CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN

Qua Đức Giê-su, Thiên Chúa bênh vực những kẻ nghèo khó

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 35:4-7a;  Gc 2:1-5;  Mc 7:31-37)

        Trong một xã hội đầy bất công, tiếng than của những người nghèo khó và bị áp bức thường là “Ông trời ở đâu?  Tại sao tôi phải khổ thế này?..”  Ngôn sứ I-sai-a đã trả lời thay cho Thiên Chúa:  “Can đảm lên, đừng sợ!  Thiên Chúa của anh em đây rồi;  sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.  Chính Người sẽ đến cứu anh em”.  Ngày báo phục ấy đã được I-sai-a mô tả giản dị nhưng sống động qua những thay đổi từ con người đến vũ trụ thiên nhiên (bài đọc 1).  Lời tiên tri của I-sai-a đưa chúng ta đến thực tại Triều Đại Thiên Chúa, trong đó Chúa Giê-su đã thi hành sứ mệnh của Người để ứng nghiệm lời các ngôn sứ đã loan báo.  Phản ứng của dân chúng trước những việc làm của Chúa Giê-su được tóm tắt trong lời ca ngợi của họ:  “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả:  ông làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được”.  Tóm lại, lời tiên tri của I-sai-a cũng như tường thuật của thánh sử Mác-cô    nói lên chân lý ngàn đời này là:  Thiên Chúa bênh vực những kẻ nghèo khó.  Và đây cũng là chủ đề Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta (bài đọc 2).

 

        1.  “Sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.  Chính Người sẽ đến cứu anh em”.  Trước hết chúng ta hãy nghe ngôn sứ I-sai-a nói những lời tiên tri này trong bối cảnh nào.  Trên phương diện lịch sử, ngôn sứ I-sai-a tiên báo về cuộc hồi hương của dân Ít-ra-en bị lưu đày nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa.  Nhưng theo kế hoạch của Thiên Chúa, lời tiên báo này cũng ám chỉ thời đại của Đấng Mê-si-a sẽ được khai mở.  Vậy Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử Ít-ra-en như thế nào?  Suốt những năm 701 đến 691 trước công nguyên, vua Át-sua là Xan-khê-ríp đem quân tiến đánh mọi thành kiên cố của xứ Giu-đa và trấn áp xứ này.  Ông I-sai-a cố gắng động viên một cuộc kháng chiến chống lại quân Át-sua, mặc dầu không có một tia hy vọng nào, dù là để tự vệ.  Nhưng ông hứa rằng Thiên Chúa sẽ can thiệp,  Đúng thế, vào năm 690, “thiên sứ của Đức Chúa ra đánh chết một trăm tám mươi lăm ngàn người trong trại quân Át-sua.  Ban sáng khi người ta thức dậy, thì kìa, toàn là thây ma xác chết”.  Thế là vua Xan-khê-ríp phải nhổ trại lên đường rút quân về Ni-ni-vê và tại đây ông bị các hoàng tử đâm chết (xem Is 37:36-38).  Thực ra theo sử gia Hê-rô-đốt, thiên sứ của Đức Chúa chính là những con chuột đã đem vi khuẩn dịch hạch đến đoàn quân của Xan-khê-ríp.  Do đó, khi nói “thiên sứ của Đức Chúa”, tác giả Kinh Thánh đã nhìn thấy trong biến cố này sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa.

        Câu chuyện trên đã nói lên một trong những lần Thiên Chúa can thiệp để giúp dân Người thoát sự đàn áp của ngoại bang xâm lăng, như sách Thủ Lãnh đã thuật lại.  Ngoài ra còn nhiều lần khác Thiên Chúa đã âm thầm bảo vệ Giê-ru-sa-lem. Sự bảo vệ âm thầm này được I-sai-a ví như hình ảnh “nước mương Si-lô-ác”, nguồn nước duy nhất cung cấp cho Giê-ru-sa-lem, thành phố tọa lạc trên một cao nguyên (Is 8:6).  Tuy chỉ là một đường mương, vậy mà thế lực hùng mạnh của nước Át-sua là đế quốc nằm bên con sông lớn Êu-phơ-rát cũng phải thất bại và rút lui.  Lần can thiệp cuối cùng của Thiên Chúa vào lịch sử Ít-ra-en là Người dùng chính vua Ky-rô làm khí cụ để giải phóng dân Người, cho phép họ từ thân phận lưu đày được trở về cố hương mà tái thiết Giê-ru-sa-lem và đất nước họ (Is 41:1-7).

        Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử Ít-ra-en dân Người.  Tuy nhiên những điều I-sai-a viết không chỉ hoàn toàn mang tính cách lịch sử, mà còn ám chỉ một thực tại siêu nhiên dành cho toàn thể nhân loại, đó là thời đại của Đấng Mê-si-a.  Thiên Chúa sẽ thực hiện một cuộc tạo dựng mới để biểu lộ “ánh huy hoàng của Đức Chúa và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta”.  Qua lời ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta:  “Can đảm lên, đừng sợ!  Thiên Chúa của anh em đây rồi;… Chính Người sẽ đến cứu anh em”.

 

        2.  Qua Chúa Giê-su, Thiên Chúa bênh vực người nghèo khổ.  Đúng như lời ngôn sứ I-sai-a tiên báo, Thiên Chúa đã đến cứu chúng ta!  Do hậu quả của tội tổ tông, loài người lâm vào tình trạng khốn khổ.  Vất vả làm việc để có cơm ăn, sinh nặng đẻ đau, bao nhiêu thứ ốm đau bệnh tật và cuối cùng là cái chết, chết linh hồn cũng như chết thể xác, đó là những gì con người không sao tránh thoát.  Trước cảnh tượng ấy, con người không khỏi trở thành “nhát gan” và vô vọng.  Nhưng lời tiên báo của ngôn sứ I-sai-a đã ứng nghiệm khi Chúa Giê-su, sau những năm tháng sống ẩn dật tại Na-da-rét, lên đường thi hành sứ mệnh theo lời ngôn sứ I-sai-a loan báo (bài đọc 1).  Hôm nay thánh sử Mác-cô kể lại phép lạ Chúa Giê-su làm cho kẻ điếc và câm nghe được nói được, để chứng tỏ lời ngôn sứ I-sai-a được ứng nghiệm.  Tuy nhiên đằng sau phép lạ này, chúng ta thấy được điều gì về phần Thiên Chúa?  Dĩ nhiên phép lạ chữa lành đáp ứng nhu cầu của người đau ốm, nhưng phép lạ còn là dấu chỉ (từ của thánh sử Gio-an ám chỉ phép lạ) nói lên những gì thuộc về Thiên Chúa, thí dụ lòng quảng đại, sự chăm sóc, lòng nhân từ và thương xót của Người…  Nhưng một điểm chung là những phép lạ Chúa Giê-su làm đều nói lên một đặc nét của Thiên Chúa:  đó là Người bênh vực những kẻ nghèo khổ, những người thuộc thành phần anawim là những kẻ chỉ còn biết cậy trông vào tình yêu và quyền năng Thiên Chúa mà thôi.

        Hôm nay đặc biệt trong phép lạ chữa lành người vừa điếc vừa ngọng, Chúa Giê-su có vài cử chỉ khác thường hoặc có người còn cho là “mất vệ sinh”!  Những kẻ đem anh ta đến với Chúa chỉ xin Người “đặt tay” trên anh.  Đặt tay trên ai có nghĩa là xin Thiên Chúa ban sứ mạnh của Người trên kẻ ấy.  Nhưng Chúa Giê-su lại làm khác.  Nơi Người đã đầy tràn thần lực rồi, nên Người không cần đặt cả bàn tay, mà chỉ “đặt ngón tay vào lỗ tai của anh” thôi.  Tiếp đến, Chúa lấy nước miếng của Người mà bôi vào lưỡi anh.  Lưỡi là bộ phận quan trọng giúp người ta nói, nhưng chức năng của lưỡi anh ta đã mất rồi.  Giờ đây Ngôi Lời của Thiên Chúa trực tiếp hồi phục chức năng cho lưỡi của anh để anh nói lên lời của anh.  Tuy nhiên, Chúa Giê-su còn có một cử chỉ vô cùng khác lạ:  Người “thở dài”, hoặc dịch đúng nhất đó là Người “rên lên một tiếng”, rồi mới phán:  “Ép-pha-tha – “Hãy mở ra”.  Tại sao Chúa lại rên lên một tiếng?  Phải, người rên lên tiếng buồn phiền trong lòng, vì thấy có nhiều người chỉ đến xin phép lạ mà không chịu nhìn nhận Chúa là ai.  Đến ngay những người Pha-ri-sêu và kinh sư cũng nhăm nhe đợi xem Chúa có làm phép lạ trong ngày sa-bát không để lên án Người!  Biết đâu hôm nay trong số những kẻ đem người điếc và câm đến với Chúa cũng có những kẻ câm điếc tâm hồn!

