LỄ CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ VUA

 

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:        Khải Huyền 1: 5-8

 

        Trước khi gửi thư cho bảy giáo đoàn hội thánh Tiểu Á, thánh Gio-an chào thăm họ nhân danh Chúa Giê-su.  Ngài tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su là Vua và chúc tụng những công nghiệp của vị “Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian.”  Hình thức của bảy thư đều theo cùng một dàn bài như nhau:  người nhận thư là mỗi giáo đoàn, người gửi thư là Chúa Ki-tô, nội dung là xét xử, đe dọa hay khích lệ cộng đoàn về lòng trung thành, lời khuyên và hứa ban phần thưởng.  Hiểu như thế, chúng ta sẽ thấy tước hiệu Thủ Lãnh dành cho Chúa Ki-tô thực là thích hợp trong vai trò Đấng phán xét muôn loài trong ngày sau hết và trích dẫn đoạn Kinh Thánh này mang nhiều ý nghĩa cho lễ trọng kính Chúa Giê-su là Vua.  Vậy qua lời giới thiệu của Gio-an trước khi ngài viết lại các sứ điệp của Chúa Giê-su để gửi cho các giáo đoàn Tiểu Á, thì Vua Ki-tô là ai và Người đã làm gì?

 

a)  Vua Ki-tô là “vị Chứng Nhân trung thành, Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy và Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian”  

        Những tước hiệu trên đây cho chúng ta một hình ảnh đầy đủ về Chúa Ki-tô trong ba thời điểm thuộc sứ mệnh của Người:  sống giữa nhân loại để công bố Tin Mừng cứu rỗi, chết và sống lại để thiết lập một nhân loại mới, và sẽ trở lại xét xử muôn loài và quy tụ muôn loài mà đưa về cho Thiên Chúa Cha.

        Cuộc sống của Chúa Giê-su trên trần gian là một chứng từ của tình yêu Thiên Chúa.  Người trung thành làm chứng cho sự thật (Ga 18:37), đó là Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi sai Người đến với thế gian.  Người trung thành trong vai trò là Lời của Thiên Chúa nói với nhân loại, để kêu gọi họ hãy hối cải, dạy họ những chân lý mới và mời họ hãy tin vào Tin Mừng Người rao giảng.  Dù phải đương đầu với dửng dưng, chống đối, nguy hiểm và ngay cả cái chết khổ nhục, Người vẫn trung thành với sứ mệnh cứu thế.  Thực vậy, Người đã cam lòng chịu chết để trung thành với tình yêu đối với Thiên Chúa và nhân loại.  Máu Người đổ ra trên thập giá đã xóa bỏ tội lỗi trần gian và chứng tỏ lòng “yêu thương đến cùng” của Thiên Chúa.

        Sự Phục sinh đã nói lên vai trò mới trong sứ mệnh làm vua của Chúa Giê-su.  Người là Con Cả của nhân loại mới, là Anh Trưởng của một đàn em đông đúc.  Chân lý này đã được thánh Phao-lô khai triển nhiều lần trong các thư của ngài, nhất là thư Cô-lô-xê.  Sự Phục sinh của Chúa Giê-su là khuôn mẫu, khởi đầu và bảo đảm cho sự sống lại trong ngày sau hết của tất cả những ai tin vào Người.  Đó là tất cả những gì mà thánh Phao-lô gọi là “niềm hy vọng” của tín hữu khi còn đang sống cuộc lữ hành tại trần gian này.

        Chúa Ki-tô là Thủ Lãnh, nhưng chúng ta hãy nghe ý niệm về thủ lãnh của Người:  “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em;  ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10:43-44).  Chính vì Người đã “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống nhu người trần thế, lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:7-8), đã thi hành vai trò thủ lãnh như vậy ở trần gian, nên “Thiên Chúa đã siêu tôn Người..., mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: ‘Đức Giê-su Ki-tô là Chúa’” (Pl 2:9,11).  Nếu Đầu đã đi theo con đường thập giá để tiến đến vinh quang, thi các chi thể cũng phải theo cùng một hướng ấy.  Theo kế hoạch cứu rỗi nhiệm mầu, Thiên Chúa đã đặt Chúa Ki-tô làm Thủ Lãnh của một Dân Mới, của “giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (1 Pr 2:9) để dẫn dưa nhân loại trở về và tiến vào vương quốc vĩnh cửu của Người.

