CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN

Tính phổ quát của ơn cứu độ

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 4:21-30)

          Đọc hết câu chuyện Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải ngạc nhiên và hỏi tại sao dân thành Na-da-rét lại có thể đối xử với Chúa Giê-su cạn tàu ráo máng như vậy.  Biểu lộ những định kiến không tốt về thân thế và gia đình của Người đã đành, nhưng họ còn đang tâm “kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực” nữa!  Phải chăng chỉ vì Người từ chối làm phép lạ như Người đã từng làm tại Ca-phác-na-um và nhiều nơi khác?  Có lẽ việc Chúa Giê-su đan cử hai phép lạ của ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa giúp chúng ta đi vào lý do chính khiến họ thù ghét Người, đó là vì họ muốn “độc quyền” giành lấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

          Chúng ta đều biết sách Tin Mừng Lu-ca chú trọng đến tính phổ quát của ơn cứu độ.  Nhiều nhân vật dân ngoại đã được đề cao.  Thêm vào đó là những người bị coi là “phường tội lỗi, quân thu thuế…”  Kế hoạch cứu độ là kế hoạch phổ quát, chứ không dành riêng cho nhóm người Do-thái vỗ ngực cho mình là người công chính.  Chính vì thế, lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã được hiểu là ám chỉ về Chúa Giê-su:  “Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho muôn dân” (Giê-rê-mi-a 1:5).  Nhưng người ta không muốn chấp nhận chân lý này của Thiên Chúa.  Sự thay đổi thái độ của người dân Na-da-rét đã được thánh sử Lu-ca ghi lại rất sống động.  Đầu tiên thì “mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra”.  Nhưng tán thành và thán phục chỉ là cảm ứng nhất thời, không đủ để dẹp được những định kiến của họ về Chúa Giê-su.  Đáng lẽ họ phải cảm tạ Thiên Chúa vì một người con của Na-da-rét đã được Người sử dụng để thực hiện những việc vĩ đại làm vinh danh Thiên Chúa.  Nhưng dân Na-da-rét lại muốn giành lấy vinh quang ấy cho riêng mình và đòi hỏi Người hãy ưu tiên làm những phép lạ cho họ.  Đó không phải là não trạng của Chúa Giê-su, cũng không phải là mục đích kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Việc Chúa Giê-su từ chối yêu cầu của họ làm cho họ thay đổi thái độ:  từ thán phục và tán thành biến sang phẫn nộ, khinh thường và không chấp nhận.

          Lời khẳng định của Chúa Giê-su “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” không phải chỉ là lời nói về cá nhân Người, nhưng là về ơn cứu độ và sứ mệnh Chúa Cha đã trao cho Người thi hành.  Ơn cứu độ phải là tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại.  Sứ mệnh của Chúa Giê-su không chỉ là kêu gọi những người công chính, mà còn là đưa cả thế giới về nhà Cha.  Nhắc lại câu chuyện ông Ê-li-a cứu đói cho bà góa thành Xa-rép-ta và ông Ê-li-sa chữa lành cho quan Na-a-man người Xy-ri không mang tính cách lên án dân Do-thái, nhưng chỉ là một bằng chứng nói lên rằng tình yêu cứu độ của Thiên Chúa không bị giới hạn cho một dân tộc, mà là cho muôn dân.

          Người dân Na-da-rét có những phản ứng không tốt đối với Chúa Giê-su.  Nhưng đối lại, Chúa Giê-su đã hành xử thế nào?  Trước khi họ xô Người xuống vực, thì “Người băng qua giữa họ mà đi”.  Người đã thực hiện điều ngôn sứ Giê-rê-mi-a nói về Người:  “Này, hôm nay, chính Ta làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ:  từ các vua Giu-đa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ” (Giê-rê-mi-a 1:18).

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Hầu hết chúng ta không phải là người Do-thái, nên câu chuyện Tin Mừng hôm nay đem lại cho chúng ta nhiều tâm tình ý nghĩa.  Chúng ta xác tín tình yêu cứu độ Thiên Chúa dành cho cả chúng ta nữa.  Người muốn quy tụ hết mọi người vào trong Giáo Hội của Chúa Ki-tô, để đón nhận “những lời ân sủng từ miệng Chúa Giê-su nói ra”.  Nên tâm tình đầu tiên là cảm tạ Chúa. 

          Tuy nhiên chúng ta cũng phải cẩn thận tránh thái độ mang định kiến của dân chúng Na-da-rét.  Định kiến làm cho trái tim chúng ta thắt lại, không thể đón nhận ngay cả những điều tốt đẹp của người khác.  Định kiến gây ra không biết bao nhiêu đầu mối chia rẽ, một kinh nghiệm đã xảy ra cho giáo hội tại Cô-rin-tô.  Liều thuốc thánh Phao-lô gửi cho tín hữu Cô-rin-tô để chữa định kiến là đức mến, “đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cô-rin-tô 13:7).  Sống yêu thương để loại bỏ định kiến!

 

                 Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C