CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN

Bí ẩn về Đấng Mê-si-a:  Người này là ai?

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (G 38:1, 8-11;  2 Cr 5:14-17;  Mc 4:35-41)

        Có một điều đặc biệt trong sách Tin Mừng theo thánh Mác-cô, đó là câu hỏi về chân tính của Chúa Giê-su Ki-tô:  Người này là ai?  Chính Chúa Giê-su đã ngăn cấm, không cho những người được Chúa chữa lành nói ra cho người ta biết Chúa là ai.  Trong mười lăm chương sách Tin Mừng, thánh sử Mác-cô tiếp tục thuật lại “lời giảng và các việc làm” của Chúa Giê-su, nhưng vẫn chưa đưa ra câu trả lời “Người này là ai?” cho đến lúc Chúa chết trên thập giá và “Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: Quả thật, người này là Con Thiên Chúa’” (Mác-cô 15:39).  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta biết câu trả lời về chân tính của Chúa Giê-su.  Bài Tin Mừng thuật lại phép lạ Chúa Giê-su truyền cho sóng biển và gió bão phải im lặng.  Quyền năng này đã khiến cho các môn đệ trên thuyền sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau:  “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”  Bài đọc 1 thì trích lời Thiên Chúa trả lời thắc mắc của ông Gióp và cho ông biết Người là Đấng Toàn Năng tạo dựng và kiểm soát vũ trụ này.  Qua đoạn thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô nhấn mạnh đến điểm quan trọng nhất trong sứ mệnh của Chúa Ki-tô:  Người đã chết thay cho mọi người để mọi người được sống sự sống của thọ tạo mới.

 

        1.  Các môn đệ nói với nhau:  Vậy người này là ai?  Sau khi kể lại việc Chúa Giê-su giảng dạy cho dân chúng, hầu hết bằng các dụ ngôn rút ra từ những sinh hoạt hằng ngày để trình bày giáo lý của Người, thánh sử Mác-cô kết thúc ngày làm việc của Chúa với câu chuyện Chúa và các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia Biển Hồ.  Hết một ngày mệt nhọc vì giảng dạy và chữa bệnh cho dân chúng, Chúa Giê-su muốn cùng các môn đệ “sang bờ bên kia” để nghỉ ngơi.  Người lợi dụng thời gian thuyền băng qua Biển Hồ để “ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ”.  Nhưng hồ rộng lớn này cũng là nơi thường xảy ra giông bão bất ngờ vì nó nằm sâu hơn mực nước biển và hứng những trận gió mạnh thổi từ Địa Trung hải vào.  Rồi bỗng cuồng phong nổi lên, các môn đệ phải vất vả chèo chống, nhưng sóng vẫn ập vào thuyền và thuyền đầy nước.  Trước nguy hiểm đang đến, Chúa Giê-su vẫn “ngon giấc” như không có chuyện gì xảy ra.  Còn các môn đệ thì cuống cuồng, đành phải kêu cứu Chúa, nhưng cũng không quên trách móc Người:  “Thầy ơi, chúng ta chết mất.  Thầy chẳng lo gì sao?”  Thật nực cười!  Đối tượng của đức tin là Chúa Giê-su đang hiện diện nơi đây, vậy mà các môn đệ Chúa lại xử sự như không hề có Chúa!  Do đó, Chúa chê các ông nhát đảm và chưa có lòng tin là đúng quá rồi.  Sau đó, để chứng mình Người đang có mặt ở giữa họ, Chúa Giê-su “ngăm đe gió và truyền cho biển” phải im phải lặng.  Thế là lập tức gió tắt biển lặng, chứng tỏ sự hiện diện và uy quyền của Chúa Giê-su.  Uy quyền này chúng ta sẽ gặp thấy như trong bài đọc 1 khi Thiên Chúa nói với ông Gióp về chính Người.  Tuy nhiên câu chuyện chưa kết thúc ở đây, mà ở thái độ phản ứng của các môn đệ Chúa.  Câu chuyện đưa họ tới một thắc mắc vẫn canh cánh bên lòng từ ngày họ đi theo Chúa:  Ông này là ai?  Chúng tôi đang theo ai đây?  Thắc mắc này không phải của riêng các môn đệ đang theo Chúa lúc bấy giờ, nhưng cũng là thắc mắc của tất cả mọi người ở mọi thời và mọi nơi.  Rồi như thánh Mác-cô trình bày trong sách Tin Mừng của ngài, thắc mắc ấy chỉ được giải đáp khi Chúa Giê-su chết treo trên thập giá và danh hiệu Con Thiên Chúa được tuyên xưng từ miệng lưỡi viên sĩ quan ngoại đạo đã chứng kiến cái chết của Người.

