CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA

Những tâm tình đẹp của Thánh Gia

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Luca 2:41-52)

          Để biết những tâm tình của một gia đình, có lẽ không gì thích hợp cho bằng quan sát gia đình ấy đã ứng xử như thế nào với một cơn khủng hoảng xảy ra.  Gia đình ông bà Giu-se đã trải qua một biến cố kinh hoàng khi cậu bé Giê-su biến mất sau cuộc mừng lễ Vượt Qua tại Giê-ru-sa-lem.  Nhng năm trước, khi Giê-su chưa tới mười hai tuổi thì cậu luôn ở bên cạnh mẹ trong dịp lễ.  Năm nay cậu đã đủ tuổi để có thể tự quyết định hoặc đi với mẹ hoặc theo cha vào khu dành riêng cho đàn ông.  Tuy nhiên còn hơn thế nữa, sau lễ cậu đã tự ý ở lại Đền Thờ mà không cho cha mẹ biết.  Lý do cậu ở lại Đền Thờ là vì cậu “có bổn phận ở nhà của Cha cậu”.  Trong khi đó hai ông bà chạy đôn chạy đáo tìm kiếm cậu khắp nơi.

          Trước hết, chúng ta thử tưởng tượng ra cảnh thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a đi tìm con.  Ba ngày trời, hai ông bà đã sống trong lo âu.  Ăn không ngon, ngủ không yên.  Lại thêm nỗi lo lắng không biết con đang ở đâu, có gặp nguy hiểm gì không, có đói khát hay đau ốm không.  Đó là lo lắng thường tình của bậc làm cha mẹ.  Trong tình huống này, chúng ta thử hỏi cách ứng xử của họ thế nào.  Liệu hai người có trách lẫn nhau tại sao không để tâm tới con không?  Liệu thánh Giu-se hay Mẹ Ma-ri-a có tỏ ra bực bội với việc làm tự ý của Chúa Giê-su, rồi lẩm bẩm:  Tôi mà tìm được nó, thế nào cũng cho nó một trận!  Chắc chắn hai ông bà không hành động như chúng ta thấy người đời thường làm.  Bởi vì có một chi tiết rất ý nghĩa chứng minh cho khẳng định trên, đó là “hai ông bà tìm thấy con trong Đền Thờ”.  Các ngài đã tìm đến Đền Thờ với nhiều lý do.  Đến Đền Thờ vì ở đấy Thiên Chúa sẽ giúp đỡ các ngài trong cơn khó khăn.  Các ngài đã hiểu rõ lòng đạo đức của con mình, cho nên các ngài cho rằng chỉ có Đền Thờ là nơi cậu Giê-su sẽ quyến luyến để biểu lộ lòng yêu mến Thiên Chúa.  Vậy sau khi “tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc” mà không thấy, thì Đền Thờ chắc chắn phải là nơi con của các ngài ở lại.

          Khi gặp lại con “đang ngồi giữa các bậc thầy”, thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a không trút cơn giận xuống đầu con, nhưng các ngài chỉ “sửng sốt”.  Thánh Giu-se im lặng theo như bản chất con người của ngài.  Chỉ có Mẹ Ma-ri-a lên tiếng, không phải là lời la mắng và vạch ra lỗi lầm, nhưng Mẹ chỉ muốn chia sẻ nỗi “cực lòng” khi đi tìm con mà thôi.  Rõ ràng tình yêu đã quảng đại, tha thứ và cảm thông.  Câu trả lời của Chúa Giê-su hé cho thấy “lòng nhiệt thành vì nhà Chúa” sẽ làm hao mòn con người của Người.

          Nhưng đặc biệt nhất vẫn là bầu khí của Thánh Gia sau cơn khủng hoảng.  Các ngài vui vẻ cùng nhau từ Giê-ru-sa-lem đi xuống về nhà mình ở Na-da-rét.  Người con thì vâng phục cha mẹ, tiếp tục phát triển cả ba phương diện:  thể dục, trí dục và đức dục.  Người mẹ thì “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”, sống đời sống nội tâm sâu xa và chiêm niệm mầu nhiệm Thiên Chúa làm người.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Có khi nào gia đình chúng ta nhìn lại cách mỗi người đã phản ứng như thế nào trong một cơn khủng hoảng không?  Nhìn lại và tự hỏi xem cách ứng xử của chúng ta có phản ánh những tâm tình đạo đức và nhân bản như các vị trong Thánh Gia đã đối xử với nhau không.  Những cử chỉ, lời nói và suy nghĩ của Thánh Gia đều xuất phát từ một nguồn suối là lòng mến đích thực.  Những điều thánh Phao-lô mô tả về lòng mến cũng là những điều Thánh Gia đã thực hành trong đời sống gia đình của các ngài (1 Cô-rin-tô 13).

          Tâm tình của người cha siêng năng cần mẫn, nhất là tính tình điền đạm sẽ giúp cho gia đình vượt qua mọi thử thách khó khăn.  Tình yêu sâu xa của người mẹ sẽ giúp cho con cái trưởng thành về mọi phương diện.  Đức vâng lời của người con sẽ hóa giải được mọi hiểu lầm giữa cha mẹ với con cái và còn giúp cho cha mẹ “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” để theo dõi tương lai của người con.  Chúng ta hãy cầu xin cho có được những tâm tình tốt đẹp ấy.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C