CHÚA NHẬT 28 QUANH NĂM, B

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:        Do-thái 4: 12-13

 

        Trích dẫn thư Do-thái cho Chúa Nhật 27 đã giới thiệu với chúng ta vai trò Thượng tế của Chúa Giê-su trong kế hoạch cứu độ.  Người đã hiến tế chính bản thân để chuộc lại tội lỗi cho loài người.  Cái chết hy sinh của Chúa Giê-su trên thập giá đã đưa Người vào cung thánh đích thực của Thiên Chúa và mang lại hiệu quả thứ tha tội lỗi, điều mà các tư tế Lê-vi và các tế phẩm không thể mang lại.  Tuy cái chết ấy là cao điểm của kế hoạch cứu độ, thì việc cứu rỗi vẫn bao gồm tất cả cuộc đời dương thế và sứ mệnh của Chúa Giê-su nữa.  Nói khác đi, việc cứu rỗi của chúng ta không chỉ là kết quả đương nhiên do cái chết của Người, nhưng còn là kết quả của tiến trình chúng ta hoán cải nhờ đón nhận lời giảng của Người nữa.  Do đó, khởi đầu sứ mệnh cứu thế, Chúa Giê-su đã đưa ra lời mời gọi căn bản:  Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng.  Hiểu kế hoạch cứu rỗi như vậy, chúng ta sẽ không lạ khi thấy bài đọc Tân Ước hôm nay không tiếp nối đề tài chức tư tế tối cao của Chúa Giê-su, mà lại trình bày Chúa Ki-tô là Lời Thiên Chúa.  Nếu chúng ta đón nhận Chúa Ki-tô, Lời Thiên Chúa, và để cho “thanh gươm hai lưỡi” này giúp chúng ta nhận biết Thiên Chúa và nhận biết chính mình, thì đó là giai đoạn quan trọng của hành trình cứu rỗi.

 

a)  Chúa Ki-tô là Lời Thiên Chúa       

        Đọc lại dòng đầu tiên của Thư Do-thái, chúng ta mới thấy rõ được Lời Thiên Chúa là gì.

        “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ;  nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (1:1).  Từ khi những lời đã được Thiên Chúa phán dạy qua các ngôn sứ cho đến khi Ngôi Lời nhập thể đã có một thời gian dài hơn một ngàn năm, kể từ ông Mô-sê, phát ngôn viên của Đức Chúa cho tới Ma-la-khi, vị ngôn sứ cuối cùng thời Cựu Ước.  Những lời của Thiên Chúa phán trong Cựu Ước là những sứ điệp đã được gửi đến cho nhân loại qua trung gian là  các vị ngôn sứ.  Trong lịch sử Ít-ra-en, ngôn sứ là người nói thay cho Thiên Chúa, giữ vai trò làm “miệng của Chúa” để nói với dân (Gr 15:19).  Sứ điệp của Thiên Chúa được thông đạt “nhiều lần nhiều cách.”  Sự phong phú của các sách ngôn sứ trong Kinh Thánh Cựu Ước đã cho chúng ta thấy cái “nhiều lần nhiều cách” của Lời Thiên Chúa đến với nhân loại.

        Nhưng “vào thời sau hết này,” tức là bắt đầu thời Tân Ước, thời đại cứu thế, Thiên Chúa đã trực tiếp dùng tiếng nói nhân loại của Người để nói với loài người chúng ta.  Thời đại và vai trò của các vị ngôn sứ đã chấm dứt.  Thiên Chúa sử dụng tiếng nói loài người để nói với chúng ta.  Không cần ai nói thay Người nữa, nhưng Người nói trực tiếp.  Chúa Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể, là Lời Thiên Chúa.  Nơi Chúa Giê-su, Lời Thiên Chúa không chỉ là lời nói, lời giảng, nhưng còn là một lối sống, một gương mẫu, một biểu lộ tình yêu và quyền năng Thiên Chúa.    

 

b)  Lời Thiên Chúa sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi

Trong những đặc tính của Lời Thiên Chúa, thư Do-thái kể ra ở đây ba đặc tính cốt yếu:  sống động, hữu hiệu và sắc bén.  Sống động, vì Lời Thiên Chúa không phải chỉ là những dòng chữ vô hồn nằm trong đám sách vở.  Trái lại, lời ấy đã chứa đựng những nội dung liên hệ đến cuộc sống và thân phận con người.  Có khi là lời tình yêu của Cha trên trời nói với con cái mình.  Có khi là lời nghiêm khắc răn dạy của người Cha muốn con cái nên thân nên người.  Có khi là lời mặc khải cho thấy những chân lý rạng ngời...

