CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN

Được Chúa kêu gọi và sai đi

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Am 7:12-15;  Ep 1:3-14;  Mc 6:7-13)

        Chúng ta đang ở trong thời điểm Chúa Giê-su đào tạo và huấn luyện các môn đệ để trong tương lai họ sẽ tiếp tục sứ mệnh của Người.  Tuần trước, qua Lời Chúa, chúng ta đã suy tư về hình ảnh vị ngôn sứ và chiêm ngưỡng Chúa Giê-su như vị Ngôn Sứ Tối Cao được Chúa Cha sai đến dạy dỗ và chỉ đường cho nhân loại đến với ơn cứu độ.  Hôm nay Phụng vụ Lời Chúa đặc biệt đề cập tới điều kiện tiên quyết để làm ngôn sứ hoặc môn đệ Chúa Ki-tô, đó là họ phải được Chúa kêu gọi và sai đi.  Việc Thiên Chúa kêu gọi A-mốt là một kẻ chăn cừu và chăm sóc cây cối để làm ngôn sứ của Người đã được chính ông giải thích rằng việc đó là tự ý Thiên Chúa khi Người phán với ông:  “Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta” (bài đọc 1).  Trong Tân Ước, thánh Phao-lô lại giải thich sự kiện ngài được Chúa Ki-tô kêu gọi làm tông đồ và được sai đi là do ý muốn của Chúa.  Ngài còn mạnh dạn cho rằng chính Chúa “đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người” (bài đọc 2).  Cuối cùng, Chúa Giê-su đã ban cho các môn đệ những chỉ thị cuối cùng trước khi Người sai họ đi “từng hai người một” để thi hành sứ vụ rao giảng (bài Tin Mừng).  Vậy chúng ta hãy lắng nghe và bước theo Lời Chúa hôm nay.

 

        1.  Thiên Chúa kêu gọi ông A-mốt làm ngôn sứ của Người và sai ông đi tuyên sấm cho Ít-ra-en.  Các ngôn sứ đều là những người được Thiên Chúa kêu gọi, nhưng chúng ta thắc mắc tại sao Phụng vụ Lời Chúa lại chọn biến cố Chúa kêu gọi A-mốt làm ngôn sứ để quảng diễn chủ đề Lời Chúa hôm nay.  Việc Chúa kêu gọi nào cũng đặc biệt cả, nhưng việc gọi A-mốt rất khác thường.  Điều khác thường trước hết là A-mốt chỉ là người chăn cừu tại Tơ-cô-a, một thị trấn phía nam Giê-ru-sa-lem, nên ông không dám tự nhận mình là ngôn sứ hoặc thuộc nhóm ngôn sứ.  Điều khác thường thứ hai, tuy A-mốt là người thuộc vương quốc miền nam, tức nước Giu-đa, nhưng ông lại được Thiên Chúa sai đi tuyên sấm ở Bết-ên cho vương quốc miền bắc là nước Ít-ra-en.  Điều khác thường cuối cùng là A-mốt luôn nghĩ rằng mình bị Thiên Chúa “bắt cóc” để bắt ông làm ngôn sứ.

        Tuy nhiên tất cả những điều khác thường này không làm ông nhụt chí, chán nản hay bỏ cuộc.  Trái lại, dường như ông càng tin tưởng vào Chúa hơn và sẵn sàng “tuyên sấm” toàn những điều chẳng ai muốn nghe.  Trước hết ông nói về án phạt của Thiên Chúa phạt các nước láng giềng và phạt chính nước Ít-ra-en.  Tiếp theo là những lời ông cảnh cáo và đe dọa nước Ít-ra-en vì lối sống đồi trụy của mọi tầng lớp dân chúng.  Nếu họ không sám hối và thay đổi thì Ít-ra-en sẽ bị hủy diệt.  Cuối cùng là các thị kiến của ông về những tai họa sẽ xảy đến cho Ít-ra-en.  Chính vì những điều “gở” và đe dọa do A-mốt tiên báo nên A-mát-gia là tư tế đền thờ Bết-Ên đã vận động với vua Ít-ra-en là Gia-róp-am tống xuất A-mốt ra khỏi nước Ít-ra-en, như chúng ta đọc thấy trong bài đọc 1 hôm nay.

        Câu chuyện ông A-mốt được Chúa gọi làm ngôn sứ cho thấy rõ không ai có thể tự xưng mình là ngôn sứ, nhưng người ấy phải được chính Thiên Chúa kêu gọi.  Tại sao Thiên Chúa lại gọi một anh chăn cừu làm ngôn sứ?  Điều này chúng ta không hiểu được, vì Thiên Chúa có kế hoạch riêng của Người.  Người nhìn thấu tâm can, còn loài người chỉ thấy được bề mặt bên ngoài mà thôi!

