Chúa Nhật thứ 24 Thường Niên, B

 (14-9-2003)

 

Lễ Suy tôn Thánh Giá

ĐỌC LỜI CHÚA

·    Ds 21,4b-9: (8) Đức Chúa nói với Môsê: «Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống».

·    Pl 2,6-11: (8) Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.

 

·    TIN MỪNG: Ga 3,13-17

Thế gian nhờ Con Người mà được cứu độ

 (13) Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. (14) Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, (15) để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. (16) Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (17) Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1. Đức Giêsu nói Ngài từ «trời» xuống. Vậy «trời» ở đây là gì? Có phải là không gian bao la với hàng tỷ tỷ tinh tú không?

2. «Con Người phải được giương cao» nghĩa là gì? Đức Giêsu đã dùng cách gì để cứu con người khỏi đau khổ và đem lại hạnh phúc cho họ? Nếu Ngài dùng cách ấy, thì đó có phải là cách tối ưu và hữu hiệu nhất không?

Suy tư gợi ý:

1. «Không ai đã lên trời, ngoại trừ Đấng từ trời xuống»

Chữ «trời» xuất hiện rất nhiều lần trong tất cả các sách Kinh Thánh. Nó chỉ một thực tại căn bản của tôn giáo, của đời sống tâm linh. Nhưng «trời» là gì? – Bình thường, người ta hay nghĩ trời là không gian bao la vô tận, trong đó chứa hàng tỷ tỷ tinh tú hay thiên thể như mặt trời, trái đất, trăng sao. Nghĩ như vậy thì hoàn toàn không sai, vì đó là nghĩa chính, nghĩa đen, nghĩa vật chất của chữ «trời». Nhưng «trời» thường được nói đến trong Kinh Thánh không có ý nghĩa vật chất như vậy. Chữ «trời» với ý nghĩa vật chất chỉ là dấu chỉ, là hình ảnh tượng trưng cho một cảnh giới tâm linh tuy vô hình đối với con mắt vật chất của con người, nhưng lại có thật, thậm chí còn thật hơn cả thế giới vật chất này nữa. Thế giới vật chất này tuy kéo dài hàng tỉ năm, nhưng vẫn là một cái gì hữu hạn cả về không gian lẫn thời gian: trải rộng trong một khoảng không gian nào đó nhất định, có thời điểm sinh ra và có thời điểm bị tiêu diệt. Khi đã bị tiêu diệt, thì sự hiện hữu của nó chỉ tương tự như một hình bóng, một giấc mơ thoảng qua, tương tự như hiện nay ta nghĩ về sự hiện hữu của những ngôi sao đã tắt, hay những nền văn minh cổ đại mà người ta khám phá được những di tích của chúng dưới lòng đất. Chúng hiện hữu mà có vẻ như không hiện hữu, chẳng khác bao nhiêu so với những giấc mơ trong đêm!

Cảnh giới tâm linh là cảnh giới của Thiên Chúa, của các thiên thần, mà những người có đời sống tâm linh phát triển có thể cảm nghiệm được phần nào, chẳng hạn các nhà thần bí như Phaolô (x. 2Cr 12,2), Gioan Thánh Giá, Têrêxa Avila, Meister Eckhart, hay các Kitô hữu thánh thiện khác. Đó là cảnh giới của sự sống vĩnh cửu mà thánh Phaolô mô tả: «Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người» (1Cr 2,9). Người bình thường không hề có một kinh nghiệm nào về cảnh giới này, cũng chẳng có thể tưởng tượng ra được, vì nó vượt ra khỏi tất cả mọi khả năng tưởng tượng của con người, tương tự như một người mù bẩm sinh không thể có một quan niệm hay tưởng tượng nào đúng đắn về màu sắc và ánh sáng. Cảnh giới này tồn tại muôn đời, nó hoàn toàn không liên quan gì với không gian hay thời gian mà chúng ta thường quan niệm. Nói theo triết lý Ấn Độ, nó nhỏ đến nỗi một hạt bụi cũng đủ chứa nó trọn vẹn, nhưng nó cũng lớn đến nỗi cả vũ trụ bao la này cũng không chứa nổi nó. Đức Giêsu «về trời» hay «thăng thiên» là trở về với cảnh giới tâm linh này, nơi Ngài đã từ đó mà đến.

