Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

(Gio-an 20: 19-23)

 

          Đang lúc ta sợ hãi hay tuyệt vọng mà có một ai để nương tựa thì quả thực đó là một phép lạ.  Giáo Hội sơ khai là một nhóm nhỏ gồm các Tông Đồ và một số môn đệ của Chúa Giê-su.  Họ đã trải qua những ngày kinh hoàng đầy hãi sợ và bất an sau cái chết thảm khốc của Chúa.  Cứ theo đà này, chẳng mấy chốc Giáo Hội sẽ tan biến, không để lại vết tích gì.  Tuy nhiên, một phép lạ đã xảy ra:  sự hiện diện của Chúa Thánh Thần hoàn toàn thay đổi và đảo ngược tình huống.  Giáo Hội lớn mạnh luôn mãi qua mọi thời đại.  Phép lạ của Chúa Thánh Thần tiếp tục diễn ra trong Giáo Hội và thế giới qua lời hứa:  “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).

 

1)  “Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái”

 

          Đó là hình ảnh của Giáo Hội sơ khai, hậu quả của việc người chăn chiên bị đánh và đàn chiên tan tác (Mt 26:31).  Kẻ thù của Chúa Giê-su – từ “người Do-thái” được dùng trong Tin Mừng Gio-an để chỉ về họ –  tuy chưa có hành động gì là bách hại, vậy mà những Ki-tô hữu đầu tiên cũng sợ bóng sợ vía đến nỗi không dám bước ra ngoài, thậm chí còn cửa đóng then cài thật kỹ.  Ta không lạ gì khi thấy họ quá hãi sợ như vậy, vì chính mắt họ đã chứng kiến cái chết thảm khốc của Chúa trên thập giá.  Người ta đã giết được vị thủ lãnh thì kể gì những người đi theo Ngài.  Tuy nhiên đó chỉ là lý do sợ hãi thuộc bình diện con người.  Còn lý do đích thực và sâu xa hơn là vì họ chưa được lãnh nhận Thánh Thần, sức mạnh của Thiên Chúa.  Cơn dao động hãi sợ làm cho họ mất bình an, lo lắng không biết khi nào đến lượt mình phải chịu chung số phận như Chúa Giê-su.  Hơn lúc nào hết, họ cần được bình an.  Và Vua bình an đã tới.  Điều đầu tiên Người nói với họ cũng là lời đáp lại sự mong chờ khẩn thiết nhất trong lúc này:  “Chúc anh em được bình an!”

          Để xác nhận bình an này là do sự hiện diện của chính Người, Chúa Ki-tô đã cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn Người.  Đó là những dấu chỉ đặc biệt để họ nhận ra Người chứ không phải ai khác.  Nhưng đó cũng là dấu chỉ Chúa Ki-tô đã chiến thắng tội lỗi và cái chết để đem lại bình an cho nhân loại.  Chiến thắng và bình an của Người là nguồn sức mạnh để môn đệ Chúa và Giáo Hội không phải sợ hãi bất cứ kẻ thù nào.  Khi còn ở trần gian, Chúa Giê-su luôn được đầy tràn sức mạnh của Thánh Thần để ra đi thi hành sứ mệnh Chúa Cha đã sai.  Lúc này đứng trước những môn đệ đang còn sợ hãi e dè, Chúa Giê-su đã “thổi hơi vào các ông” để ban Thánh Thần cho các ông.  Thánh Thần, nguồn sống đã làm cho Ngôi Lời hóa thành nhục thể trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a, được Chúa Giê-su thổi vào các môn đệ, để đến lượt họ sẽ ra đi gây sự sống mới nơi những ai tin vào Người.  Như Chúa Cha đã sai Chúa Giê-su đến để đem sự sống mới cho nhân loại, thì Chúa Giê-su cũng sai các môn đệ ra đi để làm cho sự sống ấy được phát triển thêm mãi.  Sự sống ấy là sống theo Thần Khí Chúa Ki-tô.  Vậy cánh cửa sợ hãi giờ đây đã được mở tung.  Môn đệ Chúa không còn bị giam hãm trong ưu phiền lo lắng nữa.  Giáo Hội sơ khai đang chuyển mình lớn mạnh dưới ảnh hưởng của Thánh Thần.

 

2)  Giáo Hội luôn cần sức mạnh của Chúa Thánh Thần

 

          Từ Giê-ru-sa-lem, Giáo Hội đã vươn tới “tận cùng trái đất” và trở thành Giáo Hội toàn cầu.  Chính sức sống của Thánh Thần là yếu tố căn bản của sự phát triển ấy.  Tuy nhiên Giáo Hội luôn có hai chiều kích:  Thiên Chúa và nhân loại.  Thiết lập Giáo Hội trên đá tảng tuyên xưng đức tin của ông Phê-rô và các Tông đồ, Thiên Chúa không hủy bỏ những yếu đuối luôn tồn tại trong các vị lãnh đạo và mọi phần tử khác.  Do đó, những lúc nguy cơ suy thoái của toàn thể Giáo Hội hoặc những gương xấu của một số người vẫn là những đe dọa cho Giáo Hội nói chung và cho các phần tử nói riêng.  Khi ấy, những cánh cửa sợ hãi lại được đóng lại và vang lên những lời cầu xin Chúa Thánh Thần đến để “củng cố các tâm hồn” và “biến đổi bộ mặt trái đất”.

