NGHỊCH LÝ CỦA MẦU NHIỆM GIÁNG SINH

(GIÁNG SINH – LỄ ĐÊM)

(Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14)

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Khi nói về một tác phẩm hay một nhân vật, người ta thường hay nói về hoàn cảnh ra đời của nhân vật hay tác phẩm đó.

Đêm nay, khi mừng lễ giáng sinh, một lần nữa, chúng ta được nghe lại bài Tin Mừng theo thánh Luca nói về hoàn cảnh ra đời của Đức Giêsu. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, nhưng phụng vụ Giáo Hội muốn con cái của mình phải tiến xa hơn nữa để khám phá ra đâu là nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh ra đời của Đức Giêsu, đồng thời thấy được sứ điệp mà Thiên Chúa gửi xuống cho nhân loại qua biến cố Ngôi Hai giáng trần!

1.   Bối cảnh lịch sử

Về bối cảnh lịch sử, đất nước Dothái thời bấy giờ đang bị đô hộ bởi đế quốc Rôma, vì thế, buộc dân chúng phải lệ thuộc cơ cấu tổ chức lãnh đạo của đế quốc.

Theo truyền thống từ nhiều đời, đế quốc Rôma có thói quen: cứ 14 năm một lần, hoàng đế thực hiện một công việc liên quan đến toàn lãnh thổ cũng như các thuộc địa, đó là kiểm tra dân số.

Việc kiểm tra dân số sẽ giúp cho triều đình nắm vững về nhân khẩu để thu thuế và dễ bề tổ chức việc tuyển lính vào quân đội.

Vì thế, khi được lệnh thông báo, ai ai cũng phải về quê quán của mình để khai tên tuổi. Với thánh Giuse, ngài thuộc hoàng tộc vua Đavít, và tổ vương của ngài lại sinh trưởng tại Belem, nên từ Nadarét, Giuse đã phải đưa Maria vợ mình về quê quán để thi hành bổn phận của người công dân đối với lệnh triều đình.

Hành trình trở về Belem của thánh Giuse và Mẹ Maria gặp muôn vàn khó khăn. Khó khăn vì đường xá xa xôi! Các ngài phải vượt qua đoạn đường dài thăm thẳm khoảng 80 dặm, tương đương với 130 km. Gia đình của Giuse và Maria là một gia đình nghèo, vì thế, các ngài di chuyển bằng phương tiện hết sức thô sơ, hơn nữa, Maria lại đang mang thai và sắp đến ngày sinh nở, thế nên, đây là một cuộc hành trình đầy thách đố với các ngài!

Khó khăn chồng chất khó khăn! Tưởng chừng khi đến nơi, các ngài được yên ổn để lo công việc, ai ngờ, tại nơi đây, vợ chồng nghèo này một phần không có đủ tiền để thuê quán trọ, phần khác, nhìn thấy Maria bụng mang dạ chửa, các chủ quán trọ đều cảm thấy ái ngại!

Trong hoàn cảnh ấy, đôi vợ chồng nghèo này phải đành dẫn nhau ra tá túc ngoài đồng cỏ ngoại ô, nơi ở của súc vật. Và, tại nơi đây, Maria đã đến ngày: “Mãn nguyệt khai hoa”, vì thế, không còn lựa chọn nào khác, Maria buộc phải sinh con đầu lòng của mình ngay tại nơi sinh sống của súc vật.

2.   Nghịch lý của mầu nhiệm Giáng Sinh

Một cuộc hạ sinh mang đậm nỗi nghèo; một biến cố làm kinh thiên động địa cả nhân loại; một sự kiện lưu dấu muôn ngàn thế hệ; một dấu ấn không bao giờ được phép quên đối với người Công Giáo!

Tại sao vậy? Thưa! Vì đây là một nghịch lý vì yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu qua cuộc giáng sinh vĩ đại này.

Thật vậy, xét về góc độ con người, nếu chúng ta nhìn dưới cái nhìn tự nhiên, thì cuộc giáng sinh của Con Thiên Chúa là một sự nhục nhã! Nhục nhã vì nghèo nên không được lưu trú một nơi xứng đáng; nhục nhã vì sinh ra trong cảnh màn trời chiếu đất, chốn bò lừa với những mùi hôi hám, dơ bẩn của súc vật!