 

b)  Vua Ki-tô đã đối xử như thế nào với con dân của Người?

        Chúa Giê-su đã cho chúng ta câu trả lời rõ ràng:  “Anh em biết:  những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình.  Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy...  Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc 10:42,45).  Sách Khải Huyền đã tóm tắt cách thức đối xử của Vua Giê-su trong một động từ duy nhất:  Người đã yêu mến chúng ta cho đến giọt máu cuối cùng, yêu đến độ “lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta” và cho chúng ta được tham dự vào sứ vụ vua, ngôn sứ và tư tế của Người, tức là cũng được cai trị mọi loài cùng với Đức Ki-tô.  Đúng là “con Vua thì lại làm vua”!  Ở đây chúng ta nhận ra cấu trúc của Phụng Vụ, tại sao Giáo Hội sử dụng đoạn sách Khải Huyền hôm nay để tiếp nối đề tài sứ vụ tư tế của Chúa Giê-su qua thư Do-thái trong sáu Chúa Nhật trước đây.

        Tấm lòng yêu thương của Vua Giê-su đòi hỏi sự đáp trả nơi mỗi người chúng ta, nếu quả thực chúng ta vỗ ngực xưng mình là công dân đích thực của vương quốc Người.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

 

        Trong cuộc sống đời tạm này, chúng ta có thể tôn vinh nhiều người hoặc sự vật làm vua của mình và để cho mình lệ thuộc vào những ông vua ấy.  Vậy tôi đang làm bề tôi cho ông vua nào?  Tiền bạc?  Danh vọng?  Quyền hành?  Thú vui?  Tôi sẽ làm cuộc cách mạng nào để lật đổ những ông vua này và chỉ tôn vinh Vua Giê-su thôi?

        “Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. A-men” là vinh tụng ca dâng lên Vua Ki-tô.  Tôi sẽ làm gì để làm rạng rỡ vinh quang và uy quyền của Chúa Giê-su?

        Yêu thương là chính sách cai trị của Vua Giê-su.  Tôi có theo chính sách ấy của Người không?  Và tôi đã thi hành chính sách ấy như thế nào trong gia đình, sở làm, nhóm, cộng đoàn?

 

Cầu nguyện kết thúc

 

Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm có thể cùng đọc lời nguyện sau đây:

 

Lạy Chúa Giê-su, Vua vũ trụ,

nếu Chúa là vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục,

nếu Chúa là vua của hơn tám trăm ngàn nữ tu,

nếu Chúa là vua củ một tỷ người công giáo,

thì thế giới này sẽ đổi khác, Hội Thánh sẽ đổi khác.

Chúng con không phải là một lượng men quá nhỏ,

nếu khối bột chẳng được dậy lên, thì là vì men đã mất phẩm chất.

Chúng con phải chịu trách nhiệm về sự dữ trên địa cầu: 

có nhiều sự dữ do chính chúng con gây ra. 

Chúng con chỉ kêu cầu cho Nước Chúa mau đến,

nhưng lại không chịu xây dựng Nước ấy trên trần gian.

Lạy Chúa Giê-su Vua vũ trụ, chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa,

giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ, nên nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa,

dù Chúa đã đến trái đất này từ 2000 năm.

Chúng con sợ Chúa đến làm phiền chúng con,

và không cho chúng con được yên ổn.

Ước gì một tỷ người công giáo chịu để Chúa chi phối đời mình

và đưa Chúa đi vào những nơi Chúa chưa hề đến. 

Như thế vũ trụ này trở thành vũ trụ của Thiên Chúa.

                                                (Trích RABBOUNI, lời nguyện 73)

 

Lm. Ðaminh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà