THÁNH LỄ NỬA ĐÊM GIÁNG SINH

Ánh sáng ơn cứu độ tỏ hiện

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 9:1-6;  Tt 2:11-14;  Lc 2:1-14)

        Để mừng ngày Chúa Giê-su giáng sinh, Phụng vụ Giáo Hội ấn định việc cử hành ba Thánh lễ vào ba thời điểm quan trọng trong ngày:  nửa đêm, rạng đông và ban ngày.  Thực là một sự sắp đặt đầy ý nghĩa để diễn tả mầu nhiệm Giáng Sinh qua chủ đề ánh sáng.  Ánh sáng và ơn cứu độ của Thiên Chúa do Chúa Giê-su đem đến trần gian có sự liên quan mật thiết với nhau, vì Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng ơn cứu độ qua hình ảnh ánh sáng vào những thời khắc khác nhau để có thể khám phá ra những góc cạnh sáng ngời của hạt kim cương ơn cứu độ.  Vậy chúng ta hãy chiêm ngưỡng ơn cứu độ như ánh sáng bừng lên giữa đêm tối qua các bài đọc của Thánh lễ Nửa Đêm.  Ngôn sứ I-sai-a giới thiệu với chúng ta người Con đã được Thiên Chúa ban tặng cho ta để Người thiết lập một “nền hòa bình vô tận” và “vương quốc vững bền” (bài đọc 1).  Thư thánh Phao-lô gửi Ti-tô thì khẳng định Chúa Giê-su chính là ơn cứu độ để “dạy” chúng ta bỏ lối sống trần tục mà theo đuổi lối sống chừng mực, công chính và đạo đức (bài đọc 2).  Tuy nhiên trọng tâm của Thánh lễ Nửa Đêm là sự kiện Chúa Giê-su ra đời, khởi đầu cho một thời đại tạo dựng mới để làm vinh danh Thiên Chúa và xây dựng bình an cho nhân loại (bài Tin Mừng).

 

        1.  Hài Nhi Giê-su là một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta”.  Thánh Lễ Chúa Giáng Sinh bắt đầu bằng việc cử hành vào ban đêm.  Nửa đêm là thời khắc bóng tối dày đặc nhất bao trùm mọi sự.  Chúng ta đang sống trong thế giới văn minh và khoa học nên thường không mấy phải quan tâm đến ánh sáng.  Nhưng nếu mưa gió hoặc tai nạn làm mất điện, có khi cả mấy ngày trời, thì khi ấy chúng ta mới thấy tầm quan trọng của ánh sáng.  Rồi khi điện được phục hồi, “ánh sáng bừng lên chiếu rọi”, chúng ta vui mừng hô lên:  “Có điện rồi!” Ngôn sứ I-sai-a sử dụng hình ảnh ánh sáng bừng lên giữa đêm tối để mô tả hoàn cảnh khốn khổ của nhân loại từ bao đời đã sống trong đêm tối do ảnh hưởng xấu xa của tội lỗi, nay được ánh sáng ơn cứu độ chiếu rọi.  Ánh sáng đến đã thay đổi cảnh vật thế nào, thì ơn cứu độ của Chúa Giê-su cũng đến để thay đổi nhân loại như vậy.  Tất cả sự thay đổi ấy là do sự xuất hiện của Đấng Cứu Độ.  Bóng tối tội lỗi đã để lại cho con người một trạng thái buồn thảm và tuyệt vọng thì giờ đây ánh sáng cứu độ làm cho con người được tràn đầy hoan hỷ và hy vọng.  Niềm vui của họ được diễn tả bằng những hình ảnh sống động:  trước mặt Chúa, người ta vui như “thiên hạ mừng vui trong mùa gặt” hoặc như “người ta hỷ hoan chia nhau chiến lợi phẩm”.  Ánh sáng cứu độ Đức Ki-tô cũng “bẻ gãy” cái ách, cây gậy và ngọn roi của ma quỷ là địch thù của nhân loại.  Đấng Cứu Độ đã chiến thắng kẻ thù là sự chết và ma quỷ để đem lại tự do cho chúng ta, tựa như dân Chúa ngày xưa đã chiến thắng quân Ma-đi-an vậy.

        Để cụ thể hóa sự thay đổi này, ngôn sứ I-sai-a nói thẳng đến sứ mệnh của chính Đấng Cứu Độ.  Dù mới chỉ là một trẻ thơ chào đời hoặc là một người con, Đấng Cứu Độ cũng đã được Thiên Chúa trao ban quyền bính và trách nhiệm.  Quyền bính của Người là quyền bính của một vị Cố Vấn kỳ diệu, một Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở và Thủ lãnh hòa bình.  Những danh hiệu trên của Đấng Cứu Độ không phải là hữu danh vô thực, nhưng có đầy đủ sức mạnh và quyền bính làm thay đổi toàn thể nhân loại.  Với quyền bính ấy, trách nhiệm của Người là thiết lập một nền hòa bình viên mãn và một vương quốc vững bền.  Nói khác đi, Người sẽ đem lại cho nhân loại sự hòa giải vĩnh viễn với Thiên Chúa và phần gia nghiệp đời đời trên thiên đàng.

