CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN

Từ Bánh bởi trời đến Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (1 V 19:4-8;  Ep 4:30 – 5:2;  Ga 6:41-51)

        Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tiếp tục quảng diễn chủ đề Bánh từ trời xuống, nhưng được nhìn dưới một khía cạnh khác  , đó là Bánh ban sự sống đời đời, để chuẩn bị dẫn chúng ta đến với Bí Tích Thánh Thể là Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô.  Để giúp chúng ta xác tín Thánh Thể là lương thực ban phúc trường sinh, Lời Chúa hôm nay thuật lại cuộc hành trình gian khổ của ngôn sứ Ê-li-a được hoàn tất là nhờ bánh do thiên thần Chúa mang đến cho ông trong sa mạc (bài đọc 1).  Tiếp theo, bài Tin Mừng ghi lại những lời Chúa Giê-su giải thích mục đích của bánh từ trời xuống là để “ai ăn bánh này, thì khỏi phải chết, nhưng sẽ được sống muôn đời”.  Động lực nào khiến Chúa Giê-su từ trời xuống để làm bánh hằng sống cho chúng ta được sống đời đời?  Câu trả lời cũng chính là điều thánh Phao-lô lấy làm lẽ sống cho mọi Ki-tô hữu.  Nếu Thiên Chúa đã yêu thương ta đến nỗi ban cho chúng ta Đức Ki-tô làm bánh trường sinh, thì chúng ta cũng phải bắt chước Thiên Chúa mà “đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau” (bài đọc 2).

 

        1.  Hành trình của ngôn sứ Ê-li-a trong sa mạc là hình ảnh hành trình của Ki-tô hữu trên đường về nhà Cha.  Đã có lần chúng ta nghe câu chuyện ngôn sứ Ê-li-a đương đầu với 500 ngôn sứ của thần Ba-an và 450 ngôn sứ của thần A-sê-ra trên núi Các-men.  Họ là những người của hoàng hậu I-de-ven, vợ vua A-kháp nước Ít-ra-en.  Vua A-kháp chiều lòng hoàng hậu nên bỏ việc thờ phượng Thiên Chúa để thờ thần Ba-an.  Ngôn sứ Ê-li-a cảnh cáo vua.  Ngài còn thách các ngôn sứ phe hoàng hậu cùng lên núi Các-men, ở đây hai bên sẽ dâng lễ tế để xem Thiên Chúa sẽ chấp nhận lễ vật của Ê-li-a hay các thần ngoại sẽ nhận lễ vật của các ngôn sứ kia.  Cuối cùng, Thiên Chúa cho lửa từ trời xuống thiêu rụi của lễ Ê-li-a dâng Người, còn các ngôn sứ kia kêu gào khản cổ mà các thần của họ cũng chẳng đoái hoài.  Thế là ngôn sứ Ê-li-a cho người bắt hết các ngôn sứ của thần ngoại và giết họ tại suối Ki-sôn (1 Vua 18:20-40).  Do đó, hoàng hậu I-de-ven giận dữ trả thù và tìm giết ông Ê-li-a.  Vị ngôn sứ phải bỏ vương quốc Ít-ra-en để chạy trốn đến Bơ-e Se-va nước Giu-đa.  Tại nơi sa mạc này, trong lúc Ê-li-a mệt mỏi và ông xin Chúa cho được chết đi, thì Chúa cho thiên thần đem bánh và nước tới cho ông ăn để tiếp tục cuộc chạy trốn.  Sau khi ăn uống lấy lại sức, ông đi suốt bốn mươi ngày đêm đến núi Kho-rép là nơi xưa kia ông Mô-sê đã lãnh nhận Mười Điều răn của Chúa.

        Quả thực là một hành trình đầy gian khổ.  Nhưng tại sao chúng ta lại thường so sánh hành trình của ngôn sứ Ê-li-a với hành trình cuộc đời mỗi người chúng ta?  Trước hết là do cách sắp xếp bài đọc của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.  Giáo Hội muốn chúng ta nhận thức rằng giống như Ê-li-a đã nhờ ăn bánh thiên thần mà có sức mạnh để đến núi Khô-rép, thì chúng ta cũng phải nhờ đến sức mạnh do Bí Tích Thánh Thể mới có thể đi trọn hành trình tiến về quê hương đích thực là thiên đàng.  Cuộc đời dương thế của chúng ta thực sự là một hành trình khó khăn, bắt đầu với tiếng khóc chào đời và kết thúc với việc bỏ lại sau lưng tất cả từ người thân cho đến tiền bạc của cải.  Ngoài những gian khổ thể xác để sống cho mình và cho người khác, chúng ta còn gặp nhiều gian khổ tinh thần hoặc thiêng liêng.  Chúng ta phải chiến đấu với ma quỷ và cám dỗ nếu muốn sống làm con cái Chúa.  Cuộc chiến nội tâm cam go này đã khiến cho thánh Phao-lô phải gào lên:  Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?”.  Rồi thánh Phao-lô lập tức trả lời:  Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rô-ma 7:24-25).  Đúng vậy, nhờ Chúa Giê-su là Bánh Trường Sinh, chúng ta mới được đủ sức mạnh và kiên trì trong cuộc chiến gian khổ mà đạt tới chiến thắng.

