CHÚA NHẬT 5 QUANH NĂM

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         1 Cô-rin-tô 9: 16-19, 22-23

 

          Có lẽ chúng ta cần đọc lại vấn đề của giáo đoàn Cô-rin-tô được nói trong chương 8 để hiểu rõ hơn những gì thánh Phao-lô nói về chính ngài trong chương 9. Vấn đề là sau những bữa tiệc tế thần của người ngoại giáo tại Cô-rin-tô, thịt đã cúng tế còn dư được đem ra chợ bán, vậy Ki-tô hữu có được phép mua về dùng không? Thánh Phao-lô trả lời: Ki-tô hữu được tự do làm; nhưng vì đức ái, nếu việc ấy làm cho những người có lương tâm bối rối càng thêm bối rối và gây gương xấu cho họ, thì người ta cần phải hy sinh đừng ăn và đừng sử dụng quyền lợi của mình. Ngài đưa ra nguyên tắc: "Nếu của ăn làm cớ cho anh em tôi sa ngã, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để khỏi làm cớ cho anh em tôi sa ngã" (8:13).

          Vậy trong chương 9, thánh Phao-lô quảng diễn nguyên tắc của bác ái. Ngài trưng dẫn việc hy sinh tự do cá nhân của chính ngài vì ích lợi của anh chị em tín hữu. Ðể có thể rao giảng Tin Mừng cho Dân ngoại một cách hữu hiệu hơn, thánh Phao-lô đã từ khước tất cả những gì ngài có quyền hưởng "để khỏi gây trở ngại cho Tin Mừng của Ðức Ki-tô" (9:12). Ngài nói với chúng ta về ngài, không phải để khoe khoang, nhưng với tính cách một người cha để dạy bảo con cái bằng chính kinh nghiệm bản thân. Kinh nghiệm Phao-lô hy sinh quyền lợi cá nhân vì rao giảng Tin Mừng như thế nào?

 

a)Rao giảng Tin Mừng là một bổn phận

          Ðể hy sinh cho việc rao giảng Tin Mừng thì trước hết phải biết tầm quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng. Hy sinh cho một công việc ruồi bu thì đâu có phải là hy sinh. Thánh Phao-lô ý thức việc rao giảng Tin Mừng là quan trọng như thế nào!"Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!" (9:16). Mà nếu đã là một nhiệm vụ, thì sau khi chu toàn, người rao giảng chỉ có thể nói: "Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi" (Lc 17:10).

          Rao giảng Tin Mừng là một bổn phận, đồng thời cũng là một phần thưởng. Chúng ta có thể tưởng tượng Phao-lô viết dòng chữ sau đây với tâm tình nào? Phần thưởng là "khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công." Ý Phao-lô muốn nói ngược lại là: Tại sao lại bảo là không công? Tôi được vinh dự Chúa chọn và sai đi rao giảng Tin Mừng cho anh em Dân ngoại, thì nguyên vinh dự ấy đã quá đủ là phần thưởng cho tôi rồi! Chính xác tín này đã giúp cho Phao-lô thấy những quyền lợi của mình chẳng là gì cả so với bổn phận rao giảng Tin Mừng, cho nên dù hy sinh mấy cũng chưa đủ.

 

b)Hy sinh quyền tự do cho việc rao giảng Tin Mừng

          Ðối với con người, quyền tự do là điều tối quan trọng, đến nỗi người ta nổi dậy, thà chết để tranh đấu đòi lại quyền tự do cho mình. Lịch sử đấu tranh cho tự do đã quá nhiều trên thế giới đầy áp bức này. Thế mà vì muốn rao giảng Tin Mừng, Phao-lô, "một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người" (9:19). Từ đầu chương 9, Phao-lô đã đề cập tới đủ thứ quyền lợi của ngài. Cuối cùng ngài đã kết luận: "Nhưng phần tôi, tôi đã không dùng một quyền nào trong những quyền ấy" (9:15). Quyền tự do gắn liền với con người và cho con người một phẩm giá. Cho nên hy sinh quyền ấy có nghĩa là hy sinh chính bản thân.

Ðáp lại lời gọi đi rao giảng Tin Mừng không chỉ đòi chúng ta phải hy sinh quyền tự do, mà còn biến chúng ta thành nô lệ của mọi người.Ðiều này có nghĩa là tôi không còn gì cho mình nữa, mà phải "trở nên tất cả cho mọi người," tôi phải đi theo cùng con đường của Ðức Ki-tô là vị Thừa sai gương mẫu đã "hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ" (Pl 2:7). Nếu Ðức Ki-tô đã không giữ lấy địa vị ngang hàng với Thiên Chúa để trở nên Lời Thiên Chúa trong xác phàm, thì cũng thế, người rao giảng Lời Thiên Chúa phải trút bỏ mọi thứ "vinh quang" đời này vì đại cuộc Tin Mừng. Phao-lô đã nhìn lên gương mẫu của chính Ðấng đã kêu gọi ngài trên đường đi Ða-mát (Cv 9:1-19) và chia sẻ kinh nghiệm ơn gọi của mình với tín hữu Cô-rin-tô.

 

c)Hy sinh như thế không phải là chuyện dễ

          Nếu đọc tiếp những câu còn lại của chương 9 (cc. 24-27), chúng ta mới thấy không phải Phao-lô đã thực hiện lý tưởng hy sinh một cách dễ dàng đâu. Ngài mượn hình ảnh người lực sĩ đã phải khổ công luyện tập hằng ngày để nói lên cuộc chiến nội tâm làm sao tiếp tục sống hy sinh.Hy sinh không phải dễ như "đấm không khí," nhưng là đấm vào địch thủ đầy dẫy trong con người mình:địch thủ ích kỷ, vinh thân phì gia, bả danh lợi tiếng tăm... Ngay cả đến thể xác cũng là một địch thủ lợi hại: đói khát, bị đánh đập, tù đày, gian nan cực khổ trên đường truyền giáo... Vậy đâu là bí quyết để khắc phục mọi khó khăn ấy? "Nhờ Ðức Ki-tô, Chúa của tôi." Ðó chính là bí quyết, là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề và là tư tưởng cốt lõi luôn được nói lên trong mọi thư từ và lời giảng của Phao-lô.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          "Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng."Lời này thực sự nói với bản thân tôi điều gì?

          Tôi có là một người lúc nào cũng đặt nặng quyền lợi của mình?Là cha mẹ, tôi muốn tỏ ra "quyền" quyết định, xét đoán... trên con cái? Là con cái, tôi muốn "bảo vệ" quyền tự do muốn làm gì tùy ý, không muốn vâng phục cha mẹ?

          Trong hoàn cảnh sống hiện thời của tôi, lý tưởng rao giảng Tin Mừng đòi hỏi nơi tôi những hy sinh nào cụ thể nhất?Tôi có thực hiện được phần nào không? Tại sao không?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau những lời nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc kinh "Xin ơn quảng đại":

 

          Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,

xin dạy con biết sống quảng đại,

          biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,

biết cho đi mà không cần tính toán,

biết chiến đấu không ngại thương tích,

biết làm việc không tìm an nghỉ,

biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào

ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa.A-men.(Thánh I-Nhã)


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà