CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

Ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho mọi người

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 13:14, 43-52;  Kh 7:9, 14b-17;  Ga 10:27-30)

          Giả như ơn cứu độ chỉ dành cho dân Do-thái và giả như không có chân lý được trình bày trong Lời Chúa hôm nay, thì hiện giờ tôi sẽ là ai và sống thế nào?  Chân lý ơn cứu độ dành cho mọi người, điều mới lạ đối với Giáo Hội sơ khai, và việc thánh Phao-lô đem Tin Mừng vượt biên giới Ít-ra-en để đến với dân ngoại là những sự kiện nói lên khúc rẽ mới trong “kế hoạch nhiệm mầu” của Thiên Chúa.  Quyết định của Phao-lô và Ba-na-ba quay về phía dân ngoại để “đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất” đánh dấu khởi đầu khúc rẽ này.  Còn thánh Gio-an thì cho chúng ta thấy hình ảnh Chúa Giê-su là “Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa mọi người tới nguồn nước trường sinh”.  Tuy nhiên hình ảnh để chúng ta chiêm ngưỡng và cầu nguyện sốt sắng hơn phải là khuôn mặt Chúa Giê-su, vị Mục Tử Nhân Lành của toàn thể nhân loại.

          Ôn lại lịch sử rao giảng Tin Mừng, sách Công Vụ từ chương 13 kể lại công cuộc phát triển của Giáo Hội bên ngoài Ít-ra-en nhờ những chuyến hành trình truyền giáo của thánh Phao-lô chung quanh vùng Địa Trung hải.  Tại An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a, sau khi bị nhóm người Do-thái ghen tức tẩy chay, ông Phao-lô và Ba-na-ba minh định với họ:  “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại”.  Thiên Chúa thường lợi dụng một hoàn cảnh xấu để rút ra điều tốt đẹp.  Quả thực, việc tẩy chay của người Do-thái lại khởi đầu cho công cuộc rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại.  Hai vị tông đồ phải từ biệt đồng bào mình để đến với những người xa lạ.  Trong hoàn cảnh mới này, hai ông lại nhận ra được sứ mệnh của mình:  “Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này:  Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất”.  Các ông không còn phải lo lắng áy náy vì đã không thể phục vụ dân riêng của Chúa, trái lại, dân ngoại thì “vui mừng tôn vinh lời Chúa” và lời Chúa lan tràn khắp miền ấy.  Như vậy, sách Công Vụ đã kết thúc việc rao giảng Tin Mừng cho người Do-thái ở chương 12 và bắt đầu từ chương 13 tường thuật công cuộc rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại.  Điều sách Công Vụ muốn nói lên ở đây không hẳn là vấn đề lịch sử, nhưng là nhấn mạnh đến kế hoạch Thiên Chúa biểu lộ tình yêu cứu độ không những đối với dân Do-thái, mà còn với mọi dân tộc khác trên toàn cõi đất nữa.  Thế là nhờ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, cha ông chúng tôi và chính chúng tôi đã được diễm phúc làm con cái Thiên Chúa!

          Ngoài lịch sử truyền giáo của Giáo Hội, chúng ta còn được thánh Gio-an tông đồ chia sẻ thị kiến của ngài về hình ảnh Chúa Giê-su, Đấng sẽ chăn dắt và dẫn đưa chúng ta tới nguồn nước trường sinh.  Thánh Gio-an đã thấy gì trong thị kiến của ngài?  “Tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ”.  Ngài muốn nhấn mạnh đến đặc điểm của đoàn người đông đảo ấy, đó là họ xuất thân từ mọi dân nước, mọi chi tộc và mọi ngôn ngữ, không dành riêng và không loại trừ bất cứ ai, miễn là họ phải “trải qua cơn thử thách lớn lao” để trung thành theo Chúa Giê-su.  Dưới sự dẫn dắt của Chúa, chắc chắn họ sẽ được đưa tới nguồn nước ban sự sống đời đời.  Chúa Giê-su không chỉ là Mục Tử Nhân Lành của chúng ta đang khi ta sống ở đời này, mà Người còn là Mục Tử Nhân Lành của ta ở đời sau nữa.

          Sau hết, chúng ta hãy lắng nghe những lời khẳng định của chính Chúa Giê-su, vị Mục Tử Nhân Lành:  “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi;  tôi biết chúng và chúng theo tôi.  Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”.  Từng lời, từng chữ, từng câu, tất cả đều là để nói lên một mối tương quan mật thiết giữa Mục Tử với đàn chiên, giữa Chúa Giê-su và chúng ta.  Một chuỗi động từ hoặc hành động như “nghe, biết, theo, ban sự sống đời đời” đã diễn tả sự sinh động và yêu thương bao la của Mục Tử dành cho ta, chưa kể đến những lời Người bảo đảm sẽ không bao giờ để chúng ta bị cướp đi khỏi tay Chúa Cha!  Dù chỉ là một đoạn Tin Mừng ngắn, nhưng đây lại là đề tài thật phong phú để chúng ta cầu nguyện đặc biệt khi ta gặp những thử thách của cuộc đời Ki-tô hữu.  Cuối cùng, Chúa Giê-su muốn “đóng ấn” cho tất cả những việc Người làm để chăn dắt chúng ta, bằng dấu ấn “Tôi và Chúa Cha là một”.  Đúng vậy, Người nhân danh sự liên kết chặt chẽ giữa Ngôi Cha và Ngôi Con cùng với tình yêu của Chúa Thánh Thần để bảo đảm với chúng ta rằng Người là vị Mục Tử Nhân Lành của chúng ta.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Chúa Nhật IV Phục Sinh được mệnh danh là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành.  Mỗi Năm Phụng vụ trình bày đề tài một cách.  Lời Chúa hôm nay tuy ngắn gọn, nhưng không kém phần ý nghĩa và phong phú.  Cảm nghĩ đầu tiên của chúng ta là muốn cảm tạ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, vì nhờ lòng thương xót của Người mà chúng ta là “dân ngoại” đã được đón nhận Tin Mừng, gia nhập đoàn chiên của Chúa Giê-su và được chăm sóc dưới sự dẫn dắt của Người.  Chúa còn mong muốn điều gì khác nơi chúng ta hơn là muốn chúng ta đáp lại sự chăm sóc của Người qua việc ta “nghe” tiếng Chúa, “biết” Người hoặc đúng ra là yêu mến Người, mở lòng “đón nhận sự sống” Người ban và luôn ở trong vòng tay che chở của Người!

            Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C