 

        2.  “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.  Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.  Trong diễn từ tại Ca-phác-na-um sau phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, Chúa Giê-su đã quảng diễn dần dần ý nghĩa của phép lạ.  Người khơi lên hình ảnh Man-na là bánh bởi trời Thiên Chúa ban cho tổ tiên dân Do-thái trong sa mạc, rồi áp dụng hình ảnh ấy vào bản thân Người để đi tới kết luận sơ khởi:  “Chính tôi là bánh trường sinh.  Ai đến với tôi, không hề phải đói;  ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”  Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục khai triển ý tưởng ấy để giúp chúng ta hiểu cơn đói và cơn khát của chúng ta là gì, hầu đến với Chúa trong Bí Tích Thánh Thể.  Vậy cách giải thích của Chúa Giê-su trước hết là gợi lên cho người ta một câu hỏi bằng cách tuyên bố:  “Tôi là bánh từ trời xuống”.  Nghe lời này, người ta xầm xì đặt ngay câu hỏi:  Sao lại từ trời xuống?  Rõ ràng ông từ Na-da-rét mà tới, thì sao lại dám bảo mình từ trời xuống?  Chính câu hỏi này đã giúp Chúa tiếp tục giải thích sứ mệnh của Người.  Người trích lời sách ngôn sứ:  “Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”.  Cho nên “ai muốn nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi”.  Tại sao phải đến với Chúa Giê-su?  Vì Chúa Giê-su từ Chúa Cha mà đến, nên chỉ Người mới có đủ thẩm quyền ban cho ta những giáo huấn của Chúa Cha và để chúng ta có thể tin vào Người mà được sống đời đời.  Như vậy, chúng ta có đói và khát là đói khát giáo huấn của Chúa Cha.  Mà giáo huấn của Chúa Cha là chính Chúa Giê-su mà Người sai xuống trần gian làm bánh trường sinh, như Chúa Giê-su đã lập lại ý tưởng này khi Người trả lời tên quỷ cám dỗ:  Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mát-thêu 4:4).  “Mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”, tức Ngôi Lời, đã được nhập thể nơi Chúa Giê-su để “Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Do-thái 1:2).  Ở đây chúng ta có những cách khác nhau để mô tả việc Thiên Chúa Cha “phán dạy” hoặc giáo huấn chúng ta:  Người dạy dỗ chúng ta bằng giáo huấn là Chúa Giê-su, hoặc Người cho chúng ta ăn Bánh Hằng Sống là Chúa Giê-su.  Tóm lại, Chúa Giê-su là Lời giáo huấn của Thiên Chúa Cha và là Bánh từ trời xuống.  Mục đích của Lời và Bánh đều là giúp đỡ chúng ta trong hành trình tiến về nhà Cha để được sống muôn đời.  Tuy nhiên câu chuyện còn dài.  Ở cuối bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su sẽ mở ra một đề tài mới khi Người tuyên bố:  “Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.  Từ “bánh” chuyển sang “thịt” là cách Chúa Giê-su giới thiệu một đề tài mới vô cùng sôi nổi và gây nên những hậu quả chúng ta không ngờ.  Đó cũng là đề tài về Bí Tích Thánh Thể trong Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật tới đây!

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Tuần trước, trong đoạn thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô đã giới thiệu cho chúng ta một cách lãnh nhận Chúa Giê-su là bánh bởi trời bằng cách “mặc lấy con người mới”, là con người thánh thiện được Thiên Chúa dựng nên lúc ban đầu và hiện nay được thể hiện qua Chúa Giê-su.  Tiếp theo đoạn thư này, đoạn thư hôm nay đưa ra một đề nghị cụ thể cho việc lãnh nhận Chúa Giê-su là “bánh từ trời xuống”.  Đó là “hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta”.  “Ăn” Chúa Giê-su sẽ được sống muôn đời”.  Còn ở đây thánh Phao-lô dạy hãy “Sống” yêu thương như Đức Ki-tô đã yêu thương, thì sẽ được sống đời đời.  Để cụ thể hóa lối sống yêu thương này, thánh Phao-lô kể ra một số hành động giúp chúng ta “bắt chước” Thiên Chúa như Chúa Giê-su đã bắt chước, là:  “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ…, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau”.  Có lẽ lời khuyên này đòi chúng ta phải xét lại lối sống của ta, để giúp ta biết cần phải thay đổi thái độ, lời ăn tiếng nói và ngay cả cách suy nghĩ của chúng ta nữa, sao cho thích hợp với lối sống đích thực của con cái Chúa và của anh chị em trong Chúa Ki-tô.  

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B