CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN

Sứ vụ mục tử của các tông đồ

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Gr 23:1-6;  Ep 2:13-18;  Mc 6:30-34)

        Được Chúa kêu gọi và sai đi rao giảng Tin Mừng, các tông đồ là những phụ tá đắc lực của Chúa Giê-su trong việc thiết lập Giáo Hội trên trần gian.  Tuy nhiên Giáo Hội không chỉ là một thực tại thiêng liêng, mà còn là một tổ chức mang hình thức trần thế, nghĩa là có những người lãnh đạo để giúp cho sinh hoạt của cộng đồng phù hợp với mục đích của kế hoạch cứu độ.  Do đó Lời Chúa hôm nay đề cập đến vai trò lãnh đạo của các tông đồ, những người được Chúa Ki-tô ủy thác sứ vụ mục tử, như lời Thiên Chúa hứa qua ngôn sứ Giê-rê-mi-a:  “Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng” (bài đọc 1).  Một trong những trách nhiệm của vị mục tử là quy tụ chiên vào một ràn chiên duy nhất..  Đây cũng là suy tư của thánh Phao-lô khi ngài nói về vai trò đặc biệt của Chúa Giê-su, vị Mục Tử Nhân Lành, là liên kết dân Do-thái và dân ngoại thành một (bài đọc 2).  Phụng vụ Lời Chúa đi tới cao điểm là thuật lại hành động đầy yêu thương của vị Mục Tử Nhân Lành qua việc Người đặc biệt chăm sóc cho các tông đồ là những mục tử trực tiếp dưới tay Người, đồng thời Người cũng nêu gương cho các ngài khi Người chạnh lòng thương dân chúng vì đám đông này chẳng khác nào bầy chiên không người chăn dắt (bài Tin Mừng).

 

        1.  “Ta sẽ quy tụ đoàn chiên của Ta còn sót lại.  Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng”.  Lời hứa trên của Thiên Chúa qua ngôn sứ Giê-rê-mi-a mở ra một tương lai sáng lạn không riêng cho dân Ít-ra-en, nhưng còn cho toàn thể nhân loại.  Trước hết lời hứa này được hiểu theo bối cảnh lịch sử Ít-ra-en đang khi dân chúng kẻ thì sống lưu đày hoặc lưu lạc khắp nơi, kẻ thì còn ở lại Giê-ru-sa-lem hoặc rải rác trong hai vương quốc miền Nam lẫn miền Bắc.  Họ là “đoàn chiên của Thiên Chúa còn sót lại” và theo lời Thiên Chúa hứa, Người sẽ quy tụ họ lại thành một ràn chiên và cho xuất hiện các mục tử để chăn dắt họ sau khi họ “sinh sôi nảy nở thật nhiều”.  Nhưng lời hứa của Thiên Chúa còn đi xa hơn thế nữa, khi Người cho xuất hiện từ nhà Đa-vít một vị vua “khôn ngoan tài giỏi, thi hành điều chính trực công minh, giải phóng nước Giu-đa (miền Nam) và cho nước Ít-ra-en (miền Bắc) được sống yên hàn”.

        Điều quan trọng hơn khi chúng ta nghe lời hứa của Thiên Chúa trong thời Cựu Ước là phải hiểu về những gì sẽ xảy ra trong thời Tân Ước.  Trước hết “đoàn chiên của Ta còn sót lại” được ám chỉ về nhân loại trong thời cánh chung, nghĩa là tất cả những ai đón nhận ơn cứu độ của Chúa Ki-tô trên toàn thế giới và trong mọi thời đại.  “Chồi non chính trực nẩy sinh cho nhà Đa-vít” không ai khác hơn là chính Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng sinh ra từ dòng dõi vua Đa-vít.  Người không làm vua Ít-ra-en giống như vua Đa-vít, nhưng Người là Vua vũ trụ và Vua của Nước Thiên Chúa.  Triều Đại của Vua Ki-tô không giống như triều đại của vua chúa trần gian, nhưng là một triều đại kéo dài cho đến ngày tận thế, để trong thời gian ấy những ai đã được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy mà sống đời Ki-tô hữu xứng đáng thì sẽ được vào vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa.  Nhưng thế nào là sống đời Ki-tô hữu xứng đáng?  Đó là sống theo lối sống của Vua Ki-tô, tức là “thi hành điều chính trực công minh”.  Hơn nữa, sống trong vương quốc của Vua Ki-tô, vị Mục Tử Nhân Lành, bảo đảm chúng ta sẽ có một tương lai chắc chắn.  Vì chính Thiên Chúa đã hứa rằng trong Triều Đại của Vua Ki-tô, “Giu-đa sẽ được cứu thoát, Ít-ra-en được sống yên hàn”.  Giu-đa và Ít-ra-en là biểu tượng nói lên rằng chúng ta sẽ được Đức Ki-tô cứu độ và được sống muôn đời trong nhà Cha trên trời.

