Tỉnh Thức Và Sẵn Sàng

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XIX Năm – C

(Lc 12, 32-48)

Cuộc sống nói chung thật phong phú, phức tạp, đời của mỗi người chúng ta chẳng bao giờ đơn giản. Có nhiều yếu tố tạo nên đời ta, trong đó yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu là những sự lựa chọn mà ta thực hiện ở mỗi chặng đời khác nhau, nên đời là một chuỗi bất tận những lựa chọn. Mỗi lựa chọn, quyết định khác nhau sẽ bẻ lái cuộc đời theo những hướng khác nhau. Có lựa chọn quyết định đúng, có lựa chọn quyết định sai.

Lời Chúa như khuôn vàng thước ngọc cho chúng ta. Nếu phụng vụ Lời Chúa tuần trước (XVIII – C) mời gọi chúng ta chọn cái vĩnh cửu và từ bỏ cái tạm thời, thì Chúa nhật tuần này (XIX – C), Lời Chúa nhắc nhớ chúng ta cẩn trọng giữ gìn sự lựa chọn đúng trong mọi nơi mọi lúc. Nhưng để thực hiện được điều trên không phải dễ, đòi hỏi chúng ta phải luôn tỉnh thức sẵn sàng "vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến" (Lc 12,40).

Quê hương đích thực của chúng ta là quê trời, chúng ta đang lữ hành tiến về quê trời vinh phúc, nên phải luôn thức tỉnh sẵn sàng. Đích nhắm ấy chi phối toàn bộ đời sống con người chúng ta; dù muốn hay không, sự hiện hữu của chúng ta trên trái đất này một ngày kia chúng ta sẽ phải đối mặt với cuộc gặp gỡ dứt khoát giữa chúng ta với Chúa, và Chúa sẽ đòi hỏi chúng ta: "Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn"(Lc 12,48). Đó không phải là thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta hay sao? Nên chúng ta phải cẩn thận lựa chọn để nhận ra kho báu thực sự là những gì! Đừng để báu vật này ở phía sau như bao nhiêu người khác.

Chúng ta thường dễ bị cám dỗ gắn bó quá nhiều với những gì thuộc thế giới này, như của cải, vật chất là những cái tạm thời chóng qua, không bảo đảm cho chúng ta cuộc sống thật mai hậu, mà quên đi cái bền vững. Nếu như Chúa Giêsu cảnh tỉnh chúng ta : "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu" (Lc 12, 15) thì Người cũng khuyên chúng ta: : "hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát" (Lc 12, 33) nghĩa là tích lũy cho mình kho tàng của sự bền vững là Nước Trời, lúc ấy lòng chúng ta sẽ hướng về đó, vì như Chúa nói : "Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó." (Lc 12, 34)

Chúa đưa ra hai dụ ngôn để khuyên ta phải tỉnh thức và sẵn sàng như người giữ cửa cầm đèn đợi chủ về, lúc nào cũng phải tỉnh thức, phòng khi chủ về lúc bất ngờ. Người canh trộm cũng vậy, vì chỉ cần sơ ý một chút là mất của. Theo Chúa Giêsu, tỉnh thức là thái độ của người đầy tớ luôn trong tư thế sẵn sàng chờ đón chủ đi ăn cưới về. "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ." (Lc 12, 35 - 37)

Chúa có ý dạy ta phải tỉnh thức, phải ở trong tư thế sẵn sàng gặp Chúa. Như thế, vừa bảo đảm một cuộc gặp gỡ tốt đẹp, vừa thu tích được nhiều của cải thiêng liêng, là những thứ sẽ theo chúng ta về đời sau. Ngày giờ Chúa loan báo trên đây thật quá bất ngờ, vì bất ngờ nên "tỉnh thức" là thượng sách.

Thế giới chúng ta đang sống đây là thế giới của bóng tối, của tội lỗi, đầy dẫy những bất công, những thử thách, những ngang trái, những cám dỗ, những hư hỏng, không thiếu các thiên tai, chiến tranh, bạo lực … Nói như Đức Hồng Y André Vingt-Trois, một thế giới có nhiều kẻ mượn danh tôn giáo để che đậy hành động giết hại dân lành vô tội, những kẻ nhân danh thần chết để gieo tang tóc, kinh hoàng cho bao người. Phải chăng đó là dấu hiệu của ngày tận thế?

Chúa Giêsu xác nhận sẽ có ngày tận thế, nhưng không phải để tan biến thành hư vô. Sẽ có những dấu hiệu làm nhiều người hoang mang sợ hãi, nhưng đối với các tín hữu, đó là dấu hiệu vui mừng vì mình sắp được cứu độ. Chúa mời gọi chúng ta : "Các con cũng phải sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến." (Lc 12, 40)

Mỗi người chúng ta ngồi đây tự hỏi: Tôi đang chờ đợi điều gì? Con tim tôi đang hướng về điều gì? Lòng tôi có bị vướng vào những hành vi ám muội… ăn uống say sưa, chơi bời dâm đãng, tranh chấp ganh tị… thỏa mãn xác thịt không? (x. Rm 13, 11-14) Trái tim tôi có bị nặng nề bởi những lo âu trần thế không? Những nỗi lo toan về cuộc sống vật chất vắt kiệt sức ta, khiến ta không còn khả năng mở lòng mình ra với Chúa và tha nhân? Trái tim nặng nề nên nhiều người mắc bệnh tim. Trái tim bị kéo xuống cái thực dụng tầm thường ở trên mặt đất, nên con người bị còng xuống, không ngước lên được điều trên cao. Thánh Phaolô bảo chúng ta: "Anh em biết rằng thời này là lúc chúng ta phải thức dậy" (Rm 13, 11). 

Chúa Giêsu dạy chúng ta "hãy tỉnh thức". Vậy mỗi người chúng ta đây hãy thức tỉnh và cầu nguyện, để khi Con Người là Đức Giêsu ngự đến trên mây trời, Ngài thấy chúng ta đang ở tư thế sẵn sàng, đứng thẳng, không phải xấu hổ cúi đầu, không bị ràng buộc bởi đam mê, nhưng vui sướng vì mình đã không uổng công chờ đợi. Amen.

 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C