Chúa Nhật Phục Sinh, năm C

(Lu-ca 24: 1-12)

 

          Bài Tin Mừng truyền thống của Thánh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh là Gio-an 20:1-9.  Tuy nhiên năm nay là chu kỳ Phụng vụ năm C, nên ta có thể suy niệm sự Phục Sinh của Chúa theo Tin Mừng Lu-ca.  Những trình thuật Phục Sinh trong các sách Tin Mừng không đưa ra những tài liệu lịch sử hay khoa học để chứng minh Chúa sống lại, nhưng lại đồng quan điểm khi nêu lên sự kiện ngôi mộ trống và những lần Chúa hiện ra với nhiều người khác nhau.  Sự kiện ấy và những lần hiện ra của Chúa đòi hỏi môn đệ Người phải có đức tin thì mới chấp nhận được sự Phục Sinh của Người.  Tuy nhiên mỗi tác giả Tin Mừng trình bày đức tin của các môn đệ một cách.  Vậy ta thử theo bước thánh sử Lu-ca để suy nghĩ về đức tin của các môn đệ và xét lại đức tin của chính ta vào sự Phục Sinh như thế nào.

 

1)  “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?”

 

          Đức tin là cuộc gặp gỡ giữa ta với Chúa.  Cuộc gặp gỡ này biến thành một quan hệ mật thiết, nhưng có nhiều khi cũng gặp trở ngại hay khủng hoảng, để rồi sau khi vượt qua được những thử thách ấy, đức tin của ta được phát triển hơn.  Thánh Lu-ca dùng hình ảnh những người đi đến mộ - trước tiên là mấy phụ nữ, sau là ông Phê-rô - để nói lên điều gì đó về đức tin của họ và chứng từ về đức tin của họ.

          Khi các bà đến mộ, không thấy xác Chúa, nhưng lại thấy “hai người đàn ông y phục sáng chói” thì các bà sợ hãi.  Sự sợ hãi tâm lý này làm cho ta liên tưởng đến sự sợ hãi thiêng liêng trong hành trình đức tin của họ.  Họ là những người đã đi theo Người từ Ga-li-lê và giúp đỡ công cuộc rao giảng Tin Mừng của Người.  Đối tượng đức tin của họ là một Chúa Giê-su đầy quyền năng trong lời nói cũng như việc làm.  Nhưng giờ đây, đối tượng ấy hầu như đã mất, vì sau khi Chúa Giê-su tắt thở trên thập giá, thì “đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giê-su cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Ga-li-lê;  các bà đã chứng kiến những việc ấy” (Lc 23:49).

          Câu hỏi và lời giải thích của hai thiên thần đã nhắc nhở các bà về đối tượng đức tin đã mất.  “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?  Người không còn đây nữa, nhưng đã sống lại rồi”.  Đấng đã phán:  Ta là sự sống lại và là sự sống, giờ đây được các thiên thần gọi là “Người Sống”.  Mà danh hiệu Người Sống cũng chính là danh hiệu của Thiên Chúa.  Nhắc nhở về đối tượng đức tin rồi, các thiên thần mời gọi các bà tiếp tục hành trình đức tin bằng cách nhớ lại những điều Chúa Giê-su đã nói trước về cuộc Tử nạn và Phục Sinh của Người.  Nhớ lại là phương thức khôi phục đức tin.  Khởi đầu là nhớ lại những điều Chúa đã nói, tiếp theo là nhớ lại mối quan hệ giữa họ với Chúa.  Cứ thế, họ sẽ dần dần xác tín Chúa Giê-su “không còn ở đây nữa”, nghĩa là Chúa không còn ở giữa kẻ chết nữa, nhưng Người đã sống lại rồi.

          Lời nhắc nhở của các thiên thần khiến ta phải suy nghĩ rất nhiều về thái độ “tìm Người Sống ở giữa kẻ chết” của chúng ta.  Thực vậy, cuộc sống của ta ở trần gian này là đi tìm và gặp gỡ Chúa.  Thế mà rất nhiều khi ta cứ đòi tìm gặp Chúa ở những nơi chốn của kẻ chết, của tội lỗi.  Làm sao ta có thể gặp Chúa ở những nơi người ta chen chúc tìm danh vọng, lạc thú, tiền của là những thứ phù vân, hay hư nát, mối mọt có thể đục khoét!