        Nhưng bên cạnh những điều không vui này, chúng ta đừng quên những người kinh ngạc khi chứng kiến phép lạ đã lên tiếng:  “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả:  ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”.  Đây đích thực là những lời tán đồng những gì ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo về Chúa Giê-su.  Như vậy, đúng là “Thiên Chúa của anh em đây rồi!...  Chính Người sẽ đến cứu anh em”.  Đúng vậy, chúng ta là những kẻ khốn khổ và Thiên Chúa đã đến cứu chúng ta qua Đức Giê-su Ki-tô.

 

        3.  “Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó, để họ thừa hưởng vương quốc Người hay sao?”  Thiên Chúa bênh vực những kẻ khốn khổ, như chúng ta thấy qua bài đọc ngôn sứ I-sai-a và bài Tin Mừng Mác-cô.  Nhưng thánh Gia-cô-bê tông đồ còn suy nghĩ xa hơn nữa khi ngài khẳng định rằng Thiên Chúa “chọn” những kẻ nghèo khó để cho họ thừa hưởng vương quốc Người.  Thực ra thánh tông đồ muốn dạy tín hữu đừng đối xử thiên tư, thấy người giàu có thì khúm núm kính trọng, nhưng lại khinh miệt người nghèo khó.  Ngài bảo chúng ta phải bắt chước Chúa Giê-su mà kính trong mọi người như nhau, nhất là những người bị xã hội khinh chê và loại trừ.  Gương sáng của Chúa Giê-su khi Người “ăn uống với phường tội lỗi và quân thu thuế” cũng đủ để đòi chúng ta phải loại trừ mọi thái độ kỳ thị và khinh khi người nghèo khó.

        Nhưng thánh Gia-cô-bê còn cho chúng ta thấy một điều vô cùng bất ngờ về Thiên Chúa:  Thiên Chúa chọn “những kẻ nghèo khó trước mặt người đời” để làm cho họ giàu đức tin và cuối cùng được thừa hưởng phúc thiên đàng Người đã hứa.  Những kẻ nghèo khó trước mặt người đời là những người tuy không dư giả tiền bạc của cải, nhưng họ lại đầy lòng tin vào Thiên Chúa, khiêm nhường trước tôn nhan Người và phó thác tất cả trong bàn tay yêu thương chăm sóc của Người.  Nghèo khó như thế, nên tâm hồn họ trong sạch và dễ dàng đón nhận những giá trị của Tin Mừng Đức Ki-tô.  Nói là Thiên Chúa “chọn” những kẻ nghèo khó, nhưng thực ra kẻ nghèo khó cũng “chọn” Thiên Chúa thay vì chọn tiền bạc của cải nữa!  Điều này được Chúa Giê-su kể là một mối phúc trong Tám mối Phúc vậy.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhiều sứ điệp quá!  Chúng ta tha hồ chọn lấy một điều mà sống.  Nào là Chúa chữa lành tật điếc và câm của chúng ta, nào là Thiên Chúa luôn “phù trợ” chúng ta nên chúng ta không phải sợ hãi gì, nào là Chúa Giê-su làm bất cứ điều gì cho chúng ta cũng đều tốt đẹp cả…  Rồi liệu Chúa Giê-su có “rên lên một tiếng” hoặc “thở dài” vì chúng ta không?  Nếu có, Người cũng không bỏ rơi chúng ta đâu, nhưng chắc chắn sẽ chữa lành chúng ta như Người đã chữa lành anh điếc và ngọng.  Tạ ơn Thiên Chúa đã bênh vực chúng ta là những kẻ khó nghèo.

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B