CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN

Làm chứng Chúa Ki-tô chết và sống lại

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 24:46-53)

          Nhiều lần chúng ta nghe Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta làm chứng nhân cho Người bằng cách thực thi những điều Người truyền dạy, nhất là làm chứng Người đã sống lại từ kẻ chết.  Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su lập lại lời kêu gọi ấy với các môn đệ.  Người trích dẫn lời Kinh Thánh nói về Người, rồi ban cho họ mệnh lệnh:  “Chính anh em là chứng nhân về những điều này”.  Vậy những điều này về Chúa Giê-su là gì và chúng ta phải làm chứng thế nào?

          Trước hết Chúa Giê-su nêu lên điểm chính các Sách Thánh nói về Người:  “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”.  Người không lập lại nguyên văn những lời các ngôn sứ, nhất là I-sai-a, đã nói về Người.  Người chỉ muốn nhấn mạnh đến hai điều thuộc sứ mệnh của Đấng Ki-tô là chịu khổ hìnhsống lại từ kẻ chết.  Đây là ý niệm các môn đệ thường không hiểu hoặc cố tình không hiểu.  Nhưng lại sắp đến lúc họ phải đi rao giảng Chúa Ki-tô rồi!  Nếu họ nhất định không hiểu đúng về Người, thì làm sao họ có thể rao giảng được?  Do đó, họ phải nắm vững cốt lõi của sứ điệp cần rao giảng.  Sau này, hơn ai hết, chính thánh Phao-lô, vị tông đồ “sinh non”, đã xác tín sứ mệnh của ngài là rao giảng Chúa Giê-su Ki-tô, mà phải là Chúa Ki-tô chịu đóng đinh thập giá (1 Cô-rin-tô 2:1-2).  Tại sao rao giảng Chúa Ki-tô chịu đóng đinh thập giá?  Bởi vì cuộc Thương khó và cái chết của Chúa Giê-su có một chỗ đứng vô cùng quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa Cha.  Cuộc khổ hình và cái chết ấy đã là cái giá để Người chuộc lại lỗi lầm của nhân loại, nhất là giải hòa Thiên Chúa với con người và phục hồi cho con người chức phận làm con cái Thiên Chúa.

          Cũng quan trọng giống như cuộc khổ hình và cái chết của Chúa Giê-su, đó là sự sống lại của Người.  Nếu khổ hình thập giá và cái chết của Chúa Giê-su chuộc được tội lỗi nhân loại, thì sự sống lại của Người lại chiến thắng vĩnh viễn trên tội lỗi và sự chết là hậu quả nó đã gây ra cho nhân loại.  Nếu Chúa Ki-tô không sống lại thì tội lỗi và sự chết vẫn không bại trận.  Một lần nữa, cũng chính thánh Phao-lô đã nói lên tầm quan trọng của việc Chúa sống lại.  Sự Phục Sinh là tột đỉnh của đức tin vào Chúa Ki-tô.  Do đó, thánh Phao-lô khẳng định:  “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cô-rin-tô 15:14tt).

          Khi hiện ra với các môn đệ, Chúa Phục Sinh muốn chắc chắn rằng các môn đệ Người phải xác tín tầm quan trọng của cuộc Thương khó, cái chết và sự Phục sinh của Người, trước khi họ được sai đi để làm chứng nhân về những điều xác tín ấy.  Thánh sử Lu-ca kể lại rằng sau khi Chúa Giê-su trao cho các môn đệ trách nhiệm làm chứng nhân cho Người, Người còn cẩn thận lập lại lời hứa ban Thánh Thần cho họ.  Thánh Thần sẽ giúp đỡ họ trong sứ mệnh làm chứng nhân.  Cuối cùng, đang khi lên trời, Chúa Giê-su đã chúc lành cho họ.  Quả thực là một khung cảnh hết sức cảm động.  Như thế, chia ly đâu phải là nước mắt hay là chết trong lòng một ít, nhưng các môn đệ đã bái lạy Chúa, trở lại Giê-ru-sa-lem mà “lòng đầy hoan hỷ”!

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Chúng ta có để ý các môn đệ Chúa đã làm gì khi Chúa “rời khỏi các ông và được đem lên trời” không?  Phải, các ông “bái lạy Người, trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ và cầu nguyện trong Đền Thờ”.  Đó chính là phong cách của người làm chứng cho Chúa Ki-tô.  Chúng ta “bái lạy Chúa”, tức là tin vào con người và sứ mệnh Đấng Ki-tô của Chúa Giê-su.  Chúng ta “trở lại Giê-ru-sa-lem” để gặp Chúa Giê-su đã chịu cuộc Thương khó và sống lại ở đấy.  Rồi chúng ta “lòng đầy hoan hỷ” vì chúng ta đi loan báo Tin Mừng.  Mà đã là Tin Mừng thì sao lại có thể buồn sầu được!   Sau hết, giống như các môn đệ Chúa hằng sốt sắng cầu nguyện chúc tụng Thiên Chúa trong Đền Thờ, chúng ta cũng có đền thờ để gặp gỡ Chúa, đó là đời sống cầu nguyện của chúng ta, để làm cho tương quan chúng ta với Người được sống động hơn.  Làm chứng cho Chúa không giống như làm chứng ngoài tòa án, mà là chia sẻ với người khác chính tâm tình và lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa vậy!                        Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C