CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

Sự sống mới của chúng ta ló rạng sau mùa Chay

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Gs 5:9a, 10-12;  2 Cr 5:17-21;  Lc 15:1-3,11-32)

          Thấm thoắt chúng ta đã đi quá nửa quãng đường mùa Chay và hướng về mầu nhiệm Phục Sinh.  Phụng vụ Lời Chúa của những Chúa Nhật sau cùng này đưa chúng ta dần tới chiêm ngưỡng một khởi đầu mới do sự phục sinh của Chúa Ki-tô đem lại cho ta.  Sự sống mới ấy được diễn tả qua những bài đọc hôm nay.  Bắt đầu là câu chuyện về Đất Hứa của dân Ít-ra-en, khi họ khởi sự đời sống mới tại Ca-na-an, không còn ăn man-na nữa, nhưng dùng những thổ sản trong xứ.  Qua bài đọc 2, thánh Phao-lô trình bày cái nhìn thần học về đời sống mới của Ki-tô hữu:  Thiên Chúa đã cho chúng ta được hòa giải với Người, nhờ Đức Ki-tô.  Thứ ba, với câu chuyện dụ ngôn quen thuộc nhưng đầy cảm động về người cha nhân hậu đón nhận đứa con hoang đàng trở về, mỗi người chúng ta đều được mời gọi lãnh nhận sự hòa giải để sống lại mối tương quan với Chúa và anh chị em.

          Trước hết chúng ta hãy xem cuộc sống mới của dân Ít-ra-en khi họ vào đất Ca-na-an sau bốn mươi năm lang thang trong sa mạc.  Sau khi tôi trung Đức Chúa là ông Mô-sê qua đời, Đức Chúa phán với con ông Nun là ông Giô-suê, phụ tá của ông Mô-sê: Mô-sê, tôi trung của Ta, đã chết. Vậy bây giờ, ngươi hãy trỗi dậy! Và cùng với tất cả dân này, qua sông Gio-đan, mà vào đất Ta ban cho chúng, tức là con cái Ít-ra-en’” (Gs 1:1-2).  Đó là thời gian khởi đầu cuộc sống mới của dân Chúa.  Vậy có gì giúp chúng ta nhận ra đây là cuộc sống mới?  Suốt thời gian trên đường về Đất Hứa, dân Chúa đã sống nhờ sự hỗ trợ trực tiếp của bàn tay Thiên Chúa.  Họ ăn man-na bởi trời, uống nước vọt ra từ tảng đá, được Thiên Chúa giúp thắng các dân tộc họ đi qua, và đức tin vào Thiên Chúa của họ mỗi ngày được củng cố thêm.  Nếu muốn tìm một hình ảnh để so sánh, có lẽ chúng ta nên mượn lại hình ảnh thánh Phao-lô đã dùng để mô tả đời sống đức tin của các anh em tân tòng:  khi còn non yếu, họ uống sữa đức tin;  khi đã trưởng thành, họ ăn đồ đặc của đức tin (1 Cr 3:2;  Dt 5:12-13).  Cũng vậy, đời sống vật chất của Ít-ra-en thay đổi từng ngày:  từ thời gian hôm sau lễ Vượt Qua đến hôm sau nữa và cuối cùng là năm ấy, từ ăn bánh không men đến ăn thổ sản trong xứ và sau cùng là ăn hoa màu của đất Ca-na-an.  Hình ảnh về sự thay đổi nếp sống vật chất biểu tượng cho sự thay đổi đời sống đức tin của họ vào Thiên Chúa.

          Tiếp đến, theo suy tư thần học của thánh Phao-lô, sự thay đổi từ cái cũ sang cái mới nơi Ki-tô hữu chúng ta chính là trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người (2 Cr 5:18).  Thánh Phao-lô nêu lên thời điểm phân chia cũ và mới.  Ngài viết:  “Phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới.  Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi”.  Đúng vậy, khi chúng ta ở trong Đức Ki-tô có nghĩa là chúng ta ở trong công cuộc cứu độ của Người thì thân phận của ta được biến đổi, từ thọ tạo cũ nô lệ cho tội lỗi trở thành thụ tạo mới làm con cái Thiên Chúa.  Tuy nhiên thánh tông đồ không muốn nói rằng sự thay đổi ấy sẽ giữ nguyên mãi, nhưng là sự thay đổi khởi đầu cho một tiến trình phải tiếp tục trở nên giống Chúa Ki-tô cho đến khi ta thở hơi cuối đời!  Vì thế, ngài không ngại năn nỉ chúng ta:  “”Vậy nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa”.  Tóm lại, cuộc hòa giải với Thiên Chúa tuy đã được Chúa Ki-tô khởi xướng, nhưng bổn phận của ta là vẫn phải tiếp tục sống tinh thần hòa giải ấy, nên mỗi khi tội lỗi biến ta thành kẻ thù của Thiên Chúa thì ta phải mau mắn đến với bí tích Giải tội để được hòa giải với Chúa và anh chị em.

          Sự sống mới được diễn tả sống động hơn cả, đó là trong câu chuyện dụ ngôn đứa con hoang đàng, hoặc đúng hơn, là dụ ngôn người cha đầy lòng thương xót.  Trong câu chuyện, chúng ta gặp ba nhân vật chính:  người cha, anh con cả và thằng con thứ.  Người cha thì chẳng có gì cần thay đổi vì bản chất nhân hậu và giàu lòng thương xót của ông.  Anh con cả thì có thể thay đổi thái độ đối với cha và em của anh nếu anh thực lòng muốn thay đổi não trạng.  Nhưng thằng con thứ thì thay đổi rõ ràng không thể chối cãi.  Anh ta đã thay đổi từ thân phận đứa con được chiều đãi trong gia đình thành đứa con hoang đàng phung phí hết tài sản, từ chăn ấm nệm êm thành một đứa chăn heo “ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho”.  Vậy mà những đau khổ thể xác và việc hồi tâm sám hối đã giúp anh “đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người:  ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đang gọi là con cha nữa’”!  Thế là anh được thay đổi hoàn toàn:  được phục hồi phận làm con (mặc áo đẹp, đeo nhẫn, xỏ dép) và được sống hạnh phúc trong tình gia đình (mở tiệc ăn mừng).  Từ thân phận tội lỗi, xa lạ với gia đình, anh đã tìm lại được những gì đã mất!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Bài học sứ điệp Lời Chúa hôm nay quả thực rõ ràng.  Dĩ nhiên trong mỗi người chúng ta đều có hình ảnh của cả hai cậu con, có khi chúng ta là anh con cả, có khi là thằng con thứ, nhưng nói chung cả hai đều phải sám hối và phải thay đổi não trạng (metanoia).  Muốn trở nên giống Chúa Ki-tô, chúng ta luôn luôn phải cởi bỏ con người cũ (tội lỗi) để mặc lấy con người mới thánh thiện.  Mùa Chay là thời gian để cái kén thiêng liêng của ta âm thầm thay đổi nhờ sám hối và ân sủng Chúa, để mai mốt cái kén xấu xí sẽ biến thành con bướm đầy sắc màu rực rỡ của đời sống mới trong Thần Khí Chúa Ki-tô vậy!

         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C