LIÊN ĐỚI

Chúa Nhật 26C Thường Niên

 

Thiên Chúa luôn đứng về phía người nghèo và bị áp bức.   Chính vì thế, Con Chúa mạc khải tất cả tình yêu Thiên Chúa qua dụ ngôn đầy kịch tính hôm nay.  Sự thật đã đảo lộn tất cả những suy nghĩ thường tình.  Bởi vậy, cần suy nghĩ sâu xa và quyết định sáng suốt để kịp thời hành động.

 

LUẬT QUẢ BÁO.

 

Lời kinh “Magnificat” đã ứng nghiệm từng chữ trong dụ ngôn người phú hộ hôm nay.  Không những trở về tay trắng, người giàu còn phải chứng kiến một cảnh đảo lộn chưa từng thấy trên dương gian.   Ngày xưa ông sống trong cảnh vinh hoa phú quí “lụa là gấm vóc, yến tiệc linh đình.” (Lc 16:19)  Trái lại, Ladarô ngước mắt lên “thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no.” (Lc 16:21)   Có lẽ Ladarô đã chết vì đói khát bệnh tật.   Còn người giàu có lẽ chết vì chè chén say sưa.

 

Tại sao người giàu bị đầy xuống âm phủ ? Phải chăng ông không có quyền hưởng những gì ông đã làm ra ?   Tin Mừng không hề nói đến cảnh bất công đã đưa ông lên tột đỉnh hạnh phúc.  Oâng cũng không hề phạm một tội ác hay tạo nên cảnhï nghèo đói của Ladarô.    Ladarô cũng không hề mở miệng xin người giàu và bị từ chối bao giờ.   Ladarô được thưởng không phải vì nghèo.  Nghèo không phải là một điều phúc.  Giàu không phải là một tội.  Vậy tại sao Ladarô được thưởng, còn người giàu bị phạt ?

 

Vấn đề tùy chúng ta quan niệm thế nào về tội.   Trước thánh lễ, chúng ta vẫn đọc : “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót.”  Tội không chỉ tại đã làm hay nói điều gì xấu.   Không làm điều tốt cũng là một tội.  Điều tốt phải làm trong trường hợp này chính là phải chia sẻ một chút hồng ân Thiên Chúa với người nghèo.  Ladarô không ở xa nhà ông ta, nhưng “nằm trước cổng ông nhà giàu.” (Lc 16:20)   Ngày ngày ra vào, tất nhiên ông không thể không nhìn thấy cảnh tượng “mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.” (Lc 16:21)   Nhưng ông đã không thèm để ý đến cảnh khốn cùng đó.   “Yến tiệc linh đình” đã lấn át tiếng lương tâm. “Lụa là gấm vóc” đã xóa nhòa hình ảnh ghê tởm.  Có lẽ thấy cảnh tượng khốn cùng của Ladarô, ông đã nhổ nước miếng quay đi.  Càng nhìn thấy con người bần cùng đó, ông càng thấy khoảng cách quá xa giữa ông và Ladarô.   Oâng chỉ cắm mắt vào của cải.   Đó là lẽ sống duy nhất đời ông.  Giá trị con người hoàn toàn tùy thuộc những gì mình chiếm hữu được.  Càng thờ ơ, lãnh đạm trước những khổ đau của người khác, càng vinh thân phì da.   Không cần có trách nhiệm gì trước những khổ thống của người bên cạnh.

 

Trên tột đỉnh hạnh phúc, ông thấy rõ chỉ có của cải vật chất mới đem lại hạnh phúc.   Oâng đặt tất cả niềm tin vào những thực tại trần thế.   Chẳng có gì có thể phá đổ niềm tin đó.   Mọi sự đều được bảo đảm.   Trong tháp ngà hạnh phúc đó, ông sung sướng hưởng tất cả những gì do mồ hôi nước mắt mình đã tạo nên.   Giữa một xã hội mọi người có cơ hội đồng đều, chỉ những người lười biếng và ngu dốt mới khổ mà thôi.   Ai cũng phải lo cho mình.   Tội gì “ăn cơm nhà vác ngà voi” !   Tôi không phạm tội, không gian tham, không giết người, như vậy chưa đủ sao ?   Bổn phận đối với Chúa và tha nhân tôi đã chu toàn, còn đòi hỏi gì nữa ?   Tội không phải vì đã không chu toàn bổn phận.   Nhưng chính lúc không làm gì cho người nghèo khổ và bị áp bức, tôi đã đắc tội với Chúa.   Lý do vì sống là liên đới với tha nhân, nhất là người nghèo khổ.   Người nghèo là ưu tiên số một trong những bận tâm của Chúa.   Người Kitô hữu cũng phải chia sẻ nỗi bận tâm lớn lao đó.   Phải đợi sau cuộc đời này người giàu mới thấy mối liên đới với người nghèo khổ.   Lúc mở mắt ra “thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ” Abraham (Lc 16:23), người giàu mới thấy choáng váng.   Mọi sự đã quá trễ.  Lúc đó chung quanh chỉ còn “lửa thiêu đốt khổ lắm !” (Lc 16:24)    Khoảng cách giữa người giàu và Ladarô thành vô cùng.   Trước kia Ladarô “thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no.” (Lc 16:21)   Bây giờ người giàu thèm một giọt nước từ ngón tay Ladarô (x.Lc 16:24)  Quả báo nhãn tiền: “Bây giờ Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.” (Lc 16:15)

 

Nằm “trong lòng tổ phụ,” (Lc 16:23) Ladarô hạnh phúc muôn đời trong Nước Chúa.  Không dụ ngôn nào nhân vật được Chúa đặt tên rõ như vậy.   Bởi đấy tên Ladarô phải có một ý nghĩa nào đó trong việc giải thích dụ ngôn.    Ladarô có nghĩa “Thiên Chúa là Đấng phù trợ đời tôi,” hay “một người nghèo tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa.” (Ezego : Sunday Homilies for Year C, 27/9/2001)   Không phải ai nghèo cũng có niềm tin như thế.   Trái lại, biết bao người nghèo oán trách trời đất hay cay đắng vì thân phận hẩm hiu.  Đời này không ngóc đầu lên được.   Cả đời sau cũng không khá hơn.

