Thiên Chúa phân phi các ch ngi

(Luca 14,1.7-14 – CN XXII TN - C)

 

1.- Ngữ cảnh

Sau khi đã than vãn trên Giêrusalem, Đức Giêsu trong TM Lc lại di chuyển; nhưng trong thực tế, mãi đến 14,25, ta mới thấy là Người lại đang ở trên đường. Còn bây giờ, ta thấy Người đi vào nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để chia sẻ với ông một bữa tiệc nhân một ngày sabát. Người đã tận dụng hoàn cảnh để ban những lời khuyên khôn ngoan về cách ứng xử trong các bữa tiệc do Người đang nhận xét về các thực khách.

 

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần với một câu mở đầu:

* Mở: Hoàn cảnh (14,1);

1) Dụ ngôn về các chỗ ngồi (14,7-11);

2) Nguyên tắc cư xử đúng đắn (14,12-14).

 

3.- Vài điểm chú giải

- ăn cưới (8): Từ ngữ Hy Lạp gamos, đặc biệt ở số phức, có thể hiểu theo nghĩa tổng quát là “một bữa tiệc”.

- Xin mời ông bạn lên trên cho (10): Lời này khiến chúng ta nhớ đến Cn 25,6-7, nhưng ở đây được áp dụng vào bối cảnh một bữa tiệc. Xem thêm Hc 3,17-20.

- phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên (11): Câu này là chìa khóa của dụ ngôn về các chỗ ngồi. Thái bị động diễn tả hành động của Thiên Chúa: “phàm ai tôn mình lên sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được Thiên Chúa tôn lên”. Các động từ ở thì tương lai có ý nói rằng sự việc sẽ xảy ra vào Ngày phán xét chung.

- đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con (12): Không được hiểu câu này theo nghĩa chữ chặt. Bài học là không được bác ái đối với người thân cận theo những động lực trần tục, vì lợi lộc cá nhân. Câu nói của Đức Giêsu trong ngôn ngữ Sê-mít có thể dịch là: “Đừng chỉ mời bạn bè…”.

- ông sẽ được đáp lễ (14): Thái bị động diễn tả hành động của Thiên Chúa: “vì ông sẽ được Thiên Chúa đáp lễ”.

 

4.- Ý nghĩa của bản văn

          Giai thoại được tác giả Lc kể hôm nay xảy ra tại nhà một người Pharisêu, ông này đã mời Đức Giêsu đến dùng bữa trưa sau buổi cử hành phụng vụ ngày sabát. Người khách quan trọng nhất ngồi ở giữa, người chủ ở bên cạnh, còn những người khác cứ theo tuổi mà ngồi vào. Đấy là quy luật thông thường, nhưng cũng cứ có người nào đó muốn ngồi vào chỗ cao hơn của ai đó, gần với trung tâm hơn.

 

* Dụ ngôn về các chỗ ngồi (7-11)

Quả thật, một trong những bận tâm chính của con người là đạt được vinh quang và danh tiếng, là xác định địa vị, đạt được các vị trí. Mỗi người cứ muốn ở cao hơn người khác, xa hơn người khác. Những người đồng bàn với Đức Giêsu hôm ấy đã tỏ lộ khuynh hướng này ra qua việc muốn có những chỗ nhất. Đức Giêsu hẳn là mỉm cười khi thấy cảnh tượng ấy, Người mới nói với họ một dụ ngôn.  

Dường như Đức Giêsu ban một quy luật ứng xử khôn khéo, đó là: khi đi dự tiệc cứ chọn chỗ thấp, không phải do khiêm tốn, nhưng do tính toán, và cứ để cho chủ nhà bố trí chỗ cho khách mời. Như thế, ta sẽ khỏi xấu hổ khi bị chủ nhà mời ngồi lùi xuống mà nhường chỗ cho người đáng trọng hơn, hoặc sẽ được nở mặt nở mày khi được chủ nhà mời ngồi lên trên. Hẳn là người ta nhớ đến đoạn sách Cn 25,6-7.

Thật ra, Đức Giêsu không có mục đích nhắc lại một quy luật ứng xử khôn khéo. Người đã nói theo kiểu dụ ngôn nhằm cho chúng ta hiểu rằng cứ lo tìm chỗ và tìm danh dự thì thất bại thôi; tốt nhất cứ để cho chủ nhà bố trí chỗ ngồi. Điều này đúng với loài người, theo những quy luật họ đang theo. Nhưng Đức Giêsu nói thế để đưa chúng ta đến khẳng định: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được Thiên Chúa tôn lên” (c. 11). Chúng ta không thể không nghĩ tới dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế, với câu kết tương tự (Lc 18,14). Khi các môn đệ cãi nhau về chỗ nhất, Đức Giêsu đã dạy họ về sự phục vụ (22,24-27).

Khao khát danh dự và uy thế, ra sức đánh bóng hào quang của mình đều không có giá trị gì trước nhan Thiên Chúa. Chúng ta không được bận tâm về cái tôi của mình, vì đó là một thứ ích kỷ. Do đó, chọn chỗ cuối không phải để được người ta ca ngợi, nhưng để trở thành lớn trước nhan Thiên Chúa.

 

* Nguyên tắc cư xử đúng đắn (12-14)

Sau đó, Đức Giêsu lại lưu ý chủ nhà, mà cũng là các thực khách, về một thực tại khác. Người ta có thói quen chỉ thiết lập những quan hệ với những người ngang tầm với mình. Những người bị loại trừ thường là những người bần cùng khốn khổ. Xu hướng loại trừ này cũng là một thứ tìm kiếm cái tôi, bao bọc cái tôi. Đức Giêsu dạy phải mở rộng vòng tròn đến cả những người bị loại trừ. Ở đây chúng ta thấy Người phác ra hai khối bốn nhóm rõ ràng: “bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có” và “nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”. Khối thứ nhất là gồm những người có thể được mời đến ăn uống với ta. Còn quan hệ với nhóm sau chẳng đưa lại gì cả, cũng chẳng tăng thêm uy tín xã hội của mình. Những người tàn tật, què quặt, đui mù không được phép đi vào Đền Thờ Đức Chúa (x. Lv 21,18; 2 Sm 5,8). Thân phận của họ cho thấy họ đầy tội lỗi, trong khi cộng đồng dân Chúa gồm toàn những người hoàn thiện. Thế nhưng chính họ lại là những người phải được mời, chính họ là những người ta phải hiệp thông với, chính họ là những người phải được nhìn nhận là có giá trị và phẩm giá ngang hàng với chúng ta. Đức Giêsu không ngăn cản việc ăn tiệc với bà con thân hữu, nhưng Người phản đối chủ trương loại trừ và hành vi loại trừ những người thất thế. Khi nói “sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”, Đức Giêsu không hề muốn người ta bỏ kiểu tính toán trần thế, để liếc đến những lợi lộc trên trời; thật ra Người đề nghị chúng ta khi cư xử, thì nghĩ đến giai đoạn kết thúc, lúc mọi người sống lại, khi không còn các nhóm bị loại trừ nữa. Khi đó, những người nghèo và những người đau khổ vì thiếu thốn sẽ hoàn toàn bình đẳng với những người khác. Nếu bây giờ trên trần gian, chúng ta coi họ như những người kém giá trị và không muốn hiệp thông với họ, chúng ta đã tự loại mình khỏi sự hiệp thông được thể hiện khi người chết sống lại.

 

+ Kết luận

Cả hai phần của bài Tin Mừng đều có câu kết nói đến cách nhìn của Thiên Chúa (c. 11 và c. 14). Như thế, chúng ta được nhắc nhớ là mình đang sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa. Ngài không phân biệt đối xử, nên Ngài cũng chờ đợi con cái Ngài không phân biệt đối xử trong quan hệ với nhau. Là con cái của một Cha chung, mỗi người phải sống với người khác, bất kể giàu ngèo, sang hèn, với trọn tình bác ái, được diễn tả cụ thể qua việc phục vụ lẫn nhau.  

 

5.- Gợi ý suy niệm

1 Những gì xuất hiện trong bài tường thuật (người ta chọn chỗ nhất) đã có những thiên hình vạn trạng tại mỗi mức sống của cuộc sống chung giữa con người với nhau và trong mỗi tầng lớp xã hội. Mỗi người nhắm lên cao và muốn cỡi lên đầu lên cổ kẻ khác. Thật khó mà nhìn nhận rằng người thân cận cũng có những quyền và giá trị như chúng ta. Chúng ta lại muốn rằng họ phải thấp kém hơn chúng ta. Dường như chúng ta chỉ chắc chắn về giá trị và tầm quan trọng của mình khi chúng ta có thể từ trên cao nhìn xuống người khác và có thể lượng định họ như là kém giá trị hơn chúng ta. Có một căn hộ lớn, có một xe hơi đẹp, có một địa vị khả quan, một người bạn đời đảm đang, những đứa con thông minh,…, tất cả những điều này đều tốt. Nhưng dường như tất cả những thứ này chỉ có giá trị khi người ta có thể đối chiếu với người khác, khi người ta có trhể cảm thấy và còn chứng minh được là mình hơn người khác! Người ta đua tranh tìm uy thế ngay cả trong lễ an táng và nơi nghĩa trang!  

2. Khao khát danh vọng, chức tước, uy quyền là chuyện không đáng kể đối với Thiên Chúa. Chúng ta không được dành sức lực và thì giờ cho việc ấy. Tất cả những việc ấy đều là bận tâm lo cho cái tối của mình, là một dạng ích kỷ. Chúng ta phải để cho Thiên Chúa phân phối các chỗ ngồi. Giá trị và tầm quan trọng của chúng ta hoàn toàn tùy thuộc Thiên Chúa, chứ không tùy thuộc tham vọng cua chúng ta. Đức Maria đã hiểu như thế khi hát: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,52). Tuy nhiên, thật không dễ gì có được “não trạng” của Thiên Chúa!

3. Dựa vào những giáo huấn của Đức Giêsu tại những chỗ khác (Lc 18,9-14; 22,24-27), ta thấy rằng việc phục vụ và quan tâm đến thiện ích của người khác phải chiếm chỗ của tham vọng và bận tâm đến tầm quan trọng của chính mình. Tất cả năng lực được vận dụng vào việc duy trì và gia tăng hào quang của mình phải nhường chỗ cho việc phục vụ người khác, trước nhan Thiên Chúa.

4. Một nhóm nào đó được nhìn nhận là các thành viên có phẩm giá ngang nhau. Như thế, họ có thể hiệp thông và trao đổi với nhau. Điều này được diễn tả ra qua những lần mời nhau ăn tiệc. Cái vòng tròn các thân hữu được giới hạn, tức là có việc loại trừ. Tuy nhiên, Đức Giêsu dạy một điều khôn ngoan: Sau này, khi sống lại, ra trước mặt Thiên Chúa, mọi người sẽ ngang nhau. Do đó, nếu giờ đây, chúng ta loại trừ kẻ khác, thì chúng ta đang đặt mình vào nguy cơ không thể chung sống với họ trong ngày kẻ chết sống lại.

5. Thật ra, chúng ta không yêu thương những người nghèo để “xứng đáng” có một chỗ tốt hơn trên thiên đàng! Dù thế nào, chúng ta cũng không xứng đáng nhận điều gì cả; thiên đàng được ban không cho chúng ta. Phải yêu thương người nghèo chỉ vì một lý do duy nhất: bởi vì Đức Giêsu đã cho thấy rằng thật là tuyệt với khi có thể yêu thương như Thiên Chúa, không hề vì một liên hệ nào, không chờ đợi đáp trả. Khi yêu thương như thế, chúng ta nhận được phần thưởng cao quý nhất, đó là trở nên giống Cha trên trời, chúng ta trải nghiệm niềm vui của Ngài (x. Lc 6,35).

 

Lm PX Vũ Phan Long, ofm

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C