CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:  1 Gio-an 3: 1-2

          Trong Chúa Nhật trước, đoạn trích dẫn thư 1 Gio-an đề cập đến mối tương giao mật thiết giữa Ki-tô hữu với Thiên Chúa.  Bài đọc hôm nay đi thêm một bước nữa, xác nhận rõ ràng mối tương giao đó của chúng ta là được làm con Thiên Chúa do lòng yêu thương của Người.  Địa vị làm con Thiên Chúa được thánh Gio-an nói đến gồm có hai giai đoạn:  giai đoạn khởi đầu sau khi được rửa tội làm Ki-tô hữu, và giai đoạn cánh chung khi được hoàn toàn nên giống Chúa Ki-tô.  Sống hiện tại để chuẩn bị cho tương lai, đó là điều Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta, đặc biệt trong mùa Phục Sinh này.

 

a)  Chúng ta là con Thiên Chúa ở đời này

          Thánh Gio-an trình bày một cách rất đơn sơ địa vị làm con Thiên Chúa của chúng ta ở đời này.  Ngài chỉ nêu lên hai điểm.  Trước hết là làm sao chúng ta có được địa vị ấy?  Chắc chắn không phải vì chúng ta xứng đáng, nhưng hoàn toàn là do lòng thương của Chúa Cha.  Nếu Chúa Cha đã yêu thương nhân loại đến nỗi ban Con Một Người cho thế gian (Ga 3:16), thì cũng thế, Người yêu chúng ta “đến nỗi chúng ta được gọi là con Thiên Chúa” (1 Ga 3:1).  Vậy mà đáng buồn thay, có nhiều người không nhận biết địa vị cao quý ấy!  Do đó, thay vì chỉ khẳng định chúng ta là con Thiên Chúa, thánh Gio-an thấy cần phải kêu gọi, nhắc nhở chúng ta hãy nhận biết địa vị của mình:  “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào.”  Có nhận biết được mức độ yêu thương bao la của Thiên Chúa dành cho chúng ta, chúng ta mới có thể nhận biết mình được gọi là con Thiên Chúa.  Còn trái lại, nếu chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa, thì dĩ nhiên chúng ta không thể nào nhận ra mình là con Thiên Chúa được.

          Thứ đến, địa vị làm con Thiên Chúa đặt chúng ta trong tư thế đối nghịch với thế gian.  Thế gian đã trở thành một trong số ba thù (thế gian, tội lỗi và ma quỷ) đối với chúng ta.  Hoặc nói theo thánh Gio-an:  thế gian “không nhận biết” chúng ta, không đội trời chung với chúng ta.  Tại sao vậy?  Lý do thật đơn giản:  vì thế gian không muốn biết Thiên Chúa, không muốn có mối tương giao với Người.  Làm con Thiên Chúa, chúng ta sẽ sống theo đường lối Người muốn chúng ta sống, tức là sống theo Thần Khí của Đức Ki-tô Phục Sinh.  Điều này hoàn toàn đi ngược với đường lối của thế gian.

          Thế gian muốn tước đoạt địa vị làm con Thiên Chúa nơi chúng ta khi nó tìm cách quyến rũ chúng ta cứ ở trong tội lỗi.  Do đó, tiếp theo đoạn thư hôm nay, thánh Gio-an khẩn khoản xin chúng ta hãy đoạn tuyệt với tội lỗi.  Sống giữa thế gian, địa vị làm con Thiên Chúa thường đem lại cho chúng ta nhiều thiệt thòi ở đời này.  Chúng ta không thể làm những gì trái lề luật Thiên Chúa.  Chúng ta sẽ bị chê cười...  Nhưng Chúa Giê-su đã hứa:  “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).

 

b)  Chúng ta là con Thiên Chúa ở đời sau

          Có lẽ một thắc mắc của hầu hết chúng ta là:  Giờ đây tôi cố gắng làm con cái xứng đáng của Thiên Chúa, vậy mai sau tôi sẽ được gì?  Khi theo Chúa Giê-su, ông Phê-rô cũng đã có thắc mắc giống như chúng ta.  Ông thưa với Chúa:  “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy.  Vậy chúng con sẽ được gì?”  Đức Giê-su đáp:  “Thầy bảo thật anh em:  anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en” (Mt 19:27-28).  Còn thánh Gio-an, để trả lời thắc mắc của chúng ta, ngài viết:  “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.  Chúng ta biết rằng, khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người” (1 Ga 3:2).  Vậy thánh Gio-an chỉ có thể đoan chắc với chúng ta một chân lý này, là nếu chúng ta tiếp tục sống xứng đáng là con Thiên Chúa ở đời này thì đời sau chúng ta sẽ nên giống như Đức Ki-tô Phục Sinh.  Đức Ki-tô Phục Sinh đã trở nên khác đến nỗi ngay các tông đồ cũng không nhận ra Người khi Người hiện ra.  Không ai trong những người đã được Người hiện ra có thể diễn tả được Người như thế nào.  Và giờ đây cả chúng ta cũng như vậy.  Hết thảy đều phải đợi tới ngày cánh chung mới có thể thấy Người thực sự như thế nào.

          Đây không phải là một bí mật, nhưng đúng hơn là một mời gọi.  Mỗi ngày trong cuộc sống Ki-tô hữu, chúng ta cố gắng biến đổi trở nên giống Chúa Ki-tô hơn, đó là chúng ta đang khám phá ra Chúa Ki-tô Phục Sinh, đồng thời chúng ta cũng khám phá ra hình ảnh tương lai của chính mình.

          Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa.  Tương lai chúng ta sẽ nên giống như Chúa Ki-tô Phục Sinh.  Khoảng cách giữa “hiện giờ” và “mai sau” là thời gian để chúng ta tiếp tục sống mầu nhiệm Phục Sinh, có nghĩa là mỗi ngày chúng ta phải chết đi cho con người tội lỗi của mình để sống lại trong tinh thần mới, tâm tình mới và lối sống mới của một Ki-tô hữu đích thực.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Tôi có thực sự hiểu ý nghĩa làm con cái Chúa như thế nào không?  Hay chỉ là một địa vị tôi thừa hưởng do cái gốc Công giáo của mình? Làm sao giúp mình ý thức một cách đúng đắn địa vị làm con Thiên Chúa theo cách hiểu của thánh Gio-an? Nghĩa là tôi có “xem” Chúa Cha yêu tôi dường nào không?

          Tôi có nhận thấy những thiệt thòi đối với thế gian trong địa vị làm con Thiên Chúa không?  Tôi đã đối phó với những cảm nghĩ thiệt thòi ấy như thế nào?

          Tôi sống mầu nhiệm Phục Sinh mỗi ngày như thế nào?  Ý thức mình được gọi làm con Thiên Chúa nhờ Đức Ki-tô?  Sống mối tương giao mật thiết Cha-con?  Lấy Chúa Ki-tô làm gương mẫu để biến đổi mỗi ngày?

 

Cầu nguyện kết thúc

                   Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc lời nguyện sau đây:

          Lạy Chúa Phục Sinh,

          vì Chúa đã phục sinh, nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ.

          ... Sự Phục Sinh của Chúa là một lời mời gọi mang một sức thu hút mãnh liệt

          khiến con đổi cái nhìn về cuộc đời:

          nhìn tất cả từ trên cao để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo.

          Sự Phục Sinh của Chúa giúp con dám sống tận tình hơn

          với Chúa và với mọi người.

          Và con hiểu mình chẳng mất gì,

          nhưng lại được tất cả.

                                      (Trích RABBOUNI, lời nguyện 87)

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi

9-5-2003


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà