CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN

Chúa Giê-su an ủi và dẫn chúng ta về Nhà Cha

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Gr 31:7-9;  Dt 5:1-6;  Mc 10:46-52)

        Trong những tuần cuối của Năm Phụng vụ, Giáo Hội nhấn mạnh đến hình ảnh Chúa Giê-su như vị Lãnh Đạo của một nhân loại mới trên đường về cùng Chúa Cha.  Trên hành trình trở về Nhà Cha, chúng ta hết thảy đều mang thân phận yếu đuối cách này hay cách khác.  Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã mô tả nhân loại chúng ta trong thời điểm trở về này như “một đại hội đông đảo”:  người lành mạnh có, nhưng cũng không thiếu “kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ” (bài đọc 1).  Tuy nhiên Thiên Chúa lại đoái thương ban cho chúng ta Đức Giê-su là vị Lãnh Đạo và Thượng Tế thập toàn.  Là vị Lãnh Đạo, Chúa Giê-su an ủi và dẫn dắt chúng ta.  Là Thượng Tế thập toàn, Người hy sinh thân mình để đền tội cho chúng ta (bài đọc 2).  Đúng vậy, sứ mệnh của Chúa Giê-su là an ủi và dẫn dắt chúng ta đã được các sách Tin Mừng ghi chép lại.  Câu chuyện Người chữa lành anh mù Ba-ti-mê là một thí dụ điển hình nói lên sứ mệnh ấy của Chúa (bài Tin Mừng).  Do đó, đang khi chúng ta thực hiện cuộc hành trình đầy nước mắt này để về quê hương đích thực trên trời, chúng ta hãy can đảm và tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa biểu lộ qua Chúa Giê-su.

 

        1.  Thiên Chúa hứa:  “Kẻ đui, người què, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa về”.  Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã gửi tới dân Ít-ra-en một thông điệp nói rằng Thiên Chúa sẽ phục hồi đất nước họ và thống nhất giữa hai vương quốc Giu-đa và Ít-ra-en.  Chúng ta biết rằng vào thời điểm này, nước Ít-ra-en chia đôi:  vương quốc miền Bắc là nước Ít-ra-en và vương quốc miền Nam là nước Giu-đa. Trong thông điệp ấy, vị ngôn sứ loan báo lời Thiên Chúa hứa:  “Đức Chúa đã cứu dân Người, số còn sót lại của Ít-ra-en!”  Vậy số người “còn sót lại của dân Ít-ra-en” là ai?  Đó là những người đang sống tại vương quốc Ít-ra-en phương Bắc.  Họ cũng là những người sống tản mác ở “tận cùng cõi đất” trong kiếp lưu đày tại đế quốc Ba-by-lon.  Nhưng đáng thương hơn, trong số những kẻ tha hương ấy lại có đủ hạng người khốn khổ, như đui mù, què quặt, mang nặng đẻ đau… Tuy thân phận mỗi người khác nhau, nhưng nhờ lòng nhân từ của Đức Chúa, họ được chia sẻ cùng một lời hứa của Người, là sẽ làm thành một đoàn người hồi hương.  Chúng ta có thể nhận thấy niềm vui hiện trên khuôn mặt mọi người.  Họ vui đến độ “nước mắt ruôn rơi” vì không thể ngờ lại có ngày được trở về quê cha đất tổ!  Song song với hình ảnh dân Ít-ra-en lũ lượt trở về là hình ảnh Đức Chúa, Đấng dẫn đường và chăm sóc họ suốt con đường về lại cố hương của họ.  Trên hành trình trở về ấy, Đức Chúa an ủi họ mỗi khi họ phải phấn đấu với những khó nhọc mệt mỏi do đường dài.  Đường trở về của họ không dễ dàng vì họ phải đi qua những miền sa mạc khô cằn và sỏi đá.  Vậy mà Người vẫn “dẫn đưa họ tới dòng nước, qua con đường thẳng băng” để họ khỏi phải chết khát hoặc vấp ngã.  Mối tương quan giữa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en trở về từ kiếp lưu đày lại được phục hồi.  Nếu vì họ đã phạm tội nghịch lại Chúa nên phải lãnh hình phạt lưu đày thì giờ đây, Chúa lại đối xử với họ như một người Cha.  Ngay đến chi tộc Ep-ra-im, con cái của ông Giu-se, tuy sống tại miền Bắc nhưng vẫn được Thiên Chúa coi là “con trưởng”.

