Chúa từ nhân

Suy Niệm Chúa nhật III Mùa Chay – C

(Lc 13, 1-9)

Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là một Thiên Chúa từ bi nhân hậu, “chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103,8). Nếu không có lòng Chúa xót thương thì tất cả chúng ta hầu như hết đường sống.

Thiên Chúa của Israel là Đấng nhân từ

Môsê, người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa xuất thân từ một gia tộc tư tế (x.Xh 2,1), và bản thân ông là tư tế (Tv 99,6) được Thiên Chúa phái đến giải cứu dân Ngài và truyền đạt cho dân mạc khải của Thiên Chúa là Cha nhân từ. Một nhiệm vụ mà ông cảm thấy mình không được trang bị đúng mức (x.Xh 4,10-17). Một hôm, Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Môsê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng mà không bị thiêu rụi. Thấy lạ, ông tự nhủ: “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?” (Xh 3,3). Đức Chúa thấy ông lại xem liền gọi “Môsê! Môsê!”. Ông thưa: “Dạ, tôi đây!” (Xh 3,4). Người phán: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là ĐẤT THÁNH” (Xh 3,5).

Sau đó, Thiên Chúa lại phán: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Gia cóp” (Xh 3,6). Ông Môsê phải che mặt đi, vì SỢ NHÌN PHẢI THIÊN CHÚA. Tại sao vậy? Không phải là Thiên Chúa dữ tợn hoặc dị dạng khó nhìn, nhưng vì Thiên Chúa là Đấng Thánh. Mắt phàm nhân không thể nhìn thẳng vào mặt trời thì làm sao nhìn Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Sáng được? Biết vậy nên Đức Chúa liền trấn an ông Môsê: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật, xứ sở của người Canaan, Khết, Emôri, Pơrítdi, Khivi và Giơvút” (Xh 3,7-8).

Lúc đó, ông Môsê thân thưa với Thiên Chúa: “Bây giờ, con đến gặp con cái Ítraen và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?” (Xh 3,13). Thiên Chúa xác nhận với ông Môsê : “Ta là ĐẤNG HIỆN HỮU. Ngươi nói với con cái Ítraen thế này: Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em” (Xh 3,14). Không vòng vo. Trực tiếp. Chính xác. Rõ ràng. Thiên Chúa lại phán với ông Môsê : “Ngươi sẽ nói với con cái Ítraen thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia” (Xh 3,15).

Khi đọc đoạn Kinh Thánh này và biết rằng Thiên Chúa mà chúng ta đang tin kính và tôn thờ là Đấng nhân hậu từ bi.

Hãy mau hoán cải

Hai biến cố thời sự, một là cuộc nổi loạn của vài người Galilê bị quan Philatô đàn áp giết chết; hai là ngọn tháp tại Giêrusalem bị sụp đổ làm cho 18 người thiệt mạng; hai bi thảm khác nhau, một do con người tạo ra, và một do tai nạn. Người đương thời với Chúa Giêsu nghĩ rằng, tai nạn đã đổ xuống trên các nạn nhân, bởi vì họ đã phạm lỗi trầm trọng. Thay vì kết luận đơn giản coi sự dữ như là hình phạt của Thiên Chúa, Chúa Giêsu phục hồi lại hình ảnh chân thực của Một Vì Thiên Chúa từ nhân, không muốn sự dữ; Người còn yêu cầu đừng coi những tai họa đó như là kết quả trực tiếp của tội lỗi cá nhân. Chúa Giêsu kết luận: “Không phải thế. Tôi nói cho các người biết, nếu các người không ăn năn hối cải, các người cũng sẽ phải chết như vậy” (Lc 13,3.5). Chúa Giêsu muốn dẫn những kẻ lắng nghe Người đến kết luận về sự cần thiết phải ăn năn trở lại.

Để làm rõ lời kêu gọi hoán cải, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cây vả. Đã ba năm nay, cây không sinh quả. Ông chủ tượng trưng cho Chúa Cha và người làm vườn là hình ảnh của Chúa Giêsu, còn cây vả tượng trưng cho loài người vô cảm, khô cạn và cằn cỗi. Chúa Giêsu cầu khẩn Chúa Cha cho con người, xin Người chờ đợi và thêm chút thời gian, với ước mong những hoa trái tình yêu và công bình sẽ trổi lên trong nó. Cây vả mà ông chủ trong dụ ngôn muốn loại bỏ muốn nói đến một cuộc đời không sinh hoa trái, không biết cho đi, không biết làm việc lành. Ðó chính là biểu tượng của một người chỉ biết sống cho mình, trong sự đầy đủ, êm đềm và thoải mái của riêng họ, mà không để mắt, để tâm đến những người xung quanh, những người đang sống trong đau khổ, nghèo đói, và thiếu tiện nghi. Thái độ ích kỷ và không sinh hoa trái thiêng liêng này đi ngược lại với tình yêu lớn lao mà người làm vườn dành cho cây vả: bác ta kiên nhẫn, chờ dợi, dành thời gian và công sức cho nó. Bác ấy hứa với ông chủ sẽ chăm sóc đặc biệt cho cái cây đang gây thất vọng ấy.

Chúa nhân từ cho chúng ta thời gian để hoán cải. Dù nhiều lần trong đời, chúng ta là thứ cây cằn cỗi, không sinh hoa trái, nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn và cho chúng ta cơ hội để thay đổi, để tiến bộ mỗi ngày trên nẻo đường thánh thiện. Nhưng việc gia hạn cho đến ngày cây ra trái cho thấy việc hoán cải là điều cấp bách. Người làm vườn nói với ông chủ : “Xin cứ để nó lại năm nay nữa” (Lc 13,8).

Vậy hãy sám hối ngay ngày hôm nay để đón nhận lòng nhân từ Chúa. Amen.

 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C