Ngày 1 tháng Giêng

Lễ Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa (Cuối tuần Bát Nhật Lễ Giáng Sinh)

Tâm Tình Hòa Bình (Ds 6,22-27; Ga 4,4-7; Lc 2,16-21)

Phúc Âm: Lc 2, 16-21

“Họ đã gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi... và tám ngày sau người ta gọi tên Người là Giêsu”.

Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.

Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.

Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.

Suy Niệm:

(Ngày 1 Tháng GIêng - Lễ Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa)

(Ds 6,22-27; Ga 4,4-7; Lc 2,16-21)

Những bài Kinh Thánh chúng ta vừa nghe đọc cho thấy Lễ này có nhiều khía cạnh. Từ ngàn xưa khi mừng Lễ Chúa Giáng Sinh, Dân Chúa vẫn chú tâm đến Ðức Mẹ và không ngớt chiêm ngưỡng khuôn mặt của Người nơi máng cỏ. Có thể nói, Mùa Giáng sinh cũng là mùa lễ Ðức Mẹ. Nhưng riêng ngày 1 tháng Giêng hôm nay, Phụng vụ nhiều khi lúng tún: khi thì chú trọng đến việc cắt bì và đặt tên cho Hài Nhi, khi lại muốn tôn kính đặc biệt Ðức Thánh Mẫu. Ðức Phaolô VI lại thêm cho ngày này một ý nghĩa xã hội và đặt tên là Ngày Hòa Bình Thế Giới. Suy nghĩ của chúng ta có lẽ nên bao gồm cả ba khía cạnh đó để Ngày Lễ hôm nay được cử hành một cách phong phú.

1. Cắt Bì Và Ðặt Tên Cho Hài Nhi

Trong Thánh Lễ Nửa Ðêm Giáng sinh, Phụng vụ đọc cho ta nghe bài Tin Mừng Luca. Tác giả thuật lại câu chuyện Chúa ra đời một cách chính xác khiến ta thấy rõ lịch sử tính của Tin Mừng. Nhưng Luca đã dùng một từ ngữ, mà những người có kiến thức đạo đức nông cạn đã không hiểu gì. Luca nói: Ðức Maria đã sinh con đầu lòng, lấy khăn bọc lại rồi đặt vào máng cỏ. Có người đã nói: vì sao lại nói là “con đầu lòng”? Ðức Maria có sinh người con nào khác nữa đâu! Tốt hơn và chính xác hơn nên nói là “Con Một”. Suy nghĩ như thế cũng đúng thôi, và khoa học đấy,nhưng lại không đạo đức như Luca là một tác giả Sách Thánh. Chữ “Con đầu lòng” dùng trong Tin Mừng gợi lên nhiều âm vang trong Cựu Ước, đặc biệt các đoạn sách liên quan tới việc Chúa đưa dân ra khỏi Aicập. Ngày ấy, thần sứ nhà Trời đã đi qua nước này và giết hết các con trai đầu lòng người Aicập và bỏ qua các con trai đầu lòng người Dothái. Từ đó, cả dân được cứu vớt được coi như con đầu lòng của Chúa và mọi con trai đầu lòng người Dothái phải được hiến thánh cho Ngài để trở thành của Ngài, đến nỗi gia đình phải dâng một đôi chim hay một con chiên nhỏ cho Ðền Thờ để thế lại rồi mới được đem đứa con đầu lòng về lại gia đình.

Vậy, khi dùng từ ngữ “con trai đầu lòng” để nói về Hài Nhi mà Ðức Maria vừa sinh ra, Luca muốn cho chúng ta nhìn thấy ngay Hài Nhi về phương diện đạo đức. Ðây là Hài Nhi thánh, Hài Nhi của dân thánh, Hài Nhi được hiến thánh, là Con của Thiên Chúa. Nhất là Luca đã viết trong bài Truyền tin rằng: Thánh Thần đến phủ bóng trên Ðức Maria; nên Trẻ Người sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Thế nên Luca đã không dùng từ ngữ “Con Một” để nói về Hài Nhi Ðức Maria vừa sinh ra; ông đã dùng từ ngữ “con đầu lòng” để bao trùm máng cỏ trong một bầu khí thánh thiện đạo đức.

Và chúng ta cũng phải nhìn việc cắt bì và đặt Tên cho Hài Nhi trong bầu khí thánh thiện đạo đức ấy. Mọi ý nghĩa tò mò đều không xứng đáng. Người Dothái cử hành ngày thứ 8 này sau khi đứa trẻ sinh ra, một cách thánh thiện lạ lùng. Họ ý thức đâu là buổi lễ liên kết gia đình, dòng dõi họ vào Giao ước; họ được gắn liền với Thiên Chúa để Yavê là Chúa của họ và họ là dân và con của Ngài ở giữa mọi dân khác chỉ là dân ngoại. Gia đình Hài Nhi ở Bêlem còn cử hành ngày hôm nay đạo đức hơn nữa. Vì cả Yuse lẫn Maria sẽ phải đặt Tên cho Con Trẻ là Yêsu, như thiên thần đã dạy. Làm công việc này là vâng theo Ý Chúa, là thực hiện chương trình cứu độ của Ngài. Ngày hôm nay đáng dùng để suy nghĩ về các Ngài và đặc biệt về Ðức Maria.

2. Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa

Còn tước hiệu nào hợp hơn để nói về Ðức Maria trong hoàn cảnh này bằng tước hiệu Mẹ Thiên Chúa? Dĩ nhiên những lạc giáo ở những thế kỷ III-IV đã khiến Phụng vụ nhấn mạnh đến khía cạnh này. Nhưng như vậy cũng chỉ đúng với sự thật thôi! Nhìn Ðức Maria nơi máng cỏ, ai không thấy Người là Mẹ? Và sở dĩ máng cỏ được chúng ta chú ý và các thế hệ loài người nhìn ngắm, là vì Hài Nhi nằm đó không phải là một trẻ thường. Cả Luca, cả Yoan và cả Matthêô chỉ nói về Hài Nhi này như là một Trẻ Thánh. Luca dù tả chính xác câu chuyện Chúa sinh ra với những chi tiết thật cụ thể, vẫn gọi Hài Nhi là “con đầu lòng” như chúng ta đã nói ở trên và vẫn thêm cả một khúc trong bài tường thuật để làm nổi bật tính cách thần linh trong việc Giáng sinh này. Yoan thì rõ ràng xác định: Hài Nhi chính là Ngôi Lời trở thành nhục thể. Và chúng ta cử hành Phụng vụ Giáng sinh để cùng với các thiên thần trên trời thờ lạy người Con mà Chúa Cha vừa sinh ra ở đời. Vậy, Hài Nhi nơi máng cỏ đã là Ðấng Thánh, là Con Thiên Chúa và là chính Ngôi Lời Thiên Chúa hóa thân làm người, thì Ðức Maria, mẹ Người, cũng thật là Thánh Mẫu và là Mẹ Thiên Chúa.

Ðừng sợ tước hiệu này xúc phạm đến Thiên Chúa Cao Cả. Ngài đã chấp nhận giáng trần để trở nên như chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi; Ngài chấp nhận mọi luật lệ sinh sống, đau khổ và tử nạn, thì tại sao ta lại sợ nói phạm đến Ngài khi bảo Ngài là con của một người mẹ? Ngài đã gọi chúng ta là anh em và muốn là bạn hữu của mọi người; và chúng ta lấy đó làm vinh dự, thì chúng ta càng không có lý khi không muốn tuyên xưng Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Suy nghĩ kỹ, chúng ta chỉ có thể thấy đây là một vinh dự lớn lao cho một người trong loài người chúng ta. Chúng ta phải hân hoan chúc tụng Mẹ là Ðấng đầy ơn phúc. Chúng ta cảm mến Mẹ và nhất là muốn theo gương Mẹ để có tâm hồn, tâm tình và thái độ đạo đức như Mẹ.

3. Tâm Tình Hòa Bình

Trong bài Tin Mừng Luca hôm nay, Mẹ hiện ra như là một từ mẫu ghi sâu tất cả những điều về Con và suy đi nghĩ lại trong lòng. Chúng ta quen nhìn thái độ ấy một cách đạo đức và có lý để coi Mẹ như là gương mẫu về sự chiêm niệm và cầu nguyện. Nhưng chúng ta cũng đừng quên nhìn thái độ ấy một cách tự nhiên hơn, để thấy Ðức Maria là một bà mẹ như hết mọi bà mẹ, ghi nhớ tất cả những điều gì về Con và gẫm suy những điều đó trong lòng. Quả thật, người mẹ nào không tự hỏi về tương lai của đứa con? Bất cứ dấu hiệu nào cũng khiến người mẹ suy nghĩ. Ðức Maria không suy đi nghĩ lại sao được khi thấy các mục đồng đến thăm và kể chuyện về việc các thiên thần hiện ra ban đêm? Và Người có thể nào không suy nghĩ về tiếng “Yêsu” mà từ nay theo lệnh sứ thần, Người sẽ dùng để gọi Con mình. Chính sứ thần đã giải thích trong buổi Truyền tin: “Bà sẽ gọi Con Trẻ là Yêsu. Người sẽ làm lớn và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Chính Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vua Ðavit cha Người và Người sẽ cai trị trong nhà Yacob đến muôn đời”. Những lời đó không đơn sơ dễ hiểu. Nội dung chắc chắn vô cùng phong phú. Maria dĩ nhiên phải suy đi nghĩ lại.