 

        2.  Chúa Ki-tô Phục Sinh kêu gọi Phao-lô làm tông đồ dân ngoại.  Câu chuyện Chúa Ki-tô Phục Sinh kêu gọi Phao-lô làm tông đồ của Người đã được chính miệng Phao-lô thuật lại ba lần trong sách Công Vụ Tông Đồ.  Đó là những gì đã xảy ra và được ngài kể lại để giải thích cho những việc ngài đang làm cho Giáo Hội Chúa Ki-tô.  Nhưng trong nhiều bức thư khác, chúng ta thường thấy ngài nói lên những suy tư của mình về việc Chúa kêu gọi ngài và sai ngài đến với anh chị em dân ngoại.  Hôm nay chúng ta đọc thấy trong đoạn thư Ê-phê-xô tâm tư của ngài và ý nghĩa sứ mệnh tông đồ của ngài trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Vậy việc Phao-lô được kêu gọi làm tông đồ mang ý nghĩa gì?  Trước hết ngài trình bày kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Thiên Chúa Cha là Đấng sắp đặt kế hoạch cứu nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết.  Kế hoạch này được thực hiện “trong Đức Giê-su Ki-tô và nhờ Đức Giê-su Ki-tô”, Con Yêu Dấu, Đấng đã đổ máu và chết trên thập giá để chuộc lại tội lỗi nhân loại.  Bởi đó, Chúa Giê-su đã trở thành niềm “hy vọng được cứu độ” cho những ai tin vào “kế hoạch yêu thương Thiên Chúa Cha đã định từ trước trong Đức Ki-tô” (Ep 1:9).  Đó là tóm tắt ý nghĩa của kế hoạch cứu độ.  Riêng đối với thánh Phao-lô, khi suy niệm về kế hoạch này, ngài đã nhận ra chỗ đứng của ngài như sau:  “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người”.  Phao-lô hiểu rằng ngài và các tông đồ khác đã được tham dự vào “cơ nghiệp” (tức là ơn cứu độ) của Thiên Chúa để ban phát cho mọi người.  Nói khác đi, thánh Phao-lô và các tông đồ đã được Thiên Chúa kêu gọi và sai đi chứ không phải tự ý các ngài, để loan báo “Tin Mừng cứu độ” cho dân Do-thái và dân ngoại.  Giống như ngôn sứ A-mốt, thánh Phao-lô cũng coi việc Chúa gọi ngài làm tông đồ và sai ngài đi rao giảng cho dân ngoại chính là “theo quyết định và ý muốn của Người”.  Chúng ta đừng quên rằng ngay lúc được kêu gọi trên đường đi Đa-mát, Phao-lô vẫn đang là người hăng say lùng bắt các Ki-tô hữu!  Như thế, để có thể làm ngôn sứ hay làm tông đồ thì điều kiện tiên quyết là phải được chính Thiên Chúa kêu gọi và sai đi.

 