 

2)  “Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả

        những sự việc ấy”

 

          Lúc tới mộ, các bà gặp “hai người đàn ông y phục sáng chói”.  Có lẽ ta bỡ ngỡ không hiểu thánh Lu-ca muốn ngụ ý gì khi kể lại sự hiện diện của hai thiên thần dưới hình ảnh “hai người đàn ông”.  Ngài muốn nói đến việc rao giảng Tin Mừng.  Đúng vậy, trong suốt sách Tin Mừng của ngài, các môn đệ được Chúa Giê-su sai đi rao giảng Tin Mừng, cứ hai người một.  Cho nên sự xuất hiện của “hai người đàn ông” nơi đây là để nói lên gương mẫu rao giảng Tin Mừng.  Cốt lõi lời giảng của hai vị này là:  “Chúa không còn đây nữa, nhưng đã sống lại rồi”.  Họ đã rao giảng Tin Mừng cho các bà, để rồi đến lượt các bà ra về và rao giảng cho người khác.

          Việc các bà loan báo Tin Mừng cũng đem lại kết quả, tuy là kết quả không mấy khả quan.  Các Tông đồ sau khi nghe họ kể lại những gì họ đã gặp và nghe ở ngôi mộ thì “cho là chuyện lẩn thẩn, nên chẳng tin”.  Nhưng riêng ông Phê-rô thì khác.  Ông “đứng lên chạy ra mộ”, hay nói khác đi, ông cũng bước vào một cuộc hành trình tìm lại đức tin đã mất, như các bà đã làm.  Kết quả là “ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra”.  Rất đỗi ngạc nhiên không có nghĩa là ông không tin Chúa đã sống lại, nhưng là ông thực sự tin và lấy làm lạ cùng suy nghĩ về những gì đã xảy ra cho Chúa Giê-su mà thôi.

          Rao giảng Tin Mừng Phục Sinh là bổn phận của mọi Ki-tô hữu.  Tuy nhiên rao giảng như thế nào mới là điều quan trọng.  Trước hết, Phục Sinh đã làm cho ông Phê-rô “rất đỗi ngạc nhiên”, thì Phục Sinh cũng phải gây ngạc nhiên cho ta, để ta luôn nhớ suy tư về ý nghĩa của Phục Sinh đối với đời sống của ta.  Khi đã hiểu được ý nghĩa Phục Sinh, ta mới có thể rao giảng.  Nhưng rao giảng làm sao?

Điều hai thiên thần nói với các bà, đó chính là cách rao giảng của ta.  Ta sống thế nào để những người chung quanh thấy rằng, mặc dù ta đang “ở giữa kẻ chết”, nhưng ta đang gặp Người Sống tức là Chúa Giê-su.  Chúa Giê-su “hiện ra” qua lối sống của ta, qua lời nói và việc làm của ta.  Càng thấm nhuần lối sống của Chúa, ta càng dễ dàng để cho Chúa “hiện ra” rõ rệt hơn.  Như vậy, mỗi ngày sống của ta sẽ trở thành một ngày rao giảng về sự Phục Sinh của Chúa.

 

3)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Có khi nào tôi đánh mất đối tượng đức tin của tôi là Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa không?  Tôi thử suy nghĩ thêm về trường hợp đánh mất ấy.  Tại sao mất?  Tôi tìm lại Chúa như thế nào?

          Nhìn vào lối sống của tôi, người ta gặp thấy một Chúa Giê-su là Người Sống hay một Chúa Giê-su là kẻ chết?  Những hành vi và lời nói nào của tôi biểu lộ một Chúa Giê-su đích thực và sống động?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa phục sinh,

          vì Chúa đã phục sinh

          nên con thấy mình chắng còn gì phải sợ.

          Vì Chúa đã phục sinh

          nên con được tự do bay cao,

          không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối,

          sợ thất bại, sợ khổ đau,

          sợ nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở.

          Vì Chúa đã phục sinh

          nên con hiểu cái liều của người Ki-tô hữu

          là cái liều chín chắn và có cơ sở.

          Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.

          Cái liều của cha Kolbê chết thay cho người khác.

          Cái liều của cha ông đã hiến mình vì Đạo.

          Sự Phục Sinh của Chúa là một lời mời gọi

          mang một sức thu hút mãnh liệt

          khiến con đổi cái nhìn về cuộc đời:

          nhìn tất cả từ trên cao

          để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo.

          Sự Phục Sinh của Chúa

          giúp con dám sống tận tình hơn

          với Chúa và với mọi người.

          Và con hiểu mình chẳng mất gì,

          nhưng lại được tất cả.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 87)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C