CHUYỆN NGƯỜI ĐÀN BÀ.

Chúa Nhật 5C Mùa Chay.

 

Giá trị phụ nữ hôm nay đang được phục hồi.   Nhưng từ 2000 năm trước, Đức Giêsu đã mạc khải giá trị ấy qua một hành vi rất can đảm và khéo léo khi tìm cách cứu sống nguời đàn bà ngoại tình trước đám đông đang gào thét đòi lấy mạng.

GẬY ÔNG ĐẬP LƯNG ÔNG.

Giữa một xã hội đầy ắp những người thích xoi mói vào đời tư người khác, Đức Giêsu không thể tránh được những thách đố từ phía những người vẫn tự cho mình là đạo đức. Chỉ những người đạo đức như “các kinh sư và người Pharisêu” mới có quyền bắt người phụ nữ ngoại tình đến trình diện “trước mặt Đức Giêsu.” (Ga 8:3)    Trong khi bắt người vi phạm luật, “các nhà lãnh đạo Do thái đã khinh thường luật.  Luật đòi phải ném đá cả hai bên ngoại tình (Lv 20:10; Đnl 22:22), tại sao họ lại chỉ bắt người phụ nữ mà thôi ?    Họ đã dùng chị như một cái bẫy đánh lừa Đức Giêsu.   Nếu Đức Giêsu nói không nên ném đá người phụ nữ, họ sẽ tố cáo Người lỗi luật Môsê.   Nếu Người khuyến khích họ xử tử chị, họ sẽ báo cáo lên chính quyền Rôma, vì người Do thái không được phép xử tử ai (Ga 18:31).” (Life Application Study Bible 1991:1892)   Họ đã xử sự bất công khi chà đạp nhân phẩm phụ nữ.   Không còn một lối thoát nào cho chị !   Người ta vít kín mọi lối ra.   Thật là tuyệt vọng  !

Đức Giêsu không thể chịu đựng nổi trước hành vi bất công như vậy.  Người cũng không muốn ai lợi dụng cơ hội đen tối này để vùi dập danh dự và mạng sống người phụ nữ xuống bùn đen.  Chắc hẳn họ đã mất rất nhiều thời giờ bàn luận mới có thể nghĩ ra mưu kế sâu hiểm đó.   Kết quả thật trái ngược.   Người cố ý lợi dụng thời cơ để tô điểm và nâng cao địa vị trước mặt quần chúng, lại bị bẽ mặt.  Mưu kế đó chỉ là bức nền đen làm nổi bật nét vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa.    Đức Giêsu vô cùng sáng suốt.   Trước cơn điên cuồng khát máu của những đầu óc nệ luật, chỉ cần một câu hỏi dội ngược là tất cả mưu kế thâm độc bị phơi bầy: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8:7)   Đúng là gậy ông đập lưng ông !   Một cú đập như trời giáng !  Tất cả đám đông choáng váng.  Những người lãnh đạo không sao xoay sở kịp.   Thế là “họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi” (Ga 8:9)   Trong số những người lớn tuổi, chắc chắn phải có “các kinh sư và người Pharisêu”.  Cả một khoảng trống bỏ lại.  Cả một khoảng trống trong tâm hồn những người đã bỏ đi vì xấu hổ hay vì ân hận.     Câu hỏi ngắn ngủi nhưng cũng đủ sức xoáy sâu vào lòng người và tạo ra một khoảng trống không sao lấp đầy được.

Khoảng trống phơi bày trước mặt : “chỉ còn lại hai con người: yếu hèn và đầy lòng thương xót.” (Thánh Aâutinh, KTTƯ 1995:428)   Họ bỏ đi, không dám lên án chị nữa.  Đức Giêsu còn ở lại để tỏ lòng xót thương, chứ không phải lên án.   Mặc dù chỉ mình Người có quyền lên án, nhưng chưa đến lúc.  “Vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian.” (Ga 12:47)   Thời gian trên mặt đất là thời kỳ của lòng thương xót.   Nhưng “các kinh sư và người Pharisêu” đã lợi dụng thời gian đó để dò xét và lên án con người.  Họ lôi ra bao nhiêu lề luật bảo đảm và biện minh cho hành động của mình.   Tất cả đều phát xuất từ đầu óc duy luật : “Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng người đàn bà đó.” (Ga 8:5)   Ngược lại, Đức Giêsu khẳng quyết với người phụ nữ : “Tôi không lên án chị đâu !” (Ga 8:11)   Không những không lên án, Đức Giêsu còn muốn cứu chị nữa : “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !” (Ga 8:11)    Chúa muốn chị tránh xa con đường diệt vong.  Chắc chắn sau khi ra về, chị vô cùng sung sướng.   Cả một luồng khí mới xâm nhập con người chị.  Cả một tương lai mở ra trước mắt.   Chúa muốn, tất nhiên Chúa cũng ban ơn để chị có thể thực hiện điều đó.   Thực tế, căn cứ vào đâu Đức Giêsu có thể khẳng quyết với chị như thế ?   Lề luật nào bảo đảm cho lời nói của Người ?