 

        2.  Chúa Giê-su Ki-tô, vị Mục Tử Nhân Lành, chăm sóc các tông đồ là những mục tử và Người chăn dắt chúng ta là bầy chiên không người chăn dắt.  Sau khi trình bày lời Thiên Chúa hứa ban các mục tử và “vị vua khôn ngoan tài giỏi”, bài Tin Mừng của Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng vị Mục Tử gương mẫu là Chúa Giê-su.  Trước hết là bối cảnh tại sao Chúa Giê-su quan tâm tới các tông đồ và chạnh lòng thương đám dân chúng đông đảo.  Chúng ta biết cũng trong chương 6 này, thánh sử Mác-cô đã thuật lại việc Chúa Giê-su sai Nhóm Mười Hai tông đồ đi rao giảng, trừ quỷ và chữa bệnh cho dân chúng.  Chuyến đi truyền giáo của các ông đem lại thành quả tốt đẹp, nhưng chính các ông thì mệt đừ rồi.  Mặc dù vui với những kết quả tốt, nhưng các ông không thể dấu nổi vẻ mệt mỏi và điều này không qua mắt Chúa Giê-su nổi.  Họ cần nghỉ ngơi và chính Chúa ra lệnh cho các ông:  “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.  Đối với họ, việc nghỉ ngơi, dù chỉ là “đôi chút” cũng rất quan trọng.  Họ cần nghỉ ngơi phần xác vì “kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa”, nhưng quan trọng hơn là họ có cơ hội để nhìn lại những gì đã làm mà học hỏi rút kinh nghiệm.  Có Thầy có bạn, họ sẽ học được rất nhiều.  Tuy nhiên Chúa và các ông muốn nghỉ ngơi một chút mà cũng không được, vì dân chúng theo dõi các ngài từng giây từng phút.  Các ngài xuống thuyền sang bờ bên kia, thì họ “chạy bộ” vòng theo bờ hồ và còn đến trước cả các ngài nữa!  Các ngài vừa ra khỏi thuyền đã thấy dân chúng chờ sẵn.  Nếu là chúng ta, chúng ta sẽ hãnh diện hoặc bực bội vì thấy dân chúng “theo” mình đông quá.  Nhưng dưới ánh mắt của vị Mục Tử Nhân Lành thì lại khác.  Người nhìn họ bằng con mắt tình yêu để nhận ra nhu cầu đích thực của họ là khao khát được nghe Lời Chúa, được chăn dắt và hướng dẫn.  Với Người trong lúc này, họ chẳng khác gì “bầy chiên không người chăn dắt”.  Đó chính là cái nhìn của vị “Mục Tử chạnh lòng thương xót”, xót cho những con chiên Người yêu mến đang cần được Người dạy dỗ, chăn dắt và cho ăn nữa (phép lạ làm cho năm chiếc bánh và hai con cá hóa ra nhiều).  Thế là hết chăm sóc cho các tông đồ, Chúa Giê-su lại chăm sóc cho đám đông dân chúng đi theo Người.  Bất cứ sự chăm sóc nào cũng đều nói lên trái tim nhân hậu và đầy yêu thương của vị Mục Tử Nhân Lành vậy!

