NGƯỜI ĐÀN BÀ SÁM HỐI

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN, năm C

Lc 7, 36 – 50

 

Cả đời sống của Chúa Giêsu là để yêu thương nhân loại, yêu thương con người. Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta hoàn toàn thán phục một vị Thiên Chúa làm người. Từng lời nói, từng cử chỉ, những lời dạy bảo, những phép lạ của Chúa Giêsu hoàn toàn nói lên con người đầy lòng trắc ẩn, yêu thương của Chúa. Hôm nay, chúng ta được đối diện với một con người đã được Chua Giêsu thương yêu, chữa lành, chúng ta nhận ra tình thương cao cả vô biên của Chúa…

Vâng, Chúa Giêsu và các môn đệ dùng tiệc tại nhà ông Simon. Chắc chắn, ông Simon mời Chúa dự tiệc cùng với các môn đệ, những khách quí, có máu mặt, những người đồng nghiệp với ông Simon, không phải vì ông có thiện cảm, yêu mến Chúa Giêsu, nhưng là để làm cho ông được hãnh diện, được tăng thêm uy tín, được nở mày nở mặt với những người khác, hoặc là ông Simon muốn thử tài, muốn thử quyền năng của Chúa mà ông đã nghe nhiều lần chăng ? Còn đối với người đàn bà hôm nay, Tin Mừng của thánh Luca cũng không cho chúng ta biết tên. Do đó, chúng ta hiểu được rằng bà có lẽ

bà ta đã phạm một tội công khai nào đó mà cả thành đều biết. Bà này nhận mình là người tội lỗi và tin cậy vào tình thương, vào sự tha thứ của Chúa Giêsu. Chị đã mang theo một bình nước hoa quí giá, đắt tiền đến tìm Chúa Giêsu giữa đám tiệc đông người ở nhà ông Simon. Theo tập tục của người Do Thái khi ăn tiệc họ thường nằm ngả người ra phía sau, và  để chân trần ra ngoài chiếc phản. Chính vì thế bà này dễ dàng xối nước mắt, nước hoa lên chân của Chúa Giêsu. Đây là cử chỉ thú tội công khai của người đàn bà trước thực khách, trước mặt Chúa Giêsu vv…Bà không sợ, không xấu hổ vì bà biết Chúa sẽ tha thứ cho bà và là bài học cho các thực khách, cho ông Simon va cả gia đình của ông. Người đàn bà đã khóc, khóc rất nhiều. Những giọt nước mắt sám hối, ăn năn chảy xuống trên chân Chúa Giêsu. Người đàn bà tỏ cử chỉ tôn trọng, kính yêu Chúa bằng cách lấy tóc của mình lau chân Chúa, xức dầu thơm lên đôi chân của Chúa và hôn chân Chúa không ngừng.

Con người của Chúa luôn nhạy cảm, đầy lòng trắc ẩn. Nên, Ngài đã cảm thông và tha thứ cho người đàn bà tội lỗi biết sám hối, biết trở lại vì yêu. Chúa Giêsu nói với bà : “ Tội con đã được tha “. Một lời tha thứ thật an an ủi, đầy cảm thông, đầy tình thương. Lời thứ hai cũng là lời cuối cùng Chúa nói với bà :” Lòng tin đã cứu bà. Bà hãy đi bình an “. Thật là lời đầy an ủi, đầy khích lệ, Chúa Giêsu xác nhận niềm tin của Chúa Giêsu. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là yêu thương. Ngài yêu thương những người tội lỗi, những kẻ khốn khổ, nghèo nàn, thấp cổ, bé họng vv…Ở đây, chúng ta ghi nhận một điều rất quí, rất đẹp là người đàn bà yêu nhiều nên được tha nhiều. Nói lên điều đó không có  nghĩa chúng ta cứ phạm tội để được Chúa thứ tha. Không, nhứt định là không. Bởi vì liệu chúng ta có lòng can đảm, ơn đặc biệt, sự khiêm nhường như người đàn bà tội lỗi đó không ?  

Chúng ta có chắc chắn chúng ta yêu nhiều, yêu đến quên mình như người đàn bà tội lỗi đó không ? Yêu nhiều có nghĩa là trở về trọn vẹn, sám hối thiệt tình và không còn dám để trong lòng một tội nào, dù tội đó thật nhỏ mọn vv

Người đàn bà đã yêu hết mình, đã thật tình thống hối, đã không dám xúc phạm đến tình yêu thương của Chúa nữa. Bà đã hoàn toàn tin tưởng vào tình thương tuyệt đối, nhưng không của Chúa. Bà đã không mắc cỡ, không xấu hổ trước nhiều tiếng thì thầm trách móc vì họ cho rằng người đàn bà này tội lỗi tầy trời, tội lỗi công khai, đáng kinh tởm, đáng khinh bỉ, bà vẫn một niềm tin, tin Chúa thứ tha cho bà, bà hoàn toàn khác Giu đa. Bà có thái độ quay trở về và nhạy cảm như  Phêrô. Tin vào tình thương và tin vào sự tha thứ của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin tăng thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn tin vào tình thương của Chúa, để chúng con như thánh Phêrô dám nhìn vào mắt Chúa và khóc lóc ăn năn, để chúng con như người đàn bà hôm nay dám công khai khóc lóc ăn năn và tin tuyệt đối vào sự thứ tha của Chúa. Amen.

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Tại sao ông Simon lại mời Chúa Giêsu tới nhà dự tiệc ?

2.Người đàn bà mà thánh Luca nhắc tới là ai ?

3.Bà là người đàn bà như thế nào ?

4.Các người Pharisêu có tán thành hành động của Chúa Giêsu không ?

5.Yêu nhiều ở đoạn Tin mừng này có nghĩa gì ?


Suy Niệm Lời Chúa Năm C