CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

Mùa Chay:  nhìn lại đức tin của chúng ta

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Đnl 26:4-10;  Rm 10:8-13;  Lc 4:1-13)

          Thứ Tư Lễ Tro, ngày mở đầu mùa Chay, Giáo Hội đã lập lại lời thánh Phao-lô để khẳng định rằng:  Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.  Để giúp chúng ta đón nhận ân sủng Chúa và ơn cứu độ, sám hối là sinh hoạt chính của mùa Chay.  Thực hành sám hối đòi chúng ta nhìn lại cuộc sống mà thay đổi con người mình sao cho phù hợp với lời kêu gọi nên thánh.  Vậy trong mùa Chay, đâu là điểm quan trọng nhất đối với đời sống thiêng liêng chúng ta cần xét lại và thay đổi?  Các bài đọc Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta câu trả lời:  hãy canh tân đời sống đức tin của chúng ta.  Thời Cựu Ước, ông Mô-sê đã dạy cho dân Chúa phải tuyên xưng đức tin như thế nào.  Ngay thời Giáo Hội sơ khai, thánh Phao-lô cũng kêu gọi tín hữu hãy tuyên xưng đức tin vào Chúa Ki-tô.  Tuy nhiên, gương mẫu tuyệt hảo tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa phải là chính Chúa Giê-su, Đấng đã biểu lộ đức tin mạnh mẽ của Người khi phải đương đầu với cám dỗ.

          Trước hết chúng ta hãy xem đức tin của dân Chúa thời ông Mô-sê.  Trước khi dân Ít-ra-en vào Đất Hứa và ông Mô-sê biết ngày đời của mình chẳng còn bao lâu, ông triệu tập dân chúng và truyền phải kể lại những điều Thiên Chúa đã làm cho họ, vì ông nghĩ rằng việc này sẽ tiếp tục củng cố đức tin của họ vào Thiên Chúa.  Ông đề ra một nghi thức giản dị nhưng không kém phần trang trọng để biểu dương đức tin của người Ít-ra-en.  Nghi thức bắt đầu bằng việc đặt lễ vật trước bàn thờ Thiên Chúa.  Tiếp theo là những lời thân thưa với Thiên Chúa thuật lại lịch sử Người đã làm cho Ít-ra-en thành một dân tộc lớn giữa lòng đất nước Ai-cập.  Khi họ bị Ai-cập bắt họ làm nô lệ, thì Thiên Chúa đã cứu thoát dân Ít-ra-en.  Người “đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng” để đưa dân Người ra khỏi Ai-cập.  Hơn thế nữa, Thiên Chúa còn ban cho họ đất tràn trề sữa và mật.  Kể lại những việc Thiên Chúa đã làm cho cha ông họ trong quá khứ khi tưởng niệm biến cố Vượt Qua là nhằm nói lên đức tin của toàn dân vào Thiên Chúa.  Rồi nghi thức tuyên xưng đức tin được kết thúc bằng một hành vị thật ý nghĩa:  dân Chúa đặt lễ vật là sản phẩm đầu mùa trước tôn nhan Thiên Chúa và phủ phục thờ lạy Người.  Phủ phục là cử chỉ biểu lộ đức tin vào Thiên Chúa.  Ông Mô-sê hy vọng đó là cách tuyên xưng đức tin tốt nhất của dân được Thiên Chúa tuyển chọn.

          Từ việc tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa trong Cựu Ước, qua thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô dẫn chúng ta đến việc tuyên xưng đức tin vào Chúa Ki-tô.  Giống như Thiên Chúa đã cứu thoát dân Ít-ra-en khỏi làm nô lệ người Ai-cập, Chúa Giê-su sẽ cứu độ chúng ta, đưa chúng ta về làm hòa với Thiên Chúa và dẫn chúng ta vào quê trời vĩnh cửu.  Dĩ nhiên là có những điểm tương đồng giữa hai cách tuyên xưng đức tin của dân Ít-ra-en và của Ki-tô hữu.  Giống như dân Ít-ra-en tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa vì những việc lạ lùng Người đã thực hiện để cứu thoát họ, thì Ki-tô hữu cũng tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô vì cuộc Thương Khó, sự chết và sống lại của Người đã cứu họ khỏi hậu quả tai hại của tội lỗi và phục hồi cho họ chức phận làm con Thiên Chúa.  Dân Ít-ra-en tuyên xưng đức tin bằng cách lên tiếng kể lại những việc Thiên Chúa đã làm, thì Ki-tô hữu cũng phải “xưng ra ngoài miệng” đức tin vào Chúa Ki-tô để được ơn cứu độ.  Điểm khác biệt duy nhất là trong khi dân Ít-ra-en tuyên xưng đức tin vào Đức Chúa, Thiên Chúa của họ, thì tất cả những ai tuyên xưng đức tin vào Chúa Ki-tô đều được cứu thoát, không còn phân biệt người Do-thái và người Hy-lạp hay bất cứ dân tộc nào khác nữa.  Cuộc cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập là tiền ảnh báo trước công trình cứu độ phổ quát  của Chúa Giê-su dành cho toàn thể nhân loại.

          Đức tin của dân Ít-ra-en vào Đức Chúa và đức tin của Ki-tô hữu vào Chúa Giê-su là điều hiển nhiên.  Nhưng đâu là đức tin của chính Chúa Giê-su?  Chúa Giê-su đã tin vào ai và tin vào điều gì?  Thưa, câu chuyện Tin Mừng hôm nay tường thuật Chúa Giê-su chịu cám dỗ với tính cách là một người phàm, chính là dịp để Người tuyên xưng đức tin vào Chúa Cha và sứ mệnh Chúa Cha trao cho Người.  Trước những cám dỗ của ma quỷ, Chúa Giê-su đã lấy đức tin của mình để chống lại và chiến thắng cám dỗ.  Đúng vậy, trong cả ba trường hợp chịu cám dỗ, Người đều đặt niềm tin vào Lời Chúa, lấy Lời Chúa làm khí giới chống lại việc cám dỗ tinh vi của tên quỷ.  Chúng ta không phải ngạc nhiên, vì suy gẫm Lời Chúa là việc giúp Chúa Giê-su phát huy đức tin của Người.  Mọi đối đáp của Chúa Giê-su trước cám dỗ đều biểu lộ một đặc nét của đức tin:  sống bằng Lời Chúa, hết lòng phụng sự Thiên Chúa và luôn khiêm nhường tin cậy vào quyền năng Thiên Chúa chứ không vào sức riêng mình.  Tóm lại, Chúa Giê-su đã biểu lộ một đức tin kiên cường và tuyệt đối, đến nỗi ma quỷ dù “đã xoay hết cách để cám dỗ Người” mà không làm gì được Người nên đành bỏ đi và chờ đợi thời cơ!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Bạn và tôi hãy cùng nhau xét lại đức tin và lối sống đức tin của mình trong mùa Chay này.  Chúng ta đã thấy dân Chúa trong thời Cựu Ước lẫn Tân Ước tuyên xưng đức tin của họ thế nào rồi.  Chúng ta bước vào mùa Chay, “thời cứu độ và ngày thi ân”, là để tuyên xưng đức tin chúng ta vậy!

        Lm. Đa-minh Trần đình Nhi        


Suy Niệm Lời Chúa Năm C