Tính cách hữu hiệu của Lời Thiên Chúa đã được thư Do-thái nói đến qua việc tạo dựng vũ trụ.  Mọi sự đã được tạo thành là do “Thiên Chúa phán” (Sáng Thế 1).  Thí dụ:  “Thiên Chúa phán:  ‘Phải có ánh sáng.’  Liền có ánh sáng” (St 1:3).  Do đó, ngay sau khi giới thiệu Chúa Giê-su là Lời Thiên Chúa, thư Do-thái viết tiếp:  “Thiên Chúa đã nhờ Người (= Chúa Giê-su, Ngôi Lời) mà dựng nên vũ trụ” (Dt 1:2).  Ngôn sứ I-sai-a cũng dùng một hình ảnh sống động để diễn tả tính cách hữu hiệu của Lời Thiên Chúa:  như mưa tuyết sương sa rơi xuống đất làm cho đất phì nhiêu và giúp cây cối sinh hoa kết quả, Lời Thiên Chúa chỉ trở về với Người sau khi đã chu toàn sứ mạng (Is 55:11-12).

Nhưng đặc biệt hơn cả, Lời Thiên Chúa còn “sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi.”  Gươm một lưỡi đã sắc bén rồi!  Gươm hai lưỡi còn sắc bén hơn, bởi thay vì có một cạnh là lưỡi và một cạnh là sống gươm, thì cả hai cạnh đều là lưỡi gươm cả.  Nhưng ý nghĩa gươm hai lưỡi không hẳn chỉ đơn sơ như vậy, mà Sách Thánh muốn ám chỉ đến hiệu năng của Lời Thiên Chúa giống như sức cắt của gươm hai lưỡi:  một lưỡi cắt ra để chúng ta thấy được phía Thiên Chúa và một lưỡi cắt ra để chúng ta thấy được phía chính mình.  Thiếu gì lúc chúng ta sợ tâm hồn bị cắt ra để phải nhìn thấy những ung nhọt, xấu xa của mình!  Nhưng Lời Thiên Chúa cũng cắt bỏ những che khuất để chúng ta có thể nhận biết tình yêu, lòng thương xót và nhân từ của Thiên Chúa.

 

c)  Lời Chúa xét xử  

        Nếu Đức Ki-tô là Lời Thiên Chúa để loan báo Tin Mừng qua sứ vụ rao giảng, chuộc tội nhân loại qua cái chết hy sinh trên thập giá và sống lại từ kẻ chết, thì Đức Ki-tô cũng là Lời Thiên Chúa để xét xử muôn loài trong ngày cánh chung.  Vai trò phán xét của Đức Ki-tô trong ngày tận thế bắt buộc phải có trong tiến trình cứu rỗi.  Khởi đầu sứ vụ, Đức Ki-tô đã tuyên bố:  “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.  Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15).  Người thường nhắc lại lời cảnh giác:  “Ai có tai thì nghe” (Mt 13:9).  Rồi:  “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử” (Ga 5:24).  Cho nên ở lúc kết thúc kế hoạch cứu độ, Lời Thiên Chúa sẽ giữ vai trò xét xử mọi người, ai đã tiếp nhận và ai đã không tiếp nhận.

       

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

 

        Tôi đã và đang tiếp cận với Lời Chúa bằng những cách nào?  Lắng nghe Lời Chúa trong Thánh lễ?  Đọc và suy niệm Kinh Thánh? 

        Đức Ki-tô là Lời Thiên Chúa có ý nghĩa gì đối với tôi?  Hiện nay, Thiên Chúa phán dạy tôi qua “Thánh Tử” là Đức Ki-tô những gì và như thế nào?  “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17:5).  Tôi đã vâng nghe lời Chúa Giê-su thế nào?

        Tôi cần phải làm những gì để lắng nghe Lời Thiên Chúa?  Có một thời biểu để hằng ngày đọc, suy niệm và cầu nguyện bằng Kinh Thánh?  Học hỏi và chia sẻ Lời Chúa?  Tham dự lớp Kinh Thánh?

 

Cầu nguyện kết thúc

 

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát bài “Lắng nghe tiếng Chúa.”

 

Lm. Ðaminh Trần đình Nhi,

10-10-2003


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà