Lễ Thánh Gia Thất

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 2:41-52)

 

          Điều thích thú của Thánh lễ hôm nay là bài Tin Mừng kể lại Thánh Gia thất phải trải qua những ngày khủng hoảng gia đình.  Bình thường, nói đến gia đình thánh Giu-se, Đức Mẹ và Chúa Giê-su là chúng ta chỉ nghĩ tới một gia đình êm ấm, yêu thương và không có chuyện người này làm cho người kia buồn phiền.  Vậy mà câu truyện hôm nay cho thấy cậu ấm Giê-su làm cho cha mẹ xất bất xang bang vì cậu tự ý ở lại Giê-ru-sa-lem mà không cho ông bà hay.  Hai ông bà chạy đôn đáo khắp nơi tìm kiếm cậu và ba ngày sau mới tìm thấy cậu trong Đền Thờ.  Thật là một phen hú vía.  Mặc dù ngạc nhiên khi thấy cậu Giê-su ngồi giữa các thầy tiến sĩ, đàm đạo với họ như một người lớn, Mẹ Ma-ri-a cũng không giữ nổi bình tĩnh, lên tiếng trách con.  Cậu trả lời, nhưng cha mẹ không hiểu được cậu muốn nói gì.  Họ trở về Na-da-rét và gia đình trở lại cuộc sống an vui như trước.  Tuy nhiên có một số điều đặc biệt chúng ta cần biết để hiểu sứ điệp bài Tin Mừng muốn nói gì.

          Trước hết, thánh Lu-ca ghi lại thời điểm quan trọng là “lúc bấy giờ Chúa Giê-su lên mười hai tuổi”.  Lên Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua hằng năm là “thói quen” của Thánh Gia Thất.  Vậy mà thánh sử ghi lại câu truyện xảy ra vào năm Chúa Giê-su lên mười hai tuổi, thì hẳn phải có lý do.  Đối với Do-thái giáo, tuổi mười hai là tuổi em nhỏ được coi là trưởng thành về mặt tôn giáo.  Bắt đầu tuổi này, em có đủ tư cách để tham dự tích cực vào sinh hoạt tôn giáo, cầu nguyện, biểu lộ tâm tình đạo đức… Hiểu như vậy, chúng ta dễ dàng chấp nhận được hành động Chúa Giê-su tự ý ở lại Giê-ru-sa-lem để “lo công việc của Cha Người”.

          Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se không hiểu lời Người nói.  Đâu phải lúc nào cha mẹ cũng có thể hiểu được con cái.  Nhưng điều quan trọng là họ phản ứng thế nào khi không hiểu con cái.  Đa phần chúng ta thường lấy quyền cha mẹ mà nạt nộ chứ không lắng nghe hoặc kiên nhẫn chờ đợi.  Ở đây Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se im lặng, một sự im lặng mang nhiều ý nghĩa đối với các ngài và đối với cả Chúa Giê-su nữa.

          Chúa Giê-su theo cha mẹ về Na-da-rét, tiếp tục sống vâng phục cha mẹ.  Sau biến cố khủng hoảng vừa qua, mỗi người học được bài học:  Đức Mẹ thì ghi nhớ những việc đó trong lòng, còn Chúa Giê-su thì phát triển tốt đẹp toàn diện con người.

          Khủng hoảng dù lớn hay nhỏ trong gia đình đều là cơ hội để mọi người trở nên hoàn thiện hơn.  Thánh Gia Thất không chỉ là mẫu gương đời sống yêu thương và đạo hạnh, mà còn dạy chúng ta phải biết đối xử với nhau thế nào trong những hoàn cảnh tình yêu gia đình có thể bị tổn thương.  Khi con cái chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành là lúc cha mẹ hơn bao giờ hết cần biểu lộ tình yêu đích thực và kiên nhẫn lắng nghe để hiểu con cái hơn.  Phần con cái, dù bắt đầu ý thức tự do nhưng vẫn phải cố gắng sống vâng phục như Chúa Giê-su đã sống, vì sống vâng phục là lối sống giúp các em tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Chúa và người ta.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

 

          Câu chuyện đời sống của Thánh Gia Thất trong bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện có thực và đầy ý nghĩa.  Nó giúp chúng ta nhận ra phải sống và đối xử thế nào để tình yêu thương nhau càng ngày càng phát triển, nhất là khi phải trải qua những giai đoạn khủng hoảng.  Ở đâu có tình yêu, ở đấy có Chúa.  Đó là hình ảnh đích thực của Thánh Gia Thất và cũng phải là hình ảnh của gia đình chúng ta nữa.                                                                          Lm. Dominic TTL     


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C