CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN

Chúa Giê-su là gương mẫu yêu mến Thiên Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Đnl 6:2-6;  Dt 7:23-28;Mc 12:28b-34)

        Chúng ta chuẩn bị kết thúc Năm Phụng vụ với mùa Thường niên phần thứ hai.  Vậy vào thời điểm này, Giáo Hội sẽ trình bày con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su thế nào đây?  Và đề tài Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật này sẽ là gì?  Qua các bài đọc, thực khó mà nhận ra được đâu là điểm chính cả ba bài đọc đều nhắm tới.  Bài trích sách Đệ nhị luật trình bày việc yêu mến Thiên Chúa là điểm chủ yếu của lề luật.  Đoạn thư Do-thái vẫn tiếp tục nói lên vai trò Thượng Tế của Chúa Giê-su và nhấn mạnh đến việc Người “đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ” để đền tội thay cho nhân loại.  Đây cũng chính là hành vi chứng tỏ Người đã yêu mến Thiên Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”.  Bài Tin Mừng kể lại cuộc đối thoại vô cùng lý thú và ý nghĩa giữa Chúa Giê-su và một vị kinh sư.  Cả hai người đều hiểu được tầm quan trọng của tình yêu trong việc tuân giữ các điều răn và họ khâm phục lẫn nhau!

        1.  Yêu mến Thiên Chúa là điểm chủ yếu của lề luật.  Có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên vì không thấy có điều răn “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa…” trong số Mười Điều răn được kể trong Xuất Hành 20:1-17 và Đệ nhị luật 5:1-22, mà chỉ gặp thấy ở diễn từ của ông Mô-sê trong sách Đệ Nhị Luật 6:5 như trong bài đọc 1 hôm nay.  Tại sao ông Mô-sê chỉ nói đến việc yêu mến Thiên Chúa?  Lý do là vì ông muốn dân Ít-ra-en hiểu rằng việc yêu mến Thiên Chúa là điểm chủ yếu của lề luật.  Đây là cách giải thích của ông.  Trước hết ông quả quyết rằng nếu dân Ít-ra-en tuân giữ tất cả những chỉ thị cùng mệnh lệnh của Thiên Chúa mà đem ra thực hành thì họ sẽ “được hạnh phúc và trở nên đông đảo” trong miền Đất Hứa.  Nhưng làm sao họ có thể tuân giữ và thực hành các điều răn của Thiên Chúa mà trước hết không yêu mến Người?  Hai đoạn Cựu Ước về Mười Điều răn mới chỉ trình bày Thiên Chúa là vị thần duy nhất, ghen tương và nói đến bổn phận của dân Ít-ra-en là phải “phụng sự Thiên Chúa”, mà không nói đến việc sống với Người trong mối tương quan tình yêu hai chiều.  Nếu họ chỉ thực hành các mệnh lệnh để “phụng sự” Thiên Chúa mà thôi, thì cũng đâu khác gì những người dân ngoại chỉ biết thờ các vị thần vì sợ hãi hoặc vì mong được ơn này ơn nọ.  Mục đích Thiên Chúa ban các điều răn là để giúp chúng ta được hạnh phúc bởi Người yêu thương ta.  Do đó, yêu mến Thiên Chúa phải là động lực giúp chúng ta tuân giữ các điều răn để đáp lại tình yêu Thiên Chúa yêu thương ta.  Như vậy chúng ta có thể nói yêu mến Thiên Chúa không phải là điều răn giống như các điều răn khác, vì các điều răn này chỉ đưa ra các việc phải làm hay các việc phải tránh, thí dụ “Ngươi phải nghỉ ngơi ngày Chúa Nhật”, hoặc “Ngươi chớ ngoại tình”.  Còn yêu mến Thiên Chúa thì liên quan đến toàn bộ cuộc sống, vì yêu mến là nguyên lý cho mọi việc tuân giữ các điều răn.

        Vậy chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa thế nào?  Theo lời ông Mô-sê, trước hết là phải tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa.  “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” cũng là lời tuyên xưng đức tin mà người Do-thái quen tụng niệm hằng ngày và cũng là điều Chúa Giê-su nhắc lại khi Người nói rõ điều răn nào là trọng nhất.  Tiếp đến, lòng yêu mến Thiên Chúa là phải “hết lòng hết dạ, hết sức anh em”.  Thánh Gio-an tông đồ khẳng định rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, nghĩa là Người đã hết lòng hết dạ với chúng ta, thì đổi lại, chúng ta có hết lòng hết dạ và hết sức yêu mến Người cũng là điều hợp lý.  Chúng ta sẽ nhận ra và học được mẫu gương yêu mến Thiên Chúa bằng tất cả con người mình qua Chúa Giê-su khi Người thi hành sứ vụ Thượng Tế.

        2.  “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13).  Chúa Giê-su tâm sự với các tông đồ qua những lời chuyện trò sau cùng này.  Người ám chỉ những lời này về chính Người vì Người sắp chịu chết trên thập giá để đền tội cho nhân loại.  Đoạn thư Do-thái đã đề cao hành động yêu mến của Chúa Giê-su khi Người chịu chết để “đền tội” cho nhân loại, mặc dù Người là Con Chiên vô tội của Thiên Chúa.  Khi hy sinh tính mạng vì nhân loại, Chúa Giê-su đã biểu lộ cùng một lúc tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu của nhân loại.  Là Thiên Chúa, Người vui lòng chịu chết để chuộc tội cho nhân loại.  Là một con người như chúng ta, Chúa Giê-su đã “hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:8) để tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa trong sự vâng phục tuyệt đối.  Xưa kia hành động bất tuân của A-đam đã gieo họa cho nhân loại, thì giờ đây hành động yêu mến Thiên Chúa của Chúa Giê-su đã phục hồi cho nhân loại những gì họ đã đánh mất.  Vì Thiên Chúa đã đặt Chúa Giê-su làm Thượng Tế muôn đời nên hành động yêu mến Thiên Chúa và cứu chuộc nhân loại sẽ mang lại hiệu quả vĩnh viễn.  Do đó, thư Do-thái mới viết:  “Phần Người, Người đã dâng chính mình  và chỉ dâng một lần là đủ”.

        3.  Điều răn đứng hàng đầu là yêu mến Thiên Chúa;  điều răn thứ hai là phải yêu người thân cận như chính mình. Điều thích thú nhất trong cuộc gặp gỡ hôm nay giữa vị kinh sư và Chúa Giê-su là cả hai người đồng quan điểm với nhau về vị trí của các điều răn, chứ không phải về tầm quan trọng.  Vị kinh sư hỏi Chúa Giê-su:  “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?”  Chúa Giê-su trả lời:  Điều răn yêu mến Thiên Chúa.  Trong khi nhóm Pha-ri-sêu và các kinh sư chỉ tranh luận với nhau xem điều răn nào trọng nhất, thì vị kinh sư này lại quan tâm đến điều răn nào “đứng hàng đầu”.  Như chúng ta đã thấy ông Mô-sê giải thích cho dân chúng biết yêu mến Thiên Chúa là điều răn đứng hàng đầu, vì nó chủ động cho việc tuân giữ các điều răn khác hoặc thi hành mọi chỉ thị và mệnh lệnh của Thiên Chúa.  Giờ đây, Chúa Giê-su cũng đồng ý với ông Mô-sê về vị trí đứng hàng đầu của điều răn yêu mến Thiên Chúa.  Tuy nhiên Người lại mở ra một chân trời mới cho chúng ta để chúng ta có thể thực thi điều răn này.  Đó là Chúa Giê-su xếp hạng yêu tha nhân vào vị trí ngay sau yêu mến Thiên Chúa, rồi Người kết luận:  Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó!  Quan trọng vì yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực thì cũng giống như yêu người thân cận như chính mình.  Đây quả thực là một phương trình tuyệt hảo nếu chúng ta muốn so sánh tình yêu như một phương trình trong toán học!  Thế là vị kinh sư lên tiếng khen Chúa Giê-su:  “Thầy nói rất đúng”.  Ông khen Chúa vì Người không những đã đặt đúng vị trí của hai điều răn mến Chúa yêu người, mà còn liên kết hai điều răn ấy với nhau trên căn bản tình yêu là gì.  Ông còn ngầm giải thích với Chúa lý do ông đồng quan điểm với Người là vì khi người ta thực hành cả hai điều răn này thì còn “quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” nữa.  Có được một vị kinh sư như thế này thật là hiếm.  Rồi Chúa Giê-su cũng “đáp lễ” ông bằng một lời khen vô cùng ý nhị:  “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!”

        Cuối câu chuyện, thánh sử Mác-cô đưa ra một nhận xét hóm hỉnh:  “Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa”.  Tại sao?  Có lẽ việc Chúa trả lời vị kinh sư đã lột mặt nạ giả hình của đám Pha-ri-sêu và kinh sư khi chính họ chỉ biết tranh luận để đưa các điều răn lên bàn cân xem điều răn nào “nặng ký” nhất, mà cố tình quên đi rằng “yêu mến” (mến Chúa yêu người) mới thực sự quan trọng và đứng hàng đầu.  Cũng vì chỉ xét đến  tầm quan trọng, nên họ đã “giải thích” Mười Điều răn của Chúa thành 613 điều luật lệ lỉnh kỉnh, chẳng khác nào “gánh nặng” họ đặt lên vai dân chúng, còn họ thì chẳng động ngón tay vào!  Vì thế lúc này họ mới im lặng, không dám chất vấn Chúa là điều dĩ nhiên rồi.

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Qua những lời huấn dụ của ông Mô-sê và những lời giải thích của Chúa Giê-su về vị trí của lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, có lẽ chúng ta phải nhìn lại cách chúng ta tuân giữ Mười Điều răn của Chúa và các luật lệ của Giáo Hội.  Câu hỏi quan trọng nhất phải là:  Tôi tuân giữ các Điều răn và luật Giáo hội vì động lực nào?  Nếu chúng ta chỉ tuân giữ để có được cái “giấy thông hành” lên Thiên đàng thì đó không phải là ý của Thiên Chúa khi Người ban các Điều răn cho chúng ta.  Quan trọng là khi chúng ta thi hành các Điều răn mến Chúa yêu người là chúng ta sống tình yêu trong mối tương quan giữa ta với Chúa và giữa chúng ta với nhau.  Nếu Chúa Giê-su đã mến Thiên Chúa Cha nên vâng lời đến chết và yêu nhân loại đến hy sinh tính mạng, thì chúng ta cũng hãy noi gương Người, mà yêu mến Thiên Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”, đồng thời yêu thương anh chị em như chính mình vậy.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B