        Thông điệp của Giê-rê-mi-a không chỉ nói đến hoàn cảnh lịch sử của Ít-ra-en, mà còn ám chỉ toàn thể nhân loại nữa.  Ước mong của Thiên Chúa là tất cả nhân loại này được trở về đoàn tụ với Người.  Người thực hiện ước mong ấy bằng cách sai Con Một xuống trần gian để chuộc lại lỗi lầm của chúng ta, làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và dẫn đưa chúng ta từ nơi lưu đày trần gian về quê hương đích thực là thiên đàng.  Trần gian là nơi khổ ải và hành trình trở về Nhà Cha thật là khó khăn.  Tuy nhiên, chúng ta vẫn có Thiên Chúa là Cha và Chúa Giê-su, Con Một Người, là Đấng an ủi và dẫn dắt chúng ta.

        Đúng thế, Chúa Giê-su an ủi và dẫn dắt chúng ta về Nhà Cha Người.  Đoạn trích thư Do-thái hôm nay làm sáng tỏ vai trò của Chúa Giê-su khi khẳng định Người vừa là vị Thượng Tế muôn đời do chính Thiên Chúa đã tuyển chọn, vừa là Con Thiên Chúa.  Là Thượng Tế, Chúa Giê-su “đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa”.  Mối tương quan mà Chúa Giê-su muốn phục hồi chính là mối tương quan cha-con đã bị tội lỗi loài người phá hủy.  Giờ đây Chúa Giê-su lấy cái chết của Người để “dâng lễ phẩm cũng như lễ vật đền tội” là chính mạng sống của Người để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa.  Chúa Giê-su đã chu toàn sứ vụ Thượng Tế một cách hoàn hảo, nên Thiên Chúa Cha đã nói về Người:  “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xêl-đê”.  Giống như vị thượng tế “có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc”, Chúa Giê-su cũng hòa mình với nhân loại để có thể an ủi nâng đỡ và dạy dỗ họ.  Nhìn lại những năm tháng Người sống trên trần gian, từ máng cỏ Bê-lem đến thập giá trên đồi Canvariô, Chúa Giê-su đã chia sẻ vui buồn lẫn khổ cực của thân phận con người.  Đó là những gì các sách Tin Mừng đã kể lại.  Tóm lại, cuộc đời trần thế của Chúa Giê-su với thân phận là con người như chúng ta đã đạt tới mức thập toàn đến nỗi Thiên Chúa phán với Người:  “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”.  Như vậy hai danh hiệu Thượng Tế và Con Thiên Chúa của Chúa Giê-su nói lên sứ mệnh của Người là cứu độ nhân loại và dẫn đưa họ về Nhà Cha.

 

        2.  Anh mù Ba-ti-mê được chữa lành là câu chuyện điển hình nói lên sứ mệnh của Chúa Giê-su.   Mọi câu chuyện trong sách Tin Mừng đều diễn tả sứ mệnh của Chúa Giê-su là biểu lộ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.  Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã nhìn toàn thể nhân loại như “một đại hội đông đảo, trong đó có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ”.  Anh Ba-ti-mê trong bài Tin Mừng hôm nay là người mù được Chúa Giê-su chữa lành.  “Anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi”.  Một đàng câu chuyện đề cao lòng nhân hậu yêu thương của Chúa Giê-su đối với đau khổ của con người nơi anh Ba-ti-mê.  Đàng khác câu chuyện cũng cho thấy khi con người có lòng tin và thành tâm đến với Chúa để được chữa lành và dẫn dắt, thì Chúa sẵn sàng cứu giúp.

