Phêrô tuyên xưng đc tin

và Đc Giêsu tiên báo cuc Thương Khó ln đu

(Luca 9,18-24 – CN XII TN - C)

 

1.- Ngữ cảnh

          Ngay sau truyện Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông, tác giả Lc đặt truyện Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Lời tuyên xưng này dường như được dùng để thay thế cho phản ứng kinh ngạc và lời tung hô mà ta thường thấy tác giả dùng làm kết thúc một truyện phép lạ.

          Đàng khác, so với TM Mc, lời tuyên xưng của Phêrô được đặt rất gần với câu hỏi tiểu vương Hêrôđê đặt ra về Đức Giêsu (9,9). Rất có thể tác giả muốn coi lời Phêrô đáp lại câu hỏi của Đức Giêsu cũng là câu trả lời cho câu hỏi được vua Hêrôđê đặt ra trước đó. Cũng vì lý do đó mà ngài đã rút ngắn bản văn bằng cách bỏ ghi chú về địa lý cũng như lời phản đối của Phêrô sau đó cùng với lời Đức Giêsu mắng ông. Lời tuyên xưng của Phêrô không còn là một bước ngoặt quyết liệt như trong Mc (ch. 8), hoặc như bản văn đăt nền móng cho Họi Thánh nữa như trong Mt (ch. 16), nhưng được dùng như câu trả lời cho vua Hêrôđê.       

 

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba phần:

1) Phêrô tuyên xưng đức tin (9,18-21);

2) Đức Giêsu tiên báo Thương Khó (9,22);

3) Đức Giêsu dạy về người môn đệ (9,23-27).

 

3.- Vài điểm chú giải

- c.18: Công thức dẫn nhập riêng của Lc, dùng để tách biệt hai phần: nhân bánh (trước đám đông); tuyên xưng đức tin (trước các môn đệ). Tác giả Lc không nói tới Xêdarê Philípphê, vì trung thành với chủ ý giữ Đức Giêsu trong giai đoạn đầu sứ vụ ở trong vòng đất Paléttina.

- cầu nguyện (18): Đây là đề tài quan trọng của TM III. Ta có ấn tượng là tất cả các biến cố quan trọng trong cuộc đời Đức Giêsu đều xảy ra trong một bầu khí cầu nguyện. Còn nếu tác giả Lc đã ghép hai lần đề tài cầu nguyện trong phân đoạn 9,18-50, thì đấy là dấu cho thấy ngài coi việc cầu nguyện là việc quan trọng giúp giải thích chuyến đi lên Giêrusalem theo quan điểm thần học.

- Đám đông nói Thầy là ai (18): Đây là điều tác giả Lc đã ghi nhận ở 8,25. Ngài đã gom các ý kiến lại trong hai đoạn văn song song:

 

 

Lc 9,7-9

Lc 9,18-20

Dẫn nhập

a) c. 7

a) c. 18

Ý kiến của dân chúng

b) Thật vậy, có kẻ nói: "Đó là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy". Kẻ khác nói: "Ông Êlia xuất hiện đấy!" Kẻ khác nữa lại nói: "Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại"

b) Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại"

Phán đoán của một người

c) Còn vua Hêrôđê thì nói: "Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?"

c) Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa"

 

- Thầy là Đấng Kitô (20): Đức Giêsu đã được xác định là “Đấng Mêsia” trong  bài tường thuật về thời thơ ấu (2,11); như thế danh hiệu này không mới đối với Kitô hữu đọc Tin Mừng này. Nhưng danh hiệu này được đưa vào đấy là dưới ánh sáng của những gì được nói về Đức Giêsu bên trong chính Tin Mừng. Chính là trong truyện ấy mà chúng ta được tiếp xúc với truyền thống đang thành hình về tư cách Mêsia của Đức Giêsu. Ở 4,41, danh hiệu ấy lại xuất hiện, nhưng là lời bình của tác giả.

Trong bản văn chúng ta đang tìm hiểu, phản ứng của Đức Giêsu trước lời tuyên xưng của Phêrô (c. 21) là để cấm ông nhắc lại danh hiệu ấy trong thời gian Người còn hoạt động, và lời này chuẩn bị cho độc giả đón lấy các lời có tính điều chỉnh sắp đến ở cc. 22.23-27.28-36.44-45. Đức Giêsu lại không cấm như thế cho quỷ trong 8,28, mà ở đấy độc giả hiểu rằng đã có một cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và quỷ. Ở đây lời tuyên xưng của Phêrô được bày tỏ trong bối cảnh là câu hỏi của Đức Giêsu về những gì dân chúng đang nghĩ về Người và những gì các môn đệ đang tin. Như thế, lời này trở thành một câu trả lời quan trọng mang tính Kitô học trong Lc. Và đây là một tư cách Mêsia có hàm chứa đau khổ, sự loại trừ, cái chết, cho dù nó đưa tới sự sống lại (x. c. 22).          

          “Kitô” phải được hiểu theo nghĩa Do Thái: một nhân vật được xức dầu mọi người đang mong đợi thuộc dòng dõi Đavít, sẽ được Thiên Chúa sai phái đến (x. 2,11). Có thể nói, lâu nay Phêrô đã chứng kiến Đức Giêsu rao giảng về Nước Thiên Chúa, chữa bệnh, với các phép lạ, nay ông chứng tỏ là ông hiểu Đức Giêsu là Đấng xức dầu của Thiên Chúa được cử đến để “khôi phục vương quốc Ít-ra-en” (Cv 1,6; x. Lc 2,26; 4,41). 

- không được nói điều ấy với ai (21): Đức Giêsu không phủ nhận Người là Đấng được xức dầu của Thiên Chúa, nhưng cấm các môn đệ nói ra vì danh hiệu này có những âm hưởng chính trị. Người sẽ điều chỉnh tiếp bằng 9,22.

- Con Người phải chịu đau khổ (22): Động từ Hy Lạp dei, “phải” nói lên điều cần thiết vì nằm trong chương trình cứu độ của Chúa Cha. 

- kỳ mục, thượng tế, cùng kinh sư (22): Đây là ba nhóm làm thành Thượng Hội Đồng tại Giêrusalem (xem thêm 20,1; 22,52; Cv 4,5; 23,14; 25,15). “Kỳ mục” (presbyterous, “elders”) không chỉ có nghĩa là “những người già” (như ở Cv 2,17), nhưng là một nhóm đặc biệt gồm những vị lãnh đạo cộng đồng Do Thái. “Thượng tế” (archiereis) là thủ lãnh các tư tế phục vụ tại Đền Thờ Giêrusalem, vị chủ tọa Thượng Hội Đồng, và là vị lãnh đạo tối cao của dân Do Thái. Số phức ở đây không có nghĩa là các vị cựu thượng tế, mà là “các tư tế cao cấp”, những vị xuất thân từ các gia đình tư tế. Họ kiểm soát việc tế tự, quỹ, và kỷ luật tư tế tại Đền Thờ. Trong số đó, có “viên lãnh binh Đền Thờ” (Cv 4,1), các vị điều hành sinh hoạt hằng tuần, các trưởng phụ trách việc phục vụ hằng ngày và các vị giám luật Đền Thờ. Còn “kinh sư” (grammateis) là các chuyên viên Luật (có khi Luca cũng gọi là nomikoi, “các nhà thông Luật”; x. 7,30).

- sẽ được cho trỗi dậy (22): dịch sát là như thế, để thấy đây là một thái bị động nói quanh để thay tên Thiên Chúa, có nghĩa là “Thiên Chúa làm cho Người trỗi dậy”.

- từ bỏ chính mình (23): dịch sát là “chối chính mình” (arneomai [h]eauton), có nghĩa là chọn một thái độ sống không lấy mình làm trung tâm, nhưng thật sự cho phép đồng hóa lối sống của mình với Đức Giêsu và sứ mạng của Người.

- vác thập giá (23): Hình ảnh này sau được áp dụng cho Simôn Kyrênê (23,26). “Vác thập giá” có nghĩa là bắt chước Đức Giêsu khi bị đóng đinh, tức sẵn sàng chịu tử đạo, nhưng cũng có nghĩa là sẵn sàng chịu chống đối và thù nghịch trong cuộc sống mỗi ngày.

 

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Phêrô tuyên xưng đức tin (18-21)

          Ngay sau truyện nuôi đám đông là truyện Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô. Tác giả đã viết gọn lại để cho truyện này trở thành một câu trả lời cho câu hỏi của tiểu vương Hêrôđê.

 

* Đức Giêsu tiên báo Thương Khó (22)

          Đức Giêsu đã tiên báo cuộc Thương Khó-Phục Sinh để điều chỉnh quan niệm về Đấng Mêsia của Phêrô hẳn là còn nhuốm màu sắc chính trị. Và các lời này cũng vẫn cung cấp một  câu trả lời cho Hêrôđê. Chúng còn cung cấp một bối cảnh cho mở đầu của bài tường thuật về chuyến đi lên Giêrusalem.   

          Đức Giêsu cho biết cuộc Thương Khó cũng như Phục Sinh của Người thuộc về chương trình của Thiên Chúa. Chính Chúa Cha quyết định như thế, và Đức Giêsu gắn bó với ý muốn của Cha Người hầu cứu độ nhân loại.