          Ngay cả những giáo hội địa phương cũng có nhiều trường hợp “cửa đóng kín” vì sợ kẻ thù.  Ta có thể nghĩ đến những giáo hội nằm trong vòng kiểm soát của những chính phủ Hồi giáo hoặc cộng sản.  Người tín hữu nhiều khi không dám tỏ ra những dấu bề ngoài mình là người Công giáo.  Nhưng ta tin rằng Chúa Thánh Thần vẫn có những đường lối hoạt động trong những giáo hội đó và những tín hữu đó.  Giáo hội tại Đại-hàn và Nhật-bản là bằng chứng cụ thể.  Cả trăm năm vắng bóng linh mục, thế mà giáo hội vẫn tồn tại và số tín hữu vẫn gia tăng.  Giáo hội tại Pakistan, Ấn-độ, Đông Timor vẫn hùng hồn làm chứng nhân cho đức tin và bác ái Ki-tô.  Sức mạnh Chúa Thánh Thần quả thực là vô song.

          Đối với từng cá nhân Ki-tô hữu, ta có thể cảm nghiệm được sức mạnh ấy qua những kinh nghiệm sống đạo hằng ngày.  Những hồng ân của Chúa Thánh Thần là những trang bị cần thiết để ta sống xứng đáng với danh nghĩa môn đệ Chúa Ki-tô.  Hoàn cảnh cuộc sống hằng ngày luôn thay đổi đòi hỏi ta phải sử dụng những hồng ân đó cách linh động.  Khi phải làm một quyết định dù lớn hay nhỏ, ta cần đến ơn khôn ngoan.  Khi ta gần như sa ngã trước cám dỗ của ma quỷ, tiền bạc, danh vọng, ta xin Chúa Thánh Thần nhắc nhở ta phải biết kính sợ Thiên Chúa...  Như “các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa”, ta cũng vui mừng vì biết rằng Chúa Thánh Thần luôn ở kề bên để bênh đỡ ta.

 

3)  “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha”

 

          Như Thiên Chúa Cha đã sai Chúa Giê-su xuống thế để phục hồi sự sống của Thiên Chúa cho nhân loại, Chúa Giê-su cũng sai môn đệ Người ra đi để phát triển sự sống ấy trong thế giới.  Người sai họ đi vào một thế giới đang bị tội lỗi thống trị và làm mất đi sự sống của Thiên Chúa.  Vậy để đối phó với quyền lực của tội lỗi và để thực hiện lời khẳng định của Chúa Giê-su “tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10), các môn đệ được Người sai đi để “tha tội” cho mọi người thống hối và tin vào Người.  Nhưng làm sao họ có thể làm được công việc này nếu không nhận được quyền năng của Chúa Thánh Thần.  Cho nên Chúa Giê-su đã ban cho họ Thánh Thần trước khi sai họ lên đường.  “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

          Khi thi hành sứ vụ cứu thế, Chúa Giê-su công bố Triều Đại Thiên Chúa đã đến và đang được thể hiện nơi Người.  Khi về lại với Thiên Chúa Cha, Người đã sai Thánh Thần đến để tiếp tục hướng dẫn các môn đệ Người trong sứ mệnh giúp cho “nước Cha trị đến”.  Giáo Hội thi hành sứ mệnh truyền giáo cùng với các tín hữu mọi thời và mọi nơi.  Công tác giải thể tội lỗi và quyền lực của nó là một khía cạnh quan trọng của việc truyền giáo.  Nếu ta muốn truyền giáo trong lãnh vực ta đang sinh sống, ta chỉ cần làm sao ngăn chặn và tiêu hủy sự hiện diện của tội lỗi, cổ võ cho những giá trị Tin Mừng được phát triển.  Trước hết, ta truyền giáo cho chính mình, nghĩa là để cho ta được Ki-tô hóa mỗi ngày một sâu xa hơn.  Khi ấy, ta trở nên “hương thơm của Đức Ki-tô”, khiến cho những người chung quanh cảm nhận được Người và muốn trở về với Người.  Là người giáo dân, ta không có năng quyền tha tội, nhưng sức mạnh của Chúa Thánh Thần giúp ta chiến đấu với ma quỷ và tội lỗi, để ta làm cho sự hiện diện và ảnh hưởng của chúng dần dần phải biến đi khỏi những nơi ta sinh sống.

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Bình an và niềm vui là những hồng ân của Chúa Phục Sinh.  Vậy trong mùa Phục Sinh này, tôi có cảm nghiệm được những hồng ân ấy không?  Có khi nào tôi chia sẻ những hồng ân đó với anh chị em không?

          “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”, Chúa cũng nói với tôi những lời ấy.  Vậy Chúa Thánh Thần đã hoạt động như thế nào trong tôi?  Suy nghĩ một vài trường hợp cụ thể về ảnh hưởng hoặc giúp đỡ của Người mà tôi đã cảm nghiệm.  Tôi đã cộng tác với những hồng ân của Người như thế nào?

          Tôi đã làm gì để làm bớt đi ảnh hưởng của tội lỗi nơi tôi và nơi những người thân thuộc?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa Thánh Thần,

          xin ban sức sống cho chúng con.

          Xin cho cuộc đời Ki-tô hữu của chúng con

          đừng rơi vào sự đơn điệu nghèo nàn,

          vào những lối mòn quen thuộc,

          nhưng xin canh tân và tái tạo chúng con mỗi ngày.

          Xin nuôi chúng con bằng những thức ăn mới,

          cho chúng con khám phá ra

          những chiều sâu khôn dò của Đức Ki-tô

          và ý nghĩa thâm thúy của Tin Mừng.

          Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống,

          thế giới hôm nay luôn bị đe dọa

          bởi bạo lực, khủng bố, chiến tranh;

          mạng sống con người bị coi rẻ.

          Xin cho chúng con biết say mê sự sống,

          và gieo vãi sự sống khắp nơi.

          Ước gì Chúa ban cho nhân loại

          một lễ Hiện Xuống mới

          để con người có thể hiểu nhau hơn

          và đón nhận nhau trong yêu thương.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 38)

 

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C