Cảnh giới tâm linh sâu thẳm và vô tận này không ở đâu xa, nó hiện diện ngay trong tâm hồn chúng ta, nhưng nếu không có đời sống tâm linh sâu xa, chúng ta chẳng hề cảm nghiệm được. Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Giêsu hiện diện thật sự trong cảnh giới này. Theo lời Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, thì Ngài là người duy nhất đã từ cảnh giới tâm linh này đến với con người. Và Ngài đến trần gian này là để giúp chúng ta khám phá, thưởng nếm và dẫn chúng ta vào sống trong cảnh giới tâm linh bất diệt này. Chỉ khi nào khám phá và thưởng nếm cảnh giới tâm linh này, con người mới giải thoát được mọi đau khổ, mới cảm nghiệm được thế nào là hạnh phúc chân thật, thứ hạnh phúc không ai có thể lấy mất được.

2.  «Con Người phải được giương cao…»

Để giúp con người đi vào đời sống tâm linh, là đời sống của Thiên Chúa, hay sự sống đời đời, thì Đức Giêsu phải «được giương cao», tương tự như con rắn đồng ở trong sa mạc thời Môsê, khi được giương cao lên, ai bị rắn cắn mà nhìn lên đó thì được chữa lành. Hình ảnh con rắn đồng được giương cao quả là đầy ý nghĩa. Tình trạng bị rắn cắn đau đớn và có thể chết người tượng trưng cho sự đau khổ tột cùng của con người. Thiên Chúa đã lấy ngay hình con rắn để trị bệnh rắn cắn, nghĩa là lấy chính đau khổ để diệt đau khổ: đó là một hình thức «dĩ độc trị độc». Khi con rắn «được giương cao» thì nó trị được sự đau đớn do rắn cắn, điều đó có nghĩa là khi người ta hiểu được giá trị của đau khổ, khiến họ tự nguyện chấp nhận đau khổ, thì sự chấp nhận đó có thể tiêu diệt được đau khổ, chẳng những cho mình, mà cho cả người khác. Việc con rắn «được giương cao», theo cách hiểu truyền thống, là hình ảnh Đức Giêsu bị treo lên cao khỏi mặt đất, hay bị treo trên thập giá, nghĩa là Ngài đã tự nguyện chấp nhận sự đau khổ cùng tột của con người. Nhờ đó, Ngài đem lại ơn cứu độ hay sự giải thoát khỏi đau khổ cho tất cả những ai tin vào Ngài.

Đây là một bài học về một định luật trong cuộc sống: Đau khổ của con người có thể được hóa giải bằng chính việc vui lòng hay tự nguyện chấp nhận tất cả những đau khổ xảy đến với mình. Thật vậy, khi ta không còn sợ hãi đau khổ, mà sẵn sàng vui vẻ đón nhận khi nó đến với mình, thì nó bỗng mất đi hoặc bớt đi khả năng gây đau khổ. Trái lại, càng sợ đau khổ, càng muốn tránh né nó, thì nó lại càng tăng khả năng gây khổ hơn. Chính vì thế, kinh nghiệm dân gian về định luật này được tóm lại trong câu: «Ghét của nào, Trời trao của nấy»: càng ghét đau khổ, thì càng hấp dẫn đau khổ đến với mình. Về hạnh phúc cũng có phần tương tự như vậy. Càng quan tâm tới hạnh phúc của mình, càng khao khát tìm hạnh phúc, thì hạnh phúc dường như càng xa khỏi tầm tay của mình. Càng không nghĩ tới nó, không quan tâm tới nó, thì dường như nó càng dễ đến gần mình hơn, và vào trong tầm tay của mình.

