VUA TÌNH YÊU

Lễ Chúa Kitô Vua

Chúa Nhật 34C Thường Niên

 

Tình yêu là mức đo giá trị mọi thực tại.   Chiếm được trái tim là chiếm được tất cả !   Đó là trung tâm qui tụ toàn thể tiểu vũ trụ.   Từ tiểu vũ trụ sang đại vũ trụ, Đức Giêsu vẫn là vua, vì Người đã đã chiếm trọn con tim nhân loại.   Khi nằm trên thập giá, Đức Giêsu thấy tất cả những giới hạn vô cùng hẹp hòi của người đời.   Tất cả binh lính đều một giọng như nhau : “Nếu ông là vua dân Do thái thì cứu lấy mình đi !” (Lc 23:37)   Các thủ lãnh có vẻ thâm độc hơn : “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn !” (Lc 23:35)   Nhưng Đức Kitô vẫn im lặng.    Tuy cười nhạo Chúa, bọn lý hình đã thâm gan tím ruột khi đọc bản án tổng trấn Philatô truyền viết phía trên đầu tử tội : “Đây là vua người Do thái.” (Lc 23:38)   Không cưỡng nổi lệnh truyền đó, nên họ đã tìm cách trả thù.   Bao nhiêu căm tức đã đổ dồn lên con người Đức Giêsu.

 

Nhưng chẳng có đau khổ nào lớn hơn khi chính người đồng cảnh ngộ cũng về hùa với bọn lý hình nhục mạ Chúa : “Oâng không phải là Đấng Kitô sao ?   Hãy tự cứ mình đi, và cứu cả chúng tối với !” (Lc 23:39)   Trước những thách thức ồn ào đó, Đức Giêsu vẫn im lặng.   Dân chúng khi thì a dua (Lc 23:17-25), lúc lại bàng quang : “Dân chúng thì đứng nhìn.” (Lc 23:35)   Thái độ bất động của dân chúng rất phức tạp.  Nhưng  chắc chắn không phải ai cũng như bọn binh lính hay người gian phi thiếu hiểu biết.  Thật vậy, “dân chúng theo Người đông lắm.” (Lc 23:26)    Ngay trong hàng ngũ quân đội cũng có “viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa : ‘Người này quả thật là công chính.’” (Lc 23:47)   Nếu Người là công chính, tất nhiên bản án tử hình là một bất công lớn lao giáng xuống người vô tội.  Như thế, Đức Giêsu đã chiếm trọn được lòng người, kể cả những tên lý hình và người gian phi.  Một trong hai người gian phi đã thành tâm thưa với Chúa: “Oâng Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !” (Lc 23:41)  Giữa lúc cùng khốn đó, trí óc ông vẫn minh mẫn biện hộ cho Chúa, đối lại với đồng bọn : “Oâng này đâu có làm điều gì trái !” (Lc 23:42)   Nghĩa là, chính những người đã từng chống cưỡng lệnh Thiên Chúa, giờ đây cũng phải tuyên xưng Người là Đấng Công Chính.  Chính vì thế, Đức Giêsu đã mạc khải cho ông tất cả sự thật về Nước Chúa : “Tôi bảo thật anh : hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23:43)   Tin Mừng luôn mang tính “hôm nay” ngay cả khi gặp cảnh cùng khốn nhất.  Khác hẳn với những kẻ lợi dụng tương lai để biện hộ cho những ý đồ thống trị hiện tại, Đức Giêsu luôn tìm thấy nét hiện thực trong Tin Mừng.   Người không muốn trốn thoát hiện tại, dù hiện tại đau thương nhất, để ẩn mình trong cái vỏ tương lai.  