Thử hỏi nơi chúng ta, những người đang hiện diện trong thánh lễ này, dù nghèo đến đâu, bi đát thế nào, liệu đã có ai phải sinh ra trong hoàn cảnh éo le, tệ hại đến như vậy hay không? Phương chi, đây lại là Hoàng Tử, Con Trời; là Thiên Chúa; Đấng quyền năng; Vua vũ trụ; Chúa các chúa, nhưng lại hạ sinh trong hoàn cảnh có một không hai như vậy? Phải chăng đây là đường lối nhiệm mầu, khôn ngoan của Thiên Chúa!

Thật vậy, với Thiên Chúa, sự giàu có của Người lại được thể hiện qua sự nghèo hèn, thiếu thốn nơi Đức Giêsu – Con Một yêu dấu, và, sự khôn ngoan của Thiên Chúa là con đường tự hủy, đi xuống và trao ban vì tình yêu. Đến lượt Đức Giêsu, Ngài đã thực hiện rõ nét sự điên rồ của Thiên Chúa khi đi sâu vào lòng nhân loại tội lỗi để giao hòa con người với Thiên Chúa; để yêu thương người nghèo và bênh vực những người không có tiếng nói; để bảo vệ công lý; xây dựng lẽ công bằng; làm chứng cho sự thật và cuối cùng là chết như một tử tội trên thập giá. Dưới cái nhìn thông thường thì đó quả là cuộc sống của kẻ điên rồ!

Tuy nhiên, tình yêu Thiên Chúa vượt trên mọi lý luận của con người, nên đã trở thành cớ vấp phạm cho người Dothái, sự điên rồ đối với người Hylạp.

Chính vì điều này, mà toàn dân Dothái, từ bao đời, họ được loan báo và chính họ hằng ngày mong ngóng đợi trông Đấng Cứu Thế, nhưng khi Ngài xuất hiện, họ đã không nhận ra. Ngược lại, Thiên Chúa đã tỏ mình và mạc khải cho những người nghèo, không có tiếng nói, đó là các mục đồng...

Tại sao vậy? Thưa! Người có thế giá, được Thiên Chúa yêu mến không phải là quyền cao chức trọng, không phải là giàu sang phú quý... mà là những con người mang trong mình tâm hồn đơn sơ chân thành, sẵn sàng đón nhận chân lý và vui vẻ đón nhận nghịch lý của tình yêu.

Quả thật, các mục đồng là những người như thế, nên được đón nhận đặc ân cao quý mà những người hiền triết, khôn ngoan không có được.

3.   Sứ điệp Giáng Sinh

Trong xã hội hôm nay, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Trong tâm thức của con người hiện đại, họ coi người nghèo là những người đáng bị coi thường, khinh dẻ. Hơn nữa, sẵn có quan niệm kỳ thị, nên người nghèo không có tiếng nói, và lẽ đương nhiên, chân lý làm gì có nơi những con người chân lấm tay bùn!

Dưới cái nhìn chủ quan như thế, họ đã phỏng chiếu Thiên Chúa trong lối suy nghĩ của họ, tức là bắt Thiên Chúa phải theo ý niệm của mình. 

Tuy nhiên, khi cử hành và chiêm ngắm mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta khám phá ra nghịch lý của Thiên Chúa, đó là Thiên Chúa muốn cứu chuộc con người bằng con đường tự hủy. Ngài đã chấp nhận đi xuống tận cùng của sự thiếu thốn, nghèo khổ, cơ cực, để trở thành bạn của những ai bé nhỏ nghèo hèn, để nâng đỡ và bảo vệ những ai không có tiếng nói, để bênh vực những ai hiền lành và khiêm nhường. Nhất là để giao hòa con người với Thiên Chúa, trả lại tước vị làm con khi con người đã đánh mất thủa ban đầu. Nói như thánh Phaolô: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8, 9).

Mong sao, mỗi khi mừng đại lễ giáng sinh, mỗi người chúng ta được ngụp lặn trong ánh sáng khôn ngoan của Thiên Chúa, để hiểu được chân lý ngàn đời nơi mầu nhiệm Giáng sinh là: chỉ có tình yêu đích thực mới đáng được gọi là tình yêu điên rồ. Cuộc sống người Kitô hữu nếu trung thành với lời cam kết của Bí tích Thanh Tẩy sẽ mãi mãi là hành trình đi ngược dòng, và do đó cũng không tránh khỏi nhãn hiệu điên rồ.

Xin Chúa ban cho chúng ta học được bài học nghèo khó, khiêm nhường, tự hủy của Thiên Chúa, để cũng đường lối ấy, chúng ta sống và thi hành trong tư cách là con Thiên Chúa. Amen.

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C