GẶP GỠ

Chúa Nhật 4C Mùa Vọng.

 

Mk 5:1-4a

Lc 1:39-45

Dt 10:5-10

 

Mùa hồng ân đang bao trùm khắp trái đất. Cuộc gặp gỡ đất trời đang diễn ra ngay trong tâm hồn mỗi người. Cuộc gặp gỡ hôm nay giữa Đức Maria và bà Elizabeth mạc khải niềm vui sâu thắm và tột cùng Thiên Chúa có thể ban cho con người lớn lao tới mức nào.

 

NIỀM VUI GẶP GỠ.

Bà Elizabeth đang sống những ngày an nhàn tuổi già. Nhưng Thiên Chúa đã đoái thương tới tình cảnh nỗi nhục vì hiếm muộn của bà.  Thật là một bất ngờ giữa hoàn cảnh tuyệt vọng như thế. Niềm vui lớn lao đã đến với bà không phải vì được sinh con mà thôi. Trái lại, người con sinh lúc tuyệt vọng lại đem niềm hi vọng lớn lao cho gia đình và cả nhân loại nữa. Nếu không có người con đó, chắc chắn nhân loại sẽ không đón nhận được niềm vui cứu độ do Đức Giêsu đem lại. Ông là Tiền Hô cho Đấng Cứu thế.

Sứ mạng của ông đã được chuẩn bị từ ngàn đời.   Rõ nhất là khi Đức Maria đến viếng thăm bà Elizabeth.   Dù còn trong bụng mẹ, Gioan đã không thể ngăn cản được niềm vui khi giáp với Đấng Cứu thế.   Chính Thánh Linh đã tác động những bước chân kỳ diệu của ông để có thể diễn tả niềm vui lớn lao đó.   Thân mẫu ông đã cảm thấy điều đó khi đón chào Đức Maria : “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?   Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng.” (Lc 1:43-44)   Niềm vui đến dồn dập.   Bà không biết cảm tạ như thế nào, chỉ biết nói theo ơn linh hứng của Thánh Linh.   “Bà được đầy  Thánh Thần.” (Lc 1:41)   Bởi thế, bà mới có thể ca tụng Đức Maria sớm hơn tất cả mọi người : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.   Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?” (Lc 1:42-43)   Đức Maria xứng đáng được ca tụng như thế, vì chính Mẹ đã “lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa,” (Lc 1:39) sau khi được thiên thần báo tin về việc lạ Thiên Chúa đã làm cho gia đình Giacaria.

Bà Elizabeth không hiểu hết những điều mình đã nói.   Nhưng Thánh Linh biết việc mình phải làm.   Người đã đạo diễn cho cuộc gặp gỡ lịch sử này. Nói khác, chính Người là động lực nối kết các mối tương quan và là niềm vui cho mọi cuộc gặp gỡ.   Bởi vậy trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elizabeth chỉ thấy toàn những lời chào mừng, chúc phúc.   Niềm vui tràn ngập trong ơn vũ lộ Thánh Linh.  Niềm vui cánh chung đã đến Bà Elizabeth vui sướng kêu lên : “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1:45)  Thiên Chúa đã chúc phúc cho niềm tin tuyệt vời của Mẹ và đã ân thưởng Mẹ bằng một tặng phẩm vô cùng lớn lao là chính Thánh Linh.   Niềm tin đã quyết định cho cuộc đời Mẹ và số phận toàn thể nhân loại.   Nhờ Me,ï toàn thể nhân loại được chúc phúc.   Mẹ con ông Gioan là những người đầu tiên đón nhận hồng phúc cao cả đó.

Đâu là hồng phúc đến từ niềm tin của Đức Maria ?   Chính bà Elizabeth đã trả lời: “Người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.” (Lc 1:42)   Người chính là trái phúc thay thế cho “trái của cây cho biết điều thiên điều ác” (St 2:17).   Trái phúc sẽ trả lại sự sống đích thực cho nhân loại.   Thật vậy, “chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.” (Dt 10:10)   Người đã được chuẩn bị làm lễ tế ngay từ khi còn trong bụng Mẹ.   Vì “khi vào trần gian, Đức Kitô nói : Chúa đã không hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể.” (Dt 10:5)   Thân thể đó hôm nay đã được Mẹ đưa đến nhà Giacaria để ban ơn cứu độ cho Gioan trước tiên.   Dù còn trong bụng mẹ, Gioan cũng đã cảm nghiệm được ơn giải thoát vô cùng lớn lao.   Oâng muốn đạp tung bụng mẹ mà ra ngoài.   Sở dĩ ơn cứu thoát có thể đến với ông vì nhờ thân xác, Đức Giêsu đã học được cách vâng phục Thiên Chúa, như Người đã thốt lên ngay từ trong cung lòng Trinh Nữ : “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.” (Dt 10:7)

Bài học vâng phục này Đức Giêsu sẽ còn phải học mãi với Đức Maria và trong mọi hoàn cảnh trên đường thi hành sứ mạng, nhất là trên cây thập giá.   Lúc nào Người cũng sẵn sàng thưa với Chúa Cha : “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.” (Dt 10:9)   Điệp khúc được nhắc lại không ngừng, cho tới khi “Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới” (Dt 10:9) trong máu “giao ước mới.” (Lc 22:20)  Giao ước mới này sẽ nối lại cuộc tình giữa đất trời.  Vì “chính Người sẽ đem lại hòa bình,” (Mk 5:4a) bắt nguồn từ chính thân xác Người.  Mặc dù thân thể mỏng dòn, Đức Giêsu “sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa, vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt” (Mk 5:3) toàn thể nhân loại.  “Vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất,” (Mk 5:3)  dư sức bảo đảm cho họ được “an cư lạc nghiệp” (Mk 5:3) đến muôn ngàn đời.  “Vì Thiên Chúa đã muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình, đem lại bình an cho mọi loại dưới đất và muôn vật trên trời.” (Cl 1:19.20)

 

CUỘC GẶP GỠ THẦN KỲ.

Khung cảnh gia đình nhỏ bé nhà Giacaria hôm nay chứng kiến tất cả những nét vĩ đại nhất của hồng ân cứu độ.   Cuộc gặp gỡ thật êm đềm giữa hai phụ nữ miền quê.  Cuộc gặp gỡ thần kỳ giữa đất trời mà chỉ một mình Gioan cảm nghiệm sâu xa khi bỗng dưng được thoát khỏi nguyên tội ngay từ trong lòng mẹ.   Dư âm cuộc gặp gỡ đó còn mãi tới hôm nay.   Giáo Hội đã noi gương Đức Maria đến gặp gỡ thế giới.   Giáo Hội đã mở ra một chiều hướng đối thoại với mọi người trong mọi lãnh vực tôn giáo, xã hội, văn hóa.   Cũng như Đức Maria, nếu không cưu mang Đức Giêsu, Giáo Hội không thể tạo được thành quả thiết thực.   Nếu có niềm tin như Đức Maria, chắc chắn chúng ta cũng “vội vã” hăm hở đến gặp gỡ người anh em.   Nhưng cho đến nay, nhiều người vẫn còn thờ ơ trong cuộc đối thoại liên tôn.   Điển hình theo Đức Hồng Y Etchegaray, chủ tịch ủy ban Trung Ương Năm Thánh, “dù có những tiến bộ vượt bậc, quan hệ giữa Kitô giáo và Do thái giáo vẫn còn rất mong manh và tinh thần bài Do thái vẫn chưa hoàn toàn bị loại bỏ.” (VietCatholic 21/12/2000)   Sau gần 40 năm đối thoại, nhận xét đó nói lên một sự thật rất cay đắng.   Cuộc đối thoại giữa anh em Kitô đã tới đâu ?   Nhưng nên nhớ “trong một thế giới đang đưa ra những nguyên tắc đạo đức hoàn toàn chủ quan, và tự thấy là không thể đói phó nổi với bạo động và thù hận, tất cả những người con của Abraham cần trở nên những chứng nhân can đảm cho quyền uy tuyệt đối của Thiên Chúa.” (Etchagaray, VietCatholic 21/12/2000)

Bạo động và hận thù vẫn còn đó, nhất là tại vùng đất Á châu đa văn hóa và tôn giáo.   Không phải vô tình Thiên Chúa chọn sinh ra tại miền đất Á châu, nơi hứa hẹn nhiều cuộc gặp gỡ kỳ thú.  Bạn đã bắt đầu cùng với “Đức Maria lên đường, vội vã đi đến” với những anh em khác văn hóa và tôn giáo ngay trên miền đất mầu mỡ ấy chưa ?   Chỉ có cuộc gặp gỡ trong niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa mới đẩy lùi những bạo lực và hận thù.

 

  Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C