức những phép lạ Chúa Giê-su đã thực hiện trong các Phúc âm. Chỉ có quyền năng mới xác định rõ Người là “người được Thiên Chúa tuyển chọn”.

Chính sách Đệ Nhị Luật là sách kể lại các câu chuyện cùng lề luật và là cuốn sách cuối cùng của bộ Ngũ Thư, đã kết thúc với lời than thở như sau: Trong Ít-ra-en, không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Mô-sê, người mà ĐỨC CHÚA biết rõ, mặt giáp mặt” (Đnl 34: 10).

Tuy nhiên trong Phúc âm Lu-ca, sau khi Chúa Giê-su làm phép lạ cho con trai của bà góa thành Na-im sống lại, thì dân chúng lại ca tụng Thiên Chúa rằng: Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.”. (Lc 7: 16)

Rồi cuối cùng, chúng ta hãy xem phần Mở đầu của Phúc âm Gioan (1: 1-18):

“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Và Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta… Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1: 1, 14, 11).

Vậy để kết thúc bài suy niệm này, hoặc cũng có thể gọi là bài tìm hiểu ngắn gọn về lời tiên tri, chúng ta lại nghe lời khẳng định thật đáng buồn trên: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”. Suy gẫm lại mẫu đối thoại giữa Thiên Chúa và Môi-sen, Thiên Chúa nói, "Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng". Mặc dù nhiều người trong “dân riêng của Người” đã nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, tức việc khởi đầu Kitô giáo, nhưng vẫn có nhiều người không nhìn nhận như vậy. Suốt 2000 năm qua, dù Do Thái giáo gần gũi nhất với Kitô giáo (vì họ là những người anh cả của chúng ta), thì vẫn còn hố sâu thẳm ngăn cách chỉ được lấp đầy “vào ngày tận thế” khi Đấng Mê-si-a sẽ đến với dân của Đấng Thiên sai là “dân riêng Người”,sẽ đến trongCuộc Tái Lâmvới dân của Đấng Thiên sai là Giáo Hội.

 

Nguồn: The Homiletic & Pastoral Review (hprweb.com)

Chuyển ngữ: JB. Đào Ngọc Điệp


Suy Niệm Lời Chúa Năm B