 

        3.  Suy nghĩ của thánh Phao-lô về một công việc đặc biệt của Chúa Giê-su Ki-tô, là liên kết dân Do-thái và dân ngoại thành một ràn chiên.  Thánh Mác-cô thuật lại những gì Chúa Giê-su đã làm cho các tông đồ và đám dân chúng để giúp chúng ta nhận biết tình yêu bao la của vị Mục Tử Nhân Lành.  Còn thánh Phao-lô, khi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại lại cho chúng ta một suy nghĩ hết sức sâu sắc về sứ mệnh mục tử của Chúa Giê-su, là đưa về mọi con chiên không thuộc ràn chiên Do-thái.  Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về.  Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Gio-an 10:16).  Đó là tâm nguyện của vị Mục Tử Nhân Lành.  Đúng vậy, sứ mệnh của Chúa Giê-su không chỉ giới hạn trong Ít-ra-en, nhưng là việc cứu độ phổ quát dành cho mọi dân tộc mọi thời.  Tuy nhiên để khởi đầu việc cứu độ phổ quát, Chúa Giê-su đã lấy cái chết của Người để giao hòa toàn thể nhân loại với Thiên Chúa và giúp họ trở thành con cái của cùng một Cha trên trời.  Vì thế, việc đưa toàn thể nhân loại (dân ngoại) về hiệp nhất với dân Do-thái trong kế hoạch cứu độ chính là để thực hiện điều tâm nguyện nói trên của Chúa Giê-su.  Theo cái nhìn thần học của Phao-lô, chính ma quỷ đã gieo sự thù ghét vào nhân loại lúc ban đầu, giữa nguyên tổ loài người với Thiên Chúa, giữa Ca-in với A-ben, giữa các dân tộc khi cùng chung sức xây tháp Ba-ben… Giờ đây, nhờ cái chết trên thập giá, Chúa Giê-su đã chiến thắng ma quỷ và tội lỗi.  Thánh Phao-lô khẳng định:  “Trên thập giá, Người (Đức Ki-tô) đã tiêu diệt sự thù ghét”.  Đức Ki-tô “đã đến loan Tin Mừng bình an:  bình an cho anh em là những kẻ ở xa (dân ngoại), và bình an cho những kẻ ở gần (dân Do-thái)”.  Như vậy, sự hiệp nhất giữa dân ngoại và Do-thái chính là điều vị Mục Tử Nhân Lành đã thực hiện, để “sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” theo mệnh lệnh của Chúa Cha (Gio-an 10:18).

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Lời Chúa hôm nay đem lại cho chúng ta rất nhiều an ủi.  An ủi vì Thiên Chúa luôn cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo và chăn dắt chúng ta.  Nhìn lại lịch sử Giáo Hội hoàn cầu và địa phương, chúng ta có thể nhận ra điều ấy.  Dường như mỗi hoàn cảnh, mỗi thời đại đều có những vị mục tử rất “thích hợp” để phục vụ Giáo Hội.  Chúng ta đã có một Gio-an XXIII mà người ta tưởng chỉ là một “người cha nhân hậu” (bon papa) làm cầu nối tạm thời giữa vị giáo hoàng xuất sắc Piô XII và vị giáo hoàng tương lai.  Ai ngờ “ông già” Gio-an XXIII lại là người triệu tập Công Đồng Vatican II để đem lại luồng không khí mới và bộ mặt mới cho Giáo Hội!  Ai ngờ một vị giáo hoàng xuất thân từ một nước Cộng-sản là Gio-an Phao-lô II lại được Thiên Chúa dùng để đóng góp vào công cuộc thay đổi chủ nghĩa của nhiều quốc gia Âu châu!  Còn rất nhiều cái không ngờ khác, có khi ngay trong giáo phận hoặc giáo xứ của chúng ta, cho thấy rõ Chúa đã cho “xuất hiện các mục tử” để dẫn dắt chúng ta.

        Tuy nhiên, điều an ủi chúng ta nhất, đó là chúng ta có Chúa Giê-su, vị Mục Tử Nhân Lành, lúc nào cũng ở bên và “chạnh lòng thương” chúng ta, nhất là những khi chúng ta lạc đường hoặc gặp hiểm nguy do mưu mô quỷ dữ.  Không những Người “dạy dỗ chúng ta nhiều điều”, mà còn nuôi dưỡng chúng ta bằng chính Mình Máu Thánh Người, để mỗi ngày chúng ta trở nên “đồng hình đồng dạng” với Người hơn, được sống và sống dồi dào, nhất là một mai chúng ta sẽ được chung phần vinh hiển với Người trên thiên quốc muôn đời.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B