 

* Đức Giêsu dạy về người môn đệ (23-27)

          Tác giả liên kết vào lời loan báo đầu tiên về Thương Khó năm lời khác nói về đời môn đệ (khá giống với Mc 8,34–9,1) được ngỏ với “mọi người”. Có lẽ đây là những lời tách biệt được ghi giữ trong truyền thống. Câu đầu tiên (“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”, c. 23) là câu căn bản, còn ba câu tiếp theo được đưa vào bằng liên từ gar, “bởi vì”, do đó dịch sát là: “bởi vì ai muốn cứu mạng sống …” (c. 24); “bởi vì người nào được cả thế giới …” (c. 25); “bởi vì ai xấu hổ vì tôi …” (c. 26). Còn trong c. 27, tác giả bỏ chữ amên (của Mc 9,1) và thay thế bằng từ alêthôs, “thật sự”, làm cho câu này được liên kết chặt chẽ với bốn câu trên và làm thành một đơn vị mạch lạc.

          Các câu này cũng là một cách khác để trả lời cho tiểu vương Hêrôđê. Đến ngay sau   lời tuyên bố của Đức Giêsu về đau khổ, thân phận bị loại bỏ, phải chết của Người, các lời này cho thấy Người đòi hỏi những kẻ muốn theo Người đến mức nào: làm môn đệ là “bước theo Người”; việc “bước theo” này có ý nghĩa rất phong phú khi nó được đặt sát chuyến đi lên Giêrusalem. Làm môn đệ có nghĩa là hằng ngày chia sẻ thân phận của chính Người: vác thập giá của chính mình mà bước đi đàng sau Người, như một cách chứng tỏ rằng mình không đánh giá mạng sống mình theo lợi nhuận trần thế, như một thái độ tự hào về Người, và như là như một thái độ cho phép người môn đệ hiểu sâu xa hơn các mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa.

 

+ Kết luận

          Tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa” vẫn chưa phải là điều đáng kể, nếu người môn đệ không sống phù hợp với lời tuyên xưng đó. Chỉ khi sẵn sàng “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” Người (9,23), người ấy mới cảm nghiệm sâu xa nơi bản thân sức mạnh cứu độ của lời tuyên xưng đó, và mới làm chứng được cho người khác rằng Đức Giêsu chính là Cứu Chúa duy nhất mà người ta phải tin vào và bước theo. 

 

5.- Gợi ý suy niệm

1. Đức Giêsu không yêu cầu các môn đệ cho ý kiến về giáo huấn hoặc một hoạt động nào đó của Người, nhưng cho ý kiến về bản thân Người. Câu hỏi của Người cho thấy đây là điểm có tầm quan trọng số một. Người muốn đưa các ông đến chỗ hiểu biết Người và tuyên xưng về bản thân Người cách không hàm hồ, dị nghĩa. Điều quan trọng không phải là lời Người loan báo, nhưng là chính bản thân Người.

2. Phêrô tuyên xưng Người là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”, nghĩa là Người là vị Vua và Mục Tử duy nhất, tối hậu và vĩnh viễn của dân Israel. Người được Thiên Chúa cử đến để ban cho dân tộc này và toàn thể nhân loại có sự sống viên mãn. Người chính là Đấng Mêsia được liên kết mật thiết với chính quyền năng ban sự sống, với Thiên Chúa hằng sống.

3. Tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa ngay sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, điều này không khó. Nhưng tiếp tục tuyên xưng Người như thế, khi chứng kiến Người phải vác thập giá, chịu xử tử và chịu chết, khi chính mình, nếu không đến nỗi phải đổ máu ra mà làm chứng, phải vác thập giá là các khó khăn của một ngày sống, điều này khó hơn nhiều. Nhưng đó là cái giá phải trả để được cùng sống lại với Đức Giêsu. 

4. “Làm người có nghĩa là ‘sống hướng về cái chết’; làm người có nghĩa là phải chết… Sống trong thế giới này, có nghĩa là chết. «Người đã làm người» (Kinh Tin Kính); vậy điều đó có nghĩa là Đức Kitô cũng đã đi đến cái chết. Sự mâu thuẫn thuộc về cái chết của con người đạt tới nơi Đức Giêsu sự sắc bén cùng cực, bởi vì nơi Người, Đấng ở trong một sự hiệp thông trao đổi trọn vẹn với Chúa Cha, tình trạng cô độc tuyệt đối của cái chết hoàn toàn là một sự phi lý. […]. Nhưng cũng như mẩu đối thoại này đã làm cho Người ra cô đơn, và cho thấy Người đang đi đến cái chết quái gở ấy, thì nơi Đức Kitô, sự Phục Sinh cũng đã hiện diện chắc chắn rồi. Nhờ cuộc Phục Sinh này, thân phận con người chúng ta được tháp vào trong cuộc trao đổi tình yêu vĩnh củu của Ba Ngôi Thiên Chúa. […] Nhờ Đức Kitô, thân phận con người được đi vào trong chính hữu thể của Thiên Chúa” (Thánh Ambrôsiô).

Lm PX Vũ Phan Long, ofm

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C