        2.  Ngôi Lời là Đấng dựng nên và cai quản vũ trụ.  Phụng vụ Lời Chúa quay lại Cựu Ước để trình bày một hình ảnh khác trả lời cho bí mật về chân tính của Chúa Giê-su.  Đó là qua câu chuyện ông Gióp.  Như chúng ta từng biết, ông Gióp là người công chính đến nỗi Thiên Chúa thách thức cả Xa-tan xem nó có làm mất được lòng tin của ông Gióp vào Thiên Chúa hay không.  Xa-tan được Người cho phép làm mọi cách để lung lạc đức tin của Gióp, nào là khiến ông phải mất hết tài sản, bày đàn súc vật, đầy tớ và cả con trai con gái của ông nữa, cộng thêm bà vợ không hết lời chê trách ông vì ông vẫn tiếp tục tin vào Thiên Chúa.  Giữa mọi đau khổ ấy của ông, mọi người cố tìm lý do tại sao ông Gióp lâm vào tình cảnh đáng thương này.  Họ còn cho rằng vì ông phạm tội nên bị Thiên Chúa trừng phạt, khiến ông cũng phần nào bị lung lạc “giữa cơn bão táp”.  Bởi đó Thiên Chúa đến để củng cố đức tin của ông.  Người cho ông thấy Người là Đấng quyền năng trên vũ trụ và con người.  Thiên Chúa đóng cửa đại dương, giăng mây trên trời, phủ sương mù dưới đất, đặt ranh giới cho biển cả và ngăn lại các đợt sóng cao.  Quả thực, những hình ảnh và tư tưởng về Thiên Chúa trong bài đọc 1 nếu đem áp dụng vào câu chuyện Tin Mừng hôm nay thì thật là thích hợp.  Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho ông Gióp đang khi ông ở giữa cơn bão táp của thử thách đức tin.  Cũng vậy, hôm nay khi thuyền đang gặp giông tố và mạng sống của các môn đệ bị đe dọa, thì Chúa Giê-su đã biểu lộ quyền năng Thiên Chúa của Người để củng cố đức tin của các môn đệ.  Chắc chắn trong cuộc đời mỗi người chúng ta giống như cuộc đời ông Gióp và các môn đệ Chúa Giê-su, chúng ta có những thắc mắc hoặc khủng hoảng đức tin và cần có sự can thiệp của Chúa để Người nâng đỡ đức tin chúng ta.  Người luôn hiện diện trên con thuyền cuộc đời chúng ta để sẵn sàng ngăm đe sóng gió.  Nhưng có lúc Người không ngại cho chúng ta thấy sự nhát đảm và đức tin yếu kém của chúng ta.  Chúa Giê-su là đối tượng của đức tin chúng ta.  Điều này sẽ được thánh Phao-lô đề cập trong bài đọc 2 trích thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô.

        3.  Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người.  Đối với bí mật về chân tính của Chúa Giê-su, thánh Phao-lô chia sẻ với chúng ta suy tư của ngài về hành động cao cả nhất của Chúa Giê-su, đó là cái chết của Chúa trên thập giá.  Viên sĩ quan Rô-ma “nhìn Chúa Giê-su chết trên thập giá”, nên ông đã tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa.  Còn thánh Phao-lô thì “nhìn” bằng cách suy niệm về ý nghĩa cái chết của Chúa.  Đây không phải là cái chết bình thường, nhưng là “chết thay cho mọi người”!  Giá trị và sức mạnh của cái chết này vượt mọi thời gian và không gian, vì nó có thể đem lại sự sống mới cho tất cả những ai tin vào Chúa Giê-su.  Thánh Phao-lô khẳng định rằng ngài không còn nhìn Đức Ki-tô “theo quan điểm loài người” nữa.  Thế nghĩa là gì?  Nếu ta nhìn Chúa Giê-su theo quan điểm loài người, chúng ta sẽ không thể tin được rằng Chúa Giê-su lại sẵn sàng chết thay cho mọi người.  Có mấy ai chịu chết thay cho người khác, nói chi đến chết thay cho mọi người!  Nhưng nếu ta nhìn Chúa Giê-su theo quan điểm của Thiên Chúa, tức là theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, thì ta mới chấp nhận được chân lý “Chúa Ki-tô đã chết thay cho mọi người” để cứu ta khỏi tội lỗi cùng sự chết và cho ta được làm con cái Thiên Chúa.  Do đó, nếu chúng ta “ở trong Đức Ki-tô”, nghĩa là nếu ta tin vào Chúa Ki-tô và tin vào ý nghĩa cái chết của Người, chúng ta sẽ trở thành “thọ tạo mới”.  Như vậy, giáo lý của thánh Phao-lô ở đây cũng dễ hiểu thôi, nhưng ý nghĩa thì vô cùng sâu xa, đồng thời đem lại nguồn an ủi và hy vọng cho chúng ta. 

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Chúng ta được nghe câu chuyện cảm động thánh Mác-cô kể lại việc Chúa Giê-su tỏ ra quyền năng Thiên Chúa của Người.  Chúng ta nhìn nhận như ông Gióp nhìn nhận uy quyền của Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và cai trị toàn thể vũ trụ.  Rồi thánh Phao-lô giúp chúng ta hiểu tại sao Chúa Giê-su đã chết thay cho mọi người và cho chúng ta nữa.  Nhờ thế, chúng ta hiểu được và có thể trả lời cho câu hỏi của các môn đệ Chúa Giê-su:  “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân phục?”  Nhưng hiểu và trả lời là một chuyện, còn sống điều mình hiểu lại là chuyện khác.  Chúng ta hãy xin Chúa củng cố lòng tin yếu kém của chúng ta và cố gắng “biết” Người hơn, tức là kết thân với Chúa Giê-su, để có được mối tương quan mật thiết với Người.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

       

       


Suy Niệm Lời Chúa Năm B