NGƯỜI KHÁCH MUỐN GÌ?

(Luca 10,38-42 – CN XVI TN - C)

 

1.- Ngữ cảnh

Chúng ta vẫn đang ở trong chuyến đi lên Giêrusalem. Vì có lý để nghĩ rằng hai chị em Mácta và Maria chính là những nhân vật của Ga 11,1tt, tức ở Bêtania, gần Giêrusalem, chúng ta phải tự hỏi tại sao tác giả Luca lại đặt truyện này ở đây, vì đến lúc này truyện vẫn gần với Galilê hơn Giêrusalem. Hơn nữa, ngài lại bỏ tên Bêtania đi, mà chẳng lẽ ngài lại không biết? Như thế, hẳn ngài có ý gì đó khi đặt truyện này ở đây chứ không phải ở chỗ khác (chẳng hạn ở ch. 19 hoặc 20).

         Chúng ta xem truyện này liên hệ với các bản văn trước thế nào. Maria được mô tả như người “lắng nghe lời” Đức Giêsu. Đức Giêsu công bố rằng chính việc “lắng nghe lời” này sẽ không bị lấy mất. Trước đó, Đức Giêsu mới nói đến quan hệ sâu sắc, duy nhất, mà Người đang có với Chúa Cha (10,22). Quan hệ này được nói đến vì nó liên hệ đến các môn đệ Đức Giêsu: họ được chúc phúc bởi vì họ được Người mạc khải Chúa Cha cho; họ được nghe và thấy những điều Người biết về Chúa Cha. Như thế, các môn đệ có một đặc quyền lớn lao là được thấy và nghe những điều mà thậm chí các ngôn sứ và các vua chúa ước ao hết sức mà không được.

         Ở đây, tác giả Lc nhắc lại đặc quyền đó. Ngài mô tả Maria trong tư thế tốt đẹp nhất: lắng nghe lời dạy của Đức Giêsu. Khi lắng nghe Người, Maria nghe Người mạc khải về Chúa Cha. Chính vì thế, tác giả đã nhắc lại động từ “lắng nghe” (cc. 24.39) như để nối kết các ý tưởng của hai đoạn văn. Sau đó, Lc trình bày cuộc đối thoại về “điều răn lớn” (10,25-37), với câu kết: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (c. 37). Mục đích của ngài khi bố trí truyện Mácta-Maria ở đây là để nêu bật tầm quan trọng tối hậu của giáo huấn của Đức Giêsu trong Lc 10,25-37: giáo huấn này là một mạc khải mà “các vua chúa và ngôn sứ” không được đón nhận.

Truyện Mácta-Maria cũng có thể được đặt ở đây để điều chỉnh một sự hiểu lầm có thể có đối với dụ ngôn Người Samari nhân hậu. Ông này đã “chạnh lòng thương” (esplanchnisthê): vậy, hành vi luân lý của chúng ta rất có thể được hướng dẫn bởi các tình cảm của con người! Lc muốn sửa lại: chính giáo huấn của Đức Giêsu mới điều hành hành vi luân lý. 

Và để dùng truyện hai chị em Mácta-Maria này mà hỗ trợ cho dụ ngôn Người Samari nhân hậu, mà dụ ngôn này thì được đặt tại ch. 10, trong khi đến 19,28 thì mới “tiến lên Giêrusalem”, để khỏi gây ra một điểm thiếu hợp lý trong lộ trình, tác giả bỏ tên làng “Bêtania” đi.

 

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần:

1) Phần tường thuật: Khung cảnh và các nhân vật (10,38-40a);

2) Phần đối thoại: Mácta và Đức Giêsu (10,40b-42).

 

3.- Vài điểm chú giải

- một làng kia (38): Trong TM III, làng này không có tên (x. 9,56). Cứ theo bản văn, “làng” này còn gần Galilê hơn là Giêrusalem. Theo Ga 11,1; 12,1-3, ta biết rằng Mácta và Maria, hai chị của Ladarô, ở tại Bêtania, một làng gần Giêrusalem.

- Maria (39): Cô này cũng được xác định là em gái của Mácta trong Ga 11,1. Không được đồng hóa cô này với Maria Mácđala ở 8,2.

- ngồi bên chân Chúa (39): Đây là tư thế của người môn đệ đang lắng nghe (x. 8,35).

- Chúa (39): Ngoại trừ c. 38 (không dùng tên “Giêsu” như trong Bản dịch CGKPV, mà dùng đại từ chủ ngữ “Người” [autos]), trong những câu sau, Đức Giêsu được gọi bằng danh hiệu “Chúa” (Kyrios). Như vậy, ở đây, chúng ta đang gặp một bài tường thuật có chất liệu của mầu nhiệm Phục Sinh. Tác giả chuyển các độc giả vào kinh nghiệm của cộng đoàn tín hữu về sự phục sinh của Chúa Giêsu.

- Cô tiến lại (40): Động từ ephistêmi có nghĩa là “tự trình diện”, “dừng lại bên cạnh”, “đưa mình ra trước”.

- giúp con một tay (40): Động từ synantilambanô có nghĩa là “cộng tác với”, dạng trung bình synantilambanomai có nghĩa là “đến trợ giúp”, “cứu trợ”. Trong Tân Ước, động từ này chỉ được dùng ở đây và ở Rm 8,46 nói về vai trò của Chúa Thánh Thần.

- chị băn khoăn lo lắng (41): Merimnâs do động từ merimnaô, “băn khoăn lo lắng”; thorybazô, “xáo trộn; mất sự thinh lặng”. Thorybos là “sự ồn ào”; trong Hy-ngữ hiện đại, thorybos là “xe cộ giao thông”.

- Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi (42): dịch sát: “Chỉ cần một điều mà thôi”. Lời Đức Giêsu đáp lại yêu cầu của Mácta dường như lúc đầu nhằm trấn an cô, bằng cách bảo cô rằng cô chỉ cần dọn một món thôi. Nhưng khi nghe trọn câu nói của Đức Giêsu, ta mới hiểu ra rằng “một điều” không chỉ là “một món” mà còn có ý nghĩa khác. “Một điều” đây chính là “phần tốt nhất” (= lắng nghe lời Chúa). Và Đấng là thành phần của “phần tốt nhất” ấy bảo đảm là Maria sẽ không bị lấy mất.

- phần (42): “Meris” có thể là phần lương thực, nhưng ưu tiên dùng để chỉ phần gia tài, phần của cải.

 

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Phần tường thuật: Khung cảnh và các nhân vật (38-40a)

Chúng ta vẫn đang ở trong chuyến đi lên Giêrusalem (x. 9,51). Đức Giêsu đã dừng lại tại một làng kia (hẳn là Bêtania, nhưng tác giả không nêu tên, để khỏi gây một nét thiếu hợp lý trong lộ trình của Đức Giêsu), để thăm gia đình những người bạn thân. Các độc giả được mời chiêm ngưỡng Người không chỉ như là “Giêsu Nadarét”, mà là “Đức Chúa Phục Sinh” (Kyrios). Cô chủ Mácta đón Người vào và tất bật phục vụ. Còn cô em Maria thì cứ bình thản ngồi bên chân Đức Giêsu mà nghe Người giảng dạy. Theo truyền thống của các kinh sư, chỉ phái nam mới được ban cho những lời giảng dạy và những huấn thị; các phụ nữ bị loại ra bên ngoài. Nhưng Đức Giêsu nhìn nhận các phụ nữ có cùng một phẩm giá như phái nam, nên Người  ngỏ lời cả với phụ nữ. Ở đây tác giả đã không ngần ngại mô tả một người nữ như là môn đệ ngồi bên chân Đức Giêsu. Thái độ của Đức Giêsu cũng khiến chúng ta nhớ đến Cn 31,26.

“Cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ” (c. 40a). Có hai từ nói lên tất cả lòng hiếu khách của Mácta: hypodechomai, “đón vào nhà mình” (c. 38b) và diakonia, “sự phục vụ” (c. 40a, tăng cường bằng động từ diakonein ở c. 40b). Với những ý hướng tốt nhất và phù hợp với thói tục thời đó, Mácta tất bật (periespato) phục vụ người khách, nhưng sự bận bịu này đang sa sút thành sự phân tán. Vì bận tâm phục vụ, cuối cùng cô lại không chăm sóc người khách.

 

* Phần đối thoại: Mácta và Đức Giêsu (40b-42)

Bấy giờ Mácta mới lên tiếng nhận định về Maria và về bản thân mình: thái độ của cô rất tự tin, cô “đưa mình ra trước, cô tiến lại” (epistasa) mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?” (c. 40b). Lời trách của cô có lý, vì hoàn cảnh quá rõ: một người khách quý vừa đến nhà. Phải làm mọi sự để đón tiếp người ấy cho chu đáo; nhất là hẳn là còn cả đoàn môn đệ của Đức Giêsu nữa! Nhà chỉ có hai chị em; thế mà Maria cứ để cho chị phải xoay sở một mình. Mácta có lý khi yêu cầu em giúp mình. Tuy nhiên, một đàng Mácta nghĩ mình có lý đến độ dám gợi cho Đức Giêsu cách thức cư xử (“Xin Thầy bảo nó giúp con một tay”), nhưng đàng khác, dường như cô cũng hoài nghi về chính cô, dường như cô đang tự hỏi là phải chăng cô đã can thiệp quá đáng (điều này được gợi ra bởi động từ rất mạnh, rất phong phú, gắn kết chặt chẽ với ân ban Thánh Thần, là synantilambanomai, “cộng tác với”). Mácta can thiệp hầu như với vũ lực, nhưng phong thái của cô dường như lại diễn tả một tình trạng yếu đuối cùng cực. Điểm mấu chốt trong lời của cô được diễn tả bằng sự tương phản giữa “(phục vụ) nhiều” (c. 40a: pollên diakonian) và “một mình (con)” (c. 40b: monên me): nhiều/phức tạp là việc phục vụ, còn một mình là Mácta. Khôi hài là Mácta can thiệp vì nghĩ rằng Đức Giêsu cũng chia sẻ cái nhìn đó với cô, nhưng sự thật lại không phải thế!

Mácta có lý, nếu vấn đề là phải tiếp đãi người khách cho tươm tất. Nhưng nhận định của Đức Giêsu khiến chúng ta phải tự hỏi: vấn đề phải chăng là như thế? Người khách phải chăng chỉ muốn được tiếp đãi ân cần chu đáo? Đối với Người, điều gì quan trọng nhất? Những câu hỏi này, Mácta không hề đặt ra cho mình. Ngay từ đầu, hầu như là do thói quen, cô tưởng là mình biết tình thế cần cái gì. Không hề tự hỏi là người khách thật sự muốn gì, cô áp đặt cho người khách ấy điều cô nghĩ là hợp lý hơn, cần thiết hơn, vào lúc này. Chắc chắn Mácta có hảo ý. Nhưng cô không mấy quan tâm đến các sở thích và ý hướng của người khách. Đức Giêsu giúp cô hiểu rằng trước tiên Người không muốn được đón tiếp, không muốn được phục vụ. Sau này Người sẽ nói: “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (22,27). Ở đây, Đức Giêsu đang muốn một điều hết sức quan trọng.

Đức Giêsu hiểu, Người không trách mắng Mácta, Người trả lời bằng giọng khuyên dạy, chứ không thân tình như thánh Âutinh nghĩ: “Mácta! Mácta ơi! Chị lo lắng và làm ầm ĩ về nhiều chuyện quá” (c. 41). Mácta bị ngột ngạt vừa do các lo lắng về trách nhiệm (merimnâs), vừa do thứ tiếng ồn liên tục (thorybazô) không cho cô sống trong thinh lặng, lại vừa do cô tự hào (epistâsa) về tất cả những chuyện cô đang sống, đang làm. Tất cả và chuyện đó chỉ là tương đối, là phụ thuộc; trước tiên hãy tìm Nước Thiên Chúa (x. 12,31), rồi tất cả những chuyện còn lại sẽ đến theo. Tìm kiếm Nước Thiên Chúa cũng có nghĩa là trước tiên, tìm kiếm ân huệ Thánh Thần, tìm làm sao để nhận được ân ban Lời Chúa, rồi các thứ khác sẽ đến sau. Chúng ta ghi nhận chính Đức Chúa (Kyrios) trả lời Mácta. Ở đây có một nét khôi hài: Mácta dùng mà không ý thức danh hiệu Kyrios mà bây giờ tác giả lấy lại với sắc thái thần học để đưa lại nét long trọng và dứt khoát cho câu trả lời. Mácta nại đến “Chúa” vì mong được Người yểm trợ, nhưng “Chúa” lại bác bỏ các chờ đợi của Mácta. Mácta nói đến “việc phục vụ nhiều/phức tạp (pollê)”, nay Đức Giêsu nói đến “nhiều chuyện (polla): như thế, cô không chỉ bận bịu, mà là bị phân tán. Mácta phản ứng do sự tương phản giữa “nhiều” và “một mình”, các lời của Đức Giêsu lấy lại sự tương phản này, nhưng chuyển dịch sang sự đối lập giữa “nhiều chuyện (polla)” và “một chuyện (henos)”. “Một chuyện” này là gì? Phần kết của bản văn sẽ cho biết.                                                                                                                                

Còn Maria chỉ là em của Mácta, tức là được xác định trong tương quan với chị mình. Maria ý thức về sự nghèo nàn, về tình trạng bất lực, về sự yếu đuối  của mình. Cô chỉ còn có thể làm một việc: ngồi bên chân Chúa mà lắng nghe Người dạy (c. 39). Đây là điều duy nhất cần thiết và là điều luôn luôn đúng: lắng nghe Chúa. Đức Giêsu đến nhà Mácta và Maria trước hết không phải để được đón tiếp vào bữa tiệc, nhưng là để được lắng nghe. Với tất cả thiện chí, Mácta đã sao nhãng ý muốn này của Đức Giêsu. Chỉ có Maria là đã gắn bó với điều Đức Giêsu muốn. Trước hết, Người muốn cống hiến, chứ không muốn đón nhận. Trước hết, Người không muốn có một sinh hoạt chuyên chăm cần cù, qua đó người ta chứng tỏ người ta luôn biết điều gì là đúng và điều gì phải làm; nhưng Người muốn người ta suy nghĩ và ở yên để lắng nghe, suy tư và để cho Đấng khác nói với mình điều thật sự quan trọng và điều thật sự mình phải làm.

Thái độ của Maria, nếu nhận định hời hợt, là giải pháp thoải mái, lười biếng, thật ra lại là một sự chọn lựa (eklegomai). Sự chọn lựa này phù hợp với cái nhìn của Thiên Chúa trong tương lai cánh chung (“sẽ không bị lấy đi”): thái bị động thần học kết thúc bài tường thuật gợi ý gián tiếp đến sự xét xử của Thiên Chúa.

 

+ Kết luận

Khi viết 10,38-42, tác giả Lc không hề muốn phân biệt giữa đời sống tu trì chiêm niệm và đời sống tu trì hoạt động, cũng không hề coi thường việc phục vụ người khác. Ngài chỉ muốn nhấn mạnh đến “phần duy nhất cần thiết” là: làm môn đệ Đức Giêsu, là lắng nghe giáo huấn của Người, để Người tiếp tục hướng dẫn.

Nhìn lại ngữ cảnh rộng, chúng ta có thể cho rằng Lc đặt bản văn 10,38-42 ở đây nhắm nêu bật giáo huấn của Đức Giêsu ở 10,25-37 (Điều răn lớn) như là đáng để mọi người lưu ý, như là thuộc về “điều duy nhất cần thiết”, và như mạc khải về Chúa Cha, Đấng mà không ai biết như Đức Giêsu, đồng thời để dạy rằng động lực của mọi hành vi luân lý Kitô hữu phải tuyệt đối là giáo huấn của Đức Giêsu. Chỉ nhờ nghe lời giáo huấn của Đức Giêsu, trong lòng người nghe mới phát sinh tình yêu đối với người lân cận. Bản văn này còn cho thấy có những liên hệ đầy ý nghĩa với lời giải thích dụ ngôn hạt giống/Lời Thiên Chúa (Lc 8,11-15): sự bận rộn thái quá của Mácta khiến ta nhớ đến loại đất thứ ba (8,14), còn sự chọn lựa của Maria nhắc nhớ đến mảnh đất tốt, tại đó Lời sẽ sinh hoa trái (8,15).

 

5.- Gợi ý suy niệm

1. Đối với Mácta, tiếp khách là chuyện quan trọng nhất. Thường thường chúng ta gặp nguy cơ bị thu hút bởi mối bận tâm đối với các nhu cầu vật chất, đối với đồ ăn thức uống, chuyện ăn mặc, nhà cửa trú ngụ, những tiện nghi, và chúng ta dùng hết năng lực và thì giờ cho những chuyện ấy. Dĩ nhiên, cần phải quan tâm đến những điều ấy. Nhưng cũng phải thấy rằng chỉ lo chừng ấy chuyện thì chưa đủ. Phải có một bậc thang các giá trị để đi theo.

2. Các Kitô hữu cần thường xuyên xét lại hệ thống các xác tín và các thói quen của mình để sẵn sàng điều chỉnh. Người tín hữu cần được thanh thoát, không bị ràng buộc bởi những thói quen cá nhân, khuynh hướng hưởng thụ, mức sống. Không phải chỉ đơn giản chấp nhận những gì môi trường chung quanh coi là thông thường, cần thiết và đúng đắn, là đã đủ. Người Kitô hữu còn cần phải suy nghĩ về những gì là thật sự cần thiết và đúng đắn. Đức Giêsu đặt việc lắng nghe lời Người vào chỗ nhất. Như thế, Kitô hữu chúng ta cần có một thời gian yên tĩnh và suy tư để cầu nguyện. Chúng ta cần phải thường xuyên lắng nghe Đức Giêsu và để Người chỉ đường. Khi đó, chúng ta không được tránh né cố gắng và thậm chí đau khổ để có thể tái định hướng và thay đổi.    

3. Trong đời sống chung (cộng đoàn tu trì, gia đình, giáo xứ…), cần biết thường xuyên đặt câu hỏi: “Những người khác đang muốn gì? Họ đang cần gì, ngoài những của cải vật chất?”. Khi đó, hẳn là ta sẽ thấy rằng những người ấy đang đặc biệt cần được chúng ta quan tâm và cần có thì giờ của chúng ta. Các em bé không chỉ cần được ăn cái gì mà thôi. Các cha mẹ phải có giờ cho chúng, để chơi với chúng, để trả lời những câu hỏi của chúng, để giúp chúng kể những kinh nghiệm của chúng. Những người già cũng muốn xin chúng ta có thì giờ cho họ, muốn chúng ta lắng nghe họ, chúng ta hiệp thông vào các suy tư, các mối bận tâm, và cả những kỷ niệm của họ. Những người thợ trong một hãng xưởng không chỉ cần một đồng lương hậu hĩ; họ cũng cần được quan tâm và nhìn nhận, cần một lời khen và một lời nói nhân ái. Giúp đỡ về vật chất mà thôi thì chưa thỏa mãn được nhu cầu số một là có giờ cho nhau, lắng nghe nhau trong kiên nhẫn và yêu thương và sống cho nhau.

4. Không nên dựa vào những nhận định của Đức Giêsu mà chê Mácta. Dĩ nhiên, đến một lúc nào đó, Mácta sẽ ngưng việc bếp núc để lắng nghe Đức Giêsu, cũng như đến một lúc nào đó, Maria sẽ ngưng việc lắng nghe Đức Giêsu để tiếp tay với chị mà dọn cơm đãi khách. Nhưng nói như thế là đơn giản cho rằng truyện này phản ánh một hoàn cảnh lịch sử chính xác với những đường nét được tường thuật. Trong thực tế, truyện này là một mẩu sinh hoạt được cắt khỏi khung cảnh thực tế để biến thành một dụ ngôn nói về việc ưu tiên lắng nghe giữ Lời Chúa. Đàng khác, theo Tin Mừng Luca, và phải nói là theo truyền thống Kinh Thánh nữa, lắng nghe có nghĩa là tuân giữ, là vâng phục. Ngày lễ thánh Mácta 29-7 chính là một cách cho thấy truyện này như là một tấm huy chương duy nhất có hai mặt: một bên, ta có Maria, và bên kia, ta có Mácta.

Lm FX Vũ Phan Long, ofm

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C