THỨ TƯ. LỄ TRO

Mt 6, 1-6.16-18

MỜI GỌI HOÁN CẢI

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

Mùa chay đã bắt đầu, hướng con người và lịch sử cứu độ về cuộc khổ nạn, phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Thời gian 40 mươi ngày chay, giúp người Kitô hữu đi theo Đức Kitô, bước theo con Người đã hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Bốn mươi ngày chay cũng đưa con người đi vào con đường hy sinh, từ bỏ và con đường vác thập giá theo Chúa Kitô. Con đường như thánh Phaolô nói là đồng hóa với Đức Kitô để cùng chết và sống lại với người. Mùa chay mời gọi người Kitô hữu và toàn Giáo Hội ăn năn sám hối. Bắt đầu lễ tro, Hội Thánh kêu con dân Chúa đổi mới tâm hồn.

 

ĂN CHAY THEO QUAN NIỆM KITÔ GIÁO

Chúa Giêsu bắt đầu sứ mạng công khai của mình đã loan báo rằng:” Anh em hãy sám hối vì nước trời đã gần kề “( Mt 4, 17 ) hoặc “ Thời buổi đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần, hãy hối cải và tin vào Tin Mừng”( Mc 1, 14-15 ). Chúa Giêsu mời gọi con người hối cải, vì sám hối là điều kiện tiên quyết để vào nước trời. Nhưng Giáo Hội muốn con người có những phương thế để sống điều mình dốc lòng vì thế, ăn chay là một trong những phương thế hữu hiệu giúp con người góp phần tích cực vào sự hoán cải. Xưa kia theo sách Joel trong bài đọc I hôm nay, mỗi khi gặp một tai ương thử thách nào đó, từ vua chí dân đều phải mặc áo nhặm, ngồi trên tro mà khóc lóc, trong đền thờ các tư tế la to, khóc to, dân bắt chước khóc theo. Quan niệm ấy ngày nay không còn vì mỗi năm Hội Thánh bỏ ra thời gian 40 ngày để dân Chúa có cơ hội đổi mới nội tâm, hoán cải tâm hồn mà bước theo Chúa Kitô, mà theo Chúa Kitô nghĩa là tự đồng hóa với Chúa vì Chúa đến để đưa con người ra khỏi tội lỗi, thánh hóa con người, làm đẹp con người. Hình thức bề ngoài, diễn tả sâu sắc bề trong là mỗi người khi nhận tro để bắt đầu đi vào 40 ngày kết hợp với Chúa: con người thú nhận mình có tội, mình là bụi tro, sẽ trở về với tro bụi. Con người sẽ trở về với Đấng tác thành nên mình là Thiên Chúa. và như thế họ nhớ lại lời của Gioan Tẩy Giả khi thấy Chúa Giêsu hòa mình với dòng người tội lỗi bên bờ sông Giorđan xin Gioan làm phép thanh tẩy, đã chỉ cho mọi người cho nhân loại:” Đây là chiên Thiên Chúa đến gánh tội thiên hạ “. Chúa Giêsu đã đi vào sa mạc 40 ngày đêm để ăn chay, cầu nguyện với Thiên Chúa Cha.

 

TINH THẦN TU ĐỨC CẦN PHẢI CÓ TRONG MÙA CHAY

Chúa Giêsu đã đi vào sa mạc 40 đêm ngày: ăn chay, cầu nguyện. Dân Chúa cũng đi vào sa mạc với Chúa 40 đêm ngày để ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Theo luật Môsê bố thí, cầu nguyện và ăn chay là những phương thế tối hảo để dân Chúa kết hợp với Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Giáo Hội khuyên nhủ dân Chúa đừng phô trương công đức. Aên chay hãy vui lên, đừng ủ dột như người đau khổ, sầu não, tang thương. Hãy xức nước thơm lên đầu. Chúa Giêsu muốn dân Chúa phải có chiều sâu, phải có trái tim nhạy cảm, phải đổi mới tâm hồn, cải hóa nội tâm và sống chân thành. Đừng sống bề ngoài, sống hình thức và sống hời hợt nhưng mọi việc phải làm vì tình yêu, vì đạo, vì Tin Mừng. Chúa cũng nhắc nhở dân Chúa đừng sống đạo vụ hình thức: hãy xé tâm hồn, đừng xé áo. Mọi hình thức đều có giá trị cho bản thân con người, nhưng phải làm với ý ngay lành, đừng làm vì khoe khoang. Chúa nói:” Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”. Thập giá xem ra nặng nề, khổ cực, Chúa đã đi con đường ấy. Dân Chúa sẽ bình an, tâm hồn thoải mái thơ thới nếu họ đi ào con đường thập giá của Chúa Kitô với đức tin chân thật và ý ngay lành. Chúa đã chết, nhưng đã phục sinh. Ta hãy tin tưởng đi vào con đường của Chúa và hân hoan đi vào mùa chay thánh với đức tin mạnh mẽ, đức cậy, đức mến dạt dào.

Mùa chay như thế sẽ giúp dân Chúa hiểu rõ hơn mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Giêsu. Và những việc đạo đức ta làm như bố thí, cầu nguyện, ăn chay, nhận tro là những nấc thang giúp ta mau mắn bước vào nước trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đi vào con đường thập giá của Chúa với đức tin và tâm hồn mở rộng.

 

GỢI Ý CHIA SẺ

1.       Bạn hiểu gì về tro ngày thứ tư lễ tro ?

2.       Aên chay, bố thí, cầu nguyện có cần thiết không ?

3.       Bạn đã sẵn sàng đi vào mùa chay ?


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà