CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

Chúng ta làm gì đang khi mong đợi Chúa đến cứu độ?

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 63:16b-17, 19b; 64:2b-7;  1 Cr 1:3-9;  Mc 13:33-37)

        Chúng ta đều biết Lời Chúa trong Năm Phụng vụ nói với chúng ta về hoạt động cứu độ của Thiên Chúa qua sứ mệnh của Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô.  Mong đợi Chúa đến là chủ đề tổng quát của mùa Vọng.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày việc mong đợi ấy qua lời cầu xin thiết tha của ngôn sứ I-sai-a cầu khẩn Chúa đến giải thoát dân Ít-ra-en khỏi cuộc lưu đày (bài đọc 1).  Theo thánh Phao-lô, chúng ta “mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người” trong ngày tận thế, nhưng mong đợi bằng cách làm chứng cho Chúa Ki-tô (bài đọc 2).  Tuy nhiên điều cần thiết nhất chúng ta phải có để đón tiếp khi Chúa đến bất ngờ, đó là sẵn sàng bằng cách làm công việc Chúa trao và tỉnh thức (bài Tin Mừng).

        1.  Hãy thiết tha cầu xin Chúa đến cứu độ chúng ta.  Mong đợi là cầu xin.  Nhìn lại tình trạng dân Ít-ra-en bị lưu đày tại Ba-ben, chúng ta hiểu họ mòn mỏi muốn được giải thoát và trở về cố hương như thế nào.  Khi truyền đạt sứ điệp Thiên Chúa hứa cứu thoát dân Người, ngôn sứ I-sai-a đã thay mặt toàn dân dâng lên Chúa lời cầu xin tha thiết.  Trước hết lời cầu xin này là lời thú tội, nhìn nhận dân Chúa đã “lạc xa đường lối” của Chúa và lòng dạ họ chai đá không còn biết kính sợ Thiên Chúa nữa.  Tiếp theo lời thú tội, I-sai-a nói lên lời nguyện cầu và ước mong của mọi người:  “Xin Ngài mau trở lại” để cứu chúng con!  I-sai-a còn dùng một hình ảnh rất mạnh mẽ để nói lên sự thiết tha của lời cầu này:  “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống”.  Đúng vậy, Thiên Chúa đã “xé trời mà ngự xuống” khi Ngôi Hai giáng trần.  Thiên Chúa cũng xé trời ngự xuống khi Chúa Giê-su chịu phép rửa và “Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình” (Mc 1:9).  Sau lời cầu xin, I-sai-a muốn ta chiêm ngưỡng công việc của Chúa Giê-su, Đấng xé trời mà đến.  Người sẽ khích lệ người công chính tiếp tục đi theo đường lối Thiên Chúa.  Người sẽ kêu gọi kẻ tội lỗi trở về và thanh tẩy những ai nhiễm uế.  Người không còn “ngoảnh mặt không nhìn đến” dân Chúa và để tội ác mặc sức hành hạ họ, nhưng sẽ tận diệt tội lỗi.  Người sẽ uốn nắn họ như thợ gốm nặn đất sét để làm cho họ thành những tác phẩm của Người.  Lời cầu xin tha thiết của I-sai-a cũng là lời chúng ta xin Đức Ki-tô đến cứu độ chúng ta vậy!

        2.  Hãy mong đợi Chúa đến bằng cách sống “hiệp thông” với Đức Ki-tô.  Chúng ta mong đợi ai nếu không phải là Chúa Ki-tô?  Nếu Người không phải là tất cả tương lai của chúng ta thì ta đâu cần trông đợi Người cho uổng công!  Vì thế, thánh Phao-lô mới quả quyết rằng Chúa Giê-su chính là ân huệ Thiên Chúa ban cho ta, để ta được “trở nên phong phú về mọi phương diện”, tức là được “nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người”.  Thánh tông đồ vẽ ra một con đường thiêng liêng giúp chúng ta đón nhận ân huệ Ki-tô và trở nên phong phú, con đường ấy là nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm Chúa Ki-tô, hoặc nói khác đi, là hiệp thông với Chúa Ki-tô.  Càng kết hiệp với Chúa Ki-tô, chúng ta càng trở nên “vững chắc tới cùng” trong Ngày của Chúa.  Nhìn lại con đường thiêng liêng này, ta nhận ra tính linh động của nó.  Trên con đường ấy, chúng ta không thụ động, ngồi đó há miệng chờ sung rụng, nhưng chủ động và tích cực cộng tác với ơn Chúa, dưới sự dẫn dắt sống động của Chúa Thánh Thần, ta cố gắng sống làm sao để “không ai có thể trách cứ được chúng ta trong Ngày của Chúa”.  Vậy nghe lời Chúa thế nào và hiểu biết mầu nhiệm Chúa Ki-tô làm sao?  Thưa bằng cách suy niệm và cầu nguyện bằng Kinh Thánh;  còn hiểu biết mầu nhiệm Chúa Ki-tô không phải chỉ bằng trí óc, mà bằng tất cả trái tim chúng ta hầu tạo được sự kết hiệp mật thiết với Người.  Khi ấy, niềm mong đợi của ta vững chắc, vì Chúa đã đến và đang ở với chúng ta rồi!

        3.  Hãy mong đợi Chúa đến bằng cách chu toàn bổn phận và luôn sẵn sàng.  Điều đầu tiên Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta trong khi chờ đợi Chúa đến là chúng ta không biết khi nào Ngày của Chúa đến, nên ta phải coi chừng và phải tỉnh thức.  Tuy nhiên thái độ coi chừng và tỉnh thức Chúa muốn dạy chúng ta không phải là ngồi yên, mắt chăm chăm nhìn ra cổng, tai vểnh lên để nghe tiếng gõ cửa, nhưng là cứ là việc bình thường để chu toàn bổn phận.  Giống như ông chủ “trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc”, Chúa cũng trao cho ta mỗi người một sứ mệnh để chu toàn.  Người cũng trao quyền để ta thi hành sứ mệnh ấy, do đó ta không thể đổ thừa trách nhiệm cho người khác.  Sứ mệnh là ơn gọi của mỗi người và “quyền” chính là những tài năng Chúa ban cho ta.  Với sứ mệnh ấy và với quyền ấy, chúng ta đề có khả năng hoàn thành công việc Chúa muốn ta làm trong thời gian chờ đợi Chúa đến.  Thí dụ trong sứ mệnh xây dựng gia đình, chúng ta có quyền của chồng, của vợ, của con cái để giúp nhau trở nên một thánh gia thất như gia đình Nadarét.  Trong sứ mệnh chủ chăn, linh mục có quyền và cũng là bổn phận để giúp người khác yêu mến Chúa và phục vụ anh chị em… “Canh thức” như vậy, tất cả chúng ta sẽ không phải sợ hãi Chúa đến hôm nay, ngày mai hay bất cứ lúc nào, trái lại ta còn khao khát được ở bên Chúa muôn đời nữa.

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Chúng ta tất cả đều mong chờ Chúa.  Chúa cũng rất mong chờ đến với ta!

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi     


Suy Niệm Lời Chúa Năm B