Chúa Nhật XI Thường Niên C

Chị đã yêu mến nhiều

 

Lc 7:36 – 8:3: 36 Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn.37 Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm.38 Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên. 39 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi! "40 Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: "Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông! " Ông ấy thưa: "Dạ, xin Thầy cứ nói."41 Đức Giê-su nói: "Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục.42 Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn? "43 Ông Si-môn đáp: "Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn." Đức Giê-su bảo: "Ông xét đúng lắm."  44 Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: "Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau.45 Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi.46 Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi.47 Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít."48 Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Tội của chị đã được tha rồi."49 Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: "Ông này là ai mà lại tha được tội? "50 Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an."

8:1-3: 1 Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai2 và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ,3 bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.

 

Đoạn tin mừng 7:36-8:3 nằm trong chương 7 có chủ đề tổng quát là Thiên Chúa đến viếng thăm và cứu độ (x. 7:39); đồng thời nói đến căn tính của các sứ giả: Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu (7:1-50). Chúa Giêsu là Đấng có quyền trên sự sống và sự chết (7:1-10); là Thiên Chúa viếng thăm dân Người (7:11-17); là Đấng phải đến (7:18-23); Gioan, người đi trước làm chứng cho Người (7:24-28); Gioan, Chúa Giêsu và thế hệ nầy (7:29-35); Chúa Giêsu và người phụ nữ (7:36-50). Bố cục của đoạn có thể phân chia như sau: - Nhập đề. Hành động người phụ nữ và phản ứng của Simon (7:36-39); - Dụ ngôn hai người mắc nợ (7:40-43); - Giáo huấn cho Simon (7:44-47); - Tha tội cho người phụ nữ. Kết luận (4:48-50).

 

Hành động người phụ nữ và (7:36-38)

 

Chỉ Luca kể lại những lần Chúa Giêsu được mời dùng cơm tại nhà người Pharisêô (x. 11:37; 14:1). Với những trình thuật như vậy, Luca cho thấy chỗ đứng của Chúa Giêsu, như một vị thầy, giữa xã hội. Trong câu mở đầu, Luca ghi nhận người phụ nữ nầy là “người tội lỗi trong thành”. Bà mang theo dầu thơm và đứng sau chân Chúa Giêsu (c. 37). Không có chi tiết nào về việc bà vào nhà. Khi xuất hiện, đã thấy bà đứng ngay sau chân Chúa Giêsu rồi (c. 38). Luca tập trung cái nhìn vào những hành vi trên “cái chân” (7:38 [3]. 44.45.46), chủ đề “yêu thương” (7:42.47[2x]) và “tha thứ” (7:42.43; 47[2x].48.49). Ông muốn liên kết chúng với nhau và lấy chúng làm yếu tố nòng cốt câu chuyện. Ông không nói gì đến giá cả của dầu thơm (x. Mt 26:9; Mc 14:5; Gio 12:5), và ý nghĩa tượng trưng việc xức xác của Người sau nầy. Tư thế của Chúa Giêsu là nằm nghiêng đầu về phía bàn tiệc và duỗi thẳng chân về phía ngược lại. Luca mô tả cách cẩn thận những hành động của bà; chúng sẽ được nhắc lại để so sánh với những gì ông Simon đã không làm cho Người (cc. 44-46). Để làm những việc nầy bà phải cúi xuống hoặc quỳ xuống bên chân Chúa Giêsu; tương tự cử chỉ hoặc của những người đến xin chữa bệnh (5:18; 8:47), hoặc của một tội nhân (x. 5:8). Bà khóc nhiều đến nỗi (động từ ở thì phân từ hiện tại chỉ hành động đang diễn tiến trong một thời hạn, và đồng thời với động từ chính) nước mắt bà bắt đầu đổ xuống như mưa, brechō, (x. 17:29) trên chân Chúa Giêsu; bà rửa chân cho khách đến dự tiệc bằng nước mắt của bà. “Khóc” là hành vi của khổ đau (6:21), hoặc do mất mát một điều gì (8:52), hoặc do tội lỗi (19:41); do đó, khóc cũng là hành vi sám hối (x. 22:62; 23:38). Tóc trên đầu, mà Thiên Chúa lưu tâm cách riêng và quý trọng cách đặc biệt (x. 12:7;21:18), bà dùng thay cho khăn lau chân. Chỉ do lòng kính trọng và yêu mến bà mới làm như thế. Bà hôn chân Chúa và xức dầu liên tục lên đó; hai động từ ở thì quá khứ chưa hoàn thành diễn tả sự lập lại. Hôn là cũng cử chỉ quý mến và thương yêu (15:20; Cv 20:37), và xức dầu thơm cũng thế (x. Mc 16:1).

 

Phản ứng của người Pharisêô (c. 39)

 

Người Pharisêô phản đối Chúa Giêsu đã để cho bà ấy “đụng đến” Người. Động từ “đụng đến” nầy mang rất nhiều ý nghĩa ở đây. Chúa Giêsu đưa tay đụng đến bệnh nhân để chữa lành họ (5:13; 7:14; 18:15; 22:51); dân chúng muốn đụng đến Người, ít là áo Người, để được lành bệnh (6:19; 8:47). Người Pharisêô nghĩ theo cách của ông. Trong câu điều kiện: “Nếu ông ấy là một ngôn sứ…” (c. 39b), ông nghĩ là Người phải có khoảng cách với người tội lỗi và không để một phụ nữ tội lỗi tiếng tăm như bà đụng vào. Đến gần, hoặc để người tội lỗi đến gần đều bị người Pharisêô phản đối (x. 5:30; 7:34). “Ngôn sứ” có thể hiểu như dân chúng thời đó nghĩ về Người (x. 9:19); hoặc có thể là một ngôn sứ lớn giống như Êlia, hay Môsê (x. Cv 3:22; 7:37); nên ông mới gọi Người là “Thầy” (c. 40). Phần Chúa Giêsu, Người để yên cho bà ấy làm như ý, vì Người nhận ra trong nước mắt của bà lòng thống hối, và trong những hành vi khác lòng yêu thương của bà. Bà muốn được tha tội nên mới làm như thế. Để cho bà “đụng chạm” đến là Người từ chối rập theo khuôn sáo của người Pharisêô: lánh xa người tội lỗi. Người không là ngôn sứ theo cách suy nghĩ của ông, mà là ngôn sứ Thiên Chúa sai đến để cứu độ dân Người (7:16; 24:19). Vậy, với việc “đụng chạm” đến Chúa Giêsu, thái độ của mỗi người đều tỏ lộ: người phụ nữ bày tỏ tình yêu và lòng thống hối vì muốn được chữa lành; người Pharisêô phản đối; Chúa Giêsu mở đường thứ tha cho bà.

 

Dụ ngôn cho Simon (cc. 40-43)

 

 Cho đến lúc nầy Chúa Giêsu thinh lặng, bây giờ Người mới lên tiếng. Người gọi người Pharisêô bằng tên “Simon”; trong khi ông đáp lại “thưa Thầy”. Với uy thế của một người thầy, Người sẽ nói với học trò. Như ngôn sứ Natan đã kể cho Đavít câu chuyện trong 2 Sam 12, Chúa Giêsu kể cho Simon câu chuyện nầy để mở mắt ông ra nhận thấy một thực tại mới, dựa trên sự tha thứ và tình yêu. Câu chuyện rất đơn giản, không nhiều chi tiết. Điểm then chốt là chủ nợ xoá sạch nợ cho người mắc nợ; phía người mắc nợ, yêu mến ông “Ai yêu chủ nợ nhiều hơn?” (c. 42). Vậy, Chúa Giêsu đặt sự tha thứ trong tương quan với tình yêu; hay ngược lại. Charizomai, nghĩa là “xóa nợ”. Ở nơi khác, ý nghĩa của động từ nầy chuyển thành “tha thứ”, nghĩa là tỏ lòng nhân ái và rộng lượng đối với những người làm điều sai (Êph 4:32; Côl 3:13). Chúa Giêsu sẽ nói đến sự tha thứ vào cuối câu chuyện (x. 7:47.48.49). Trong “tha nợ” hay “tha thứ” đều có “charis”, “ân huệ”, nghĩa là lòng quảng đại và yêu thương. Chủ đề tình yêu bắt đầu ở đây, và mọi hành vi của người phụ nữ sẽ được giải thích là được làm bởi động lực nầy.

 

Giáo huấn cho Simon (7:44-47)

 

Chúa Giêsu bắt đầu một giáo huấn trực tiếp với Simon. “Ông xem” (c. 44), Người muốn ông mở mắt ra và nhận ra điều Người sắp nói. Những hành động của người phụ nữ tội lỗi được đem ra so sánh để làm tỏ lộ thái độ của ông đối với Chúa Giêsu. Ông đã không làm điều mà bình thường ông phải làm khi khách đến nhà: rửa chân (Kn 18:4), hôn chào (Rom 16:16), xức dầu thơm trên đầu. Điều nầy chứng tỏ là ông không kính trọng, hoặc nói cách khác, xem thường Chúa Giêsu. Như thế, người phụ nữ hơn hẳn ông không chỉ trong cách đón tiếp, mà cả trong thái độ. Câu 47a “Tội của chị nhiều đã được tha, (vì) chị yêu nhiều” xem ra đối nghĩa với câu 47b “Ai được tha ít, yêu mến ít”. Không có mối liên hệ nguyên nhân và hậu quả ở đây. Cách nói nầy chỉ mô tả sự kiện. Chữ “hoti” (c. 47a) có nghĩa là “rõ ràng là”, “hiển nhiên là”. Vậy, Chúa Giêsu đã cho Simon thấy là ông không tốt lành hơn bà, vì đã không yêu mến Người. Và tuy tội lỗi của bà thật nhiều, đã được Người tha thứ tất cả. Bà đã yêu mến Người nhiều.

 

Tha tội cho người phụ nữ (7:48-50)

 

Chúa Giêsu không chối bà là người có tội. Người nói trực tiếp với bà lời tha tội “tội của bà đã được tha rồi” (c. 48). Luca thích dùng động từ “tha thứ” ở thì hoàn thành (perfect), diễn tả sự tha thứ đã hoàn thành và hiệu quả của nó còn tác động trên người được tha thứ (x. 5:20; 7:48). Đó là tình yêu. Câu hỏi về con người và quyền tha tội của Chúa Giêsu được đặt ra (c. 49; 5:21). Luca không muốn có câu trả lời cho người đồng bàn. Ông bỏ ngỏ (x. 9:20.22). Công thức “Lòng tin của bà đã cứu chữa bà, hãy đi bình an” (x. Mt 9:22; Mc 5:34) cho thấy kết luận của câu chuyện là tình yêu của bà được gọi là lòng tin, và sự tha thứ của Chúa Giêsu trở nên sự cứu độ cho bà.   

 

Người tội lỗi không thể bị cô lập khỏi cộng đồng chỉ vì tội của họ. Chúa Giêsu tha tội và phá những thành kiến khắc khe vây chặt chung quanh họ. Trói buộc cách tàn nhẫn người có tội trong lỗi lầm của họ “người tội lỗi”, không phải là chống lại Thiên Chúa đó sao?

 

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C