Chúa Nhật 25 Thường niên

 

Sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 16:1-13)

 

          Câu truyện dụ ngôn nói về người quản gia làm việc cho một nhà phú hộ.  Người quản gia này bị tố cáo là “phung phí của cải” nhà phú hộ và ông ra lệnh cho anh ta phải tính toán sổ sách trước khi cho anh ta nghỉ việc.  Nhận định về người quản gia, ông chủ khen “tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo”.  Bất lương và hành động khôn khéo là hai đặc tính nói lên con người của anh ta.  Bất lương vì sử dụng tiền bạc của cải của chủ cho những ăn xài tiêu pha cá nhân anh ta.  Nhưng khôn khéo khi anh ta biết chuẩn bị cho tương lai bằng cách dùng tài sản của chủ để mua chuộc các con nợ của chủ.  Nhân tấm gương này, Chúa Giê-su dạy chúng ta về việc xử sự để lo cho tương lai của mình:  “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại”.  

Trước hết chúng ta thử xem con cái đời này xử sự khôn khéo như thế nào.  Người quản gia bất trung đã nhìn trước về tương lai của anh ta:  chắc chắn anh sẽ bị đuổi việc và có thể rơi vào một tình huống bất hạnh, vì “cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi”.  Nhưng bởi anh ta khôn khéo, nên “biết phải làm gì” để “sẽ có người đón rước mình về nhà họ”.  Và đây là cách xử sự khôn khéo của người đời:  anh ta “tính sổ” của chủ nhà làm sao có lợi cho mình bằng cách bớt số nợ của các con nợ đi, như thế anh ta đương nhiên trở thành ân nhân của những con nợ.

Một con người bất lương như thế dĩ nhiên không thể làm gương cho những người con cái Chúa.  Nhưng Chúa Giê-su vẫn có thể rút một bài học hay và thực tế từ lối sống của con cái đời này để áp dụng cho con cái ánh sáng.  Đó là “hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”.  Trước hết, con cái Chúa phải biết nhìn về tương lai.  Người quản gia bất trung thấy rõ mục đích là tạo dịp cho các con nợ “sẽ đón rước mình về nhà họ”.  Dầu sao nơi ở của anh ta cũng chỉ là nơi tạm bợ.  Còn đối với Ki-tô hữu, đời này chỉ là tạm, nơi ở vĩnh viễn của chúng ta là nhà Cha trên trời.  Những người đón rước người quản gia bất trung là những con nợ, còn những người đón rước chúng ta là cả triều thần thiên quốc.  Người quản gia chuẩn bị tương lai bằng cách bất lương và bất trung, còn chúng ta chuẩn bị cho nơi ở vĩnh cửu bằng tình bạn đích thực và hết lòng trung thành với Chúa.  Người quản gia đã chọn lựa “ghét” ông chủ để sẵn sàng làm tôi Tiền Của.  Ngược lại, Ki-tô hữu chúng ta phải chọn làm tôi Thiên Chúa và làm chủ Tiền Của.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

 

          Có lẽ đây là một bài học thực tế nhất và lời nhắc nhở thích hợp nhất Chúa gửi cho chúng ta trong thời buổi này.  Hiện chúng ta đang sống trong hoàn cảnh người khôn của khó, hoặc trong hoàn cảnh dễ dàng lệ thuộc vào tiện nghi và sự sung túc.  Do đó, chúng ta dễ đánh mất dự phóng cho tương lai vĩnh cửu và “không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính”.  Khi ấy, Tiền Của không chỉ là vàng bạc vô tri nữa, nhưng đã được “nhân cách hóa” thành một ông chủ.  Thế là trước mặt chúng ta có hai ông chủ:  Thiên Chúa và Tiền Của!  Thái độ của Ki-tô hữu dĩ nhiên phải là dứt khoát chọn làm tôi Thiên Chúa.  Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta phải làm chủ Tiền Của như thế nào.  Tiền Của chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích.  Nếu người đời có thể dùng Tiền Của để “mua” bạn bè, thì chúng ta cũng có thể sử dụng Tiền Của để phát triển lòng yêu mến Chúa và tình yêu thương anh chị em.  Tiền Của đời này chỉ là “của cải của người khác” và chóng qua.  Còn “của cải dành riêng cho chúng ta” là tình yêu của Chúa và gia nghiệp Người ban cho chúng ta mai sau ở trên trời.                                                        

Lm. Dominic TTL


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C