Chúa Nhật 5 mùa Chay

(Gio-an 8: 1-11)

 

          Có lẽ bài học sống nhân hậu qua dụ ngôn “Người cha nhân hậu” trong Tin Mừng Lu-ca cần phải có một gương mẫu sống động, nên Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mượn câu truyện trong Tin Mừng Gio-an kể lại việc Chúa Giê-su không lên án người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.  Với câu truyện này, ta có dịp thấy chính Chúa Giê-su đã thể hiện lòng nhân hậu của Thiên Chúa, đặc biệt đối với người tội lỗi.  Nhưng cũng với câu truyện này, Giáo Hội tha thiết mời gọi ta sống sám hối tích cực hơn, nhất là trong những ngày cuối cùng của mùa Chay trước khi cử hành Phục Sinh.

 

1)  Một con người cần đến lòng nhân hậu của người khác

 

          Câu truyện người phụ nữ ngoại tình không gặp thấy trong nhiều bản dịch cổ, bản chép tay hoặc các tác phẩm của các Giáo phụ.  Do đó, nhiều người cho rằng câu truyện này nằm trong Tin Mừng Lu-ca, vì lối văn và từ ngữ tương tự như lối văn và từ ngữ trong Lu-ca.  Nhưng đó là phạm vi khảo cứu Kinh Thánh.  Riêng về tư tưởng, ta nhận thấy câu truyện đi cùng một chiều hướng đề cao lòng nhân hậu của Chúa Giê-su đối với những người tội lỗi.

          Cũng như trong dụ ngôn người cha nhân hậu, người con thứ đi hoang là đối tượng của lòng nhân hậu thế nào, thì trong câu truyện xảy ra tại ngoại vi Đền Thờ, người phụ nữ bị kết án vì ngoại tình cũng là đối tượng lòng nhân hậu của Chúa Giê-su như vậy. 

Ta có thể tưởng tượng ra khung cảnh một người phụ nữ đang bị đám người bao vây chung quanh.  Người nào mặt mũi cũng đằng đằng sát khí.  Chắc hẳn trong khi người ta lôi chị đến sân Đền Thờ, chị đã phải nghe những lời chửi rủa, mạt sát và đe dọa.  Những người trên đường đi thì buông lời khinh dể cười chê.  Chị không thể bênh vực cho mình, vì tội của chị đã quả tang rành rành không chối cãi được.  Nhưng biết đâu chị chẳng có những nỗi đau khổ thầm kín không thể thố lộ với ai.  Thí dụ, chị bị cha mẹ ép buộc phải kết hôn với một người mà chị không yêu chẳng hạn.  Thân phận của một người tội lỗi công khai là vậy.  Tuy nhiên đã chắc gì tội lỗi của chị nặng nề hơn những người tội lỗi khác.  Những người này có khi tội lỗi còn tầy đình, nhưng họ may mắn hoặc khéo léo không để cho người khác thấy được họ phạm tội thôi.  Chỉ có Thiên Chúa, “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” (Mt 6:6) mới thấy rõ ai tội lỗi hơn ai.  Với con tim Thiên Chúa, Chúa Giê-su đã nhìn thấu tâm hồn và nỗi đau khổ của chị.  Chúa can thiệp để cứu giúp người phụ nữ đang cần đến lòng nhân hậu của Người.  Người áp dụng đòn “gậy ông đập lưng ông” khi Người nói với những kẻ tố cáo chị ta:  “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”.  Đúng là lời nhắc khéo, giống như có lần Người đã giảng dạy:  “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Mt 7:3).  Có tật giật mình!  Thế là các ông kinh sư và Pha-ri-sêu cứ lần lượt lẻn mất, ai thấy mình tội lỗi hơn thì đi trước.  Như vậy, không phải chỉ có người phụ nữ bị tố cáo mới cần đến lòng nhân hậu của Thiên Chúa, nhưng chính những người tố cáo chị mới cần đến hơn!

 

2)  Nhưng nhân hậu không có nghĩa là nhắm mắt làm ngơ trước lỗi lầm của người khác

 

          Khi mọi người đã bỏ đi hết, chỉ còn lại “lòng nhân hậu của Thiên Chúa” và con người tội lỗi, lòng nhân hậu cũng vẫn tiếp tục hành động.  “Tôi không lên án chị đâu!  Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”  Những lời này đã đủ để giúp ta nhìn thấy được con tim Thiên Chúa trong con người Đức Giê-su.  Chúng không làm cho chị phải xấu hổ tủi nhục và thất vọng, nhưng mở ra một tương lai mới, một khởi đầu mới cho một tâm hồn tìm lại được tự do đích thực của người con Chúa.  Trong lời nhắn nhủ nghiêm khắc của Chúa Giê-su, ta lại cảm nhận được sự vỗ về yêu thương của người Cha nhân hậu.  Rõ ràng Chúa Giê-su công nhận là chị ta đã làm điều sai trái, nhưng Người đã thẳng thắn khuyên bảo chị, để cho chị một cơ hội để làm lại cuộc đời.  Những hòn đá ném trên thân xác người tội lỗi chỉ có thể giết người chứ không giết được tội lỗi.  Nhưng lòng nhân hậu của Thiên Chúa lại có thể cứu sống người và diệt đi tội lỗi, để tạo thành một con người mới.

          Cái bệnh của con người hôm nay, nhất là trong đất nước Âu Mỹ này, là người ta làm ngơ trước lỗi lầm của người khác và cho rằng như thế là tỏ ra nhân hậu.  Nhiều cha mẹ đã “nhân hậu” đến độ không dám dạy dỗ con cái khi chúng làm những điều trái luật Chúa và Giáo Hội.  Họ không giục giã con cái đi dự Thánh lễ Chúa Nhật vì sợ xâm phạm vào đời tư của chúng.  Con cái ăn mặc lố lăng, cha mẹ “nhân hậu” cứ để mặc không lời khuyên bảo, lại còn sợ chúng thua kém bạn bè.

 

3)  Gặp gỡ lòng nhân hậu của Thiên Chúa

 

          Thánh Âu-tinh nhận xét về cảnh người phụ nữ tội lỗi đứng trước mặt Chúa Giê-su:  “Chỉ còn lại hai:  con người yếu hèn và Đấng đầy lòng thương xót”.  Đó là hình ảnh mỗi người chúng ta đứng trước mặt Chúa.  Tuy nhiên vấn đề là ta có nhận mình là con người yếu hèn hay không.  Có rất nhiều người nêu lên lý do tại sao không đi xưng tội:  tôi thấy mình chẳng có tội gì cả.  Nói như thế, họ không dám đối diện với Đấng đầy lòng thương xót, đâu khác gì những kinh sư và Pha-ri-sêu lặng lẽ bỏ đi vì không dám nhận mình là những con người yếu hèn!

          Một trong những điều khuyên nhiều linh mục dùng để nói với những người đến xưng tội là khi bạn đến với bí tích Giải tội, không phải chỉ để được ơn tha tội, nhưng còn để gặp gỡ một Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót nữa.  Gặp gỡ trong sự khiêm tốn, như Phê-rô gặp gỡ Chúa Giê-su sau mẻ lưới đầy cá:  “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5:8), hoặc như người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện:  “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13).

          Phải chăng qua câu truyện trong bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội muốn mời gọi ta hãy cố gắng và can đảm gặp gỡ Chúa trong bí tích Giải tội, để ta khám phá thêm nét nhân hậu trên dung mạo của Thiên Chúa và để ta “từ nay đừng phạm tội nữa”?  Ta cứ tưởng tượng khi ta bước chân rời tòa giải tội, Chúa Giê-su đang mỉm cười nhìn ta, lòng thầm mong con mình đang bắt đầu làm lại cuộc đời mới.

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Tôi đã bao giờ “ném đá” ai khi lên án họ về một lỗi lầm của họ chưa?  Nếu có, tại sao tôi làm như vậy?  Vì ganh ghét?  thù hằn?

          Khi có bổn phận phải khuyên bảo dạy dỗ, tôi có noi theo gương mẫu của Chúa Giê-su không?  Hay chỉ vì nóng giận?   Muốn tỏ ra hoặc sử dụng quyền bính?

          Tôi có khó khăn nào trong việc đi xưng tội không?  Tôi có khiêm nhượng bày tỏ với cha giải tội hay linh hướng không?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          xin đánh thức con.

          Xin đưa con ra khỏi cơn mê

          mà tự sức con không sao thoát ra được.

          Xin đừng ngại đánh thức con

          bằng những biến cố đôi khi mạnh mẽ,

          nhưng xin cho con thấy bàn tay Chúa nhân từ

          đang cắt tỉa con vì yêu con.

          Ước gì con được tỉnh táo

          để nhìn lại vẻ đẹp từng làm con say mê,

          những chỗ dựa mà con tưởng là tuyệt đối.

          Như ngọn đèn chầu trong nhà nguyện,

          xin cho con thức luôn và sáng luôn,

          trước nhan Chúa.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 92)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C