 

        2.  Chúa Giê-su là Ân sủng cứu độ của Thiên Chúa ban cho ta.  Nếu ngôn sứ I-sai-a đã giới thiệu Đấng Cứu Độ như một trẻ thơ hoặc một người con do Thiên Chúa ban cho nhân loại, thì thánh Phao-lô lại muốn trình bày Đấng Cứu Độ như một Ân sủng theo lối suy tư thần học.  Vì Chúa Giê-su là Ân sủng nguyên thủy, hoặc nói theo thánh Gio-an tông đồ, là “Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1:14), nên “từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (c. 16).  Vậy Chúa Giê-su là nguồn gốc ơn cứu độ như thế nào?  Thánh Phao-lô trả lời:  Chúa Giê-su là Ân Sủng của Thiên Chúa, nhưng không giống như các món quà tặng chúng ta trao cho nhau, mà là một Ân Sủng bằng xương bằng thịt được Thiên Chúa sai đến làm Thầy Dạy, nói đúng hơn, làm Mô-sê Mới để dạy chúng ta một Lề Luật Mới là Tin Mừng.  “Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này”.  Tuy nhiên, trước khi “dạy” chúng ta, Chúa Giê-su phải làm cho chúng ta có đủ tư cách để làm “học trò” của Người và làm “con cái” của Thiên Chúa.  Do đó, Người đã chịu chết trên thập giá để “cứu chuộc, thanh tẩy và làm cho chúng ta thành Dân riêng của Người”.  Nói tóm lại, hết thảy chúng ta được tuyển chọn thành dân Thiên Chúa, được giáo dục trong trường Tin Mừng của Chúa Giê-su, Đấng dạy chúng ta từ bỏ lối sống tội lỗi để được thanh luyện và hăng say làm việc thiện.  Nhìn lại đường lối cứu độ như thế của Thiên Chúa, chúng ta phải tin rằng việc Chúa Giê-su được sai đến quả là một Ân Sủng Thiên Chúa ban cho chúng ta trong đêm Con Một Người giáng trần.

 

        3.  “Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” là Tin Mừng vĩ đại.  Đã bao lần trên truyền thông chúng ta nghe nói đến những “tin quan trọng”.  Cuối cùng, những tin quan trọng ấy chỉ là nhắm lôi kéo sự chú ý của chúng ta mà thôi.  Hiện nay hầu như các tin “quan trọng” là để câu… like trên you tube như phương tiện cho người ta kiếm tiền.  Nhưng đêm nay, sứ thần Chúa đứng bên các người chăn chiên tại cánh đồng Bê-lem và bảo họ:  “Anh em đừng sợ.  Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân:  Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa”.  Một tin tức tầm thường như vậy sao có thể gọi là tin mừng trọng đại?  Có lẽ đầu óc chúng ta thích suy luận và phân tích nên không nhận ra được tính chất trọng đại thiêng liêng của mẩu tin.  Nhưng các mục đồng có một tâm hồn đơn sơ nên họ sẵn sàng nghe theo lời sứ thần để đi tìm Đấng Cứu Độ.  Chắc là các mục đồng này cũng chưa hiểu Đấng Ki-tô hay Đấng Cứu Độ là ai, nhưng vì tâm hồn đơn sơ nên chấp nhận ngay tin mừng trọng đại mà họ chưa hiểu biết.  Bước đầu Hành trình đức tin của các mục đồng là đón nhận tin mừng trọng đại, rồi theo dấu chỉ “một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ” mà lên đường.  Hỗ trợ cho những bước chân hành trình của họ là tiếng hát ca tụng Thiên Chúa của đạo binh thiên quốc.  Chúng ta có thể mường tượng ra khung cảnh Giáng Sinh nguyên thủy đầy tràn niềm vui thánh thiện của trời đất, của các thiên thần và những mục đồng đơn sơ chất phác, của “vinh danh Thiên Chúa trên trời” và “bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.  Đúng vậy, biến cố Giáng Sinh khai mở một triều đại mới để Thiên Chúa được vinh danh và loài người được bình an trong tình yêu của Thiên Chúa.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Đã bao nhiêu năm rồi, nghĩ hay nói đến Giáng Sinh là chúng ta lập lại lời đạo binh thiên quốc cất tiếng hát đêm Giáng Sinh rằng “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.  Nhưng có lẽ rất ít khi hoặc chẳng bao giờ chúng ta suy nghĩ xem những lời ấy có ý nghĩa gì hoặc xin người khác giải thích cho chúng ta biết nghĩa là gì.  Vậy đặc biệt Giáng Sinh năm nay, bạn hãy thử một lần cho biết, là suy nghĩ, tìm hiểu và nhất là cảm nghiệm từng lời hát của điệp khúc Giáng Sinh “Vinh danh” và “Bình an”, để bạn thấy rằng Giáng Sinh không chỉ là khởi đầu cho việc Chúa Giê-su thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, mà còn là việc bạn tích cực cộng tác vào kế hoạch làm vinh danh Thiên Chúa và kiến tạo hòa bình cho trần gian này. Quả thực chúng ta được mời gọi tích cực cộng tác vào sứ mệnh của Đấng Cứu Độ vậy.  Vậy bạn hãy bắt đầu bằng cách quỳ trước máng cỏ của Chúa đêm nay và chiêm ngưỡng Hài Nhi Giê-su, để cảm nghiệm được “vinh danh” và “bình an” của Thiên Chúa, của bạn và của tất cả thế giới này!

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C