CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN

Cơ hội để làm chứng cho Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 21:5-19)

         Dấu chỉ là những gì chúng ta có thể cảm nghiệm bằng giác quan, nhưng thường lại nói lên một thực tại vô hình.  Bài Tin Mừng hôm nay đầy những dấu chỉ:  dấu chỉ Đền Thờ Giê-ru-sa-lem nguy nga sẽ bị san bằng, dấu chỉ chiến tranh loạn lạc, dấu chỉ những thiên tai và ôn dịch đói kém, dấu chỉ những hiện tượng kinh khủng xuất hiện từ trời.  Tiếp đến là những dấu chỉ chúng ta có thể nhận ra tại nơi mình sinh sống, đó là những “bách hại vì danh Thầy” mà chúng ta phải hứng chịu do vua chúa, chính quyền, thậm chí do chính người trong nhà như cha mẹ, anh chị em và bạn hữu.  Nếu tất cả những sự kiện kể trên đều là những dấu chỉ nói lên thực tại ngày tận thế, tức ngày Chúa Giê-su trở lại trần gian đã đến gần, thì việc xảy ra những dấu chỉ ấy cũng đồng thời      là những cơ hội để chúng ta làm chứng nhân cho Chúa.

         Làm chứng cho Chúa, đây chính là cốt lõi của sứ điệp Tin Mừng hôm nay.  Trong bối cảnh ngày Chúa trở lại trần gian đang đến gần và những cuộc bách hại đang xảy ra, Chúa dạy chúng ta phải nói lên lòng tin của chúng ta nơi Người.  Đúng vậy, nếu chỉ sống trong cảnh thanh bình không có bách hại, có lẽ chúng ta sẽ ít có cơ hội làm chứng cho Chúa.  Nhưng khi thử thách và bách hại tấn công lòng tin của chúng ta, thì đó là cơ hội để chúng ta tỏ ra lòng trung thành với Chúa.

         Mục đích khi người ta bách hại là làm cho chúng ta không còn tin tưởng vào tình yêu và quyền năng Thiên Chúa nữa.  Thay vì tin vào Chúa, người ta sẽ “lừa gạt” chúng ta hãy tin vào chính mình, hoặc một người hay một vật nào đó “mạo danh” Chúa Giê-su và đến nói với chúng ta rằng:  “Chính Ta đây”.  Người ta thuyết phục chúng ta hãy chối bỏ vai trò của Chúa trong cuộc đời chúng ta, để tin vào sức mạnh và quyền lực của tiền bạc danh vọng.  Nhưng có lẽ thứ bách hại tinh tế và nguy hiểm nhất, đó là cảnh chúng ta “sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp”.  Dĩ nhiên ở đây chúng ta thường hiểu việc “bắt nộp” theo nghĩa bóng, tức là chính những người thân thiết lại bách hại chúng ta không bằng vũ lực, nhưng bằng cách tạo ra những khó khăn hoặc chống đối khiến chúng ta không còn được tự do để sống đức tin Công giáo.  Hoặc nói theo cách diễn tả của Chúa Giê-su, họ bắt nộp chúng ta có nghĩa là “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”.  Người thân mà thù ghét chúng ta thì khác nào chúng ta bị trao nộp!

         Nếu Chúa đặt chúng ta ở trong những cơ hội để làm chứng nhân cho Chúa thì Chúa cũng không bỏ mặc chúng ta làm chứng một mình, nhưng Người sẽ giúp đỡ chúng ta.  Không những Người giúp chúng ta can đảm kiên cường, mà Người còn giúp chúng ta “ăn nói khôn ngoan” đến nỗi tất cả địch thủ của chúng ta “không tài nào chống chọi hay cãi lại được”.  Khi ấy, sức mạnh và đức khôn ngoan của Thánh Thần sẽ là khiên thuẫn đỡ che chúng ta thoát khỏi mọi hiểm nguy.

Sống sứ điệp Tin Mừng

           Có thể chúng ta chưa cảm nhận được bách hại như những người đang phải sống dưới những chế độ đàn áp tôn giáo.  Nhưng thực ra bách hại đang vây quanh chúng ta dưới những hình thức khác.  Thí dụ chúng ta đang sống trong “nền văn minh của sự chết”, trong đó “ôn dịch” của những thứ internet vô luân đang hoành hành khắp nơi, nhất là tác hại trên những người trẻ hôm nay.  Thí dụ, “hiện tượng kinh khủng” của phá thai xuất hiện ngay trong những môi trường đại học xá hay nhà trọ sinh viên ở Việt Nam và trong những khu ổ chuột tại những thành phố lớn… Thế giới hôm nay đang thể hiện đủ mọi thứ “bách hại” Chúa Giê-su đã nhắc đến.  Tuy là điều chúng ta không mong đợi, nhưng lại là “những cơ hội” để chúng ta làm chứng cho Chúa.  Chúng ta nghe Đức Thánh Cha Phanxicô dạy rằng Xa-tan đang hiện diện giữa chúng ta, nhưng nó không làm chủ được tình thế mà là chính Thiên Chúa mới làm chủ tình thế.  Có Thiên Chúa làm chủ tình thế, chúng ta vững tâm thi hành bổn phận làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô bằng lối sống thấm nhuần đạo lý của Tin Mừng.  Có Chúa chăm sóc, thậm chí một sợi tóc trên đầu chúng ta cũng không bị mất, nên chúng ta không sợ bất cứ kẻ thù nào.  Chúa chỉ xin chúng ta làm một điều này thôi, là “có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”!

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi