Chúa Nhật 28 Thường niên, C

 

Sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 17:11-19)

 

          Ca hát ngợi khen Thiên Chúa và cảm tạ Người về những ơn lành Người ban, đó là đề tài lớn của sách Thánh Vịnh và nhiều sách Cựu Ước khác.  Hiểu như thế, chúng ta tin rằng tâm tình cảm tạ Thiên Chúa phải là tâm tình đặc biệt của người Do-thái và được biểu lộ qua đời sống hằng ngày.  Tuy nhiên câu chuyện xảy ra theo bài Tin Mừng hôm nay lại là điều trái ngược.  Mười người bệnh phong hủi được Chúa Giê-su chữa lành thì chín người Do-thái đi luôn và chỉ có một người Sa-ma-ri duy nhất đã quay trở lại để cám ơn Chúa Giê-su.  Điều ấy chắc chắn đã làm Chúa Giê-su buồn, buồn vì chín người Do-thái vô ơn, nhưng còn buồn hơn vì hằng ngày họ đọc những lời kinh tạ ơn trong Thánh Vịnh mà không sống những lời kinh ấy chút nào!  Người Sa-ma-ri được Chúa khen về lòng biết ơn đã dạy chúng ta những bài học cụ thể để chúng ta thực hành mọi ngày trong cuộc sống.

 

            Bài học thứ nhất là anh ta “thấy mình được khỏi liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”, rồi “sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn”.  Được chữa lành khỏi một cơn bệnh nan y là một hồng ân lớn lao của Thiên Chúa.  Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra được đó là cách Chúa biểu lộ tình yêu của Người dành cho chúng ta hay không.  “Thấy mình được khỏi” phải là điều chúng ta luôn ý thức trong cuộc sống.  Nó giúp chúng ta tỉnh thức để nhận ra đó là dấu chỉ của tình yêu Chúa.  “Được khỏi” không chỉ là khỏi bệnh tật, nhưng còn là khỏi nghèo đói, khỏi sa chước cám dỗ, khỏi một tai họa, khỏi một cuộc đổ vỡ hôn nhân… Một khi đã nhận biết tình yêu và quan phòng của Chúa qua quyền năng chữa lành của Người, chúng ta hãy bước tiếp bước thứ hai, là đến với Chúa và tôn vinh Người.  Người Sa-ma-ri trở lại tôn vinh Thiên Chúa, anh lại còn “lớn tiếng” tôn vinh vì anh muốn rao giảng về lòng nhân lành của Người.  Anh sấp mình bái lạy Chúa Giê-su vì anh nhận biết Người chính là Tình Yêu và lòng thương xót nhập thể.  Như thế, lớn tiếng tôn vinh và tạ ơn Chúa là phương thức để chúng ta nói cho người khác biết về Chúa.

 

          Bài học thứ hai là việc chữa lành.  Mười người phong hủi đều được chữa lành thể xác đang khi họ trên đường đi trình diện tư tế theo lời Chúa Giê-su dạy.  Tuy nhiên chữa lành còn cần thiết cho phần hồn nữa.  Một cuộc chữa lành trọn vẹn cả xác lẫn hồn đã được thực hiện nơi người Sa-ma-ri phong hủi.  Khi Chúa Giê-su nói với anh:  “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” thì Người muốn nói đến ơn cứu độ.  Lòng tin vào Chúa Giê-su là nguồn ơn cứu độ và cần thiết cho mọi người.  Rất nhiều khi chúng ta chỉ chú trọng tới việc chữa lành thể xác mà quên đi tầm quan trọng của việc chữa lành phần hồn.  Điều này rõ ràng khi có nhiều người không muốn hoặc lười biếng đến với Bí tích Giải tội mỗi khi họ cần được chữa lành khỏi những con trùng phong hủi của tội lỗi.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

 

          Câu hỏi của Chúa Giê-su hôm nay quả thực là thấm thía!  “Không phải cả mười người đều được sạch sao?  Thế thì chín người kia đâu?  Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”  Câu hỏi trách cứ những người Do-thái không tin Chúa Giê-su cũng là câu hỏi trách nhiều Ki-tô hữu mọi thời.  Vậy chúng ta có thuộc về nhóm chín người vô ơn và thiếu lòng tin vào Chúa Ki-tô không?  Chắc chắn việc người phong hủi Sa-ma-ri đã làm sau khi được chữa lành đòi chúng ta phải khiêm tốn suy nghĩ về lối sống vô ơn và thiếu lòng tin của chúng ta, những người vỗ ngực tự xưng mình là Ki-tô hữu!               

 

Lm. Dominic TTL

Ngày 7-10-2010


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C