Không có luật nào ngoài sức mạnh tình yêu !   Đức Giêsu là tất cả sức mạnh tình yêu Thiên Chúa.  Sức mạnh đó rất rõ nét khi Chúa tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình.  Không phải Chúa chỉ tha thứ cho chị khi Người còn sống trên trần gian, nhưng còn tha thứ và cứu vớt cả những ai thành tâm thiện chí khi Người đã về trời.   Bằng chứng một người tội lỗi khét tiếng như Phaolô đã được ơn sám hối.   Sau khi bị Chúa chiếm đoạt, ông tâm sự : “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi.  Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” (Cl 3:8-9)   Chắc chắn như Phaolô, người phụ nữ ngoại tình cũng dốc quyết : “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước,” (Pl 3:13) phía có Đức Kitô nhân hậu.    Chị khiếp quá rồi.   Hình ảnh đám đông xô đến như muốn xé xác chị ra trăm mảnh không bao giờ có thể phai mờ khỏi tâm trí chị.   Chị muốn bịt tai lại để khỏi nghe tiếng gầm thét của đám đông, để lắng sâu nghe lời tha thứ đầy lân ái của Chúa.

PHẨM GIÁ PHỤ NỮ.

Thái độ Đức Giêsu đã thay đổi hẳn cục diện.   Một mình Người dám đứng hẳn một phe chống lại đám đông đang lên án người phụ nữ.   Người đã trả lại địa vị và giá trị đích thực cho người phụ nữ.  “Chúa Kitô vượt qua mọi qui định thịnh hành trong văn hóa thời đại Người, duy trì đối với người nữ một thái độ cởi mở, tôn trọng, tiếp rước, dịu hiền.   Như vậy Chúa Kitô tôn trọng nơi người nữ cái phẩm giá họ luôn có được trong kế hoạch và trong tình yêu của Thiên Chúa.” (Gioan Phaolô II, VietCatholic 20/3/2001)   Khi lên tiếng bênh vực cho giá trị phụ nữ ngoại tình, Đức Giêsu đã xuất hiện như một vị cứu tinh đầy nhân hậu.   Chỉ cần một lời nói, Người dã có thể cứu được mạng người và trả lại cho nữ giới tất cả giá trị cao cả.   Cho tới nay giá trị đó vẫn chưa được nhìn nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Quả thực trong lịch sử nhân loại, “người nữ góp phần không thua kém người nam, và thường là trong những điều kiện khó khăn hơn nhiều.” (Gioan Phaolô II, VietCatholic 20/3/2001)   Trong mọi lãnh vực văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, xã hội, gia đình đều có mặt phụ nữ với “những phong phú thuộc tính đa cảm của chị, thuộc trực giác của chị, thuộc lòng quảng đại của chị và thuộc sự kiên nhẫn của chị.”  (Gioan Phaolô II, VietCatholic 20/3/2001)    Tất cả những đức tính ấy đều mang tính ngôn sứ.   Quả thực, phải có những đức tính như thế, phụ nữ mới có thể hoàn thành sứ mệnh lớn lao của mình.   Chính Đức Maria đã trở thành một ngôn sứ vĩ đại của Thiên Chúa trong khiêm cung khi tự nhận mình là “nữ tì hèn mọn” (Lc 1:48).  Mẹ đã sinh sản và bảo tồn sự sống là chính Đức Giêsu.   Các phụ nữ cùng chia sẻ sứ mệnh cao cả ấy với Đức Maria khi hiến tặng những người con tuyệt vời cho Thiên Chúa và nhân loại.

Phụ nữ trên thế giới hôm nay đang tranh đấu cho quyền làm người của mình để có thể đóng góp tích cực và hữu hiệu hơn nữa trong công cuộc xây dựng thế giới và Giáo hội. Muốn thế, mọi người phải “tôn trọng đầy đủ căn tính phụ nữ, không những qua sự tố giác những kỳ thị và những bất công, mà còn và hơn hết qua một dự án thăng tiến khởi đi từ việc có ý thức đổi mới và phổ biến về phẩm giá phụ nữ.” (Gioan Phaolô II, VietCatholic 20/3/2001)  Sau bao nhiêu thế hệ tranh đấu, Công Ước Liên Hiệp Quốc 1979 và mới đây thêm vào một số điều luật bảo đảm cho phụ nữ quyền bình đẳng và khiếu nại tới LHQ nữa những kỳ thị giới tính, quấy rối tình dục và nhiều vấn đề khác. (VietCatholic 25/12/ 2000)   Tại nhiều quốc gia trên thế giới, phụ nữ còn bị thiệt thòi hơn nam giới.   Bao lâu còn bất công, còn phải tranh đấu.

Người tranh đấu mạnh mẽ nhất cho nhân quyền phụ nữ chính là Đức Giêsu.   Phải có một cái nhìn bao dung và cao cả như Đức Giêsu mới có thể giải phóng phụ nữ khỏi những bức bách hiện tại.   Chính Người cho phụ nữ sức mạnh “bắt buộc tái xác định những hệ thống, có lợi cho những diễn tiến nhân đạo hóa, biểu thị đặc tính riêng ‘cho nền văn minh tình yêu.’” (Gioan Phaolô II, VietCatholic 18/3/2001)   Không ai  có khả năng xây dựng một nền văn minh sự sống, văn minh tình yêu hơn người phụ nữ.   Hơn lúc nào, phụ nữ cần phải được chuẩn bị và ý thức về vai trò vô cùng quan trọng đối với tương lai nhân loại.

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C