ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐI.

 

Chúa Nhật Lễ Lá C.

 

 

Giữa ba chìm bảy nổi, sao con người say mê vinh quang đến quên mất cả đường đi lối về ?!  Có một người cũng đi vào vinh quang, nhưng vẫn thấy nẻo đường phải tiến tới.  Người ấy là Đức Giêsu đang tiến vào thành thánh Giêrusalem giữa những vinh quang và đau khổ cuộc đời.  Đường Người đi cũng chính là đường chúng ta đi …

 

VINH QUANG HAY ĐAU KHỔ.

 

“Bấy giờ, Đức Giêsu dẫn các môn đệ tiến lên Giêrusalem.” (Lc 19:28)  Hướng về Giêrusalem, Đức Giêsu nức lòng phấn khởi, vì tại đó sẽ thực hiện tất cả mọi điều nhân loại kỳ vọng nơi Người.   “Giêrusalem hầu như trở thành địa danh tượng trưng hành động liên tục của Thiên Chúa.” (Schweizer, Good News, 301)  Hành động Thiên Chúa vô cùng ngoạn mục khi nhất quyết thực hiện lời ngôn sứ : “Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò !   Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi : Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ.” (Dcr 9:9)   Đó là một Vua Hòa Bình vì đã “chế ngự được những kẻ thù chống lại hòa bình – bệnh tật, quỷ dữ, chết chóc,” (The New Jerome Biblical Commentary 1990:712) đem lại niềm vui cho toàn dân.   Chỉ Vua Hòa Bình mới chiếm trọn niềm tin quần chúng.  Bởi vậy, “Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường,” (Lc 19: 36) để tỏ bày tất cả tấm lòng biết ơn và “chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa !” (Lc 19:38)    Biết ơn “vì các phép lạ họ đã được thấy” (Lc 19:37) và những giáo huấn vô cùng khôn ngoan họ đã từng nghe.  

 

Danh tiếng và uy tín Đức Giêsu đã lên tới tột cùng tại Giêrusalem.   Toàn dân đã đổ xô theo Người.  Chính vì thế, nhóm Pharisêu mới ghen tương : “Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ !” (Lc 19:39)     Chỉ những người cố chấp mới không đọc thấy dấu chỉ thời đại nơi con người Đức Giêsu Kitô, hiện thân của tình yêu Thiên Chúa.  Chính tình yêu này đã là động lực khiến toàn dân reo hò và “tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa.” (Lc 19:37)   Hoàn toàn không có một chút “chính trị” nào trong những lời ca tụng đó.  Nhân vật chính hôm nay đã tự xóa mình khi qui hướng tất cả vinh quang hôm nay về Thiên Chúa.  Vì thực tế Chúa từng nói: “Phần tôi, tôi không tìm vinh quan cho mình.” (Ga 8:50)   Sướng hay khổ, Người vẫn luôn tâm niệm : “Tôi tự trời xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.” (Ga 6:38)   Lúc này Thiên Chúa muốn Đức Giêsu thực hiện tất cả sứ mạng cứu độ nơi thành Giêrusalem, chứ không dừng lại những vinh quang trước mắt.

 

Vinh quang Đức Giêsu lớn lao hơn nhiều.   Sống trên trần thế, Người “hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ … vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2:7-8)   Cả cuộc đời Đức Giêsu vẫn là những mâu thuẫn đan chéo nhau như thế.  Nhưng nét đặc trưng đó tạo nên một con đường đi tới vinh quang sâu xa và vững chắc hơn.  “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người … và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng : ‘Đức Giêsu Kitô là Chúa.’” (Pl 2:9,11)    Vinh quang nơi một dân tộc không đủ cho một vị Cứu thế.   Vinh quang Thiên Chúa tặng ban cho Đức Giêsu chính là sức mạnh khiến Người trở thành Vua Hòa Bình nối kết nhân loại xa lạ với Thiên Chúa tình yêu. 

 

Con đường đi tới vinh quang thật là mầu nhiệm.   Thiên Chúa đã mạc khải tất cả trong cái chết đau thương của Đức Giêsu.   Tất cả những kinh hoàng, quái dị và nham hiểm của lòng người đã phơi bày ra ánh sáng.   Cay đắng nhất không phải là những khổ đau do kẻ thù, nhưng do chính những môn đệ thân tín nhất: Giuđa và Phêrô, hai cuộc đời hai định mệnh, nhưng cùng chung một hành động phản bội.   Đức Giêsu cay đắng biết chừng nào khi phải uống chén này !   Nhưng Người vẫn không nản chí “vì Chúa Cha ở với Thầy,” (Ga 16:32) cùng với tất cả sức mạnh Thánh Linh.   Bởi thế, Người mới có đủ nghị lực vác thập giá tới cùng đường.  Nếu không vượt thắng được cơn cám dỗ cuối cùng này, Đức Giêsu không thể hoàn thành sứ mạng cứu độ.  Nhờ đó, Người mới có thể mạnh dạn nói lời khích lệ : “Can đảm lên !   Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16:33)   Người đã chấp nhận cả những thách đố nặng nề nhất từ những người đang chế diễu, nhục mạvà thách thức khi còn bị treo trên khổ giá.  Người vẫn vững chí đến hơi thở cuối cùng, vì đã phó thác trọn vẹn linh hồn và thân xác trong tay Chúa Cha.

 

NHÌN LẠI CUỘC ĐỜI.

 

Vinh quang là thế !   Khổ đau là thế !   Không có con đường nào khác đi tới vinh quang ngoài khổ giá.   Khi chối từ vinh quang và chấp nhận đau khổ, Chúa đã để lại cho Giáo hội những bài học đắt giá và đã động viên Kitô hữu rất nhiều.  Tự bản chất, khổ đau chẳng có giá trị gì.   Nhưng từ nay khổ đau mang một chiều kích mới nhờ cái chết của Đấng đã yêu mến chúng ta.  Tin hay không, vẫn có đau khổ. Nhưng nếu muốn khai quật ý nghĩa và giá trị từ những khổ đau, chúng ta phải nhìn lên cây khổ giá. Chỉ có Chúa Cứu thế mới đáp ứng lòng mong đợi của chúng ta.   Kitô hữu không tìm cách chối bỏ hay giảm nhẹ khổ đau. Vì khổ đau nằm sâu trong thân phận con người.  

 

Càng nhìn lên Chúa quằn quại trên khổ giá, lòng càng đau thắt vì cảm thương cho thân phận Con Thiên Chúa làm người.   Nếu biết trước khổ đau tới mức đó, Con Thiên Chúa có dám xuống thế không ?   Dĩ nhiên, Thiên Chúa biết trước, nhưng vẫn chấp nhận vì vâng lời và yêu thương.   Thế mới hay tình yêu mạnh hơn sự chết.  Không tình yêu, chuyện nhỏ cũng thành vấn đề lớn và không thể chịu đựng nổi.  Có khi chưa đụng chuyện, người ta đã tìm cách tránh né hay ngại ngùng.   Bằng chứng hôn nhân ngày nay đang bị khủng hoảng trầm trọng chỉ vì các bạn trẻ không được chuẩn bị để có thể chịu đựng và chia sẻ trách nhiệm trong đời sống gia đình.   Tình yêu trở thành một phương tiện hưởng thụ hơn là một giá trị siêu việt.   Tình yêu chỉ còn là thứ yếu, đến nỗi người ta sẵn sàng hi sinh tình yêu để đổi lấy những tiện nghi vật chất hay thoải mái cá nhân.   Đã đến lúc phải tái khám phá giá trị siêu việt của tình yêu. 

 

Một trong những phương tiện khám phá giá trị đó chính là bí tích hòa giải, nơi con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân.   Một khi đã gặp gỡ Thiên Chúa đầy lòng xót thương, người ta không thể không sống bao dung với anh em.   Vì bí tích giải tội là “một công cụ thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại.” (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 2/4/2001)  Càng đến gần với Đức Giêsu trong bí tích hòa giải, càng lớn lên trong ân sủng Thiên Chúa.  Trong bí tích hòa giải, người ta đối diện với chính mình và tái khám phá chính mình giữa những tương quan cuộc sống.  Chắc chắn khi nhận thức thực tại về mình như thế, chúng  ta sẽ sống khiêm cung hơn. Do đó có thể canh tân cuộc sống, bắt đầu từ cá nhân và gia đình.  Vì “bí tích hòa giải là một khía cạnh “hiệp thông”, một đặc điểm của Giáo hội, không thể lẫn lộn với khoa trị liệu tâm lý.” (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 2/4/2001)   Nhưng chỉ có thể đến với bí tích hòa giải với niềm tin.   Không tin, không thể thấy và cảm nghiệm những ân huệ vô cùng phong phú trong bí tích hòa giải.   Không tin không thể nhận ra nơi con người linh mục yếu đuối đang nắm tất cả quyền năng tha tội của Thiên Chúa.  Nhưng với con mắt đức tin, chúng ta mới thấy “linh mục giúp tín hữu lớn lên trong tình thân với Đức Kitô.” (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 2/4/2001)  

 

Khi vào “tòa” hòa giải, chúng ta thấy rõ bộ mặt yếu đuối của mình.  Nhưng “khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” (2 Cr 12:10)   Chính lúc bị treo trên khổ giá, chứ không phải lúc vinh quang giữa muôn tiếng hò reo, Đức Giêsu đã mạc khải tất cả sức mạnh tình yêu Thiên Chúa.   Từ đó sẽ thấy chỉ có tình yêu mới hàn gắn được tất cả những đổ vỡ trong tình yêu.   Chỉ có tình yêu mới đem con người lại gần nhau và gần Thiên Chúa.   Đó là lúc nhìn lại cuộc đời để thấy cuộc đời rõ hơn.

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP

 

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C