Hôm nay các mục đồng lại kể thêm về các lời của thiên sứ. Hài Nhi trong máng cỏ sẽ là Cứu Thế, nên các thiên thần đã xướng ca: Vinh quang Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương. Như vậy, Yêsu Con của Ðức Maria thực hiện lời tiên tri hứa cùng nhà Ðavít. Người sẽ đem lại hòa bình cho Dân Chúa và vinh quang cho Chúa Trời. Ðức Maria hôm nay gẫm suy những điều ấy. Và Ðức Phaolô VI khuyên ta hằng năm hãy dùng Ngày Ðầu Năm Dương lịch này để suy nghĩ về hòa bình thế giới.

Chúng ta đã ra khỏi những năm chiến tranh. Chúng ta vẫn còn nhiệm vụ phải suy nghĩ về hòa bình. Hòa bình không phải chỉ là hết chiến tranh. Hòa bình còn là xây dựng bình đẳng, ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc nữa. Phần tích cực có thể nói còn gồm nhiều mặt hơn phần tiêu cực là hết chiến tranh. Vả lại hết chiến tranh cũng phải là đã hết những hậu quả của chiến tranh là những thương tích, đổ vỡ vật chất và tinh thần. Chúng ta phải cải tạo cái cũ, xây dựng cái mới. Chúng ta còn có nhiệm vụ quốc tế và công giáo. Hòa bình hạnh phúc phải là khí thở của mọi người trên thế giới.

Chúng ta đóng góp được gì? Hãy suy nghĩ hòa bình như Ðức Maria hằng suy đi nghĩ lại. Người suy nghĩ về Danh “Yêsu”, có nghĩa là Cứu Thế. Danh đó phải được kêu cầu trên con cái loài người, như bài sách Dân số nói, để phước lộc được đổ xuống trên các dân. Và phước lộc phong phú cụ thể là chính Thánh Thần yêu mến mà Thiên Chúa muốn đổ xuống lòng mọi người, như lời thư Galát nói, để khi chúng ta gọi Chúa là Cha thì thấy mình là anh em với nhau.

Nhưng làm sao có thể kêu cầu Danh Chúa Yêsu mang lại hòa bình như thế, khi không bắt chước Ðức Maria mà kêu Danh ấy với tất cả lòng yêu mến dấn thân. Mỗi lần Ðức Maria gọi tên Yêsu, Người muốn hiến thân để cùng cứu thế. Ðiều đó thật chắc chắn! Ðiều đó nhắc nhở ta là Kitô hữu phải hiến thân cứu đời, tức là quên mình để sống vì hạnh phúc của xã hội. Yêu hòa bình thì phải xây dựng công bình bác ái; phải kiến tạo bình đẳng, ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc; phải dứt khoát với mọi hình thức vinh thân phì gia, sống chết mặc bay miễn là cái tôi ích kỷ được thỏa mãn. Như vậy, hòa bình đòi phấn đấu và đấu tranh để tiêu diệt các xấu và phát triển cái tốt. Rất nhiều công tác cụ thể đang ở tầm tay mỗi người. Hết thảy chúng ta hãy tích cực để chúng ta không chỉ nói hòa bình nhưng muốn xây hòa bình.

Chúng ta sẽ đáp lại nguyện vọng của Ðức Phaolô VI khi đặt tên cho ngày hôm nay là Ngày Hòa Bình Thế Giới. Chúng ta sẽ bắt chước Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, hôm nay suy nghĩ về Danh Ðức Yêsu, muốn hiến thân cùng cứu thế với Người. Chúng ta sẽ thể hiện ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể sắp cử hành, khi đem thân, đem máu mình ra để hủy diệt cái cũ, xây dựng cái mới cho muôn người được cứu độ.

Đức cố Giám mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C