CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH

Tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 15:1-2, 22-29;  Kh 21:10-14, 22-23;  Ga 14:23-29)

          Trước khi Chúa Giê-su về trời, Người đã hoàn tất việc thiết lập một Giáo Hội để qua đó, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được tiếp diễn và mang lại hiệu quả cho mọi người ở mọi thời và mọi nơi.  Những đặc tính của Giáo Hội ấy đã được nêu cao và duy trì ngay từ ban đầu lịch sử của nó, đó là tính duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền được trình bày hoặc thể hiện qua Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.  Bài trích sách Công vụ thuật lại việc các tông đồ giải quyết một khó khăn cho anh chị em dân ngoại đã trở lại đạo, đó là vấn đề cắt bì, để duy trì sự hiệp nhất và đặc tính công giáo.  Bài trích sách Khải Huyền thì nói về một Giáo Hội thánh thiệntông truyền.  Giáo Hội là Giê-ru-sa-lem Mới từ nơi Thiên Chúa mà tới và được đặt trên nền móng là các thánh tông đồ.  Đặc biệt bài Tin Mừng nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần là nguồn tình yêu và sự bình an để bảo đảm cho những đặc tính nói trên và sức sống của Giáo Hội.

          Trước hết chúng ta hãy xem Chúa Thánh Thần và các tông đồ đã làm gì để duy trì sự hiệp nhất Giáo Hội.  Chia rẽ luôn là mối nguy hiểm đưa tới sự tan rã của bất cứ tổ chức nào, dù là tôn giáo hay dân sự.  Giáo Hội sơ khai không tránh khỏi sự nguy hiểm ấy, khi có một số người từ Giu-đê xuống An-ti-ô-khi-a và gieo rắc mầm chia rẽ cho Giáo Hội tại đây.  Họ bảo nếu những người dân ngoại trở lại đạo mà không chịu phép cắt bì của người Do-thái thì sẽ không được cứu độ.  Nói khác đi, họ muốn đem một luật lệ của riêng người Do-thái áp đặt trên những anh chị em tân tòng gốc dân ngoại khiến cho những anh chị em này hoang mang và bị lung lạc đức tin.  Để giải quyết nguy cơ chia rẽ này, các tông đồ đã họp nhau tại Giê-ru-sa-lem, bàn luận và mổ xẻ vấn đề.  Sau phần phát biểu của các tông đồ đại diện (Phê-rô đứng đầu toàn thể Giáo Hội, Gia-cô-bê lãnh đạo giáo hội Giê-ru-sa-lem và Phao-lô thay mặt cho giáo hội của anh chị em gốc dân ngoại), các vị đã cầu nguyện và cùng quyết định.  Tuy nhiên trong sinh hoạt này không thể thiếu vắng vai trò của Chúa Thánh Thần, như ta thấy ngay trong câu đầu tiên của nghị quyết:  Thánh Thần chúng tôi đã quyết định… Cuộc họp lịch sử này được mệnh danh là Công đồng Giê-ru-sa-lem, mẫu gương cho mọi công đồng sau này trong lịch sử Giáo Hội.  Công đồng đầu tiên này đã duy trì sự hiệp nhất giữa Ki-tô hữu gốc Do-thái lẫn gốc dân ngoại và nói lên tính duy nhất.

          Đặc tính thánh thiện và tông truyền của Giáo Hội thì được mô tả qua thị kiến của thánh Gio-an tông đồ.  Trong lúc xuất thần, ngài đã được diễm phúc “thấy Thành Thánh, là Giê-ru-sa-lem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống”.  Thành Giê-ru-sa-lem Mới luôn là hình ảnh của một Giáo Hội khải hoàn sau những ngày ở trần gian này.  Thành đã được xây trên “mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên”.  Thành Thánh, tức Giáo Hội, đã mang những đường nét của sự thánh thiện được mô tả bằng những hình ảnh như “chói lọi vinh quang Thiên Chúa, rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, trong suốt tựa pha lê” và “có vinh quang Thiên Chúa tỏa rạng và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi”. Thử hỏi còn những hình ảnh nào thích hợp hơn những hình ảnh trên để nói lên đặc tính thánh thiện của Giáo Hội nữa không?

          Sau khi xác định bản chất của Giáo Hội, Phụng vụ Lời Chúa cho chúng ta thấy sức sống của Giáo Hội qua vai trò của Chúa Thánh Thần.  Khi tâm sự với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đề cao vai trò của Thánh Thần.  Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ được sai đến để “dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”.  Có tuân giữ và thực hành những điều Chúa Giê-su dạy, ta mới có sự sống, vì lời Người là lời ban sự sống.  Nhưng để giúp ta nhớ được những điều Chúa dạy thì ta cần phải nhờ đến Thánh Thần, bởi Người là Đấng Bảo Trợ giúp ta tiếp tục sống như con cái Thiên Chúa.  Tuy nhiên ngoài việc giúp cho Giáo Hội và các phần tử của Giáo Hội được sống trong sự sống mới, Chúa Thánh Thần còn ban cho Giáo Hội và chúng ta một hồng ân cao quý và cần thiết, đó là sự bình an của Chúa Ki-tô.  Không thể có một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, nếu Giáo Hội ấy thiếu sự bình an.  Sự bình an của Chúa Giê-su không đặt nền móng trên sự an toàn hoặc tình trạng tự do thoát khỏi mọi âu lo, đau khổ thể lý…, nhưng trên đức tin và tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa.  Cứ nhìn vào lịch sử Giáo Hội là ta hiểu được thế nào là bình an của Chúa Ki-tô:  qua bao thăng trầm, bách hại, chia rẽ, khủng hoảng, Giáo Hội vẫn đứng vững giữa thế giới, vì Chúa đã dạy:  Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28:20).

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Mùa Phục Sinh sắp kết thúc.  Giáo Hội đã dẫn dắt chúng ta đi qua những chặng đường khác nhau, từ sự kiện Chúa sống lại đến đức tin vào Mầu nhiệm Phục Sinh, rồi từ đức tin đến sứ mệnh làm chứng cho Chúa và loan báo Tin Mừng cứu độ của Người.  Hôm nay, Giáo Hội nói với chúng ta về chính mình với những đặc tính mà chỉ Giáo Hội của Chúa Ki-tô mới có.  Chúng ta được thâu nhận vào Giáo Hội ấy là để được “sống và sống dồi dào”.  Chính nơi Giáo Hội, ta nhận được sự sống của Thiên Chúa, và cũng chính trong môi trường Giáo Hội sự sống mới ấy của ta được phát triển và đạt tới tầm vóc của Chúa Ki-tô vậy!

 

           Lm. Đa-minh Trần đình Nhi     


Suy Niệm Lời Chúa Năm C