CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN

Ngày của Chúa và ngày của chúng ta

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Mk 3:19-20a;  2 Tx 3:7-12;  Lc 21:5-19)

          Ngày mà Phụng vụ Lời Chúa nói đến hôm nay không tính bằng giờ phút, nhưng là thời điểm đánh dấu một kết thúc, đồng thời cũng là thời điểm mở ra một chân trời mới vĩnh cửu.  Ngôn sứ Ma-la-khi hiểu ngày của Chúa là lúc Thiên Chúa tiêu diệt những kẻ kiêu ngạo và gian ác, nhưng cũng là thời gian Thiên Chúa cứu độ những ai kính sợ Người.  Còn Chúa Giê-su, khi nói tiên tri về việc Đền Thờ Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá, Người muốn dùng biến cố vĩ đại ấy làm dấu chỉ biểu tượng cho Ngày Đức Ki-tô quang lâm để xét xử muôn loài:  Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21:27).  Nhưng chúng ta phải làm gì trong Ngày của chúng ta để chờ đợi Ngày của Chúa?  Trong lời giảng của Chúa Giê-su cũng như đoạn thư của thánh Phao-lô đều có những lời khuyên tích cực:  Hãy kiên trì và hãy tiếp tục làm việc.

          Trước hết, ngôn sứ Ma-la-khi nói gì về Ngày của Đức Chúa?  Ngày của Đức Chúa là Ngày Người thực hiện kế hoạch cứu độ.  Việc đầu tiên Thiên Chúa làm là tiêu diệt sự kiêu căng và gian ác, giống như “hỏa lò” thiêu rụi rơm rạ.  Sự kiêu căng của tổ tông loài người bất tuân và những gian ác do ma quỷ gieo rắc sẽ bị tiêu diệt khi Chúa Giê-su được sai đến trần gian. Hoặc theo thánh Phao-lô, trong Ngày của Chúa, mọi sự sẽ được viên mãn trong Đức Ki-tô, bởi vì kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã hoàn tất (Ep 1:10, 22-23).  Khi ấy tội lỗi và sự chết hoàn toàn bị loại bỏ, để những ai thuộc về Chúa Ki-tô sẽ được chung hưởng gia nghiệp vĩnh cửu với Người.  Chúa Ki-tô, đức công chính của Thiên Chúa, là lửa hỏa lò sẽ thiêu rụi mọi sự dữ do ma quỷ gây nên, “không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào”.  Đúng vậy, từ khi tội lỗi đột nhập vào thế gian, nó đã gieo rắc những hậu quả tàn khốc cho nhân loại, khác nào rễ cây ăn sâu vào vườn địa đàng hoặc như cành bao phủ mặt đất.  Nhưng khi Đấng Cứu Độ đến, Người sẽ phục hồi vẻ đẹp nguyên thủy của vườn địa đàng và giá trị của con người đầu tiên Chúa đã dựng nên.  Song song với việc tiêu diệt tội lỗi và sự chết, trong Ngày của Chúa tức là trong thời cứu độ, Chúa Ki-tô là “mặt trời công chính mọc lên” để đem “các tia sáng chữa lành bệnh” của loài người, những bệnh do tội lỗi gây ra.  Bệnh trầm kha nhất, đó là bệnh “kiêu căng” của A-đam được chữa lành do đức “khiêm nhường” của Đức Ki-tô, Đấng đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.

          Lời tiên tri của ngôn sứ Ma-la-khi đã ứng nghiệm khi Đấng Cứu Độ được Chúa Cha sai đến trần gian.  Khi thi hành sứ mệnh, Chúa Giê-su đã cố gắng cho người ta thấy Triều Đại Thiên Chúa đã được thiết lập để giúp nhân loại chuẩn bị cho Ngày của Chúa, tức là ngày tận thế.  Trong ngày ấy, Chúa Giê-su đến lần thứ hai để xét xử mọi người dựa trên tiêu chuẩn lối sống mà chính Người đã để lại cho chúng ta.  Tuy nhiên điều Chúa Giê-su nhấn mạnh trong bài Tin Mừng hôm nay không phải là trả lời về thời giờ ngày tận thế đến, mà là chúng ta phải sẵn sàng đón nhận Triều Đại Thiên Chúa để chuẩn bị cho ngày tận thế, tận thế của từng cá nhân cũng như tận thế cho tất cả nhân loại.  Trong thời gian chuẩn bị ấy, chắc chắn mọi người đều chịu thử thách và bách hại vì tin vào Chúa Giê-su và sứ mệnh cứu độ của Người.  Sự kiện Đền Thờ Giê-ru-sa-lem bị phá hủy là dấu chỉ nói lên rằng chắc chắn Ngày phán xét của Chúa sẽ đến.  Nhưng trước khi ngày Chúa đến phán xét, cùng với dấu chỉ Đền Thờ bị tàn phá sẽ có những hỗn loạn, những tai ương, nhất là những kẻ tin Chúa sẽ phải trải qua một cuộc bách hại vì danh Chúa.  Đối với Chúa Giê-su, những bách hại chúng ta phải chịu lại là “cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy”.  Như thế, làm chứng cho Chúa cũng có nghĩa là chúng ta chuẩn bị đón chờ Ngày của Chúa.  Chúng ta làm chứng cho Chúa bằng lối sống của những người tin Chúa và tuân giữ những điều Chúa truyền dạy, thí dụ sống yêu thương bác ái, tha thứ cho kẻ thù… Chúa còn hứa rằng khi chúng ta làm chứng cho Người, Người sẽ giúp ta có đủ khả năng để thắng vượt bách hại, thậm chí Người còn giúp ta “ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thù không tài nào chống chọi hay cãi lại được”.  Quả thực, cuộc đời của những ai tin vào Chúa Giê-su và sống những giá trị Tin Mừng đều phải chịu những thiệt thòi bách hại, như chúng ta từng cảm nghiệm khi thực hành đức tin Ki-tô giáo.  Chúng ta đừng để mình bị lừa gạt mà theo những kẻ mạo danh Chúa, đừng sợ hãi trước những hỗn loạn và quyến rũ của thế giới để đức tin của ta không bị lung lay.

Sống sứ điệp Lời Chúa

           Ngạn ngữ Pháp nói:  “Sống là chiến đấu”.  Sống là tranh đấu để thắng khó khăn và thành công trên trường đời.  Tuy nhiên, chiến đấu để sống đức tin mới là cuộc chiến cam go.  Thánh Phao-lô là một gương mẫu chiến đấu cho đức tin.  Hôm nay trong đoạn thư gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, ngài đã cảnh cáo “một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì mà việc gì cũng xen vào”.  Rồi ngài nghiêm khắc dạy họ rằng:  “Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân”.  Ngài bảo họ phải thay đổi lối sống, không những chu toàn đời sống xã hội mà còn phải quan tâm sống đời sống nội tâm và đức tin vào Chúa Ki-tô hơn nữa.  Chúa Giê-su đã hoàn tất sứ mệnh giúp chúng ta chuẩn bị cho Ngày của Chúa.  Còn chúng ta thì đang làm gì cho Ngày của chúng ta?

         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C