 

Muốn khá hơn, phải lắng nghe lời “Môsê và các Ngôn Sứ,” (Lc 16:29) nhất là Đức Giêsu Kitô.   Nếu phải đợi “người chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối,” (Lc 16:30) Lời Chúa chỉ là một bóng ma hù dọa những người yếu bóng vía mà thôi.  Nhưng Lời Chúa tác động đến cõi thâm sâu nhất trong nội tâm, vì mạc khải tất cả sự thật về Thiên Chúa và con người.    Lời Chúa là “thần khí và sự sống.” (Ga 6:63)   Nếu sống Lời Chúa, chắc chắn người giàu đã thấy mình phải làm gì cho người nghèo Ladarô.  Vì sống là liên đới, cảm thông, dấn thân cho tha nhân.  

 

THẾ LIÊN ĐỚI.

 

Nhưng Lời Chúa mới “làm cho sống” (Ga 6:63) và “sống dồi dào” (Ga 10:10) cả đời này lẫn đời sau.   “Chính vì sự sống ấy, anh đã được Thiên Chúa kêu gọi.” (1 Tm 6:12)  Thánh Phaolô nói với đệ tử Timốt như thế.   Chúng ta cũng được kêu gọi để chia sẻ sự sống đó.  Thực tế, sự sống sẽ bị đe dọa mọi mặt khi khoảng cách giữa giàu nghèo quá lớn.  Muốn cuộc sống bảo đảm , “trước hết phải đối thoại với người nghèo, không chỉ là nghèo về của cải vật chất mà còn nghèo về phẩm giá, về kiến thức, về niềm hy vọng ... Không nên coi người nghèo như đối tượng của ‘việc từ thiện’ nhưng như những con người đáng được tôn trọng và cần được lắng nghe.” (Thư chung HĐGMVN 22/9/2001)   Lý do vì “đối thoại là tên gọi mới của niềm hy vọng” (Thượng hội đồng tháng 10-2001, Tài liệu làm việc, số 30)   Cuộc đối thoại chỉ thành công khi những người có trách nhiệm cố gắng sống “công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, nhẫn nại và hiền hòa.” (1 Tm 6:11)    Giữa thế giới đầy hoang mang hôm nay, không gì khó bằng đem niềm hi vọng cho con người thời đại.   Ai có khả năng đem lại niềm hi vọng, sẽ thu hút được quần chúng.   Thiên Chúa đang cần đến những người như thế.   Chính họ mới là những tông đồ đích thực đem Tin Mừng Hi vọng cống hiến cho nhân loại .

 

Tin Mừng mạc khải tất cả giá trị đích thực của những thực tại trần thế.   Của cải chỉ là phương tiện để phục vụ chứ không phải để thống trị.  Con đường phục vụ chỉ chiếu sáng lên khi người giầu ý thức được sự liên đới với người nghèo.  Chính sự liên đới này thúc đẩy người giàu vận dụng mọi phương tiện để chia sẻ với những người cùng khốn hơn mình.   Càng chia sẻ càng giàu có.   Vì khi chia sẻ, họ sẽ thấy niềm hi vọng lớn lao và vững chắc hơn nhiều.   Thiên Chúa sẽ trả lại tất cả những gì đã làm cho những người anh em bé nhỏ nhất (x. Mt 25:31-46).   Đúng hơn, khi giúp những anh em khó nghèo, họ đã đặt hi vọng vào một thực tại vượt quá trần thế.   Đức tin mạc khải cho chúng ta biết giữa trăm chiều thử thách “chính Chúa Kitô ban cho chúng ta niềm hi vọng đạt tới vinh quang,” (Cl 1:27)  và “nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hi vọng.” (Rm 15:13)

 

Chính đức tin bảo đảm niềm hi vọng lớn lao đó (x. Rm 5:2) và hạnh phúc đích thực.  Vì “Thiên Chúa là nguồn hi vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin.” (Rm 15:13)   Với niềm hi vọng lớn lao đó, người tín hữu cảm thấy hạnh phúc khi phục vụ những anh em khó nghèo.   Chỉ có đức tin mới lấp đầy khoảng cách giữa giàu nghèo và đem lại cho thế giới niềm hi vọng thực sự.   Chính Thánh Linh là tác giả đức tin đó.

 

Nhưng cũng chính Thánh Linh đang hoạt động trong lương tâm mỗi người để khơi dậy những tình cảm liên đới và nối kết mọi người.    Chẳng hạn trong cuộc khủng bố tại New York và Washington vừa qua, mặc dù không ngờ thời đại có thể chứng kiến một sự tàn ác đến thế, cũng nhờ đó chúng ta có thể thấy sự kỳ diệu của Thánh Linh trong việc liên kết mọi người.   Biết bao người đã hiến máu, tình nguyện và đóng góp tiền của và sức lực rất lớn cho những người mình chưa hề biết.   Chỉ trong vòng hơn một tuần kêu gọi, đài Little Saigon tại Houston  cuối tháng 9/2001 đã quyên góp được trên 400,000 Mỹ kim. 

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C