Chúa Nhật VII Phục Sinh – Lễ Chúa Thăng Thiên

Năm C - 2010

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 24:46-53)

 

          Những lời nói, cử chỉ hay việc làm của một người sắp đi xa bao giờ cũng rất quan trọng đối với những người ở lại.  Chúa Giê-su lên trời không có nghĩa là Người đã kết thúc sứ mệnh, mà chỉ là chuyển đổi sang một giai đoạn mới, giai đoạn cần sự tiếp tay của các môn đệ.  Thời gian Chúa Giê-su hoạt động với tư cách Thiên Chúa làm người đã mãn, để bắt đầu từ bây giờ Người sẽ hoạt động bằng Thánh Thần của Thiên Chúa.  Sứ mệnh tại thế của Chúa Giê-su là Nhập Thể, rao giảng Tin Mừng, “phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại”.  Biến cố Lên trời mở ra một hoạt động mới, nhưng là tiếp tục những gì Người đã thực hiện trong những năm tháng “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14).

          Trong hoạt động mới này, Chúa mời các môn đệ cộng tác.  Sứ mệnh Chúa Giê-su trao cho họ gồm hai việc:  a) rao giảng cho thế giới biết Chúa đã nói gì và đã làm gì cho nhân loại; b) làm chứng nhân cho Người và cho những giá trị Tin Mừng.

          Để thi hành sứ vụ cao quý này, các môn đệ được Chúa sai đi cần phải có hành trang.  Chúa Giê-su đã được Chúa Cha sai đến với nhân loại và hành trang của Người là Thánh Thần.  Giờ đây Người sai môn đệ đi và hành trang của họ cũng phải là Thánh Thần.  Người bảo họ cứ ở lại Giê-ru-sa-lem một thời gian ngắn và họ sẽ lãnh nhận hành trang là Thánh Thần trước khi lên đường thi hành sứ vụ.

          Chúng ta cũng không thể bỏ qua cử chỉ của Chúa Giê-su khi lên trời.  Người “giơ tay chúc lành cho các ông, và đang khi chúc lành, Người rời khỏi các ông và được đem lên trời”.  Thật là một cuộc ra đi đầy ý nghĩa, không nước mắt, không ồn ào tiễn biệt, nhưng vừa trang trọng vừa đầy tràn tình yêu thương.

          Như vậy, Lên Trời không chỉ là biến cố của riêng Chúa Giê-su mà còn là biến cố của Ki-tô hữu chúng ta.  Đó là một móc nối cần thiết giữa Chúa Giê-su và chúng ta, giữa sứ mệnh của Người và sứ mệnh của chúng ta.  Nó đánh dấu giai đoạn Chúa ở với chúng ta trên trần gian, nhưng cũng đánh dấu giai đoạn Người ở lại với chúng ta qua Thánh Thần của Người như Người đã hứa:  Thầy ở lại với anh em cho đến ngày tận thế.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

 

          Lắng nghe những lời sau hết của Chúa Giê-su và chiêm ngưỡng Chúa được đem lên trời rồi, chúng ta hãy nhìn vào các môn đệ Chúa để học bài học của họ.    Cũng như họ, chúng ta hãy “bái lạy Chúa”, tức là nhìn nhận Người là Thiên Chúa của chúng ta.  Chúng ta “trở lại Giê-ru-sa-lem” của chúng ta, trở về với môi trường sống hằng ngày là gia đình, sở làm, khu phố, láng giềng.  Chúng ta “ở lại trong Đền Thờ”, nghĩa là tham gia những sinh hoạt đạo đức tại nhà thờ giáo xứ cùng các anh chị em giáo dân.  Tuy nhiên chúng ta sẽ làm tất cả những điều ấy với thái độ “lòng đầy hoan hỷ”, vì đó là tư thế của đời sống Ki-tô hữu đích thực, những con người sống trong tinh thần lạc quan và sống bằng tình yêu thương Chúa Giê-su đã dạy chúng ta.

          Với chúng ta, việc Chúa Giê-su Lên Trời không chỉ là một sự kiện, nhưng là một mệnh lệnh Chúa sai chúng ta đi tiếp nối sứ mệnh của Người.  Chúng ta đi rao giảng bằng chính cuộc sống hằng ngày và chúng ta làm chứng cho Chúa bằng cách cư xử với anh chị em qua lời nói và hành động thấm nhuần tinh thần Ki-tô của chúng ta.  Có như vậy thì những lời nói và cử chỉ của Chúa Lên Trời mới thực sự có ý nghĩa đối với chúng ta.

Lm. Dominic TTL


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C