Đau khổ và hạnh phúc là cái gì liên quan rất mật thiết với «cái tôi» của ta. Càng coi «cái tôi» của mình là quan trọng, càng quan tâm hay chú ý tới nó, thì càng nhạy cảm với đau khổ, càng dễ đau khổ, càng thấy bị «mất mình», «vong thân». Trái lại, càng coi «cái tôi» của mình không là gì cả, càng ít quan tâm tới nó, thì càng dễ cảm nhận được hạnh phúc. Đây quả là một nghịch lý của sự sống. Càng sống ích kỷ, càng chỉ nghĩ đến mình, ta càng đánh mất mình, càng thấy cuộc đời là vô nghĩa, và càng đau khổ. Trái lại, càng quên mình, nhất là càng sống vị tha, ta càng thấy cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc. Đức Giêsu có nói về nghịch lý này: «Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời» (Ga 12,25). Còn thánh Phanxicô Khó Khăn thì nói: «Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân» (Kinh Hòa Bình).

Vui lòng hay tự nguyện chấp nhận đau khổ, mất mát, thiệt thòi, nhục nhã là một hình thức xả kỷ, quên mình, «tự hủy», đó là một hình thức «được giương cao», «được treo lên». Đây chính là con đường dẫn đến giải thoát mà Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta, và Ngài đã làm gương cho chúng ta: «Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự» (Pl 2,6-8). Như vậy, Ngài đã lấy chính đau khổ của mình để diệt đau khổ cho nhân loại, lấy sự tự hạ mình để nâng con người lên, lấy cái chết của mình để đem lại sự sống cho con người. Thánh Phêrô viết: «Vì Người mang vào mình những vết thương mà anh em được chữa lành» (1Pr 2,24). Đó là cách Ngài diệt đau khổ và đem lại hạnh phúc cho chúng ta.

3.  «… để ai tin vào Người thì được sống muôn đời»

Bài Tin Mừng viết: «Con Người phải được giương cao, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời». «Được giương cao» ở đây có nghĩa là «được treo lên», là tự nguyện chịu đau khổ và chết. Ngài đau khổ để con người hạnh phúc. Ngài chết để con người được sống. Nhưng thực ra, con người vẫn đang đau khổ và vẫn chết về mặt tâm linh. Con người chỉ hưởng được ích lợi của sự đau khổ và sự chết của Ngài khi họ tin vào Ngài. Tin vào Ngài nghĩa là gì? Chắc chắn không phải chỉ là sự tuyên bố chấp nhận Ngài là Con Thiên Chúa hay là Đấng Cứu Độ, mà là một thái độ sống chứng tỏ mình chấp nhận điều ấy. Tin rằng Ngài đã đau khổ và đã chết để đem lại ơn cứu độ hay hạnh phúc và sự sống cho nhân loại, nghĩa là tin rằng cách Ngài làm là cách tốt nhất để đem lại hạnh phúc và sự sống cho mình và mọi người. Nếu thật sự tin như thế, ta sẽ áp dụng cách đó vào trong đời sống của mình, nghĩa là sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ xảy đến, sống xả kỷ, quên mình, để nhờ đó chẳng những chính ta được hạnh phúc và còn đem lại hạnh phúc cho người khác nữa. Đó cũng chính là cách để đi vào cảnh giới tâm linh vĩnh cửu, vào sự sống đời đời mà Thiên Chúa đã hứa cho những ai yêu mến Ngài.

CẦu nguyỆn

Lạy Cha, Đức Giêsu đã dùng đau khổ để giải phóng nhân loại khỏi đau khổ, đã quên đi hạnh phúc của chính bản thân để đem lại hạnh phúc cho mọi người. Nếu Ngài đã dùng cách đó, ắt đó phải là cách tối ưu và khôn ngoan nhất để giải thoát khỏi đau khổ và đem lại hạnh phúc. Do đó, nếu con tin Đức Giêsu, ắt con cũng phải bắt chước Ngài sử dụng cách đó để tự giải thoát khỏi đau khổ và tìm đến hạnh phúc, đời này cũng như đời sau.

 

Joan Nguyễn Chính Kết


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà