CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN

Yêu mến Chúa là đáp lại Lòng Thương Xót

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 7:36 – 8:3)

          Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật trước, chúng ta đã thấy Chúa Giê-su đến Na-in để tỏ lòng thương xót đối với một bà góa mất đứa con trai độc nhất.  Với bài Tin Mừng hôm nay thì khác, một phụ nữ “vốn là người tội lỗi” đến với Chúa Giê-su để cầu xin lòng thương xót của Người.  Kết cục của hai câu chuyện nói lên hai chiều kích khác nhau của lòng Chúa thương xót.  Một đàng Chúa biểu lộ lòng thương xót và bằng chứng là Người đã cho con trai bà góa sống lại và Người tận tay trao lại cho bà đứa con yêu quý.  Đàng khác, người phụ nữ tại bữa tiệc nhà ông Pha-ri-sêu đã lãnh nhận lòng thương xót tha thứ của Chúa, và bằng chứng của việc chị đã lãnh nhận này là:  “Chị đã yêu mến nhiều”.

          Trước đây, đọc bài Tin Mừng này, tôi thường nghĩ rằng lý do người phụ nữ tội lỗi “được tha nhiều” là “chị đã yêu mến nhiều”.  Nói khác đi, lòng yêu mến của chị là lý do để Chúa tha thứ tội lỗi của chị.  Hiểu như vậy không phải là sai, nhưng có lẽ không đúng theo mạch văn của tất cả câu chuyện.  Rõ ràng Chúa Giê-su nói rằng:  “Vì thế, tôi nói cho ông hay:  tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều”.  Sự kiện “chị đã yêu mến nhiều” không phải là lý do, nhưng là một bằng chứng nói lên rằng tội lỗi vô số của chị đã được tha thứ rồi.  Bằng cớ không chỉ dừng lại ở việc Chúa tha thứ, mà còn dẫn chúng ta đi xa hơn nữa đến tận nguồn gốc của sự tha thứ, đó chính là động lực tha thứ, tức lòng thương xót của Thiên Chúa.

          Có lẽ nhiều người sẽ vẫn cho rằng lòng yêu mến là lý do để chị được tha thứ.  Họ lý luận rằng mãi tới cuối câu chuyện, sau khi người phụ nữ đã biểu lộ lòng yêu mến qua những hành vi khóc lóc, xức dầu thơm, lau chân, hôn chân Chúa, thì Người mới nói với chị:  “Tội của chị đã được tha rồi”.  Nhưng nếu đọc lại câu chuyện Chúa kể về hai con nợ, sau câu trả lời của ông Pha-ri-sêu, chúng ta thấy Chúa Giê-su khen ông:  “Ông xét đúng lắm”.  Rồi lập tức “Chúa quay lại phía người phụ nữ” và lên tiếng bênh vực cho tất cả những hành vi của chị.  Chúa đã lấy ngay cái “xét đúng lắm” của ông Pha-ri-sêu để áp dụng cho người phụ nữ tội lỗi.  Giống như con nợ năm trăm quan tiền đã mến chủ nợ nhiều hơn, người phụ nữ được tha thứ này cũng yêu mến Chúa, để mọi hành vi biểu lộ lòng yêu mến của chị trở thành bằng cớ nói cho mọi người biết rằng chị đã được Chúa tha thứ!  Tóm lại, lời Chúa Giê-su nói với chị “Tội của chị đã được tha rồi” chỉ muốn lập lại cho chị và cho tất cả chúng ta biết rằng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã đoái nhìn đến thân phận tội lỗi của chúng ta và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Lòng Chúa thương xót đã tha thứ tội lỗi chúng ta.  Đó là cảm nghiệm mọi người chúng ta đều có trong cuộc sống.  Tuy nhiên, sau khi được tha thứ, chúng ta đã làm gì để đáp lại Lòng Thương Xót?  Có phải chỉ làm việc đền tội cha giải tội đã chỉ định rồi nhanh chân ra về, “cảm thấy” mình nhẹ nhõm?  Không đâu, bí tích Giải tội mới là khởi đầu để chúng ta tiếp tục đáp lại Tình Yêu Thiên Chúa.  Chúng ta đáp lại tình yêu của Chúa bằng hành động.  Chúng ta hãy xem người phụ nữ tội lỗi trong câu chuyện Tin Mừng đã làm gì để tỏ lòng yêu mến mà cảm tạ Chúa.  Bình bạch ngọc đựng dầu thơm là dấu chỉ nói lên lòng yêu mến quý giá nhất chị muốn dâng lên Chúa.  Nếu dầu thơm của lòng Chúa thương xót đã được Chúa Giê-su đổ tràn xuống con người tội lỗi của chị, thì giờ đây chị cũng muốn đem tình yêu quý giá nhất của chị để dâng lên Chúa.  Chị biết tình yêu tuy là quý giá đối với người đời, nhưng với Chúa, tình yêu ấy cũng chỉ đáng xức lên chân Chúa mà thôi.  Chị khóc, nhưng đây không phải là những giọt lệ buồn thảm, mà là khóc vì vui mừng thấy mình được Chúa yêu thương và tha thứ.  Rồi chị lau chân Chúa bằng nước mắt của chị.  Lại một cử chỉ đầy ý nghĩa nữa!  Cái răng cái tóc là góc con người, nhất là đối với phụ nữ, cái tóc rất quan trọng và làm đẹp cho con người.  Giờ đây cái đẹp nhất ấy đã được sử dụng để biểu lộ lòng yêu mến Chúa.  Chị muốn làm tất cả những gì có thể, đẹp nhất, quý nhất, để chỉ nói cho mọi người biết rằng:  Tôi là “một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành”, nhưng tôi đã được Chúa Giê-su tỏ lòng thương xót mà tha thứ mọi tội lỗi cho tôi.  Mọi người đã biết tôi tội lỗi, thì mọi người cũng hãy biết rằng Chúa đã thương xót tôi!

 

            Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C