CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

Chiến thắng cám dỗ nhờ sức mạnh Thánh Thần

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 4:1-13)

          Khi tường thuật về Chúa Giê-su chịu cám dỗ trong hoang địa, các thánh sử Tin Mừng Nhất lãm đều nói đến vai trò của Thần Khí, tức Chúa Thánh Thần.  Tuy không mô tả rõ ràng những hoạt động của Thần Khí, nhưng các ngài đều nhấn mạnh đến ảnh hưởng và sức mạnh của Thần Khí trên Chúa Giê-su.  Chính sức mạnh ấy đã “đầy tràn” con người Chúa Giê-su khi Người lãnh nhận phép rửa của Gio-an Tẩy Giả, rồi ảnh hưởng trên Người trong suốt hành trình thi hành sứ vụ.  Cuối cùng, khi chết trên thập giá, Chúa đã “gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Gio-an 19:30)          .  Nhưng đặc biệt trong biến cố Chúa chịu cám dỗ, chúng ta hãy xem Người đã lấy sức mạnh của Thánh Thần mà chiến thắng cám dỗ như thế nào để làm gương cho chúng ta.

          Việc Chúa Giê-su chịu phép rửa của ông Gio-an đã là cơ hội để Chúa Cha sai Thánh Thần xuống trên Người và nhắc nhở Người về thân phận Con Yêu Dấu của Chúa Cha.  Ngay sau khi ở dưới sông Gio-đan lên, Chúa Giê-su được Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đáp xuống ngự trên Người.  Sự kiện thật đơn giản, nhưng ảnh hưởng thì vô cùng sâu xa, vì Thánh Thần là trang bị duy nhất cho Chúa Giê-su, không những trên bước đường rao giảng Tin Mừng mà còn là sức mạnh nâng đỡ Người tới giây phút cuối cùng trên thập giá.

          Kể lại việc Chúa chịu cám dỗ, ba sách Tin Mừng Nhất lãm đã ghi:  Chúa Giê-su được Thần Khí “dẫn vào hoang địa” (Mát-thêu), hoặc:  Thần Khí “đẩy Người vào hoang địa” (Mác-cô), hoặc:  Chúa Giê-su “được Thần Khí dẫn đi trong hoang địa” (Lu-ca).  Dù diễn tả cách nào, chúng ta vẫn có thể nhận ra thực tại này:  Thánh Thần luôn ở với Chúa Giê-su – và ở với chúng ta – trong mọi hoàn cảnh, tại nơi an toàn hay ngoài hoang địa hiểm nguy, trong lúc bình an cũng như giữa cơn cám dỗ.  Giờ đây, chúng ta hãy chiêm ngưỡng Chúa Giê-su, người chiến thắng gương mẫu trên cám dỗ của ma quỷ.  Chúa Giê-su sắp lên đường thi hành sứ mệnh Chúa Cha trao ban.  Sứ mệnh càng quan trọng thì cám dỗ càng nặng nề.  Thi hành sứ mệnh là phải hoàn tất một công tác được người khác trao phó.  Điều quan trọng nhất khi thi hành sứ mệnh là phải làm đúng theo kế hoạch do người trao công tác đã đề ra.  Không được làm theo ý mình.  Sứ mệnh cứu độ của Chúa Giê-su là kế hoạch đòi hỏi sự vâng lời tuyệt đối, dù phải hy sinh mạng sống mình.  Cho nên chúng ta hiểu được bản chất cám dỗ mà ma quỷ muốn thử thách Chúa Giê-su là nó xúi giục Người làm theo ý riêng, chứ đừng theo ý Chúa Cha.  Sứ mệnh của Chúa Giê-su là phải làm chứng cho nhân loại biết rằng Thiên Chúa yêu thương họ và muốn giải phóng họ khỏi tội lỗi và sự chết đời đời.  Nguy hiểm của việc làm chứng này đã được Chúa Giê-su tâm sự với các tông đồ trong bữa Tiệc Ly:  “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Gio-an 15:13).  Khi chịu cám dỗ, Chúa Giê-su bị giằng co giữa tư lợi và hồng ân được làm con Chúa của nhân loại, giữa cái sống vinh hoa trần thế và cái chết nhục trên thập giá.  Sức mạnh nào giúp Chúa Giê-su luôn hướng về Chúa Cha và chấp nhận hy sinh nếu không phải là sức mạnh của Thánh Thần?  Tại bờ sông Gio-đan, chính Thánh Thần đã giúp Chúa Giê-su lắng nghe tiếng Chúa Cha phán:  “Con là Con của Cha;  ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Lu-ca 3:22), thì lúc này giữa cơn cám dỗ, Thánh Thần cũng nhắc nhớ Người về thân phận làm Con Thiên Chúa và làm Đấng Mê-si-a.  Điều quan trọng là Chúa Giê-su đã lắng nghe và hoàn toàn bước theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.  Đó chính là gương mẫu cho chúng ta khi chúng ta phải chiến đấu với cám dỗ.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Cám dỗ Chúa Giê-su chịu không chấm dứt hôm nay sau khi ma quỷ bỏ đi, nhưng vẫn tiếp tục vì ma quỷ “chờ đợi thời cơ”.  Đối với chúng ta cũng thế, tuy cám dỗ có thể là dịp này dịp kia, nhưng bản chất của nó vẫn thế thôi, nghĩa là ma quỷ cố dụ dỗ chúng ta cứ sống “thoải mái, tự do” theo dục vọng và tham vọng, không cần phải làm “con yêu dấu” của Thiên Chúa.  Trước sức mạnh lôi kéo của nó, chúng ta cần một sức mạnh lớn hơn để có thể giữ chúng ta khỏi ngã, luôn đứng vững hãnh diện làm con cái Chúa:  đó là sức mạnh của Chúa Thánh Thần.  Nhìn vào gương Chúa Giê-su, chúng ta sẽ tín thác hơn vào Thánh Thần của Người!    Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C