        3.  Chúa Giê-su bắt đầu sai các tông đồ đi rao giảng.  Chúng ta hãy hình dung khung cảnh Chúa Giê-su đang chuẩn bị cho chuyến truyền giáo đầu tiên của Nhóm Mười Hai.  Mặc dù họ đã học được nơi Chúa những điều cần thiết, như giáo lý, lối sống và phong cách của nhà truyền giáo, nhưng vẫn có những chi tiết chúng ta không ngờ đến phút chót mới được Chúa dặn dò.  Điều đầu tiên chúng ta nên lưu ý là Chúa Giê-su sai các tông đồ vào thế gian là vương quốc của ma quỷ và bóng tối.  Chính Chúa Giê-su đã được Chúa Cha sai xuống trần gian để thực hiện việc đánh bại quyền lực của ma quỷ và tội lỗi.  Người đã so sánh sứ mệnh này với một hành động rất cụ thể:  Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó” (Mc 3:27).  Người mạnh ở đây chính là Xa-tan đang nắm nhân loại trong móng vuốt của nó.  Chúa Giê-su sẽ là Đấng xông vào nhà của Xa-tan để “cướp” lại nhân loại đã bị mất và đem về cho Thiên Chúa!  Người đã lấy cái chết của mình trên thập giá và sự phục sinh để “trói người mạnh ấy”, tức là để chiến thắng tử thần và tội lỗi.  Giờ đây, Người kêu gọi các tông đồ và sai họ vào “nhà người mạnh ấy” để tiếp tục cướp lại nhân loại và đưa về cho Thiên Chúa Cha.  Vào giờ phút cuối cùng trước khi được sai đi, Nhóm Mười Hai đã nhận được những chỉ thị rất thực tế của Chúa để giúp họ thắng được những “cám dỗ” khi thi hành sứ mệnh.  Chính ma quỷ đã dùng những cám dỗ ấy để đoạt nhân loại khỏi tay Thiên Chúa, nên bây giờ muốn đánh bại ma quỷ, các tông đồ cũng phải cảnh giác trước những cám dỗ của ma quỷ.  Vậy chỉ thị thứ nhất là “không được mang gì đi đường”.  Đi đường mà không mang gì theo là thiếu khôn ngoan.  Chẳng lẽ Chúa Giê-su lại dạy các ông điều thiếu khôn ngoan như vậy sao?  Sở dĩ Chúa bảo không mang “gì” theo, vì những thứ đó có thể gây trở ngại cho việc rao giảng, như “lương thực, bao bị, tiền giắt lưng”.  Ba cái thứ này là những cám dỗ nguy hiểm lắm, vì nếu các ông cứ để ý đến chúng, họ sẽ dễ dàng “quên” mất công việc chính của mình.  Chỉ có một thứ được mang theo, đó là cây gậy và đôi dép!  Cây gậy không phải để đánh người hay đánh chó, nhưng để đánh những con thú dữ có thể làm hại mình khi đi đường.  Nhưng công dụng chính của cây gậy là để chống đỡ cho mình bớt mệt nhọc.  Như thế, cây gậy có thể biểu tượng cho sự nâng đỡ của ơn Chúa dành cho chúng ta vậy.  Đôi dép là để bảo vệ bàn chân.  Muốn đi thì phải sử dụng bàn chân.  Nếu bàn chân mà bị thương thì làm sao đi nổi.  Đây cũng là một biểu tượng đầy ý nghĩa nói lên sự nâng đỡ của Chúa dành cho “những bước chân rao truyền chân lý” nữa!  Chỉ thị cuối cùng liên hệ đến phong cách của người rao giảng Tin Mừng:  ở đâu người ta không đón tiếp hoặc không nghe lời giảng, thì người rao giảng chỉ “giũ bụi đất dưới chân để tỏ ý cảnh cáo” thôi, chứ không được có thái độ hung hãn.  Chúng ta dễ dàng nổi nóng khi người khác không nghe mình, rồi có thể chúng ta sẽ đi tới những hành động thiếu khôn ngoan.  Do đó, điều người rao giảng cần nhất, đó là sự nhẫn nại.  Thánh Phao-lô bảo người rao giảng giống như kẻ trồng người tưới, nhưng Thiên Chúa mới là Đấng làm cho cây lớn lên và sinh trái.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức là chúng ta lãnh nhận sứ mệnh rao giảng Tin Mừng và tiếp tục tác vụ “xông vào nhà kẻ mạnh” tức là thế gian đang nằm trong ách nô lệ của ma quỷ và tội lỗi, để trói tay ma quỷ và cướp lại anh chị em đang bị nó bắt giữ mà đem về cho Chúa.  Cuối bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô kể lại rằng các tông đồ đã được Chúa sai đi rao giảng, kêu gọi người ta sám hối.  Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.  Sự kiện này chứng tỏ việc Chúa kêu gọi và sai các ngài đi thực không uổng công đào tạo.  Chúa cũng sẽ thực hiện điều tương tự nơi chúng ta, các tông đồ của Chúa hôm nay.  Vậy chúng ta sẽ đáp lại lời Chúa kêu gọi và sai đi như thế nào?  Về tài trí, chúng ta có thì càng tốt, mà có ít cũng không sao, nhưng điều Chúa cần chúng ta nhất, đó là lòng quảng đại dành chút thời giờ và tiền bạc nếu có thể, để tham gia vào những sinh hoạt truyền giáo của Giáo Hội.  Chúng ta làm tông đồ rao giảng bằng đời sống Ki-tô gương mẫu, chúng ta có thể trừ được nhiều thứ quỷ như lòng hận thù, việc ủng hộ phá thai, cổ võ những phim ảnh vô luân, phá bỏ đạo đức gia đình… Chúng ta có thể xức dầu cho người đau ốm về tinh thần để họ được mạnh mẽ… Xin luôn nhớ chúng ta là các tông đồ hôm nay đấy!

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B