        Khung cảnh câu chuyện là bên ngoài thành Giê-ri-khô.  Có lẽ chúng ta thắc mắc tại sao anh Ba-ti-mê không ngồi ăn xin tại một góc phố trong thành, mà lại “ngồi ăn xin bên vệ đường”.  Chẳng lẽ anh không xứng đáng có được một chỗ tại góc đường nào đó để kiếm sống hay sao?  Bị đẩy ra khỏi cộng đồng để sống vất vưởng bên vệ đường, có thể Ba-ti-mê là hình ảnh nói lên thân phận khốn khổ của rất nhiều người đang cần được cứu giúp.  Tuy nhiên anh là người rất đặc biệt!  Điều thú vị trước nhất, đó là “vệ đường” anh Ba-ti-mê chọn làm chỗ ăn xin lại là vệ đường của “con đường Chúa Giê-su đang đi”.  Anh đang chờ đợi Chúa Giê-su đi qua để “ăn xin” ơn cứu độ của Người đấy!  Nhất định Chúa sẽ đi qua chỗ ăn xin của anh, vì đây là con đường duy nhất Người và các môn đệ sẽ đi để lên Giê-ru-sa-lem.  Tuy anh Ba-ti-mê không nhìn thấy được để đi theo Chúa như các môn đệ Chúa và đám đông dân chúng, nhưng anh lại rất thính tai nên có thể “nhận ra” Chúa Giê-su đến gần.  Điều cần thiết là phải vận động mọi khả năng mình có để tìm cách đến với Chúa.  Anh đã “nghe” từ dân chúng để “biết” Chúa Giê-su.  Tiếp đến anh vận dụng “tiếng nói” của anh để lôi kéo sự chú ý của Chúa.  Vì thế, anh đã kêu lên thật to:  “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”  Sau đó, anh còn phải phấn đấu với khó khăn vì “nhiều người quát nạt bảo anh im đi”, bằng cách “càng kêu lớn tiếng” hơn.  Cuối cùng anh được toại nguyện như ý.  Chúa dừng lại và lên tiếng gọi anh.  Anh đã lên tiếng kêu cầu Chúa thì Chúa cũng lên tiếng gọi anh.  Động tác cuối cùng của anh để đến với Chúa là điều đáng cho chúng ta khâm phục:  vừa nghe Chúa gọi, anh “vứt áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su”.  Anh chỉ còn biết có Chúa trước mặt, bất chấp mọi nguy hiểm có thể xảy ra cho một người mù.  Mặc dù Chúa biết Người sẽ làm cho anh điều gì, nhưng Người vẫn muốn anh tự mình nói lên ước vọng và biểu lộ lòng tin của anh.  Rồi Người chữa anh và để anh tùy ý chọn lựa đi theo con đường anh muốn.  Đến đây thánh sử Mác-cô kết thúc câu chuyện thật tuyệt vời.  Ngài viết:  “Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi”.  Dĩ nhiên là anh Ba-ti-mê đi theo Người trên đường lên Giê-ru-sa-lem là con đường Người dẫn anh và tất cả chúng ta về Nhà Cha trên trời.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Ngôn sứ Giê-rê-mi-a giúp chúng ta nhìn nhận thân phận khốn khổ của chúng ta.  Đoạn thư Do-thái thì giới thiệu với chúng ta Chúa Giê-su là vị Thượng Tế đền tội thay cho chúng ta và là Con Thiên Chúa an ủi và dẫn dắt chúng ta.  Sau hết, câu chuyện anh mù Ba-ti-mê được Chúa chữa lành là mẫu gương cho bất cứ ai muốn đến với Chúa Giê-su để được Người dẫn dắt trong hành trình trở về Nhà Cha.  Như vậy chúng ta đã có đầy đủ hành trang để lên đường với Chúa rồi.  Điều quan trọng là chúng ta có cố gắng “nhìn thấy được” bằng con mắt đức tin để luôn sẵn sàng “đi theo Người trên con đường Người đi” hay không.  Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy được Chúa là ai và quảng đại vứt bỏ mọi thứ “áo choàng” lại để đồng hành với các môn đệ Chúa và đám đông dân chúng mà đi theo Chúa.  A-men.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

 

                


Suy Niệm Lời Chúa Năm B