 

Chính vì thế, Tin Mừng luôn mang tính hiện sinh, loan báo cho người hôm nay về một  Vua Công Chính, Vua Hòa Bình.  Mọi đối kháng đều bị hóa giải trong chính trái tim Người.   Nói khác, Người đã xin Chúa Cha tha thứ cho những tên lý hình (x. Lc 23:34) và người gian phi, như Người đã từng tha thứ cho Maria Mađalêna, phụ nữ Samaritana, Phêrô v.v.  “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Cl 1:20)   Là con dân trong Nước Chúa, Kitô hữu không thể không nhớ tới sứ mệnh hòa bình, hòa giải của mình trong gia đình cũng như xã hội.   Sứ mệnh đó chúng ta đã đón nhận từ ngày tháp nhập vào nhiệm thể Chúa Kitô trong bí tích thánh tẩy.  Quả thực, “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội thánh.” (Cl 1:18)   Trở thành chi thể Đức Kitô, chúng ta chia sẻ cùng sứ mệnh với Người.  Chỉ khi nào thi hành sứ mệnh cao cả đó, chúng ta mới được vinh phúc trở thành con Thiên Chúa (x. Mt 5:9)

 

Chính khi thi hành sứ mệnh đó, chúng ta chia sẻ vương quyền Đức Giêsu.  Trong bí tích thánh tẩy, chúng ta đã được chia sẻ quyền làm vua với Chúa.  Sứ mệnh vương giả đó chỉ được thể hiện trong phục vụ.   Phục vụ là đối thoại, lắng nghe, tôn trọng mọi người.   Phục vụ là sẵn sàng coi người khác hơn mình.  Người phục vụ không có gì để tự hào.   Trái lại, họ biết mình phục vụ ai và tại sao phải phục vụ.    Phục vụ cho một đối tượng duy nhất là Đức Kitô, hiện thân nơi nhiệm thể là Giáo hội, tức là dân Chúa. Họ noi gương Đức Giêsu, Đấng đã “sống giữa anh em như một người phục vụ.” (Lc 22:27)   Thầy phục vụ cho đến chết.  Con đường phục vụ là con đường ngắn nhất dẫn đến vinh quang Nước Chúa.     Mỗi khi phục vụ, họ thấy mình trở nên giống Chúa Kitô và thể hiện được tất cả nét dịu hiền và đầy lòng thương xót của Chúa.   Phải có một tấm lòng bao dung như Chúa mới có thể phục vụ một cách vô tư mọi người, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo.   Đây là nét đặc trưng cao đẹp nhất của Nước Chúa dưới quyền lãnh đạo của Đức Kitô.  Có lẽ nhiều người sẽ đồng ý với những người Hồi giáo Algerie rằng : “Giáo hội Công giáo rất nhạy cảm trước nỗi khổ đau của người Algeria và mọi nơi, bất kể họ có tin vào Đức Kitô hay không.” (VietCatholic 23/11/2001)   Tính cách vô tư đó đã hấp dẫn mọi người tìm đến với Đức Kitô Vua Tình Yêu.   Nhờ Người, Thiên Chúa “đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái.” (Cl 1:13)   

 

Chính Người đang thúc đẩy “triều đại Cha mau đến.” (Mt 6:10)    Hằng ngày chúng ta vẫn đọc lời kinh cao đẹp ấy.   Nhưng hỏi mấy ai hiểu được ý nghĩa sâu xa trong lời kinh đó ?   Thú thật cho đến gần đây, mỗi khi đọc lời kinh đó, cá nhân kẻ viết bài này rất run sợ vì vẫn nghĩ rằng Nước Cha trị đến có nghĩa là Chúa sắp tái lâm để phán xét.   Nhưng suy nghĩ kỹ, mới thấy “Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm 14:17)   Như thế, càng lâm cảnh khổ đau, cô đơn, bị đàn áp bất  công, càng cần phải xin cho “triều đại Cha mau đến.”  Nghĩa là, Đức Giêsu luôn dạy chúng ta phải cầu xin Chúa Cha ban hòa bình và no ấm cho nhân loại.  Lời cầu xin đó chỉ có thể thành hiện thực trong Đức Giêsu Vua Tình yêu mà thôi !   Lý do “vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình.” (Cl 1:19-20)

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C